NGUYÊN TẮC SỬ DỤNG CÁN BỘ CỦA BÁC HỒ
Tìm hiều tư liệu về cuộc Tọa đàm khoa học "Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ và sự vận dụng trong giai đoạn hiện nay", các nhà nghiên cứu nhận định di sản tư tưởngChủ tịch Hồ Chí Minhđể lại về cán bộ và công tác cán bộ có giá trị lý luận và sức sống thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta cho bất kể giai đoạn cách mạng nào. Trong lịch sử nhân loại, từ khi có Nhà nước thì việc dùng người luôn luôn quyết định sự thành bại của mỗi chế độ chính trị, quyết định sự nghiệp của từng nhà chính trị, tướng lĩnh, chỉ huy ... Phép dùng người của Bác Hồ là một nét đặc sắc nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam ... Mục đích và động lực
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở chính sách hay cũng không thể thực hiện được. Nhưng với Người tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ vẫn là đạo đức. Người cho rằng "Đạo đức là gốc", người cán bộ phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, mới có thể trở thành người cán bộ chân chính.
Gần 90 năm lãnh đạo đất nước và dân tộc, vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ đã giúp Đảng ta lựa chọn được đội ngũ cán bộ tốt, lãnh đạo và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ quan trọng của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng của Người đến nay vẫn tiếp tục là những chỉ dẫn quý báu đối với công tác cán bộ của Đảng, cả trong hiện tại và trong thời gian tới.
Với Bác Hồ, con người không bao giờ là phương tiện của các nhà chính trị, đảng chính trị... Nhân dân mới chính là người chủ sở hữu của quyền lực chính trị, con người vừa là mục đích vừa là động lực và sức mạnh của mọi sự nghiệp chính trị. Bác nói: Có lúc đường lối, chính sách đúng nhưng chúng ta quên rằng “vô luận việc gì, đều do con người làm ra và từ nhỏ tới to, từ gần tới xa, đều thế cả”. Công việc Đảng, nhà nước bao gồm nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ, công chức tốt để thực thi công vụ. Bác quan niệm “Vô luận việc gì đều do con người làm ra”, và kết luận: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý...”.
01 người vì mọi người
Động cơ thôi thúc Bác là tiến hành sự nghiệp vĩ đại: Giải phóng dân tộc, xã hội, con người, trong đó có độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào; làm cho mọi người ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chính động cơ ấy đã trở thành triết lý nhân sinh, thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ chính sách dùng người ở Bác.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã gặp gỡ mong muốn đời thường của mọi người lao khổ. Mọi người tập hợp dưới ngọn cờ của lãnh tụ, phấn khởi, tự hào được là lính Cụ Hồ, tuân theo sự điều khiển của lãnh tụ: “Bác bảo đi là đi”, bởi họ họ tin rằng “Bác bảo thắng là thắng”.
Các Mác từng nói: Muốn mọi người đối xử với mình thế nào thì hãy đối xử với mọi người như vậy. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã gửi thư tới các cấp phê phán thói “Kiêu ngạo, tưởng mình ở trong cơ quan nhà nước là thần thánh rồi, coi khinh dân gian, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin của dân, hại đến oai tín của Chính phủ”. Người căn dặn cán bộ, công chức các cấp: “Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”... Người không những có sức cảm hóa, những người có cùng chí hướng, và những người có cảm tình với cách mạng mà còn cả những người không có cùng chính kiến, thậm chí cả kẻ thù của mình. Sở dĩ như vậy là vì ở Người luôn toát lên sự thẳng thắn, trung thực, tôn trọng lẽ phải, tôn trọng con người và luôn ứng xử với nguyên tắc “Lý lẽ phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, luôn giải quyết công việc có lý, có tình”, xuất phát từ thực tế.
Vào tháng 8-1945, Bác Hồ gửi thư cho một sĩ quan Mỹ có thiện cảm đã giúp cách mạng Việt Nam một số việc, Bác viết; “Chiến tranh đã kết thúc, Mọi thứ đều thay đổi. Nhưng tình bạn của chúng ta vẫn thế, không bao giờ thay đổi... Tôi rất tiếc vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên ông, ông cũng đừng quên chúng tôi nhé! Ngày mai tươi sáng sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ vào ngày đó”.
Đối với quan lại chế độ cũ, Bác nói với cương vị chủ tịch nước: “Các ủy ban địa phương cần phải tỏ rõ thái độ rộng lượng với các cựu công chức và quan lại ấy. Nếu không thấy nhân dân oán hờn họ thì cứ để họ sống yên ổn... Chính phủ muốn để cho họ tự giác ngộ, khiến họ tự ý tham gia vào phong trào kháng chiến, kiến quốc một cách thành thực và mong chuộc lại lỗi lầm xưa”.
Hiểu ta, biết người...
Xưa nay, các vĩ nhân làm nên sự nghiệp lớn đều có chung một tư tưởng: “biết mình biết người”, “biết địch biết ta”. Sự “Biết” ấy chính là bí quyết của thành công. Bác nói: “...muốn biết sự phải trái của người ta, thì trước hết phải biết sự phải trái của mình. Nếu không biết sự phải trái ở mình thì chắc chắn không thể nhận rõ người cán bộ tốt hay xấu”.
Bác đã chỉ ra một số căn bệnh cơ bản làm cho người cán bộ không tự biết được mình. Đó là: Bệnh cậy thế kiêu ngạo, bệnh ưa người ta phỉnh nịnh mình. Bệnh “tư túng”, bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, máy móc, giáo điều. Người cán bộ lãnh đạo, quản lý mắc những bệnh tật ấy, không hiểu được cái mạnh, cái yếu của mình, nên không thể biết được người khác. Muốn biết rõ cán bộ, muốn đối đãi một cách đúng đắn các hạng người, trước hết phải sửa những khuyết điểm của mình. Mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng”. Trên cơ sở tự hiểu mình, cần phải có phương pháp xem xét để hiểu cán bộ một cách thấu đáo, “không nên chỉ xét mặt ngoài, chỉ xét một lúc, một việc, mà phải xét kỹ cả toàn bộ công việc của cán bộ”. Theo Bác, muốn dùng cán bộ đúng thì người cán bộ lãnh đạo cần độ lượng thì mới có thể chí công vô tư, không thành kiến, cần gần gũi hơn với những người mình không thích để tìm hiểu về họ. Phải chịu khó thuyết phục, động viên mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ. Phải sáng suốt, mới khỏi bịrơi vào bẫy nịnh bợ. Thân mật, gần gủi với cấp dưới để họ nói thật với mình. Khéo dùng cán bộ là phải biết tập hợp tài năng của mọi người vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Muốn cán bộ làm việc hiệu quả thì phải cho họ thực sự an tâm trong vị trí công tác. Phải làm cho cán bộ dưới quyền mạnh dạn, dám nói, dám làm, dám đề xuất sáng kiến và làm chủ công việc.
Bác Hồ đặc biệt chú trọng đến hoạt động thực tiễn của cán bộ. Người cho rằng không chỉ cần viết hay, nói giỏi mà còn phải xem một tổ chức, một cán bộ bất cứ ở cấp bậc nào, họ có “nói đi đôi với làm" hay không. Đây là một tư tưởng đã trở thành nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác.
Trân trọng cấp dưới
Muốn có cán bộ tốt thì cơ quan lãnh đạo, quản lý "Phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quy báu”. Muốn dùng người thì phải quan tâm săn sóc, giúp đỡ, phải nâng cao người cán bộ, cả về đời sống vật chất và đời sống tinh thần, làm cho người cán bộ ngày càng “lớn lên” cùng với sự nghiệp cách mạng, phải thường xuyên huấn luyện cán bộ để bất cứ cán bộ nào cũng “vững về chính trị, giỏi về chuyên môn”
Mỗi thế hệ cán bộ sinh ra và trưởng thành trong những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, mỗi người đều có sở trường và sở đoản, cái mạnh vàcái yếunhất định, tuyệt nhiên không ai giống ai. Bác nhắc nhở phải thấy cái giới hạn khắc nghiệt của thời gian để tạo nguồn thay thế, bổ sung cho tổ chức những lớp người mới, đủ sức lực và tài năng đảm đương các nhiệm vụ theo những yêu cầu mới. Theo Người, cần cán bộ già đồng thời cũng cần nhiều cán bộ trẻ... công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt Đảng phải đào tạo, dìu dắt những đồng chí trẻ. Một mặt, đảng viên già phải cố gắng mà học”. Việc đổi mới cán bộ phải rất khách quan, công minh cần lấy việc hoàn thành nhiệm vụ làm căn cứ, phải tổng kết từ phong trào thực tiễn, phát hiện những nhân tố mới, những cán bộ trẻ có đức có tài để trao nhiệm vụ cho họ. Mặt khác cũng cần tạo điều kiện cho số cán bộ lớn tuổi đã công tác quá lâu trong các văn phòng có điều kiện thâm nhập thực tế để khỏi lạc hậu với thực tế. Vấn đề luân chuyển cán bộ hiện nay là chủ trương đúng phù hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tôn vinh sự tự trọng ...
Bác cho rằng: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là vô dụng”. Vì vậy phải xem xét kỹ trước khi cất nhắc, giúp đỡ, vun trồng, khuyên răn, khích lệ lòng tự tin, tự trọng; kiểm tra, uốn nắn thường xuyên, không để “tích tiểu thành đại”. Hễ thấy khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay, để vun trồng các thói có gan phụ trách, có gan làm việc của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng mà cốt làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “Bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”
Bác đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ cấp trên. Người đã nhiều lần nhắc nhở Đảng viên, cán bộ cấp trên phải làm gương tốt cho cán bộ cấp dưới và người ngoài Đảng. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nếu cán bộ cấp trên không gương mẫu thì làm sao bảo ban, hướng dẫn được cấp dưới, làm sao duy trì được kỷ luật đảng và trật tự kỷ cương phép nước..
Đổi mới quản lý
Nhân dân phải là người được tham gia vào quá trình ra quyết định thường chỉ “nhìn từ trên xuống”, còn người thi hành quyết định chỉ “nhìn từ dưới lên”, cả hai đều có hạn chế. “Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải hợp kinh nghiệm cả hai bên lại”. Kiểm soát là điều bắt buộc của lãnh đạo, “muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy, muốn biết các nghị quyết có được thi hành không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát”. Việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường xuyên. “Người đi kiểm soát phải là những người có uy tín”. “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”, phải kiểm soát bằng 2 cách, từ trên xuống và từ dưới lên, “tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của lãnh đạo và bày tỏ cái cách sửa chữa sự sai lầm đó”. Phép dùng người của Bác Hồ đã được thực tiễn lịch sử kiểm nghiệm, khẳng định thành chân lý đúng đắn để chúng ta học tập.
Nguyễn Tấn Tuấn
(Bài viết có tham khảo từ bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập)