Hiện thực hóa tâm nguyện Người xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Hiện thực hóa tâm nguyện Người xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc
HIỆN THỰC HÓA TÂM NGUYỆN NGƯỜI XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC PHỒN VINH, HẠNH PHÚC
Ngày 19-5 năm nay, Đảng ta, dân tộc ta kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Người gắn với sự kiện 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021). Vào thời điểm này, đất nước trải qua 35 năm đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Hơn 45 năm “Bắc-Nam sum họp một nhà” thỏa lòng Bác ước mong, giờ đây bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam đang tiếp tục tỏa sáng trong thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng, hùng cường, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong niềm vui phấn khởi và tự hào đó, ngày ngày 23/ 5/ 2021 toàn dân ta trực tiếp cầm lá phiếu của mình đi lựa chọn người có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân để bầu vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp khóa mới (nhiệm kỳ 2021-2026), với quyết tâm đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Một góc TP. Hồ Chí Minh hôm nay - Ảnh: caobangtv.vn
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến con người, chăm lo phát triển con người. Người tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (1). Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào mục đích phấn đấu suốt đời của mình là vì độc lập, tự do của dân tộc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Người đã dành tất cả tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí, cho già, trẻ, gái, trai, từ miền xuôi đến miền ngược, từ Bắc đến Nam...Tư tưởng đó của Người mang bản chất cốt lõi là Đảng, Nhà nước không có lợi ích gì khác ngoài việc chăm lo cuộc sống hạnh phúc, ấm no trong độc lập, tự do, hòa bình thật sự của nhân dân. Vì vậy, chính sách của Đảng, quyết sách của Nhà nước; hành động của từng cán bộ, đảng viên đều phải hướng đến mục đích cuối cùng là vì nhân dân. Đó là giá trị nhân văn cao đẹp, là biểu hiện tiến bộ của xã hội xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Bởi vậy, ngay sau thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định mục tiêu - triết lý phát triển Việt Nam là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Tiêu chí đó đã dẫn dắt dân tộc ta đi từ thắng lợi trong tiến trình bảo vệ độc lập, thống nhất của Tổ quốc và ngày nay tiếp tục là mục tiêu cơ bản để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phấn đấu trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ nước CHXHCN Việt Nam. Trong hòa bình, xây dựng đất nước, mỗi người dân trên đất nước Việt Nam đều cảm nhận được sâu sắc hơn giá trị của độc lập, tự do, của niềm vui được sống trong Độc lập-Tự do-Hạnh phúc. Nội dung đó được khẳng định rất rõ trong Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” (2).
Đã hơn 70 đất nước độc lập, hơn 45 năm thực hiện Di chúc Bác dặn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đã từng bước được xây dựng, phát triển, củng cố và hoàn thiện về các mặt: lập pháp, hành pháp và tư pháp; thật sự là công cụ quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, lợi ích và nguyện vọng của toàn dân tộc. Nhà nước ta đã thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội theo pháp luật và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tiến hành đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực của nước ta đã lớn mạnh hơn nhiều; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính tự chủ của nền kinh tế được cải thiện. Trong đó, nước ta đã có quy mô GDP 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới (từ xếp hạng thứ 55 đầu nhiệm kỳ), 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP. Nước ta đã quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 quốc gia, vùng lãnh thổ..
Tất nhiên, so với điều Bác dặn về “những công việc sau chiến tranh” thì chúng ta còn nhiều công việc phải làm và còn phải tiếp tục chiến đấu, hy sinh, gian khổ, vì đó là “công việc to lớn, phức tạp, khó khăn, là cuộc chiến đấu khổng lồ”, mặc dù thời gian đã trôi qua hơn 45 năm thực hiện Di chúc của Bác với 13 kỳ Đại hội, nhưng nhiều việc phát triển chưa tương xứng với kế hoạch đề ra để “xây dựng đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc”.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, hoàn thiện những mục tiêu đã được xác định từ những Đại hội Đảng trước đây; căn cứ vào điều kiện, khả năng thực tế của đất nước và xu thế phát triển của thế giới, Văn kiện Đại hội XIII, Đảng chủ trương khơi dậy ở một tầm cao mới khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII xác định các mục tiêu cụ thể: “phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, cơ bản có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” (3).
Các cột mốc cụ thể vào năm 2030, 2045..chúng ta đã có những tiền đề quan trọng để đi xa! Nhưng để đi đến đích, cần sự nỗ lực, chung sức của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong vai trò, vị trí cụ thể của mình. Vấn đề đặt ra nữa là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” (4), muôn người như một, quyết tâm thực hiện kế hoạch đó, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách nghiêm túc và chất lượng hơn. Trong đó Bác yêu cầu “các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” (5), và “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” (6). Có một Đảng Cộng sản Việt Nam đạo đức, văn minh, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đảm bảo vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Di huấn của Bác Hồ thì dù khó khăn đến mấy, nhất định Đảng sẽ lãnh đạo toàn dân làm nên những kỳ tích mới.
Thiết thực kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Bác gắn với sự kiện 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021), toàn Đảng, toàn dân, 54 dân tộc anh em kính dâng lên Người triệu triệu đóa hoa tươi thắm, nguyện suốt đời học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước”; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một đất nước giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc.
Với khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc được thúc đẩy bằng động lực đổi mới sáng tạo, nhất định đất nước ta sẽ “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” trong thế kỷ XXI, như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và mong ước cháy bỏng của toàn dân tộc ta.
Nguyễn Văn Thanh
Chú thích:
(1) Ban TT-VH TRUNG ƯƠNG, Một số lời dạy và mẩu chuyện về Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXBCTQG, H, 2007.
(2) Toàn văn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, năm 2007 trang 60.
(3,4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQGST, tập II, trang 326-327, 330.