Bác Hồ căn dặn phong trào thi đua phải bền bỉ liên tục
Tại Đại hội thi đua của lực lượng Công an nhân dân vũ trang (Lực lượng Bộ đội Biên phòng ngày nay) lần thứ nhất vào năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự, động viên Đại hội. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang rằng phong trào thi đua phải bền bỉ liên tục.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trao Huy hiệu cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600, Công an nhân dân vũ trang
(nay là lực lượng Bộ đội Biên phòng) tại Đại hội mừng công ngày 21/12/1965. Ảnh: Tư liệu lịch sử.
Tình cảm của Bác Hồ với Bộ đội Biên phòng
Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là lực lượng Bộ đội Biên phòng). Nghị định nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.
Ngay từ ngày đầu thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, ngày 5/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến động viên, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Người căn dặn đồng chí Phan Trọng Tuệ (Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an nhân dân vũ trang) rằng, phải bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân vũ trang có kiến thức toàn diện, không chỉ hiểu biết sâu sắc về chính trị, quân sự, nghiệp vụ công an, mà còn phải am hiểu về pháp luật trong nước và quốc tế, về ngoại giao, y tế và kinh tế.
Ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Người đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân vũ trang rằng: “Chúng ta phải dựa vào dân. Nhất là công an biên phòng, ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta. Đối với những đơn vị biên thuỳ hay ở các đảo, việc ấy phải hết sức chú ý; phải giúp đỡ dân, ngày thường tìm mọi cách giáo dục họ, giúp đỡ, tổ chức họ. Muốn làm như thế, phải nắm vững chính sách đối với đồng bào thiểu số, điều đó rất cần thiết”. Người cũng căn dặn cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân vũ trang phải: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần đến dự Hội nghị chiến sĩ thi đua của toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Tại Đại hội thi đua của lực lượng Công an nhân dân vũ trang lần thứ nhất vào năm 1962, Người đã đến dự, động viên Đại hội. Người căn dặn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang rằng: “Trước hết, phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu,… phải làm cho nhân dân cùng cảnh giác và giúp đỡ mình, đơn vị mình trong công việc… Thứ hai, tổ chức và kế hoạch công tác phải tăng cường hơn nữa… Thứ ba, phải đoàn kết, đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân… Thứ tư, phải cố gắng học tập chính trị, học tập nghiệp vụ, quân sự, học văn hóa và thời sự. Thứ năm, phong trào thi đua phải bền bỉ liên tục”. Người cũng hứa sẽ tặng lực lượng Công an nhân dân vũ trang một lá cờ luân lưu để thưởng đơn vị nào thi đua khá nhất. Người sẽ ký tên vào lá cờ này và đơn nào giành được cờ thì được thêu tên vào đây. Tiếp đó, Người động viên cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang rằng: “Non xanh nước biếc trùng trùng/ Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/ Núi cao, sự nghiệp càng cao/ Biển sâu, chí khí ta so vào càng sâu/ Thi đua ta quyết giật cờ đầu”.
Theo lời Người căn dặn
Ngay sau ngày thành lập, Công an nhân dân vũ trang đã chủ động triển khai nhiệm vụ bảo vệ biên giới, bờ biển miền Bắc, giới tuyến quân sự tạm thời và các mục tiêu quan trọng trong nội địa của 33 khu, tỉnh, thành miền Bắc và Thủ đô Hà Nội. Trên chiến trường miền Nam, sự chiến đấu anh dũng của hơn 5000 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang miền Bắc chi viện đã tạo thêm sức mạnh cho quân dân miền Nam. Các chiến sĩ an ninh vũ trang đã sát cánh với các lực lượng vũ trang khác chiến đấu giải phóng Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn… nhanh chóng tiếp quản các vùng giải phóng, giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống xã hội, tuyên truyền cho Nhân dân hiểu rõ và tin tưởng vào cách mạng.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Công an nhân dân vũ trang nhanh chóng tổ chức triển khai lực lượng trên cả nước, hình thành một hệ thống bảo vệ biên giới thống nhất; phối hợp với Công an, Quân đội và nhân dân cả nước quyết tâm đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến”, truy quét tàn quân tổ chức phản động FULRO, chống vượt biên, vượt biển trái phép, bóc gỡ cơ sở ngầm của địch, củng cố hệ thống chính trị cơ sở mới thành lập ở các tỉnh biên giới phía Nam.
Công an nhân dân vũ trang cũng lập công to lớn trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, ngày 10/10/1979, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết số 22-NQ/TW chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và đổi tên thành Bộ đội Biên phòng. Năm 1988, Bộ đội Biên phòng chuyển sang trực thuộc Bộ Nội vụ cho đến năm 1995 thì chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Ngày 3/3 được lấy làm ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng và tiếp đó ngày này cũng trở thành Ngày Biên phòng toàn dân từ năm 1989.
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng trình Quốc hội và Chính phủ ban hành những văn bản pháp luật hết sức quan trọng như: Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Luật biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản qui định chi tiết.
Trong 64 năm qua (1959-2023), dưới sự lãnh đạo của Đảng và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cán bộ, chiến sĩ lực lượng Bộ đội biên phòng không ngừng trưởng thành, lập nhiều chiến công, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc. Toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã hai lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; một Huân chương Sao Vàng, ba Huân chương Hồ Chí Minh, hai Huân chương Độc lập, ba Huân chương Quân công, một Huân chương Lao động hạng Nhì, hai Huân chương Lao động hạng Ba, 156 lượt tập thể, 67 cá nhân tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng vạn tập thể và cá nhân được trao tặng các phần thưởng cao quý khác.
Nguyễn Văn Toàn