Trao giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2017
Tối 14/5/2018, tại Hà Nội diễn ra lễ trao Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017 cho các công trình nghiên cứu có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Tới dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, Sở KHCN, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh, thành phố, cùng đông đảo các tác giả, nhóm nghiên cứu, các nhà sáng tạo kỹ thuật, đại diện một số DN
Đại diện Liên hiệp các hội KH&KT Sơn La được mời dự buỗi lễ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Chủ nhiệm và đồng Chủ nhiệm của 4 công trình đạt giải Nhất Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam 2017. Ảnh: VGP/Đình Nam
Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2017 có 19 tỉnh và 01 bộ (Bộ Quốc phòng) gửi công trình tham dự và một số tác giả gửi trực tiếp cho Ban tổ chức. Có 40 công trình đạt giải, gồm 4 giải nhất, 8 giải Nhì, 15 giải Ba và 13 giải khuyến khích. Cụ thể các lĩnh vực:
Cơ khí –Tự động hóa 9 giải.
Công nghiệp vật liệu 7 giải.
Công nghệ thông tin-Điện Tử-Viễn thông 5 giải
Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống 6 giải
Công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên 8 giải
Công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới 5 giải
Bốn công trình đoạt giải Nhất là:
(1).Nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, hiện thực công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp chế biến nông sản. (Tác giả: Ths Trần Văn Trà và cộng sự, Công ty CP Tập đoàn Hương Sen, Thái Bình)
(2).Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo sản phẩm mới ống khuyếch đại ánh sáng (EOP) thế hệ 2+, đường kính 36,7 mm có tính năng tự động điều chỉnh độ sáng màn hình. (Tác giả Ks Nguyễn Bình Nguyên và cộng sự, Nhà máy Z181, Tổng cục công nghiệp quốc phòng)
(3).Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường.(Tác giả Phạm Quang Tuyến, Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao)
(4).Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng dàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác, đạt công suất cao kỷ lục tại Công ty Than Hà Lầm. (Tác giả Lê Minh Chuẩn, Công ty CP than Hà Lầm- Vinacomin)
Đáng chú ý Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã trao Giải WIPO cho công trình “Nghiên cứu phát triển mới các dây chuyền tự động, thực hiện công nghệ tiên tiến sản xuất sữa gạo, đóng gói màng co tự động inline phục vụ công nghiệp chế biến nông sản”.
Trong số 40 công trình đạt giải, có 22 công trình do doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu hoặc nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, gồm 4 giải Nhất, 3 giải Nhì, 8 giải Ba, 7 giải Khuyến khích).
Có 17 công trình của một số Trường đại học và Viện nghiên cứu, Trung tâm khoa học công nghệ. (Có công trình do nhà nước đầu tư đề tài khoa học, có công trình do đơn vị và cá nhân đầu tư nghiên cứu).
Có một công trình của nông dân đạt giải khuyến khích. Đó là công trình “sử dụng túi nilon nhiều màu làm túi bao trái xoài tứ quý để phân biệt và xác định độ tuổi, tạo màu sắc trái”. Tác giả ông Trần Văn Nhọn, Ấp Thạnh Lộc, Xã Thạnh Phong, Huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre.
Phan Đức.