Hội thảo Vai trò của Liên hiệp Hội Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia
HỘI THẢO VAI TRÒ CỦA LIÊN HIỆP HỘI VIỆT NAM TRONG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC QUỐC GIA
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo “Vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia”; PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam; PGS.TS - Lê Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, TS Lê Công Lương – Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì hội thảo; dự hội thảo có các đại biểu đến từ Cục bảo tồn đa dạng sinh học, Liên hiệp hội các tỉnh, thành phố, các tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam có liên quan đến lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.
Ảnh: Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Cục đa dạng sinh học báo cáo nội dung cơ bản của Chiến lược Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2020 tầm nhìn đến 2050. Các báo cáo tham luận trình bày về: Vai trò của VUSTA trong bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; vai trò của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học; Ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo tồn đa dạng sinh học; một số kết quả trong bảo tồn đa dạng sinh học tại một số tỉnh về các vật hoang dã, voọc gáy trắng, một số dự án cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học, …. và những vấn đề mới trong triển khai đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã; phương án bảo vệ các động vật quý hiếm; chương trình áp dụng công nghệ trong giảm rác thải ra môi trường biển góp phần phục hồi và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và hệ sinh thái biển; hướng mới về bảo tồn sinh học môi trường, thiên nhiên.
Ảnh: Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp Hội Sơn La báo cáo tham luận tại hội thảo
Các đại biểu cho rằng, các đơn vị liên quan đến bảo tồn và đa dạng sinh học đã chủ động, tâm huyết trong bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường, tuy nhiên hiện nay do sự phát triển một số khu công nghiệp, tác động không tốt đến môi trường phát triển đa dạng sinh học; các tổ chức đa dạng sinh học cần nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức KHCN thuộc VUSTA phải nắm chắc các nội dung về đa dạng sinh học, bám sát chức năng, nhiệm vụ, vai trò phản biện của Liên hiệp Hội và các đơn vị KHCN, tham gia các chương trình điều tra đánh giá các dự án về đa dạng sinh học liên vùng; phối hợp với Bộ, ngành có thông tin đầy đủ, chính xác để tham mưu thực hiện đúng, trúng quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia; Liên hiệp Hội cần nghiên cứu, đưa ra các thông điệp về thiên nhiên để có tác động, đầu tư phù hợp; khuyến khích cộng đồng tham gia phục hồi tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, môi trường… Các nỗ lực hiện tại chưa đủ, cần quyết liệt hơn nữa.
Đại diện lãnh đạo Cục Bảo tồn thiên nhiên về đa dạng sinh học Bộ tài nguyên và Môi trường đánh giá cao sự đóng góp của Liên hiệp Hội và các đơn vị khoa học công nghệ trong quá trình tư vấn, xây dựng chính sách, xây dựng chương trình, mô hình bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học cấp vùng, địa phương; tiềm lực trí tuệ, tri thức, kinh nghiệm về lĩnh vực đa dạng sinh học của hệ thống Liên hiệp Hội là rất lớn do vậy đề nghị Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp triển khai Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, hoàn thiện hệ thống văn bản về đa dạng sinh học (rà soát, đánh giá Luật về đa dạng sinh học); là đầu mối, phối hợp với Liên hiệp Hội địa phương có những đề xuất, kiến nghị về mô hình, sáng kiến về đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên, môi trường.
Tiếp thu ý kiến tại Hội thảo Liên hiệp Hội Việt Nam tiếp tục nghiên cứu đề xuất nhiệm vụ giải pháp thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là việc thực hiện Chiến lược Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050./.
Minh Nguyệt