Đồng chí Khuất Duy Tiến với nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia
Ảnh 3: Chân dung Trung tướng Khuất Duy Tiến. Ảnh: qdnd.vn
Nói về Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, Trung tướng Khuất Duy Tiến (28/2/1931-23/11/2024) nhớ lại: “Những người lính Việt Nam đã thực sự đồng cảm với nỗi đau của Nhân dân Campuchia như với chính đồng bào ruột thịt của mình”.
Đồng chí Khuất Duy Tiến với nghĩa vụ quốc tế trong sáng và cao cả
Cuối tháng 3/1975, Quân đoàn 3 được thành lập với 3 sư đoàn bộ binh (10, 320, 316) và các đơn vị binh chủng. Đồng chí Khuất Duy Tiến nhận trọng trách Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn 3.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Khuất Duy Tiến đốc chiến các đơn vị tiến công căn cứ Đồng Dù, chi khu Trảng Bàng, trại Quang Trung… đập tan tuyến phòng thủ mạnh nhất của ngụy Sài Gòn ở hướng tây bắc, mở cửa vào Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu quân lực ngụy Sài Gòn lúc 11 giờ 30 ngày 30/4/1975.
Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), đồng chí Khuất Duy Tiến làm Chánh văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 (đóng quân ở thị xã Thủ Dầu Một).
Tháng 10/1977, Quân đoàn 3 lên biên giới Tây Ninh đánh trả quân Polpot, đồng chí Khuất Duy Tiến được đưa trở về Trưởng phòng tác chiến Quân đoàn 3 để xây dựng phương án chiến đấu.
Từ tháng 12/1976 đến tháng 11/1979, đồng chí Khuất Duy Tiến là Sư đoàn phó rồi Sư đoàn trưởng Sư đoàn 320, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Campuchia.
Tháng 8/1978, Sư đoàn 320 tiến công địch, mở rộng địa bàn và hành lang liên kết với lực lượng nổi dậy của bạn, đưa hàng vạn người dân ra vùng căn cứ. Trong chiến dịch mùa khô 1978, đồng chí Khuất Duy Tiến chỉ huy lực lượng hành tiến thọc sâu, đánh xuyên từ huyện lỵ Memot (tỉnh Kampong Cham, Campuchia) theo đường 7 (Campuchia), chỉ trong 1 ngày (cấp trên cho 3 ngày) đã diệt gọn sở chỉ huy mặt trận của Pol Pot ở Krong Suong (tỉnh Tboung Khmum).
Trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh đầu tháng 1/1979, Sư đoàn 320 đã kiên cường vượt sông Mê Kông dưới mưa đạn, tấn công làm chủ thị xã Kampong Cham, mở cửa cho Sư đoàn 10 tiến vào giải phóng Phnom Penh.
Sau ngày giải phóng Phnom Penh, sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến lại chỉ huy đơn vị tiêu diệt các mục tiêu, giải phóng Tà Keo, khai thông tuyến đường 3 Phnom Penh - Tà Keo và đánh vào sào huyệt quân khu Tây Nam của Polpot, giải phóng Nhân dân Campuchia bị giam giữ, xây dựng chính quyền giúp bạn.

Người dân Campuchia rót nước cho các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam giúp Nhân dân Campuchia thu hoạch lúa.
Ảnh tư liệu lịch sử.
Sau này, đồng chí Khuất Duy Tiến nhớ lại: “Trên đường tiến công và truy quét địch, tôi chứng kiến rất nhiều câu chuyện và hình ảnh xúc động của Quân tình nguyện với Nhân dân Campuchia. Vừa đánh địch nhưng đơn vị nào cũng tổ chức bộ phận giúp đỡ người già yếu, em nhỏ trên cung đường đảm nhiệm. Nhìn đoàn người đói rách, kiệt sức, những em bé bị suy dinh dưỡng héo quắt, ai ai cũng rơm rớm nước mắt. Khi càn quét địch, để đưa dân ra, trong điều kiện bộ đội ăn uống chưa đủ nhưng Sư đoàn vẫn để ra 5 tấn gạo cùng thuốc men, quần áo cứu dân. Những người bị đói lả được quân y nấu cháo loãng cho ăn, khi tỉnh thì cho ăn cơm và uống thuốc, khi về được Quân tình nguyện cho gạo, muối… Nhiều người dân cảm động, rơi nước mắt, mang ơn cứu sinh của bộ đội Việt Nam”.
Đồng chí Khuất Duy Tiến cũng đã chia sẻ: “Quân đội và chuyên gia Việt Nam đã giúp đỡ hàng triệu người dân Campuchia trở về quê cũ, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền, làm sạch giếng, cung cấp lương thực... Lực lượng ngành y của Việt Nam đi cùng bộ đội thời bấy giờ thì chữa bệnh cho người dân Campuchia. Dần dần trường lớp, làng mạc, bệnh viện, trường học… được khôi phục lại.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo hành động theo từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn đầu do người dân Campuchia chưa có gì, Việt Nam sẽ thực hiện “Việt Nam làm giúp Campuchia”. Khi người dân Campuchia đã có cơ sở, Việt Nam chuyển sang khẩu hiệu “Ta, bạn cùng làm”. Giai đoạn ba là “Bạn làm, ta giúp” - nghĩa là khi người dân Campuchia đã đủ khả năng, người dân Campuchia yêu cầu tới đâu Việt Nam giúp tới đó. Cuối cùng, khi chính quyền Campuchia thực sự lớn mạnh thì Việt Nam rút toàn bộ Quân tình nguyện về nước”.
Tình cảm sâu sắc của Nhân dân Campuchia với Quân tình nguyện Việt Nam

Tình cảm sâu sắc của Nhân dân Campuchia với với Quân tình nguyện Việt Nam. Ảnh: Tư liệu lịch sử.
Tập đoàn Pol Pot sau khi lên nắm quyền ở Campuchia vào tháng 4/1975 đã đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa diệt chủng. Tập đoàn Pol Pot còn tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, gây nên những tội ác dã man đối với Nhân dân Việt Nam.
Sau khi thực hiện quyền tự vệ chính đáng, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và Nhân dân Campuchia, vào ngày 7/1/1979, Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp dân tộc Campuchia giải phóng khỏi ách thống trị tàn bạo của tập đoàn Pol Pot - những kẻ đã cướp đi sinh mạng của gần 1/4 dân số Campuchia lúc đó.
Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia thành lập và đề nghị Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục phối hợp với lực lượng vũ trang Campuchia truy quét tàn quân Pol Pot, củng cố chính quyền cách mạng. Cùng với hoạt động quân sự, Việt Nam đã cử nhiều chuyên gia giúp Campuchia xây dựng chính quyền cơ sở, hỗ trợ vật chất giúp phục hồi kinh tế từ đống đổ nát do chế độ diệt chủng để lại.
Mười năm sau, vào năm 1989, khi đã giúp đỡ chính quyền bạn đứng vững vàng, Quân tình nguyện Việt Nam mới rút khỏi Campuchia về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế trong sáng và cao cả. Hàng vạn Quân tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống cho Nhân dân Campuchia được hồi sinh.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk từng nhận định: “Nếu Việt Nam không đánh đuổi bọn Pol Pot thì tất cả mọi người Campuchia có thể đã bị chết. Khmer Đỏ có thể đã giết chết tất cả chúng ta... chúng ta có thể nói rằng Đảng Nhân dân Campuchia không mắc sai lầm khi đề nghị Việt Nam giúp đỡ chống Khmer Đỏ, bởi vì nếu chúng ta không được giải phóng khỏi bọn Pol Pot thì toàn dân tộc có thể đã bị tiêu diệt”.
Ngày 2/1/2012, khi đến Đồng Nai dự lễ khánh thành di tích lịch sử Sư đoàn 125, tiền thân của lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia, Thủ tướng Campuchia Hun Sen trả lời báo chí rằng: “Chúng tôi gọi bộ đội tình nguyện Việt Nam là đội quân của Tiên, của Phật. Nhân dân Campuchia theo đạo Phật và tin Tiên, Phật có thể giúp đỡ được mọi người. Khi khó khăn sắp chết thì chắp tay khấn Phật, Tiên cứu giúp mà lại có đơn vị bộ đội Việt Nam thì rõ ràng bộ đội Việt Nam là lực lượng của Tiên, của Phật rồi”.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng đã nói: “Hoạt động của Quân tình nguyện của Việt Nam tại Campuchia là từ sự yêu cầu của Nhân dân Campuchia. Chúng ta có thể hỏi rằng trên thế giới này có đất nước nào đã giúp Nhân dân Campuchia, đặc biệt là giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và ngăn cản sự quay trở lại của chúng? Câu trả lời chính là Nhân dân và quân đội Việt Nam!”.
Ngày 20/12/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bày tỏ cảm ơn sâu sắc về sự ủng hộ giúp đỡ to lớn, vô tư, trong sáng mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, cứu đất nước và Nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại cũng như trong sự nghiệp hòa hợp dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen khẳng định dù tình hình thế giới có thay đổi thế nào thì quan hệ “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” giữa Campuchia và Việt Nam cũng không thể thay đổi.
Ngày 20/6/2022, tại khu vực bia di tích ở khu vực lối mở Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, Thủ tướng Campuchia Hun Sen một lần nữa đã khẳng định: “Sự giúp đỡ của Nhân dân Việt Nam thể hiện tinh thần hữu nghị trong sáng, tốt đẹp giữa hai nước, Nhân dân hai nước; tôi tin tưởng mối quan hệ này sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.
Nguyễn Văn Toàn