Năm 2024, mặc dù thiên tai, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quyết tâm, nỗ lực phấn đấu của doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân, nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, chuyển mạnh sang sảng xuất hàng hóa, hình thành nhiều vùng nông sản tập trung phục vụ nhà máy chế biến, cung ứng cho thị trường trong nước, xuất khẩu; giá trị xuất khẩu nông sản hàng hóa tăng mạnh…góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 16.809 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 151 tỷ đồng so với năm 2023, chiếm 21,9% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể với 74 xã đạt chuẩn, tăng thêm 9 xã so với năm trước. Trong số này, có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%, trong đó 42% được tiếp cận nước sạch.
Sản xuất nông nghiệp năm 2024 ghi nhận sự tăng trưởng ổn định trong nhiều lĩnh vực, bất chấp những ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết khắc nghiệt. Diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 33.865 ha, tăng 5,7% so với năm trước, trong khi sản lượng một số loại cây trồng chính như mía (664.096 tấn) và chè búp tươi (56.386 tấn) cũng tăng lần lượt 1,9% và 3,8%. Chăn nuôi tiếp tục phát triển với đàn lợn tăng 13,3% và sản lượng sữa tươi đạt 92.100 tấn, tăng 1,2%.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, với 7 vùng sản xuất công nghệ cao được công nhận, bao gồm chè, cà phê, na, nhãn, xoài và bò sữa. Các hệ thống tưới tiết kiệm nước đã được triển khai trên 3.209 ha; diện tích cây trồng hữu cơ đạt 264,79 ha; diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 5.596 ha.
Giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh ước đạt 190 triệu USD, tăng 6,9% so với năm 2023, với sản lượng 175.823 tấn. Các sản phẩm chủ lực bao gồm cà phê, chè, tinh bột sắn, xoài và nhãn. Tỉnh cũng duy trì 213 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên diện tích 3.114 ha. Chương trình OCOP phát triển mạnh mẽ với 188 sản phẩm được công nhận, tăng 34 sản phẩm so với năm trước, trong đó có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh đã chú trọng phát triển hạ tầng thủy lợi, đảm bảo cấp nước cho 35.036 ha đất nông nghiệp và duy trì tốt công tác phòng chống thiên tai. Tổng thiệt hại do thiên tai ước tính khoảng 1.045 tỷ đồng, tuy nhiên các giải pháp khắc phục được triển khai kịp thời, đảm bảo đời sống người dân.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp được đẩy mạnh, với việc tích hợp dữ liệu ngành vào Trung tâm Điều hành Thông minh của tỉnh. Công nghệ thông minh như hệ thống tưới tự động, ứng dụng nhà lưới, nhà kính và quản lý mã số vùng trồng được triển khai rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý.
Hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sự kiện như hội nghị, triển lãm, đào tạo, tập huấn về quản trị thương hiệu và xây dựng chỉ dẫn địa lý được đẩy mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội và các chương trình xúc tiến trong và ngoài nước. Phát triển 308 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 154 sản phẩm OCOP và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp kết nối với đối tác nước ngoài, phát triển logistics và cơ sở chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những thành tựu đạt được trong năm 2024 khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp Sơn La là động lực phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả cao.
![file-icon](https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-khdn/2821/2024/TintucSukien/SonLaTayBac/nganh-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tinh-son-la-tong-ket-cong-tac-nam-2024-2.jpg)
Các đại biểu dự Hội nghị
Chỉ tiêu ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La năm 2025 đặt mục tiêu đạt tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh (theo giá so sánh 2010) là 8.876 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2024. Tổng diện tích gieo trồng bao gồm 113.704 ha cây lương thực có hạt, 34.998 ha cây công nghiệp lâu năm và 84.850 ha cây ăn quả, cây sơn tra. Ngành chăn nuôi phấn đấu đạt tổng đàn gia súc, gia cầm gần 1,5 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 90.500 tấn và sữa tươi 92.800 tấn. Lĩnh vực thủy sản đặt mục tiêu đạt 3.011 ha diện tích nuôi trồng, 7.100 lồng nuôi và sản lượng 10.070 tấn.
Các chỉ tiêu về phát triển nông nghiệp bền vững gồm tăng ít nhất 10% diện tích sản xuất nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất an toàn và tăng 8% diện tích nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn bền vững. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 48,5%, với kế hoạch trồng rừng tập trung 1.430 ha, chăm sóc rừng trồng 6.820,4 ha và trồng 1 triệu cây phân tán. Tỉnh cũng đặt mục tiêu giảm ít nhất 20% các vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh phấn đấu có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 9 xã so với năm 2024) và 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 5 xã). Tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 44% được sử dụng nước sạch. Về chương trình OCOP, tỉnh đặt mục tiêu đạt 251 sản phẩm, tăng 63 sản phẩm so với năm trước. Những chỉ tiêu này thể hiện quyết tâm phát triển toàn diện ngành nông nghiệp và nông thôn của Sơn La trong năm 2025.
![file-icon](https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-khdn/2821/2024/TintucSukien/SonLaTayBac/nganh-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tinh-son-la-tong-ket-cong-tac-nam-2024-3.jpg)
Toàn cảnh Hội nghị
Nhiệm vụ và giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La năm 2025 được xác định với trọng tâm là tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương và tỉnh, tập trung vào các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ưu tiên phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các vùng đặc biệt khó khăn, xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng mã số vùng trồng và phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản. Đồng thời, chương trình OCOP được đẩy mạnh nhằm nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, với việc số hóa dữ liệu ngành, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất và tăng cường cải cách hành chính để đáp ứng yêu cầu hội nhập. Tỉnh cũng đặt mục tiêu nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp, dịch vụ và chuỗi giá trị ngành hàng.
Các giải pháp tập trung vào việc triển khai các nghị quyết, đề án đã được phê duyệt, đồng thời nghiên cứu và bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và kết hợp nông nghiệp với du lịch. Phát triển nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính là những hướng đi chiến lược, kết hợp với xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế.
Công tác bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được chú trọng với mục tiêu trồng rừng gỗ lớn, phát triển lâm sản ngoài gỗ và duy trì chi trả dịch vụ môi trường rừng. Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững được gắn kết với xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm lâm sản, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi và truy xuất nguồn gốc nông sản.
![file-icon](https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-khdn/2821/2024/TintucSukien/SonLaTayBac/nganh-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tinh-son-la-tong-ket-cong-tac-nam-2024-4.jpg)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm gian hàng trưng bầy sản phẩm nông nghiệp của huyện Mường La
Để xây dựng nông thôn hiện đại, tỉnh đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng, ưu tiên các khu vực khó khăn và chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Quy hoạch nông thôn gắn với đô thị hóa và công nghiệp hóa, đảm bảo kết nối vùng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi và cấp nước sạch. Nông thôn mới kiểu mẫu được xây dựng theo hướng xanh, sạch, đẹp và ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hiệu quả hơn.
Chú trọng đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ. Các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong ngành nông nghiệp được đẩy mạnh để tạo động lực phát triển bền vững. Việc nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, được gắn với nhu cầu phát triển tại chỗ và các khu công nghiệp của tỉnh, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập.
Phát biểu tại Hội nghị ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La trong thời gian qua. Ông nhấn mạnh, mặc dù phải đối mặt với nhiều nhiều thách thức từ thiên tai, biến đổi khí hậu và yêu cầu ngày càng cao của thị trường, ngành nông nghiệp Sơn La đã thể hiện tinh thần kiên cường và sự chủ động trong việc thực hiện các giải pháp hiệu quả để phát triển bền vững. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong kế hoạch năm 2025. Đặc biệt, cần chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu. Ông Nguyễn Thành Công kêu gọi sự đồng hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để gia tăng giá trị nông sản, hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hiệu quả. Đồng thời khẳng định sự cam kết của lãnh đạo tỉnh trong việc đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp Sơn La tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
![file-icon](https://storage-vnportal.vnpt.vn/sla-khdn/2821/2024/TintucSukien/SonLaTayBac/nganh-nong-nghiep-va-phat-trien-nong-thon-tinh-son-la-tong-ket-cong-tac-nam-2024-5..jpg)
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 5 cá nhân tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc năm 2024. Hải Thành