Kỷ niệm 80 năm Chiến thắng
Stalingrad (2/2/1943-2/2/2023)
Hồi
tưởng của hai Nguyên soái Liên Xô về trận Stalingrad
Trận Stalingrad (từ
ngày 17/7/1942 đến ngày 2/2/1943) là trận đánh khốc liệt và dữ dội nhất trong
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. Nó gắn liền với tên tuổi của Georgy
Zhukov và Aleksandr Vasilevsky. Với cấp bậc Đại tướng và có chiến công hiển
hách, Zhukov được phong Nguyên soái vào ngày 18/1/1943 khi gần kết thúc trận
Stalingrad còn Vasilevsky được phong Nguyên soái ngày 16/2/1943 chỉ ít ngày sau
khi trận Stalingrad kết thúc.
Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov. Ảnh tư liệu lịch sử.
Âm mưu của Adolf Hitler
Ngày 22/6/1941, phát
xít Đức và đồng minh cùng chư hầu của nó tấn công Liên Xô. Bọn phát xít chiếm
ưu thế quân sự nên nhanh chóng chiếm được vùng Pri-Baltic, Belarus, Ukraine,
Moldova và tiến nhanh đến thủ đô Moscow. Mặt trận Xô – Đức khi đó tập trung đến
80% quân số của phát xít Đức và đồng minh cùng chư hầu của nó.
Theo phân tích của Tổng
tham mưu trưởng Aleksandr Vasilevsky thì đầu năm 1942, sau khi không chiếm được
thủ đô Moscow và bị thiệt hại nặng nề, Adolf Hitler (Quốc trưởng nước Đức Quốc
xã) bỏ kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” và chuyển hướng tấn công về phía Nam với
“Chiến dịch Blau” nhằm giành lại thế chủ động, tiêu diệt sinh lực còn lại và đoạt
trung tâm kinh tế - xã hội của Liên Xô. Mục tiêu trước mắt là tiến chiếm vùng mỏ
dầu Baku, vựa lúa mì Sông Đông – Kuban để lấy chiến tranh nuôi chiến tranh và
đánh vu hồi thủ đô Moscow. Xa hơn, Hitler muốn tiến quân vào Kavkaz với âm mưu lôi
kéo Thổ Nhĩ Kỳ đánh Liên Xô và tiến sâu vào Trung Đông chiếm lấy “túi dầu” của
thế giới.
Stalingrad, trước đó
có tên là Tsaritsyn (1598-1925), được đặt theo tên của lãnh tụ tối cao của Liên
Xô lúc bấy giờ là Iosif Stalin. Chiếm được nó, Hitler mong muốn đánh gục Liên
Xô về mặt tinh thần. Bên cạnh đó, Stalingrad lại nằm trên con đường dẫn đến Kavkaz
ở phía Nam và là trạm huyết mạch đến phía
Bắc Liên Xô nên Hitler cho rằng cần phải chiếm lấy thành phố này.
Ngày 17/7/1942, một tập
đoàn quân phát xít Đức do Friedrich Paulus chỉ huy tấn công vào Stalingrad. Ngày
23/8/1942, được tăng cường thêm 1 tập đoàn quân xe tăng, quân phát xít Đức lọt
vào thành phố. “Không lùi một bước”, đó là lời kêu gọi của Lãnh tụ tối cao
Iosif Stalin. Ngày 13/9/1942, Hồng quân có lúc chỉ còn giữ được 1 khu đất rộng
700m trong thành phố. Thiếu úy Hồng quân Vaxili Daiev lúc đó đã kêu gọi: “Quyết
không lùi bước! Đối với chúng ta, phía sau sông Volga không còn đất nữa”. Tập
đoàn quân số 62 của Hồng quân bảo vệ thành phố với 47 nghìn binh sĩ còn lại vẫn
đứng vững và quyết không để bất cứ tên phát xít nào chạm được tới bờ sông
Volga. Cả nước huy động tất cả cho Stalingrad, những người dân thường của thành
phố cũng cầm súng bảo vệ thành phố và phục vụ quân sự.
Từ chỗ ban đầu chỉ có
13 sư đoàn với khoảng 27 vạn quân, đến cuối tháng 9/1942 tại hướng Stalingrad
đã có 80 sư đoàn quân Đức và quân các nước đồng minh và chư hầu. Hitler hạ quyết
tâm phải chiếm cho được Stalingrad nhưng vẫn không thành công.
Hồng quân phản công
Mùa Thu năm 1942, Phó
Tổng tư lệnh Tối cao Zhukov được Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô điều
động đến làm Tư lệnh Mặt trận Stalingrad. Tổng tham mưu trưởng Vasilevsky cũng
được tăng cường đến. Và đến đầu tháng 11/1942, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối
cao Liên Xô quyết định phản công. Bởi mùa đông khắc nghiệt của nước Nga đã đến
và quân phát xít Đức và đồng minh cùng chư hầu của nó đã bị sa lầy như trận Moscow
1941.

Nguyên soái Liên Xô Aleksandr Vasilevsky. Ảnh tư liệu lịch sử.
Trong Hồi ký “Nhớ lại
và suy nghĩ” của mình, Zhukov nhớ lại: “Đầu tháng Mười một năm 1942, bọn Đức có
trên mặt trận Xô – Đức 266 sư đoàn, tức gần 6,2 triệu quân với hơn 70000 khẩu
pháo và cối, 6600 xe tăng và pháo tiến công, 3500 máy bay chiến đấu, 194 tàu
chiến.
Cũng ở thời điểm ấy,
bộ đội tác chiến của Liên Xô có 6,1 triệu người với 72500 pháo và cối, 6014 xe
tăng và pháo tự hành, 3088 máy bay chiến đấu. Trong đó đội dự bị chiến lược của
Đại bản doanh có 25 sư đoàn bộ binh, 12 quân đoàn xe tăng và cơ giới, 7 lữ đoàn
bộ binh độc lập và xe tăng.
Như thế là đến những
ngày kết thúc thời kỳ đầu của chiến tranh, lực lượng so sánh đã bắt đầu thay đổi
có lợi cho Liên Xô”.
Bên cạnh đó, Zhukov
cũng nhận định: “Quân của Hitler đã bị thiệt hại vô cùng nặng nề, và đến lúc
này mất hẳn khả năng tiến công… quân của chúng căng ra từ Biển Đen qua Bắc Kavkaz,
Stalingrad, sông Đông… thiếu hẳn những đội dự bị chiến lược rảnh rang để có thể
tự do sử dụng ở tiền tuyến lẫn hậu phương”. Đặc biệt, Zhukov đánh giá đúng về tinh
thần của quân phát xít đang sa sút, không còn có ý chí chiến đấu nữa.
Và thế là 11 tập đoàn
quân cùng nhiều quân đoàn, lữ đoàn xe tăng, cơ giới, kỵ binh và nhiều đơn vị độc
lập với 13.500 pháo và cối, hơn 1000 pháo phòng không, 11 tiêu đoàn pháo phản lực,
gần 900 xe tăng, 1115 máy bay được chuẩn bị cho trận phản công tại Stalingrad.
Từ ngày 1 đến 19/11/1942, Hồng quân đã đưa sang sông Volga 160 nghìn chiến sĩ,
16 nghìn ngựa, 430 xe tăng, 600 khẩu đại bác, 12 nghìn ô tô, 7 nghìn tấn đạn. Trong
khi đó, quân đội phát xít Đức ở trận Stalingrad lúc này có khoảng 1 triệu lính,
hơn 10.000 pháo và cối các loại, 675 xe tăng và pháo, 1.216 máy bay nhưng có
nhiều yếu tố bất lợi.
Sau chiến tranh, tên tham
mưu trưởng chỉ đạo tác chiến của phát xít Đức thừa nhận với Zhukov: “Chúng tôi
tuyệt nhiên không tưởng tượng được sức mạnh quân Nga trong khu vực này. Trước
đó, ở đây không có gì hết, thế mà bất thình lình chúng tôi bị nện một đòn mạnh
có ý nghĩa quyết định”.
Tất
cả lực lượng của Hồng quân chia làm phương diện quân Tây – Nam, phương diện
quân Stalingrad, phương diện quân Sông Đông để tấn công và bao vây quân địch ở Stalingrad.
Đến tháng 1/1943, các kho dự trữ của phát xít Đức và đồng minh đã cạn, khẩu phần
ăn cho quân phát xít không đủ, các bệnh viện chật ních những tên phát xít bị
thương, bị bệnh và đã chết.

Một chiến sĩ Hồng quân gương cao ngọn cờ chiến thắng trong trận Stalingrad. Ảnh tư liệu lịch sử.
Ngày
30/1/1943, nhân “kỷ niệm” 10 năm Đảng Quốc xã lên cầm quyền ở Đức, Hitler đã
phong cho Paulus quân hàm Thống chế vì hắn cho rằng từ trước tới nay chưa có một
Thống chế Đức nào đầu hàng quân địch. Ngày 31/1/1943, Paulus không tự tử mà tuyên
bố đầu hàng Hồng quân. Đến ngày 2/2/1943 thì quân Đức và đồng minh cùng chư hầu
của nó ở Stalingrad đã đồng loạt treo cờ trắng xin đầu hàng.
Chiến
thắng đã thuộc về Hồng quân Liên Xô. Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 32 sư đoàn
và lữ đoàn địch, 16 sư đoàn địch còn lại bị mất từ 50-70% quân số và bắt sống
91 nghìn tên phát xít trong đó có 2500 sĩ quan và 24 tướng lĩnh. Vậy là gần 1/4
quân số phát xít Đức và Đồng minh trên toàn chiến trường Xô-Đức đã bị tiêu diệt.
Ngày
3/2/1943, Bộ Tổng tham mưu Đức ra một bản tin đặc biệt: “Trận đánh Stalingrad
đã kết thúc”. Hitler chấp nhận thất bại và tuyên bố “quốc tang” 4 ngày. Hắn đề
nghị với Stalin trao đổi Paulus với Iacov Dzugashvili, con trai của Stalin, một
chiến sĩ Hồng quân bị phát xít Đức bắt làm tù binh nhưng Stalin bác bỏ.
Dzugashvili sau đó đã chết trong trại tù binh của Đức Quốc xã còn Paulus thì
sau này trở thành nhân chứng trong phiên tòa xét xử Đức Quốc xã.
Bước ngoặt của chiến tranh
Trong Hồi ký “Nhớ lại
và suy nghĩ” của mình, Nguyên soái Zhukov nhận xét: “Thắng lợi của quân ta ở
Stalingrad đánh dấu bước ngoặt cơ bản có lợi cho Liên Xô và mở đầu cho việc
quét sạch quân thù ra khỏi đất nước chúng ta”.
Trong Hồi ký “Sự nghiệp
và cuộc đời” của mình, Nguyên soái Vasilevsky cũng nhận định: “Trận bảo vệ
Stalingrad- trận đánh dấu bước ngoặt căn bản trong chiến tranh giữ nước vĩ đại
và cuộc chiến tranh thế giới nói chung”.
Đúng như nhận định
trên, sau trận Stalingrad, Hồng quân Liên Xô đã chủ động tiến công quân phát
xít, quét chúng ra khỏi lãnh thổ và truy kích chúng tận sào huyệt. Hitler phải
tự sát, trục phát xít Đức-Italia-Nhật sau đó đã bị đánh bại hoàn toàn.
Để vinh danh chiến dịch
phòng thủ kiên cường tại Stalingrad, Chính phủ Liên Xô đã trao tặng huân chương
“Vì sự nghiệp Bảo vệ Stalingrad” cho hơn 700.000 người tham gia; 55 đơn vị được
nhận huy chương và 183 đơn vị được phong tặng danh hiệu “Cận vệ”; 10.000 quân
nhân và sĩ quan Hồng quân Liên Xô được tặng thưởng huân chương, 112 chiến sĩ được
phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô.
Ngày 1/5/1945, thành
phố Stalingrad được trao danh hiệu Thành phố Anh hùng.
Nguyễn Văn Toàn