Kỷ niệm 51 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt
chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2024)
Chiến thắng
của chính nghĩa
Hội nghị Paris - cuộc đấu
tranh ngoại giao của cách mạng Việt Nam với đế quốc Mỹ bắt đầu từ sau cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và kết thúc khi Hiệp định Paris về chấm
dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết vào ngày 27/1/1973.
Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ
chống Mỹ, cứu nước. Đây cũng là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các
mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo
của Đảng.
Đường đi tới Hiệp định Paris
Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết
định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhằm mở ra cục diện
mới trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đánh giá về thắng
lợi này, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) trình
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng sau ngày toàn thắng (1976) đã
nêu rõ: “Thắng lợi rất oanh liệt của đòn tiến công và nổi dậy táo bạo, bất ngờ
đó đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục
bộ”, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang
chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris”.
Quân
Giải phóng miền Nam Việt Nam nhận cờ và mệnh lệnh chiến đấu trước giờ xuất kích
tại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu lịch sử.
Hội nghị Paris là cuộc đàm phán
tay đôi giữa cách mạng Việt Nam với đế quốc Mỹ và trong khi cuộc chiến tranh
vẫn còn tiếp diễn. Đây cũng là thực hiện kế sách “vừa đánh vừa đàm” của Hội
nghị lần thứ 13 Trung ương Đảng (khóa III) vào tháng 1/1967 bởi đối phương là
một cường quốc có sức mạnh quân sự hơn ta nhiều lần.
Trận
“Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) khiến Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt
chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27/1/1973). Theo Hiệp định này, quân xâm lược Mỹ phải
cuốn cờ rút khỏi Việt Nam. Trong cuốn sách “Không còn những Việt Nam nữa”, Tổng
thống Mỹ Richard Nixon chua xót nhận ra: “Đỉnh cao của cuộc leo thang chiến
tranh ở Việt Nam là đợt chúng ta đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng dịp lễ Noel
năm 1972. Nhưng chúng ta đã thất bại và phải ký Hiệp định Paris”.
Hiệp định Paris được ký sau quá
trình đàm phán dài nhất thế giới với 4 năm 8 tháng 16 ngày (từ năm 1968 đến năm
1973), gồm 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng giữa Việt Nam và Mỹ, 500
buổi họp báo, gần 1000 cuộc phỏng vấn và nhiều phong trào phản đối chiến tranh xâm
lược Việt Nam của Mỹ trên khắp thế giới.
Ngày 25/1/2013, tại lễ kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, Chủ tịch
nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh,
lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh
ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao nước ta ở thế kỷ
XX; đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân ta sau hơn 19 năm đấu tranh kiên
cường, bất khuất trên các mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao chống Mỹ xâm
lược… Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta
thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách
mạng Việt Nam”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng nhấn mạnh Hiệp định Paris là “niềm
cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới,
những người đã đồng hành ủng hộ, giúp đỡ nhân dân ta trong suốt cuộc kháng
chiến lâu dài, gian khổ, dõi theo từng diễn biến trên chiến trường cũng như
trên bàn đàm phán tại Paris. Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân
lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của
nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự
nghiệp đấu tranh chính nghĩa”.
Phát biểu với báo chí nhân kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris, ông
Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội
nghị Paris, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, khẳng định: “Cuộc đàm phán Paris
về Việt Nam đã trở thành trung tâm chú ý của dư luận thế giới vì cuộc đấu tranh
chính trị, quân sự và ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tâm điểm của những
mâu thuẫn cơ bản của thời đại lúc bấy giờ. Việc ký kết Hiệp định là sự tháo nút
cho cuộc chiến tranh ác liệt và lâu dài nhất trên thế giới sau chiến tranh thế
giới lần thứ hai... Đàm phán Paris được đánh giá là cuộc đấu trí căng thẳng
giữa 2 nền ngoại giao. Đó là nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ và nền ngoại giao
nhân văn của Việt Nam”.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt
Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973). Ảnh tư liệu lịch sử.
Tạo bước ngoặt lớn cho lịch sử dân tộc
Sau khi hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), kết hợp sức mạnh
của dân tộc với sức mạnh thời đại, Đảng đã tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến
đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng
mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Các bài học của Hội nghị Paris
là hành trang quý giá để nước ta tạo dựng, củng cố ngày càng vững chắc cục diện
đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá, tạo tiền đề thuận lợi cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập
Liên Hiệp Quốc.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan
hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới thuộc tất cả các châu lục, trong
đó, 3 nước có quan hệ đặc biệt (Lào, Campuchia, Cuba), 12 đối tác toàn diện, 12
đối tác chiến lược, 6 đối tác chiến lược toàn diện (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ); có quan hệ kinh tế thương mại với hơn 230 nước và vùng
lãnh thổ.
Việt Nam đang là thành viên
tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong
nhiều cơ quan quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Việt Nam là Ủy viên không thường
trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021; Phó Chủ
tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 (nhiệm kỳ 2022-2023); Phó Chủ tịch Đại
hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại
kỳ họp lần thứ 42 (diễn ra từ ngày 7 - 22/11/2023); thành viên Hội đồng Kinh
tế-Xã hội của Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền
Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và 2023-2025; thành viên Ủy ban Di sản Thế
giới nhiệm kỳ 2013 – 2017 và 2023-2027... Bên cạnh đó, Trung tâm gìn giữ hòa
bình Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng được thành lập vào năm 2013 và sau đó nâng
cấp thành Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào năm 2018. Thời gian qua, Bộ Quốc
phòng Việt Nam đã tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại phái bộ
Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng
đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Việt
Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995. Đây là kết quả của một
hành trình dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hai bên, có ý nghĩa đặc biệt, gác
lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước. Trong chuyến thăm
Mỹ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: “Từ hai nước “cựu thù”,
Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành bạn, rồi đối tác toàn diện và trong tương lai
mối quan hệ đó sẽ còn phát triển tốt hơn nữa. Có được điều này là nhờ tầm nhìn
chiến lược, nhờ sự cố gắng của lãnh đạo hai nước đồng thời có sự ủng hộ to lớn
của nhân dân vì quan hệ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ phù hợp với lợi ích của nhân
dân, đồng thời phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới hiện nay. Đó là hòa
bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và cùng nhau thịnh vượng”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng đã đánh giá vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu
vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Đại hội cũng đã xác định xây dựng
nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao
Nhà nước và đối ngoại nhân dân để tiếp tục nâng tầm vị thế quốc gia. Văn kiện
Đại hội đã khẳng định: “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại
trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn
lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.
Nguyễn Văn
Toàn