SÁNG TẠO QUANH TA!
Công nghệ cấy lúa hiệu ứng hàng biên

Tác giả và Công nghệ cấy lúa 02 hàng hẹp, một hàng thưa ở xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc Tỉnh Vinh Phúc
Tác giả của “ Công nghệ cấy lúa theo phương pháp mới kết hợp hiệu ứng hàng biên tối ưu với sức đẻ bông tối ưu trên khóm cho mọi giống lúa” là kỹ sư Chu Văn Tiệp, Trịnh Thị Thanh, Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và chuyển giao tiến bộ KHNN thuộc Hội sinh học, Liên hiệp các hội KH&KT Thành phố Hà nội. Hai tác giả đã tự đầu tư nghiên cứu bằng kinh phí của cá nhân. Công nghệ đã được đăng ký độc quyền sáng chế năm 2012 và đã được công báo vào giữa năm 2014 (Sau 12 tháng, kể từ ngày công báo, nếu không có khiếu nại, thì công nghệ sẽ được cấp bằng độc quyền sáng chế).
Công nghệ cấy lúa mới rất đơn giản như là kiến thức dân gian: cứ cấy hai hàng sông hẹp cách nhau khoảng 15 cm (khóm cách khóm cũng khoảng 15 cm) lại cấy một hàng sông rộng 38-40 cm. Tốt nhất là hàng cấy theo hướng đông tây. Với lúa lai cấy 15-16 khóm/m2, lúa thuần 18-20 khóm/m2 áp dụng cho cả hai vụ trong năm (trong khi phương pháp cấy dày hiện nay tới 40-50 khóm/m2). Phương pháp này sẽ phát huy được hiệu ứng hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa vừa đẻ sớm, đẻ khoẻ lại vừa ít sâu bệnh. Phân được bón theo hàng sông hẹp, tiết kiệm, hiệu suất cao.
Công trình này có hai phát minh khoa học, đó là ứng dụng công nghệ mới vào phương pháp gieo cấy hoàn toàn mới trong lịch sử thế giới về công nghiệp cấy lúa. Đó là đã tìm ra quy luật xuất hiện hiệu ứng hàng biên tối ưu. Tại mức tối ưu, số hạt bình quân của bông lúa tăng 25 – 35 % so với bình quân hạt/bông của lúa không áp dụng hiệu ứng đó. Ngoài ra công nghệ trên đề cập tới quy luật đẻ bông tối ưu/khóm. Khi đó số bông/khóm tăng 2-3 lần và số bông/m2 bằng hoặc cao hơn số bông/m2 cấy theo các phương pháp gieo cấy dày hiện nay. Nhờ áp dụng hai quy luật mới phát minh trên, lúa cấy theo phương pháp mới luôn tăng năng suất ít nhất 20%, phổ cập 25-30%, thậm chí 40-60% so với phương pháp gieo cấy tiên tiến nhất hiện nay. Đồng thời công nghệ mới này cũng rất thân thiện với môi trường, sinh thái.
Công nghệ cấy lúa mới đã được ứng dụng ở một số địa phương: Đầu tiên là xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Vĩnh Phúc là quê hương của ông Kim Ngọc, cha đẻ của "Khoán mười", của đổi mới trong nông nghiệp Việt Nam, đã từng chịu bi kịch, sau đó đã được tôn vinh. Và hiện nay, Vinh Phúc lại là nơi đầu tiên đón nhận, thử nghiệm công nghệ cấy lúa mới của hai kỹ sư tự mày mò nghiên cứu và chưa được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công nhận. Tại đây đã áp dụng 4 vụ: Vụ xuân 2013, diện tích 0,3 ha với 3 hộ tham gia. Vụ mùa 212 hộ với diện tích 13,2ha. Vụ Xuân 2014 số hộ tham gia tăng lên 300 hộ với diện tích lên tới 40ha. Vụ Mùa 2014 số hộ tham gia gần 500 hộ. Các giống lúa đem vào cấy là Q5, Khang dân, Nếp 57 và Đông Triều 37… Kết quả áp dụng công nghệ mới cho thu hoạch trung bình từ 1,8 đến 2,7 tạ/sào. Quan trọng hơn, khi cấy theo công nghệ mới, nông dân tiết kiệm được các chi phí sản xuất như: Giống, giảm 50-70 công cấy, cắt, làm cỏ; Giảm 30% phân bón các loại: phân chuồng, đạm, lân, kali (do bón phân theo hàng sông con, không bón theo hàng sông lớn để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, tránh lãng phí bón dải khắp ruộng); Mật độ quần thể thoáng, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh thấp, giảm 70-100% các loại thuốc trừ bệnh, giảm 40-60% thuốc trừ sâu; Giảm 45-55% giá thành/1kg thóc; Tăng đột biến năng suất mọi giống lúa từ tối thiểu 20% đến 40% (tương ứng với 1,5 đến 4 tấn lúa/ha). Hộ làm kém nhất cũng tăng 10-15%. Qua đó, giá trị thặng dư đạt 18 đến 28 triệu đồng/ha. Ngoài ra, Môi trường sinh thái được cải thiện, sức khỏe con người được bảo vệ tốt hơn. Đến nay công nghệ cấy lúa mới đã được chuyển giao xây dựng mô hình áp dụng tại xã Cộng Hiền và xã Cao Minh huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, cũng cho kết quả tương tự. Các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội cũng đã bắt đầu áp dụng công nghệ mới.

Chúng ta biết rằng, thế giới đang theo đuổi chương trình SRI và IPM với công nghệ phức tạp và hiệu quả cũng còn khiêm tốn. Công nghệ SRI gọi là biện pháp thâm canh tổng hợp bền vững sinh thái, gồm cả chục biện pháp nhưng chỉ tăng chừng trên dưới 10% năng suất. Còn IPM công nghệ hữu cơ xanh sạch, không dùng phân hóa học, không dùng phân chuồng mà dùng phân hữu cơ. Nhưng cũng chỉ tăng được trên dưới 10% so với lúa cấy 40-50 khóm của cuộc cách mạng xanh khởi xướng bởi Viện Lúa Quốc tế vào thập niên 60 thế kỷ trước. Bây giờ đó vẫn là phương pháp gieo cấy phổ cập tại các nước, trong đó có Việt Nam. Nói như vậy để thấy rằng, công nghệ cấy lúa mới của 02 kỹ sư tự mày mò nghiên cứu bằng kinh phí cá nhân có giá trị như thế nào.
Sở nông nghiệp, Hội nông dân và Liên hiệp các hội KH&KT một số địa phương (Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hà Nội) đã tổ chức hội thảo với cấp ủy, chính quyền và các hộ nông dân cơ sở về công nghệ mới và triển vọng áp dụng mở rộng. Nhưng về mặt khoa học, công nghệ này vẫn đang chờ ngành chủ quản là Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam chính thức kết luận. Nhưng mà công nghệ đơn giản quá, đơn giản đến không ngờ. Thậm chí công nghệ cấy lúa mới, về mặt nguyên lý có thể còn áp dụng cho nhiều cây trồng khác khác, như ngô, đậu đỗ. Đầu tiên thì dân có nghi ngờ, vì đã quen cấy dày, quen sử dụng nhiều phân bón, quen sử dụng nhiều thuốc trừ sâu, quen với câu ca dao gần nửa thế kỷ nay "Cấy thưa thừa đất, cấy dày thóc chất đầy kho". Nhưng rồi họ thấy ai làm cũng được, giống nào làm cũng được, cứ người nọ chuyền tai và chỉ cho người kia là được. Vì thế mà, không chờ ngành chuyên môn kết luận, nông dân các địa phương có xu hướng tự tìm hiểu, học tập lẫn nhau.
Nông dân Sơn La cũng hoàn toàn có thể chủ động tìm hiểu và học theo công nghệ mới. Thực tế nông dân một số nơi ở Phù Yên và thành phố Sơn La cũng đã bắt đầu học tập làm theo. Nếu Trung tâm khuyến nông tỉnh hoặc Trung tâm giống cây trồng của tỉnh xây dựng mô hình trình diễn để hướng dẫn bà con nông dân sớm áp dụng mở rộng thì càng tốt.
Trung Đức
(Theo vinhphuc.gov.vn, husta.org.vn và các báo điện tử)