TỔNG QUAN VẤN ĐỀ CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, TRÍ THỨC NGHỈ VIỆC
Theo báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong 2 năm rưỡi (từ ngày 01/01/2020 đến 30/6/2022), 28 cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành, có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 1,94% tổng biên chế. Trong đó, số công chức là hơn 4.000 người, chiếm 10%, viên chức hơn 35.500 người, chiếm 90%. Tính là 2 năm rưỡi, bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Nhưng số CC, VC nghỉ việc chủ yếu là trong 6 tháng cuối năm 2020 đến nay, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2022, nên trong vòng 12 tháng có gần 30.000 người nghỉ việc.
Nguồn biểu đồ: dantri.com
|
|
Ở bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%); ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Hơn 25.610 công chức, viên chức thôi việc từ 40 tuổi trở xuống, chiếm 67%. Người có trình độ đại học trở lên chiếm 50%. Trong đó gần 4.700 tiến sĩ, thạc sĩ, 133 bác sĩ chuyên khoa II; 1.066 bác sĩ chuyên khoa I.
Các ngành có số thôi việc nhiều nhất là giáo dục đào tạo 16.427; y tế 12.198. Hai ngành này gần 29.000 người, chiếm 71,5%, còn lại các ngành khác trên 10.000, chiếm 28,5%.
Các địa phương thì người nghỉ việc tập trung TP.Hồ Chí Minh với hơn 6.700 người; Đồng Nai và Hà Nội mỗi nơi hơn 2.000 người.Các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ trong khoảng 800-900 người. Các tỉnh khác ít hơn.
Các vùng thì Đông Nam Bộ (TP HCM và 5 tỉnh,dân số chiếm 19,1% cả nước), chiếm hơn 37,36% tổng số công chức, viên chức nghỉ việc; đồng bằng sông Cửu Long (TP Cần thơ và 13 tỉnh, dân số chiếm 17,6% dân số), CC,VC nghỉ việc chiếm 22,8%; đồng bằng sông Hồng (TP Hà Nội, Hải phòng và 9 tỉnh, dân số chiếm 22,3%), CC,VC nghỉ việc chiếm 14,41%; trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên (19 tỉnh, dân số chiếm 21,12), CC,VC nghỉ việc chiếm 14,43%. Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (14 tỉnh, dân số chiếm 21%), CC,VC nghỉ việc chiếm 10,92%.
Như vậy, người nghỉ việc chủ yếu là viên chức. Tỷ lệ viên chức nghỉ việc ở các địa phương cao hơn 1,2 lần ở các bộ, ngành, còn tỷ lệ công chức nghỉ việc ở các bộ, ngành lại cao gấp 3 lần ở địa phương. Người nghỉ việc phần lớn là trí thức trẻ, sung sức, có trình độ, năng lực, tập trung chủ yếu ở hai ngành Giáo dục đào tạo và Y tế và tập trung ở vùng, địa phương có trình độ phát triển cao về kinh tế xã hội, có thị trường lao động đa dạng, phọng phú. Đáng chú ý là, tính theo quy mô dân số thì vùng có ít CC,VC nghỉ việc nhất không phải là TD&MNPB và Tây Nguyên, mà là vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Còn vùng TD&MNPB và Tây nguyên có tỷ lệ CC,VC nghỉ việc còn cao hơn cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Bức tranh sẽ đầy đủ, toàn diện hơn nếu cả nước và từng địa phương thống kê được trong số những người nghỉ việc có bao nhiêu cán bộ cấp phòng, cấp sở, cấp vụ... Và bao nhiêu người chuyển sang khu vực tư nhưng vẫn theo nghề nghiệp và bao nhiêu thay đổi nghề nghiệp, bao nhiêu người nghỉ việc trong nội bộ địa phương, bao nhiêu người chuyển đi địa phương khác, vùng khác.
Số lượng công chức, viên chức nghỉ việc so với tổng biên chế là không lớn nhưng tập trung ở một số địa phương, ở lĩnh vực trọng điểm giáo dục và y tế, nên đây là thách thức cho sự nghiệp công, trực tiếp chăm lo cho nhân tố con người. Đáng chú ý, số nghỉ việc, thôi việc đa số ở độ tuổi trẻ, có trình độ, kinh nghiệm, đại đa số từ 40 tuổi trở xuống và trên 50% có trình độ đại học, trong đó có trên 6 ngàn tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II.
Nếu nhìn ra thế giới, tình trạng công chức, viên chức thôi việc là tình trạng chung của nhiều nước. Ở Anh trong năm 2021 và 2022 có 9,25% cán bộ nghỉ việc trên tổng số công chức; Singapore có nền công vụ hiện đại, chuyên nghiệp thì số công chức nghỉ việc ở khu vực công chiếm 9,9%. Ở Pháp là 6,6%, Australia là 4,62%, Mỹ là 3,1%. Các nước trong khối ASEAN cũng trong tình trạng như Việt Nam. Vấn đề là, các nước trên phát triển sớm hơn, đầy đủ hơn và đa dạng hơn các loại thị trường, kể cả thị trường lao động, dịch vụ giáo dục đào tạo, y tế, KH&CN... Tức là nhiều lĩnh vực khu vực tư ở các nước phát triển hơn. Có thể nói, khi khu vực tư ở nước ta phát triển mạnh hơn trên tất cả các lĩnh vực thì sự cạnh tranh của khu vực này với khu vực công sẽ gay gắt hơn, số người rời bỏ khu vực công để sang khu vực tư có thể sẽ còn nhiều hơn...
Việc công chức, viên chức dịch chuyển từ công sang tư là yếu tố khách quan trên cơ sở điều tiết của thị trường lao động theo quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước ta.
Xét mặt tổng thể, việc chuyển dịch này cũng có yếu tố tích cực để thúc đẩy thị trường lao động phát triển, tạo động lực, cơ hội khu vực công cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách hướng tới sự đổi mới tiến bộ, công bằng, cạnh tranh lành mạnh nguồn nhân lực trong khu vực công.
Trước mắt, khu vực công lập vẫn đang là khu vực tạo nhiều việc làm và có sức thu hút CC,VC, trí thức KH&CN. Trong 2,5 năm qua, tổng số công chức, viên chức được tuyển dụng mới ở 23 bộ, ngành và 63 địa phương là hơn gần 144.000 người, nhiều gấp 3,6 lần số nghỉ việc, tăng cao nhất trong những năm trở lại đây. Riêng viên chức giáo dục được tuyển dụng mới là gần 74.500 người, gấp 4,5 lần, y tế là hơn 38.000 người, gấp 3,2 lần. Nhưng phần phần lớn đây là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, chưa có kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp, phải mất nhiều thời gian mới có năng lực như những người đã nghỉ việc. Nếu khu vực công không có giải pháp hữu hiệu để quản lý, phát huy và giữ chân, nhất là những người có năng lực, có tài năng, thì khi trưởng thành, có kinh nghiệm, năng lực, uy tín thì một bộ phận lại tiếp tục rời bỏ khu vực công. Đối với đất nước, thì chỉ là vấn đề “lọt sàng, xuống nia”, đều thúc đẩy và góp phần phát triển kinh tế xã hội. Nhưng, khu vực công là nơi đào tạo, rèn luyện nhân lực có trình độ, năng lực, còn khu vực tư là nơi trọng dụng thì cũng là vấn đề rất đáng để suy nghĩ.
Theo giải trình của Bộ Nội vụ và các ý kiến của đại biểu Quốc hội, nguyên nhân công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt là do thu nhập khu vực công thấp, môi trường làm việc áp lực, có nhiều bất cập.
Để từng bước phục tình trạng trên, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng hiện nay lên 1,8 triệu đồng, bắt đầu từ 1/7/2023, tăng 20,8%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Với mức tăng này, quỹ lương năm 2023 sẽ tăng thêm 60 ngàn tỷ. Nhà nước phải mất gần 70% ngân sách để chi lương cho đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị và đối tượng hưởng chính sách.
Đi đôi với tăng lương cơ sở, tiếp tục sắp xếp tổ chức bội máy, vị trí việc làm, tinh giản biên chế hợp lý, tránh trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, giữ được người làm việc tốt, loại được người “cắp ô đi, cắp ô về”. Tiếp tục tuyển bổ sung đội ngũ viên chức (Giáo viên, nhân viên y tế) cho những nơi còn thiếu. Cải thiện, đổi mới môi trường làm việc thân thiện, cởi mở, dân chủ, công khai, minh bạch, lành mạnh, không tiêu cực, lãnh đạo từng cơ quan đơn vị gương mẫu. Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quản lý con người, quản lý công việc, giảm áp lực nhưng thực chất, bảo đảm đánh giá khoa học, khách quan chất lượng và hiệu quả công việc để trả lương, thưởng hợp lý. Thực sự trọng dụng tài năng, tạo cơ hội thăng tiến cho người xứng đáng.
Đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập để đẩy mạnh áp dụng mở rộng phù hợp, thực chất, hiệu quả với từng vùng miền. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân một cách lành mạnh.
|
Phan Đức Ngữ
(Biên tập từ nguồn báo chí)