No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Phụ nữ các dân tộc Sơn La với sự nghiệp đấu tranh cách mạng (1940 - 1975)
Lượt xem: 347

 

PHỤ NỮ CÁC DÂN TỘC SƠN LA VỚI SỰ NGHIỆP ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG (1940 - 1975)

                                                                                                           

                                          TS. Cao Thị Hạnh

                                       Trường Đại học Tây Bắc

Ngay từ thuở đất nước chìm đắm dưới ách thực dân, thấu hiểu nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ, Hồ Chí Minh đã đánh giá cao vai trò, sức mạnh của phụ nữ. Người chỉ rõ: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công” (1). Những đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng được Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống thực dân Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ” (2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” để ca ngợi vai trò to lớn của người phụ nữ Việt Nam.

Quán triệt quan điểm của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú trọng giáo dục, tổ chức, lãnh đạo phụ nữ trong đấu tranh giải phóng bản thân,giải phóng quê hương, thực hiện nam nữ bình quyền. Do đó, khi được tuyên truyền, giác ngộ, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã quyết tâm theo Đảng làm cách mạng và đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng.

1. Phụ nữ Sơn La trong quá trình đấu tranh giành chính quyền (1940 - 1945)

Sơn La là tỉnh nằm trong vùng Tây Bắc, núi non hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Dưới ách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc Sơn La sống trong vòng kìm kẹp, bưng bít của bọn thống trị. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930), phong trào cách mạng đã diễn ra sôi nổi trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi. Hoảng hốt trước bão táp cách mạng của quần chúng, thực dân Pháp đưa tù chính trị lên giam giữ tại ngục Sơn La. Tháng 12/1939, chi bộ lâm thời của nhà ngục Sơn La thành lập, do đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Bí thư. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên được tổ chức ở vùng Tây Bắc. Từ đây, đồng bào và phụ nữ các dân tộc Sơn La được ánh sáng cách mạng của Đảng soi đường tiến lên làm cách mạng giải phóng quê hương.

Từ đầu năm 1945, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến mau lẹ, có lợi cho ta. Được sự lãnh đạo của Trung ương, mà trực tiếp là chi bộ nhà ngục Sơn La chỉ trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng của Sơn La đã phát triển sôi nổi, rông khắp. Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh, toàn tỉnh đã có trên 60 cơ sở cách mạng với trên 200 hội viên cứu quốc. Ở tỉnh lỵ và châu Mường La, nhiều chị em phụ nữ tích cực đã trở thành cơ sở cách mạng, giúp đỡ, nuôi giấu nhiều cán bộ, thanh niên cứu quốc hoạt động như chị Chắt ở phố Chiềng Lề, bà giáo Bảo, bà Dện, hay bà Lò Thị Muôn ở Mường La đã tích cực động viên 4 người con tham gia hoạt động cách mạng…

Tại Khu căn cứ cách mạng Mường Chanh (Mai Sơn), Hội người Thái cứu quốcra đời vào tháng 4/1945 với đông đảo phụ nữ tham gia như chị Cầm Thị Dực, Cầm Thị Kheo… Hội đã xuất bản tờ báo Lắc Mương (Trụ cột đất nước) bằng hai thứ chữ Kinh và Thái để kêu gọi đồng bào các dân tộc Tây Bắc đoàn kết chặt chẽ, hưởng ứng Mặt trận Việt Minh, chống Nhật cứu nước. Hội còn tuyên truyền vận động nhân dân, gây quỹ mua sắm vũ khí. Riêng khu Tả ngạn sông Đà, đồng chí Cầm Dịn cũng tổ chức đội tự vệ chiến đấu. Chị em phụ nữ tích cực tham gia đội tự vệ, hoạt động bí mật, chuẩn bị lực lượng, thực phẩm, vải đỏ để may cờ, khẩu hiệu ủng hộ đoàn quân khởi nghĩa. Công việc chuẩn bị khởi nghĩa diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương: Phù Yên, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu...Phụ nữ ở khu Chiềng Lề và các bản lân cận đã chuẩn bị sẵn vải đỏ để may cờ. Trong quá trình giành chính quyền ở Tỉnh lỵ và các địa phương, chị em phụ nữ đã tích cực giã gạo, xôi cơm cho quân khởi nghĩa “ăn no đánh thắng”.

Thắng lợi Cách mạng Tháng Tám ở Sơn La đã đập tan ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, xoá bỏ chế độ phìa tạo phong kiến, mở ra thời kỳ mới cho nhân dân các dân tộc tỉnh ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ Sơn La thoát khỏi “kiếp con ở, nàng hầu”, sánh ngang cùng nam giớitham gia các công việc đại sự, làm chủ nhân đất nước, cùng phụ nữ cả nước góp phần tích cực phong trào cách mạng của nước nhà.

2. Phụ nữ Sơn La trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954)

Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân các dân tộc Sơn La hưởng độc lập, tự do chưa đầy một tuần lễ lại phải phải đương đầu với những thử thách hết sức cam go. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã dũng cảm chống lại những kẻ thù hùng mạnh, giữ vững chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển lực lượng, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài. Ngay từ khi thực dân Pháp nhăm nhe quay trở lại xâm lược, chị em phụ nữ, tiêu biểu nhất là chị Chu Thị Hương (chị gái ruột của đồng chí Chu Văn Thịnh) đã có đóng góp rất lớn trong phong trào bán trâu mua súng cho các đội tự vệ chiến đấu. Nhiều chị em đã tích cực tham gia xây dựng, tổ chức chính quyền cách mạng, tuyên truyền các chính sách mới của Mặt trận Việt Minh đến mọi tầng lớp nhân dân.

Tháng 10/1947, thực dân Pháp chiếm toàn bộ Sơn La. Cuộc kháng chiến của nhân dân các dân tộc Sơn La bước sang giai đoạn mới. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, nhân dân các dân tộc Sơn La đã thực hiện vườn không, nhà trống, cất giấu lương thực để kháng chiến lâu dài. Phụ nữ các dân tộc trong tỉnh đã tích cực tham gia du kích đánh giặc, góp phần to lớn vào thắng lợi của quân dân các dân tộc Sơn La. Nhiều chị em cũng tham gia vận động gia đình, họ hàng đi tản cư theo chủ trương của Chính phủ. Rất nhiều chị đã dũng cảm tham gia hoạt động kháng chiến, xây dựng khu căn cứ Mộc Hạ, tham gia các đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh, bí mật gây cơ sở ở những vùng tạm chiếm, như chị Điêu Thị Hảo, chị Hà Thị Hom, chị Vân Sinh… nhờ đó, phong trào ở vùng địch hậu Sơn La phát triển mạnh mẽ

Chiến thắng Biên giới thu - đông 1950 đã mở ra cục diện kháng chiến mới có lợi cho ta. Tháng 4/1950, Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất đã họp. Ở Sơn La được tăng cường thêm một số cán bộ phụ nữ từ Việt Bắc sang như: chị Cầm, chị Mễ, chị Cúc, chị Tiến, chị Đới… Phụ nữ các huyện đã tích cực tham gia các lớp học xoá mù chữ, học cứu thương, chữa bệnh để chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân; vận động nhân dân ăn ở sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh: tả, lỵ, sốt rét, thương hàn…

Thu đông năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, Sơn La là chiến trường chính của chiến dịch. Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ đề ra, nhân dân các dân tộc Sơn La đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt. Nhiều cán bộ phụ nữ đã xung phong xuống cơ sở,tuyên truyền cho chị em hiểu rõ đi dân công để phục vụ chiến dịch, giúp bộ đội đánh giặc, giải phóng quê hương. Phụ nữ các dân tộc trên khắp các bản mường đã tích cực tham gia tải đạn, tải gạo, tải thuốc, phục vụ thương binh trong các bệnh viện dã chiến; tích cực đóng góp thực phẩm, rau quả cho chiến dịch. Hàng vạn phụ nữ dân tộc tham gia xay thóc, giã gạo để cung cấp lương thực cho tiền tuyến. Phụ nữ các dân tộc Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú… ở Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn tích cực tham gia chuẩn bị cho chiến dịch.

Trong chiến dịch Tây Bắc, đã có 2.622 chị em xung phong đi tiếp tế vận tải lương thực, đạn dược cho bộ đội; có chị gánh tăng từ 15-25 kg/chuyến, vượt qua các đèo cao hơn 1.000m như Khau Vạt, Lũng Lô và những nơi nguy hiểm để đưa hàng hóa đến nơi an toàn (3).

Đầu năm 1953, Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Tây Bắc được thành lập. Ban Chấp hành gồm có chị Lê Minh Cầm làm Hội trưởng (do Khu ủy chỉ định), các ủy viên là chị Mễ, chị Cúc, chị Tiến, chị Hồng Đào, chị Hảo, chị Hom, chị Vân Sinh... Hội đã đề ra công tác trước mắt là: Đảm đang công tác hậu phương, động viên chồng con đánh giặc cứu nước; Vận động phụ nữ đi dân công, tiếp vận phục vụ tiền tuyến; Chăm sóc thương binh, gia đình bộ đội; Củng cố cơ sở vùng bị chiếm và các huyện miền núi cao; Vận động thực hiện phong trào “đời sống mới” ăn, ở sạch sẽ, ăn chín, uống sôi (4). Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Tây Bắc là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước trưởng thành lớn phong trào phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, trong đó có phụ nữ Sơn La. Từ đây, phụ nữ các dân tộc Sơn La có tổ chức riêng của mình, lãnh đạo cả giới đồng tâm hiệp lực giải phóng phụ nữ, giải phóng dân tộc.

Tháng 12/1953, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm đập tan kế hoạch Nava, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Tỉnh Sơn La nằm trên con đường huyết mạch nối liền hậu phương với mặt trận. Hiểu rõ ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, phụ nữ các dân tộc đã vận động gia đình tự nguyện đóng thuế, trồng nhiều rau xanh cung cấp cho mặt trận, tích cực đi dân công phục vụ cho chiến trường. Trong chiến dịch này, tổng số dân công huy động là 21.678 người, 50% là phụ nữ đi dân công, đóng góp 2.484.759 ngày công làm đường 13, đường 41, làm kho lán, bốc vác và phục vụ thương binh. Đã có 7.622 chị đi làm suốt 6 tháng với 685.980 công (5). Với khẩu hiệu “đi sớm về muộn”, phụ nữ các dân tộc đã bạt tà ly, đắp đá, rải cấp phối, hót bùn… Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã đóng góp: 3.067 tấn gạo, 130.165 kg thịt lợn, 14.228 kg thịt bò, 2.976 kg mỡ, 139,7  tấn rau (6).

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc ta. Phụ nữ các dân tộc Sơn La đã góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.

3. Phụ nữ Sơn La trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, Hội phụ nữ Khu Tây Bắc đã tích cực xây dựng tổ, hội ở cơ sở, lãnh đạo kêu gọi chị em hưởng ứng phong trào “Phụ nữ miền Bắc thi đua với phụ nữ miền Nam”, ra sức cùng chống kẻ thù chung, giải phóng đất nước. Các chị đã tích cực tham gia phong trào “Ba đảm đang”, “Gió Đại Phong” trong nông nghiệp, “Sóng Duyên Hải” trong công nghiệp, “Trống Bắc Lý” trong giáo dục; phong trào “mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”; phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Qua các phong trào thi đua, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã tham gia đóng góp vào việc khai hoang, phục hóa, tăng diện tích canh tác, thay đổi tập quán làm ăn lạc hậu, đi vào thâm canh, tăng vụ. Nhờ vậy, năng suất cây trồng và sản lượng đều tăng, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng Sơn La phát triển mạnh mẽ.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội các tỉnh ở khu Tây Bắc, ngày 24/12/1962, Quốc hội quyết định lập lại tỉnh Sơn La. Cùng với việc tái lập tỉnh, Ban cán sự Tỉnh quyết định thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La. Trên mặt trận sản xuất chiến đấu, phụ nữ các dân tộc luôn thực hiện khẩu hiệu “máy bay Mỹ đến thì đánh, máy bay Mỹ đi lại tiếp tục sản xuất”, hăng hái sản xuất, góp phần thúc đẩy phong trào hợp tác hóa của tỉnh. Nhiều chị dũng cảm chiến đấu chống trả máy bay Mỹ, tiếp tế đạn dược, lương thực, đào đắp trận địa, phục vụ bộ đội chiến đấu. Nhiều tấm gương trong lao động sản xuất và chiến đấu như chị Nguyễn Thị Mỵ được tuyên dương Anh hùng Lao động và được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Các chị Nguyễn Thị Hồng, Giang Thị Sợi, Quàng thị Lĩnh, Quàng Thị Ế đã dũng cảm tham gia phá bom nổ chậm, lấp hố bom sửa đường đảm bảo giao thông trên các tuyến trọng điểm bắn phá của địch.

Năm 1965, là thời điểm đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh đánh phá miền Bắc. Địa bàn Sơn La là một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch và chặt đứt nguồn chi viện cho chiến trường Lào của quân và dân ta. Thực hiện khẩu hiệu “xe chưa đi qua thì cột nhà không tiếc”, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu cùng bà con dân bản góp công, góp sức đem theo tre, gỗ, cột làm nhà để phục vụ sửa chữa cầu, đường, lấp hố bom, đảm bảo cho xe qua, nhờ đó huyết mạch giao thông trên địa bàn vẫn thông suốt. Dưới làn mưa bom bão đạn, tiểu đội nữ dân quân Yên Châu vẫn ngày đêm luyện tập, sử dụng thành thạo vũ khí, bố trí trận địa, trực chiến máy bay.Ngày 02/9/1965, máy bay Mỹ ném bom hòng đánh sập cầu Tà Vài. Cả tiểu đội nữ đã bám trụ cùng bộ đội pháo cao xạ bắn hạ chiếc F-105 của Mỹ và bắt sống viên phi công.Chiến công của các chị đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sỹ Trọng Loan sáng tác bài ca “Người Châu Yên em bắn máy bay”.

Trong công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, chống chiến tranh phá hoại lần hai của đế quốc Mỹ (1969-1973), phụ nữ các dân tộc tỉnh Sơn La đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, các chị tích cực tham gia dân quân tự vệ, ngày đêm luyện tập, nắm chắc tay súng, vững tay cày, cùng lực lượng bộ đội bảo vệ vững chắc trật tự an ninh, đánh trả máy bay Mỹ xâm lược. Phấn khởi  trước những thắng lợi trên chiến trường cả nước, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Sơn La đã tổ chức đợt tuyên truyền, giáo dục về thắng lợi to lớn của cách mạng nước ta. Ban Thường vụ Tỉnh Hội Phụ nữ Sơn La đã phát động phong trào: “Hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi, thực hiện nghĩa vụ tốt” trong phụ nữ nông thôn; phong trào “năng suất cao, quản lý giỏi” trong khu vực nhà nước. Ở các xã chủ yếu canh tác nương rẫy, Hội Phụ nữ vận động hội viên cùng gia đình định canh, định cư, thực hiện biện pháp kỹ thuật thâm canh nương, bảo vệ rừng, xây dựng nương có bờ như chị em dân tộc Mông xã Co Mạ (Thuận Châu), xã Kiến Thiêt (Mộc Châu); chị em dân tộc Khơ Mú xã Noong Lay (Thuận Châu); chị em dân tộc Dao hợp tác xã Suối Lìn (Mộc Châu)… trở thành lá cờ đầu của tỉnh về phong trào định canh, định cư, xây dựng cuộc sống mới.

Trong cuộc chiến tranh ác liệt, vừa chiến đấu góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhiều chị em phụ nữ đã ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trên mặt trận sản xuất, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã cùng phụ nữ cả nước hăng hái lao động sản xuất, chiến đấu góp phần to lớn cùng cả nước tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại hai đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Lịch sử đã ghi nhận công lao to lớn của các mẹ, các chị là những tấm gương sáng ngời để con cháu noi theo. Đúng như lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ” (7)./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập (2009), tập 2, 1924-1930, Tr.289.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập (2011), tập 14, 1963-1965, Tr.752.

(3) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La (1999), Lịch sử phong trào cách mạng phụ nữ tỉnh Sơn La (1940-1945), Nxb CTQG, HN, tr.64.

(4) Sđd, tr.68,69

(5) Sđd, tr.73.

(6) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (2002), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La, tập 1 (1939-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.271.

(7) Hồ Chí Minh toàn tập (2009), tập 6, 1950-1952, Tr.432.

Thông tin doanh nghiệp
  • Tổng kết công tác thi đua, khen thưởng Cụm thi đua số 3
  • DOCTRANSLATE – Cầu nối tri thức cho người Việt
  • Startup giáo dục trực tuyến Việt lọt Top 3 ngôi sao đang lên của Edtech thế giới
  • Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, thành phố
  • Hội thảo tư vấn Những vấn đề đặt ra trong phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Mộc Châu Milk Vinh Dự Được Công Nhận Thương Hiệu Quốc Gia Việt Nam 2024
  • Hội thảo Phát triển công nghiệp cây giống chất lượng phục vụ phát triển ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
  • 22 Giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Mộc Châu - Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ
  • Đại hội Đại biểu Hội Cựu giáo chức tỉnh Sơn La lần thứ 3, nhiệm kỳ 2024-2029 ​
  • Xã Mường Bằng trong kháng chiến chống Thực dân Pháp
  • Mộc Châu - Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
  • Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • 70 người tham gia lớp tập huấn truyền thông sáng tạo
  • Khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học ​
  • Quy định 189-QĐ/TW: Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công
  • Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tổ chức chung kết cuộc thi “Phụ nữ Sơn La khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Công nghiệp Công nghệ số
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Công bố chi tiết 5 bộ, 4 Ủy ban dự kiến sáp nhập, kết thúc sau khi tinh gọn bộ máy
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
1 2 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 18
    • Hôm nay: 983
    • Trong tuần: 28 990
    • Tất cả: 14721849
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này