Những năm Mão trọng đại trong lịch sử
Quang Hưng
Mèo là một trong các loài vật phổ biến nhất, có ảnh hưởng
mạnh mẽ và sâu rộng tới cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người Việt Nam.
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những năm Mèo (năm Mão) cũng ghi dấu ấn đậm
nét, là thời điểm diễn ra những sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa.
* Năm Quý Mão 43, mùa Xuân, hai
bà Trưng lãnh đạo nghĩa quân kiên cường chống trả sự đàn áp của nhà Đông Hán và
anh dũng hy sinh.
*
Năm Đinh
Mão 187, nhà Đông Hán cử Lý Tiến làm Thứ sử, chính thức phải dùng người
Việt cai quản Giao Chỉ (vùng Bắc Bộ ngày nay).
*
Năm Đinh
Mão 547, tháng 2, Triệu Quang Phục đưa hàng vạn binh sĩ vào đóng tại
đầm Dạ Trạch (Hưng Yên), lợi dụng địa hình hiểm trở và thực hiện phương thức
đánh du kích để kháng chiến chống giặc Lương thành công.
*
Năm Đinh
Mão 907, tháng 8, Khúc Hạo nối nghiệp cha, củng cố nền tự chủ dân tộc,
lấy “khoan, giản, an, lạc” (khoan dung, giản dị, yên ổn, vui vẻ) làm cách thức
trị nước và tiến hành nhiều cải cách lớn về hành chính, kinh tế, xã hội, pháp
luật.
*
Năm Tân
Mão 931, tháng 3, Dương Đình Nghệ chỉ huy 3.000 nghĩa binh từ Thanh Hóa
tiến ra Bắc, chiếm thành Đại La (Hà Nội) và đánh tan lực lượng cứu viện của nhà
Nam Hán, giải phóng đất nước.
*
Năm Đinh
Mão 967, Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong loạn 12 sứ quân cát cứ, thống nhất quốc
gia và xưng là Vạn Thắng vương.
*
Năm Quý
Mão 1063, đầu Xuân, vua Lý Thánh Tông đích thân ra cày ruộng (cày tịch
điền) ở cửa Bố Hải (Thái Bình) để dân chúng noi theo. Tháng 5, ban lệnh ân xá
tội phạm và giảm tính hà khắc của luật lệ.
*
Năm
Ất Mão 1075, tháng 3, mở khoa thi tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử nước
nhà. Tháng 12, Lý Thường Kiệt thống lĩnh quân đội tấn công trước với quy mô lớn
vào đất Trung Quốc, tiêu diệt lực lượng và bẻ gãy ý chí xâm lược của giặc.
* Năm Tân Mão 1171, giữa Xuân,
vua Lý Anh Tông thân hành tuần du đường biển để xem xét thực trạng dân chúng và
khảo sát địa hình miền duyên hải.
* Năm Kỷ Mão 1399, dẹp tan cuộc binh biến
của Thượng tướng Trần Khát Chân, Hồ Quý Ly tự xưng là Quốc tổ Chương hoàng, nắm
giữ quyền lực cao nhất và chuẩn bị chiếm ngôi nhà Trần.
* Năm Tân Mão 1471, cải cách hành chính
sâu rộng ở cả trung ương lẫn địa phương (chia đặt lại đơn vị lãnh thổ, thay đổi
hệ thống quan chức, cải tổ cơ cấu thuế khóa),
*
Năm
Quý Mão 1483, tháng 12, ban hành Bộ luật Hồng Đức - bộ luật lớn nhất và
tiến bộ nhất của chế độ phong kiến Việt Nam.
* Năm Ất Mão 1615, chữ quốc ngữ nước ta
(do các giáo sĩ Bồ Đào Nha khởi xướng) chính thức hình thành.
* Năm Đinh Mão 1627, tháng 2, quân Trịnh
đánh Nhật Lệ (Quảng Bình), mở màn cuộc nội
chiến khốc liệt nhất trong lịch sử Việt Nam: Chiến tranh Đàng Ngoài -
Đàng Trong (1627-1672).
* Năm Quý Mão 1663, ban hành các lệnh cấm
đánh bạc; mọi người phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật và thực hiện việc
thưởng phạt kịp thời, công minh.
* Năm Tân Mão 1771, tháng 11, ba anh em
Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ nổi dậy khởi nghĩa nhằm lật đổ chúa
Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê, lập nên triều Tây Sơn tiến bộ. Được hưởng ứng rộng
rãi và phát triển nhanh chóng, họ giành trọn thắng lợi sau 16 năm.
* Năm Tân Mão 1831, lần đầu tiên lãnh thổ
miền Bắc được chia ra làm 18 tỉnh thành trực thuộc trung ương, kèm theo sự thay
đổi cơ bản về quy chế hành chính.
* Năm Kỷ Mão 1939, tháng 9, phong trào
dân chủ thời kỳ 1936-1939 kết thúc sau khi đạt nhiều thắng lợi nổi bật. Tháng
11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân
tộc Thống nhất Phản đế Đông Dương nhằm đoàn kết rộng rãi mọi thành phần tiến
bộ, tập trung đấu tranh với kẻ thù nguy hiểm nhất là chủ nghĩa đế quốc phát
xít, sớm giành độc lập cho các dân tộc Đông Dương.
* Năm Tân Mão 1951, ngày 7 tháng 3, hợp
nhất Mặt trận Việt Minh với Hội Liên Việt thành Mặt trận
Liên Việt (tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ngày 11 tháng 3, báo Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Đảng -
ra số đầu tiên. Ngày 6 tháng 5, thiết lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Cũng năm
này, bằng 4 chiến dịch lớn (Trung du, Đường số 18, Quang Trung, Hòa Bình), quân
ta áp đảo giặc Pháp, giữ vững và phát triển thế chủ động chiến lược.
* Năm Quý Mão 1963, ngày 2 tháng 1, với
quân số ít hơn địch 10 lần, các chiến sĩ Ấp Bắc (Tiền Giang) đã chiến đấu anh
dũng, đánh tan cuộc càn quét của trên 2.000 lính ngụy có cố vấn Mỹ và vũ khí
hiện đại yểm trợ, gây tiếng vang lớn, mở ra cao trào diệt địch khắp miền Nam.
Giữa năm này, Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu và hàng loạt cuộc biểu tình
làm rung chuyển Sài Gòn, dẫn đến vụ binh biến lật đổ chính quyền Diệm-Nhu vào
đầu tháng 11.
* Năm Ất Mão 1975, ngày 30
tháng 4, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 toàn thắng, giải phóng miền
Nam, thống nhất Tổ quốc. Cũng năm này, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao
với hàng loạt quốc gia trên thế giới và được công nhận là thành viên của Khối
Các nước không liên kết.
* Năm Đinh Mão 1987, cả nước bắt đầu thực
hiện đổi mới và phát triển toàn diện theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ 6
(tháng 12 năm 1986) đề ra. Ngày 20 tháng 10, UNESCO thông qua Nghị quyết công
nhận Chủ tịch Hồ Chí Minh là Danh nhân văn hóa thế giới và việc chuẩn bị kỷ
niệm 100 năm ngày sinh của Người.
* Năm Kỷ Mão 1999, ngày 1 tháng 4, tiến
hành Tổng điều tra dân số trên cả nước (dân số Việt Nam khi đó là 76.324.753
người). Tháng 12, Phố cổ Hội An và Khu Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) được UNESCO
chính thức công nhận và tôn vinh là các di sản văn hóa thế giới. Ngày 17 tháng
12, nối liền nhịp cầu treo dây văng Mỹ Thuận - chiếc cầu làm theo công nghệ mới
đầu tiên ở Việt Nam - nối tỉnh Tiền Giang với Vĩnh Long.
* Năm Tân Mão 2011, ngày 22
tháng 5, lần đầu tiên Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày. Tháng 10, Ban Chấp hành Trung ương
Đảng khóa 11 quyết định tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia gắn liền với mô hình
tăng trưởng định hướng bền vững. Ngày 20 tháng 11, hầm Thủ Thiêm - công trình
ngầm vượt sông đầu tiên của Việt Nam và hiện đại nhất Đông Nam Á - đi vào hoạt
động. Cũng năm này, Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) và Hát xoan (Phú Thọ) được UNESCO
chính thức công nhận và tôn vinh là các di sản văn hóa thế giới.
*
Năm Quý
Mão 2023 này, cả nước bước vào
xuân mới với những thành tựu to lớn, ổn định chính trị và chuyển
biến mạnh mẽ, tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công
nghệ. Cũng năm nay, chúng ta tiếp tục thực hiện tốt
Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, triển khai những chương trình lớn và chào mừng
nhiều lễ kỷ niệm trọng đại:
55 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2023), 50 năm ký kết
Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam
(1973-2023), 10 năm thông qua Hiến pháp Việt Nam hiện hành (2013-2023)…