Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, năm 2024
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024
* Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tích cực tuyên truyền vận động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Sơn La là một trong những tỉnh luôn quan tâm, chú trọng, chủ động triển khai công tác tuyên truyền chính sách và pháp luật về bình đẳng giới một cách sâu rộng. Nhờ những hoạt động đa dạng, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân toàn tỉnh nói chung, phụ nữ nói riêng tham gia học tập, lao động, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Với hơn 84% dân số là người dân tộc thiểu số, vì vậy mục tiêu bình đẳng giới là một trong những trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh. Các cấp, ngành đã thực hiện một loạt biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, nâng cao vị thế và cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia đa dạng các lĩnh vực trong xã hội. Toàn tỉnh đã hình thành 114 mô hình phòng chống bạo lực gia đình, 230 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 529 nhóm phòng chống bạo lực gia đình và 579 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng. Các mô hình này tập trung vào công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, đóng góp mạnh mẽ vào việc giảm thiểu tình trạng bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em.
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập và duy trì 2.637 nhóm, mô hình tập hợp hội viên theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”; thu hút tập hợp hội viên thông qua các hoạt động tham gia phòng chống dịch bệnh, thiên tai, phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới, các hoạt động an sinh xã hội, phong trào Dân vận khéo: với 58 mô hình thuộc lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, 426 mô hình thuộc lĩnh vực kinh tế, 328 mô hình thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội, 18 mô hình thuộc lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Cán bộ Hội chuyên trách các cấp luôn thực hiện “3 cùng” với chi Hội, tổ phụ nữ (Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ theo); mỗi huyện, thành phố có 01 loại hình hoạt động thu hút sự tham gia các đối tượng phụ nữ đặc thù ở địa phương. Cấp tỉnh duy trì 01 mô hình tập hợp nữ Thanh niên tại Trường Cao đẳng Y Tế Sơn La, củng cố mô hình "Tập hợp phụ nữ dân tộc tôn giáo” tại bản Ít Lót, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã.
Trong 5 năm qua, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh luôn xác định công tác tuyên truyền vận động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là việc làm thường xuyên, thiết thực. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Hội LHPN tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, quy định của Trung ương, của Tỉnh về công tác dân tộc thành chương trình, kế hoạch cụ thể. Chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền trong vùng đồng bào DTTS&MN gắn với các phong trào thi đua của Hội cấp trên, của Tỉnh phát động.
Hội LHPN tỉnh đã tổ chức lồng ghép việc tuyên truyền các chính sách dân tộc nói chung và chương trình của Hội nói riêng trong các hội nghị tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật, qua các lớp tập huấn cộng đồng các kiến thức về ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân tộc, tôn giáo, các quy định pháp luật liên quan trực tiếp với cuộc sống của hội viên phụ nữ nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Thông qua đó đã cổ vũ, thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, hướng dẫn hội viên phụ nữ các dân tộc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Đồng thời tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ các dân tộc thiểu số loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tránh các loại tà đạo, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Biểu dương và nhân rộng các tấm gương tiêu biểu, nhân tố mới, những gương điển hình tiên tiến là nữ DTTS trên các lĩnh vực, tích cực đưa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở các cấp, từng bước giáo dục ý thức tự lực, tự cường, động viên các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, một số trở thành hộ khá giả; việc làm này đã đóng góp không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua, các cuộc vận động tại địa phương.
Kết quả cụ thể: các cấp Hội tổ chức 4.018 cuộc tuyên truyền, giáo dục chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nghị quyết ĐHPN các cấp; giáo dục chính trị, giáo dục truyền thống, giáo dục về giá trị gia đình, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng với 574.481 lượt người tham gia; 381 hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật Việt Nam; tích cực tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách; cấp Hội đã tổ chức 34 cuộc giám sát các chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; tham gia góp ý trên 2.000 dự thảo văn bản liên quan đến phụ nữ và trẻ em.
Hội LHPN tỉnh còn in ấn và phát hành 16.500 cuốn tài liệu, 2.440 tờ rơi tuyên truyền, tổ chức được 17 cuộc truyền thông về 4 phẩm chất: “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” cho hơn 15.000 cán bộ, giáo viên, sinh viên, học sinh và phụ nữ; chuyển phát 23.960 cuốn thông tin phụ nữ đến 100% chi hội. Xây dựng và nhân rộng mô hình “Cảm hóa giáo dục người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng” của xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu; Mô hình “ Phụ nữ tự tin” xã Huổi Một, huyện Sông Mã, hiện nay toàn tỉnh có 50 CLB với 2.067 thành viên hoạt động hiệu quả. Duy trì được 346 mô hình các loại và phối hợp tổ chức được 50.180 buổi sinh hoạt chi, tổ hội và Câu lạc bộ; truyền thông phòng, chống tội phạm cho 4.810 lượt hội viên tham gia tập trung vào các vấn đề nổi cộm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, lồng ghép với công tác giáo dục gia đình, tập trung vào tiêu chí xây dựng gia đình “không có người vi phạm pháp luật và TNXH”, “không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học”, “không có bạo lực gia đình” trong Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện đã tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch triển khai Dự án hàng năm; đến nay thành lập và duy trì 38 mô hình “Địa chỉ tin cậy”; 313 “Tổ truyền thông cộng đồng”; 55 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; cấp xã tổ chức 93 cuộc đối thoại chính sách với 7.179 người dự; 150 cuộc truyền thông cộng đồng về nội dung “xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho PN&TE, giải quyết những vấn đề xã hội cấp thiết cho PN&TE” (trong đó có 104 mô hình do nam giới tiên phong); 7.017 phụ nữ mang thai thuộc địa bàn các xã triển khai Dự án được tuyên truyền, vận động đến sinh con tại cơ sở y tế; 478 bà mẹ được thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ bà mẹ sinh đẻ an toàn; 354 bà mẹ thụ hưởng gói chính sách hỗ trợ chăm sóc tại nhà sau sinh; tổ chức, tham gia hội thi, liên hoan các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em; Phối hợp tham mưu tổ chức Hội nghị đối thoại Chủ tịch UBND tỉnh với cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La với 83 đại biểu tại điểm cầu trực tiếp cấp tỉnh, 397 đại biểu tham dự trực tuyến tại 11 điểm cầu các huyện.
Tích cực tuyên truyền các chính sách thông qua các phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với xây dựng người phụ nữ Sơn La “đoàn kết, nhân ái, thân thiện, sáng tạo, khát vọng vươn lên”. Tất cả những nỗ lực trên không chỉ hướng tới việc thực hiện bình đẳng giới mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Góp phần nâng cao đời sống của cán bộ và hội viên phụ nữ các dân tộc nói riêng, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nói chung ngày càng ổn định và phát triển.
Để làm tốt công tác tuyên truyền vận động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung để nâng cao hiệu quả như sau:
Một là, tích cực tham mưu để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Chỉ thị số 21-CT/TW của BCH TW Đảng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”; triển khai thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ đối với các cấp Hội, đặc biệt triển khai hiệu quả Dự án8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021- 2030”.
Hai là, đẩy mạnh truyền thông qua những hình thức hiện đại, hiệu quả, trong đó, khuyến khích tất cả các buổi truyền thông nên có sự tham gia của cả nam và nữ người DTTS; lựa chọn vấn đề giới hoặc định kiến giới/khuôn mẫu giới nổi bật và then chốt nhất tại địa phương để tạo sự thay đổi: “Đúng đối tượng - Đúng thông điệp - Đúng kênh truyền thông”.
Ba là, nâng cao hiệu quả truyền thông qua nền tảng số: khi truyền thông các nội dung về bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có thể sử dụng một số kênh truyền thông phù hợp trên nền tảng số như Facebook, Zalo, Youtube để đảm bảo thông tin nhanh chóng, thuận tiện, dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn.
Bốn là, nâng cao hiệu quả truyền thông tại cộng đồng phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen, phong cách sống và quan niệm của mỗi dân tộc để đạt được hiệu quả truyền thông như mong muốn. Với đặc thù đa phần đồng bào DTTS có hạn chế về trình độ học vấn nên việc sử dụng các hình thức truyền thông trực tiếp vẫn là một giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho đồng bào DTTS về BĐG và các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Năm là, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tiếp tục quan tâm đến việc trang bị các kiến thức cơ bản về giới tính, giới và bình đẳng giới thực chất cho cán bộ, công chức. Kịp thời đánh giá hoạt động các mô hình về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ hiện có; nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, phù hợp tại các địa phương, đặc biệt tại các vùng có bất bình đẳng giới và nguy cơ bất bình đẳng giới; làm tốt công tác phối hợp bồi dưỡng cập nhật, kiến thức, nâng cao kỹ năng về công tác dân tộc, bình đẳng giới, giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền nhất là ở cơ sở.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội và đề xuất chính sách phù hợp liên quan đến dân tộc, tôn giáo, phụ nữ và trẻ em; tăng cường tổ chức đối thoại giữa phụ nữ (đặc biệt là phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số) với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền; chủ động nắm thông tin về tình hình và các vấn đề về dân tộc, về phụ nữ dân tộc thiểu số, kịp thời lên tiếng bảo vệ và tham gia giải quyết các trường hợp phụ nữ, trẻ em người dân tộc thiểu số bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp...
Bảy là, chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tích cực, chủ động xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Thực hiện hiệu quả công tác bình đẳng giới, giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Chủ động bố trí ngân sách địa phương, tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS./.