CHUYỆN MÈO NĂM QUÝ
MÃO
Nguyễn
Tấn Tuấn
Mèo và hổ cùng bộ ăn thịt (Carnivora), chúng có họ hàng với nhau.
Cái khác giữa hổ và mèo là kích thước cơ thể của chúng và tình cảm của con
người dành cho mèo; thường thì người ta yêu quý mèo chứ ít ai lại yêu thương hổ.
Trong các loài gia súc nuôi làm cảnh trong nhà có lẽ mèo được xếp đứng hàng
đầu, ngang với chó. Nhưng thật trái ngược là mèo lại được gia hóa vào hàng sau
cùng, vì vậy mà con vật dễ thương và rất gần gũi này lại có lịch sử còn khá
nhiều bí ẩn đối với con người.
Mèo 40... triệu tuổi
Mèo thuộc
bộ ăn thịt. Bộ này xuất hiện trên trái đất vào thời Paleogen (kỉ Cổ Cận), cách đây khoảng 40 triệu năm. Nhưng nay
di tích cổ nhất của mèo đào thấy được ở vào thời Pleistocen (nghĩa là cùng thời với người tiền sử, cách nay gần một
triệu năm).
Có rất nhiều hóa thạch của mèo được tìm thấy ở châu Âu,
châu Phi và châu Á. Mẫu xưa nhất ở châu Á được tìm thấy ở Harappa thuộc thung lũng sông Ấn Hà cách nay khoảng 4.000 năm. Trong
khi đó, những mẫu đào được ở châu Âu cho thấy một số giống với loài mèo rừng
hiện nay ở châu Âu (Felis silvestris),
một số giống với loài mèo rừng châu Phi (Felis libyca), một số lại giống cả hai loài. Do đó, đến nay người
ta vẫn chưa xác định được nguồn gốc của tổ tiên nhà mèo.
Mèo nhà 4000 năm
Những di
tích khảo cổ cho thấy ngay thời Palaeolithic
- thời đại cổ thạch khí trước năm 12.000 trước công nguyên và Mesolithic - thời đại trung thạch khí 12.000
- 6.000 năm trước công nguyên, tức là thời kỳ mà cả linh cẩu và khỉ cũng được
nuôi ở Ai Cập thì mèo vẫn còn
vắng bóng trong đời sống con người.
Dấu vết
gần gũi xưa nhất giữa mèo với con người chứng tỏ chúng đã được thuần hóa, hiện còn lại là ngôi mộ cổ của một vị vua
Ai Cập tên là O-nen ở Thebes. Trong ngôi mộ này có
bức tranh con mèo ôm con vịt trong tay và đang đùa với một con khỉ ở bên dưới
một cái ghế. Ngôi mộ này được xây khoảng 1.800 năm trước công nguyên. Do đó,
người ta cho rằng mèo được thuần hóa đầu
tiên ở Ai Cập, cách nay khoảng
4.000 năm. Hơn nữa, người Ai Cập cổ rất quý mèo. Họ tôn thờ vị nữ thần Bastet (hay Pasht) có đầu là đầu mèo.
Mới đây
người ta đã tìm ra di tích của ngôi đền cổ thời Ptolemaic tại Alexandria -
một thành phố cảng nằm dọc theo bờ Địa Trung Hải. Rất nhiều bức tượng mô
phỏng thần mèo Bastet
đã được tìm thấy trong ngôi đền, điều đó chứng tỏ đây có
thể là ngôi đền đầu tiên thời Ptolemaic
thờ thần mèo được phát hiện ở Alexandria.
Mèo là con
vật linh thiêng
Địa vị cao
quý của loài mèo có lẽ bắt nguồn từ khả năng bắt chuột tài tình ở các vựa lúa
của Ai Cập. Người Ai Cập khi đi ra nước ngoài nếu gặp được con mèo thì phải tìm
mọi cách đưa về nước. Sự sùng kính quá độ này đã gây không ít tai họa cho các
du khách đến Ai Cập thời đó. Luật thời ấy quy định, người nào vô tình làm mèo chết sẽ bị xử tử. Nếu mèo bị chết trong
nhà thì đó là điều bất hạnh đối với gia đình, mọi người trong nhà phải để tang
con mèo.
Năm 1860,
các nhà khảo cổ đã phát hiện một khu lăng mộ lớn ở Ai Cập, trong đó mai táng
180.000 gia đình mèo, có nhiều xác mèo được ướp và đựng trong các hòm bằng đá
quý. Quốc gia nuôi nhiều mèo thứ hai có lẽ là Palestin vì thời đó Palestin
có quan hệ mua bán với Ai Cập.
Cụ thể là hiện nay nước này còn lưu lại một bức tượng bằng ngà khắc hình con
mèo đang nằm. Bức tượng này có khoảng 1.700 năm trước Công nguyên. Nhưng mèo
chỉ được phổ biến sang nhiều nơi khác vào khoảng thế kỷ thứ 5 TCN, tức là
thời kỳ Ai Cập có quan hệ với Hy Lạp và La Mã. Các thương buôn Hy Lạp đã lén
mang một số mèo về nước và ngày nay ở đền Athens có tấm cẩm thạch khắc hình một con chó và một con mèo cắn
lộn nhau. Đền này được xây khoảng 480 năm TCN.
Nhưng mèo
chỉ phát triển nhiều ở châu Âu vào thời kỳ đế quốc La Mã. Một đồng tiền cổ ở
miền Nam nước ý khoảng 440 năm trước Công nguyên có khắc hình con mèo và đến
thời Christan (khoảng năm 200 sau Tây lịch) mèo đã trở thành con vật quen thuộc. Ở
đây có lẽ mèo Ai Cập gốc Châu Phi có lai với mèo rừng châu Âu, do đó mang đặc
điểm của 2 loài này.
Một chứng
cứ khác là tên của mèo. Tên khoa học của mèo nhà là Felis catus, tiếng Latinh
là "catus", tiếng Anh là "cat", tiếng Pháp là
"chat". Các nhà ngôn ngữ học cho rằng nó phát xuất từ tên nữ thần
Pasht của Ai Cập đã phát âm trại đi.
Mèo Châu Á
2000 tuổi
Riêng ở
Châu Á, Ấn Độ cũng đã nuôi mèo cách nay ít nhất khoảng 2.000 năm. Sở dĩ
nói là ít nhất vì nếu con mèo đào được ở thung lũng sông ấn Hà đã được gia hóa
thì phải cộng thêm 2.000 năm nữa.
Nhiều
người cho rằng mèo ấn Độ cũng là
mèo Ai Cập được đưa qua
cửa ngõ Babylon, khoảng thế kỷ thứ 2 trước công nguyên.
Vùng
Đông Nam á có dòng mèo Xiêm cũng rất nổi tiếng, nguồn gốc ở Thái Lan. Mèo Xiêm, được nuôi nhiều trên thế
giới vì thông minh, dễ dạy, bắt chuột giỏi. Có giả thuyết cho rằng mèo Xiêm
cũng bắt nguồn từ mèo ấn Độ. Vấn đề này cũng như sự tích của mèo đến nay vẫn
chưa sáng tỏ.
Ở đảo Man
(châu Âu) có dòng mèo cụt đuôi nổi tiếng, tên gọi là Manx. Người ta cho rằng mèo này do "đột biến" của mèo
nhà châu Âu. Mèo Manx chạy rất nhanh nhờ hai chân sau dài và khỏe, nó bắt
chuột, bắt cá và ngay cả săn rắn rất thành thạo.
Sở dĩ có
nhiều giả thuyết khác nhau vì rất khó phân biệt mèo nhà với mèo rừng mà chỉ dựa
trên ... bộ xương. Theo khuynh hướng thông thường của những con vật được gia
hóa lâu năm, nhiều nhà khảo cổ cho rằng mèo nhà ngày nay nhỏ con hơn, xương mặt
rộng và mõm ngắn hơn, cấu tạo răng cũng khác hơn, giống như trường hợp heo rừng
với heo nhà. Tuy nhiên, điều này cũng chưa được các nhà động vật học nhất trí.
Hiện nay
người ta biết mèo nhà (Felis catus) có trên 30 dòng khác nhau và cách phân biệt
dễ nhất là chia chúng làm 2 nhóm: nhóm lông ngắn và lông dài. Mèo nuôi ở nước
ta, mèo Xiêm, mèo Ai Cập thuộc nhóm lông ngắn, có lẽ nguồn gốc từ mèo rừng châu
Phi mà Ai Cập đã gia hóa đầu tiên. Mèo lông dài có bộ lông xù tuyệt đẹp, nổi
tiếng là mèo Ba Tư, với khoang
cổ rực rỡ và diềm ren ở giữa hai chân trước, mũi ngắn, mặt rộng và mèo Angora (tên trước đây của Ankara thuộc
Thổ Nhĩ Kỳ) với chòm lông dài nơi gốc đuôi, mũi dài nhưng tẹt và hếch.