CHUYỆN ĐI CHÚC TẾT XƯA NAY
Nguyễn Tấn Tuấn
Chúc Tết Cổ truyền là một phong tục đẹp.
Đây là dịp để mọi người trong gia đình và làng xóm, bè bạn thể hiện tình cảm thân
ái với nhau. Cũng vì quan niệm như vậy, nhân dân ta từ xưa đã rất chú trọng đến
việc chúc Tết và cách thể hiện lời hay, ý đẹp với nhau trong ba ngày Tết. Về
phía Nhà nước, từ những năm đầu thành lập nước, trong lễ đón giao thừa, luôn có
người đứng đầu đất nước chúc Tết đồng bào nhân dịp Xuân về. Còn trong mỗi gia
đình thì người chủ hộ, người lớn tuổi nhất sẽ chúc tết cả nhà và lần lượt các
thành viên còn lại chúc tết lẫn nhau...
Đây
chính là hình thức thể hiện tình cảm truyền thống của người dân Việt Nam. Qua
lời chúc Tết của người đứng đầu nhà nước, người dân có thể biết được một số
việc làm trọng tâm của nhà nước trong năm mới, hiểu được tình hình kinh tế,
chính trị, đối nội, đối ngoại của chính phủ, giúp họ có một hướng đi đúng trong
công việc nói chung cũng như trong làm ăn, kinh doanh. Vì thế, bao giờ trong lễ
giao thừa hầu hết người dân đón nhận lời chúc Tết này một cách đặc biệt.
Đối với gia dình, sau khi cả nhà cúng
giao thừa và làm lễ chúc Tết tổ tiên xong thường ngồi lại để chúc Tết nhau, con
cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ và những người lớn tuổi khác với ý nghĩa cầu chúc sức
khỏe, sống thọ, gặp nhiều may mắn năm mới.
Tục
lệ thăm viếng, chúc tụng nhau trong dịp Tết Cổ truyền chính là một mỹ tục của người Việt có từ ngàn đời nay. Quanh năm
mọi người đều tất bật công việc, hoặc đi làm ăn xa gia đình, hoặc lo học hành,
ít có dịp để đoàn tụ, thăm hỏi nhau, thậm chí vì lý do nào đó mà người ta giận
ghét nhau trong đời sống hàng ngày, nhân dịp Tết đến họ cũng gạt bỏ hiềm khích,
giận hờn để đón một năm mới thanh thản, tốt đẹp hơn năm củ ... Đó chính là ý
nghĩa nhân văn của sự chúc Tết.
Có trường hợp, mới hôm qua gặp nhau cả
buổi, thế mà hôm sau – đầu năm mới lại khăn áo chỉnh tề đến nhà thăm nhau
"chào anh, chào chị, chào bạn nhân năm mới". Theo truyền thống, tín
ngưỡng của người Việt, việc chúc Tết, thăm dịp nhau biểu trưng cho tinh thần nhân ái, lạc
quan nhằm quên đi những nhọc nhằn vất vả, những điều bất như ý, thậm chí cả
những hận thù trong quá khứ để cùng nhau hướng đến một năm mới tốt đẹp.
Thông thường trong ngày Tết, thời giờ
thì ít, nhưng muốn đi thăm thú lại nhiều nên ai cũng vội vàng. Vào nhà, chào
hỏi xong, ngồi uống tách trà, chén rượu, ăn miếng bánh, khách lại vội vã đứng
lên cáo từ chủ nhà để đi chúc Tết nhà khác. Tuy vậy, do ngày Tết ai ai cũng bận
rộn như nhau nên chẳng ai trách hờn ai. Phong tục chúc Tết mỗi dịp Tết Cổ truyền
đã giúp mọi người đều cảm nhận những cảm xúc thân thiện, sự vị tha, niềm vui
trong đời sống. Đó chính là phong vị truyền thống cực kỳ quý báu của người Việt
chúng ta cần duy trì bền vững ...