CHIỀNG SUNG, NƠI TÔI ĐẾN
Hẹn hò mãi nhưng phải tới giữa tháng bảy, sau khi dự Trại sáng tác của tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tại huyện Mộc Châu trở về, tôi mới có dịp đến thăm anh Triển và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung (tại xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) - một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La.
Ngược con đường từ Nà Bó, qua dốc Mèo nhìn xuống, cả một thung lũng bạt ngàn màu xanh của ngô hiện ra trước mặt. Đang giữa mùa trổ cờ, cánh đồng ngô giống như một đoàn quân, hàng lối thẳng tắp, cây nào cây nấy đua nhau bung lên những túm cờ đầy bông phấn. Những bắp ngô mới nở, xòe ra những sợi râu tím ngắt chờ đón phấn rơi. Xen giữa màu xanh bạt ngàn của ngô là những ngôi nhà cao tầng thấp thoáng trong làn sương mù, ven những triền đồi dọc con đường vào thị trấn. Cảnh vật nơi đây tựa như một bức tranh sơn thủy, thật yên bình và thơ mộng.
Tiếp tôi tại phòng khách của đơn vị, anh Lộc Mậu Triển, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung không giấu được niềm vui và xúc động. Niềm vui của một người suốt cả cuộc đời gắn bó với công ty, chứng kiến những bước thăng trầm, gian truân, vất vả của đội ngũ cán bộ, công nhân nơi đây và cũng là người đã góp phần vào những thành quả mà công ty đạt được trong những năm qua, mang lại sự sung túc, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc xã Chiềng Sung.
Bên ấm trà và đĩa hoa quả tươi rói được hái từ chính mảnh đất Chiềng Sung đặt trên bàn tiếp khách, bằng chất giọng trầm và ấm áp, anh kể cho tôi nghe về chặng đường 60 năm ra đời, trưởng thành và phát triển của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung.
***
Cách đây hơn 60 năm, ngày 28-4-1962, Nông trường Chiềng Sung được thành lập theo quyết định của Ủy ban hành chính Khu tự trị Thái - Mèo. Sáu tháng sau, nông trường được đổi tên thành Trại Chăn nuôi Chiềng Sung với nhiệm vụ chính là chăn nuôi bò, cung cấp bò giống, bò thịt và bò cày kéo cho các địa phương trong khu tự trị.
Nhớ lại năm xưa, khi đơn vị mới thành lập, đó là những tháng ngày gian nan, vất vả. Con đường vào Chiềng Sung như một sợi chỉ, ngoằn nghoèo len lỏi quanh các sườn núi rồi mất hút trong những khe sâu. Nơi đơn vị đến dựng nghiệp là một vùng đất hoang sơ, với bạt ngàn lau sậy. Việc vận chuyển những vật phẩm thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất cho cán bộ, công nhân của trại, từ hạt muối, cân gạo đến con dao, cái búa…và ngay cả việc vận chuyển bò mua của dân, từ các bản xung quanh về trại để làm giống, tất cả đều phải vận chuyển bộ, đều bằng sức người. Đường thì xa mà lại toàn đi bộ, nên nhiều hôm chỉ cần ra đến Hát Lót, lấy gạo hoặc mua thực phẩm cho anh em ăn thôi cũng mất cả ngày đường anh ạ.
Những lời của anh Triển nói khiến tôi chợt nghĩ, sáng nay từ Hát Lót, trên chiếc xe do mình tự lái, tôi vào tới Chiềng Sung chỉ mất hơn 30 phút. Nên những ai chưa đến Chiềng Sung ngày ấy, không thể tưởng tượng được khó khăn mà những người “khai sơn, phá thạch” đầu tiên ở mảnh đất này đã phải vượt qua trong thuở sơ khai ấy, vất vả, gian khổ đến nhường nào.
Giữa một vùng rừng núi đèo heo hút gió, không điện, không nước, vắng tiếng người nhưng thừa tiếng chim kêu vượn hót, mấy chục con người phải bám lấy nhau mà sống. Những chiều đông, quang cảnh nơi đây vô cùng ảm đạm, hoang vắng và lạnh thấu xương. Mỗi khi tết đến, xuân về thì nỗi nhớ nhà, nhớ cha, thương mẹ và nỗi buồn bởi phải xa quê, đến dựng nghiệp ở một nơi hoang vu, buồn tẻ mà trước khi lên đường lên đây, chưa ai tưởng tượng được, khiến anh chị em công nhân nhiều đêm mất ngủ. Để xua đi cái lạnh và xua đuổi thú dữ, hàng đêm họ phải quây quần bên bếp lửa, kể cho nhau nghe những câu chuyện quê nhà. Và những giọt nước mắt đã rơi trên khóe mắt rất nhiều người…
Vượt lên những khó khăn ban đầu, với sự quan tâm của ban lãnh đạo trại, và bàn tay và khối óc của mình, những người công nhân đầu tiên tới Chiềng Sung lập nghiệp, đội ngũ cán bộ, công nhân của trại - những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi, mười tám, từ các vùng quê Thái Bình, Hưng Yên, vốn là những vùng đất có truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất - đã chung lưng đấu cật, vượt qua khó khăn trở ngại, đoàn kết một lòng, dựng nên những ngôi nhà đơn sơ với tranh, tre, nứa lá để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt và mùa hè nóng như đổ lửa giữa mảnh đất này. Họ lao vào khai phá những vùng đất mới để quên đi những khó khăn và nỗi nhớ nhà. Hàng trăm hec ta đất được khai hoang để trồng cỏ cho bò, trồng ngô và khoai lang dự phòng trong những lúc nhà nước không cung cấp được lương thực kịp thời.
Cuối năm 1962, Trại chăn nuôi Chiềng Sung được chuyển về tỉnh Sơn La quản lý. Đầu những năm 1970, được sự giúp đỡ của Bộ Nông trường, trại được cấp một số máy nông nghiệp. Nhờ vậy, việc khai hoang, mở rộng diện tích được thực hiện nhanh hơn, thêm hàng trăm hec ta đất được mở mới, diện tích trồng trọt của trại tăng lên đáng kể, đời sống công nhân đã giảm nhiều khó khăn. Cũng năm đó, trại được tham gia thực hiện “Chương trình sind hóa đàn bò”, thay thế đàn bò thuần chủng bằng giống bò lai sind. Theo chương trình này, trại được nhập khẩu hai con bò đực giống zêbu từ Pakistan về để phối tinh nhân tạo cho đàn bò cái của trại. Từ năm 1970 đến 1978, số lượng bò của trại đã tăng lên khá nhanh và giống bò lai, với trọng lượng cao hơn đã góp phần tăng thêm sản lượng thịt, cung cấp cho thương nghiệp và thị trường tỉnh nhà.
Nói đến đây, giọng anh Triển nghẹn lại. Anh kể:
- Là một người sinh ra ở đồng bằng bắc bộ, học xong đại học, tôi nhận nhiệm vụ lên Sơn La công tác. Khi được phân công về Nông trường Chiềng Sung, tôi cũng đâu có nghĩ rằng nơi đây lại khó khăn đến thế. Nhớ cái đận mùa mưa năm 1980, mưa to lắm. Tất cả các con đường vào nông trường đều tắc, trong khi đó thì gạo hết, tiền hết…Ban lãnh đạo nông trường phải huy động mấy chục anh em công nhân lội bộ giữa trời mưa ra Hát Lót nhận gạo và lương về cho công nhân. Mấy chục con người, mỗi người một ba lô gạo, quần áo ướt sũng, tay cầm gậy chống, bì bõm suốt cả ngày, đến tận khuya mới mang được gạo về đến nhà để chia cho các gia đình. Mệt kinh khủng anh ạ, nhưng cũng vui vì không nhà nào bị đứt bữa.
Anh cười. Nụ cười thật hiền. Rồi anh kể tiếp:
Năm 1978, Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành quyết định chuyển Trại Chăn nuôi Chiềng Sung thành Nông trường Quốc doanh Chiềng Sung, với nhiệm vụ là chăn nuôi bò giống, bò thịt; trồng chè, trồng đậu tương giống và sản xuất lương thực. Anh biết đấy, những năm ấy đất nước mình rơi vào khủng hoảng kinh tế hết sức nặng nề, chiến tranh biên giới Tây Nam thì đang rất ác liệt. Nguy cơ chiến tranh biên giới phía Bắc đã cận kề rồi, chỉ là bao giờ nó đánh thì chưa biết chính xác thôi. Trước tình hình ấy, nông trường được trung ương tăng cường thêm 300 thanh niên từ huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây lên làm công nhân nông trường, với tinh thần vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng lao động của nông trường tăng thêm, nông trường lại phải bố trí thêm nơi ăn, chốn ở cho anh em, phát thêm nương rẫy, mở rộng sản xuất, trồng thêm lương thực mà nuôi nhau. Để sẵn sàng chiến đấu, Ban Chỉ huy quân sự của nông trường được thành lập. Tất cả cán bộ, công nhân toàn nông trường, ngoài nhiệm vụ sản xuất, phải tham gia xây dựng hệ thống chiến hào, lô cốt, hầm chiến đấu bao quanh khu vực phòng thủ, rồi phải tổ chức huấn huyện dân quân theo phương án tác chiến phòng thủ... Ngày ấy, tất cả các ngọn núi, đỉnh đồi phía trước xung quanh Chiềng Sung đều có hệ thống hầm hào phục vụ chiến đấu anh ạ. Biết bao công sức của anh chị em công nhân đã đổ xuống đất này trong những ngày tháng căng thẳng ấy.
Bên cạnh nhiệm vụ sẵn sáng chiến đấu, nông trường vẫn phải đẩy mạnh sản xuất. Năm 1978, nông trường lại đứng trước một sự lựa chọn hết sức khó khăn, đó là phải xác định đúng phương án sản xuất để làm sao mang lại hiệu quả cao nhất. Đàn bò của nông trường khi ấy có hơn 600 con, được nuôi theo phương thức thả rông, đang phát triển tốt. Nhưng, sau khi mở rộng sản xuất, diện tích các loại cây trồng cũng tăng lên rất lớn. Vì thả rông, nên đàn bò thi nhau vào phá nương rẫy, ảnh hưởng đến việc sản xuất các loại cây trồng. Để giải quyết vấn đề này, Ban lãnh đạo nông trường đã họp rất nhiều lần, phải tính toán, cân nhắc và cuối cùng đi đến thống nhất là đề nghị Ty Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép nông trường thanh lý toàn bộ đàn bò, để tập trung vào sản xuất đậu tương giống, chè và cây lương thực. Đề xuất đó được chấp thuận, nông trường đã tổ chức thanh lý toàn bộ đàn bò và tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh sản xuất các loại cây trồng theo kế hoạch. Hiệu quả sản xuất nhờ đó đã tăng lên rõ rệt.
Từ năm 1980 đến 1999, theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng, tổ chức hành chính của Chiềng Sung có hai lần thay đổi. Lần thứ nhất là tháng 2-1980, Hội đồng Bộ trưởng ban hành quyết định thành lập Thị trấn Nông trường Chiềng Sung trên cơ sở sáp nhập xã Chiềng Sung vào Nông trường Chiềng Sung. Theo đó, toàn bộ đất đai và nhân khẩu của xã Chiềng Sung được chuyển về Thị trấn Nông trường quản lý, toàn bộ lao động trong độ tuổi được tuyển dụng làm công nhân và nông trường phải tổ chức, sắp xếp lại các khu dân cư cho phù hợp với quy hoạch sản xuất của từng đội. Trong giai đoạn đó, Lãnh đạo nông trường lại phải gánh thêm nhiệm vụ là Bí thư, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn nữa. Khi đi học, có ai dạy mình những công việc đó đâu, vốn chỉ quen chỉ đạo sản xuất, giờ lại tham gia công tác quản lý nhà nước, quản lý địa bàn nữa, nên phải vừa học, vừa làm. Thế rồi, vừa ổn định tình hình xong, đến tháng 8-1999, Chính phủ lại ban hành nghị định về việc thành lập xã Chiềng Sung, trên cơ sở giải thể Thị trấn Nông trường Chiềng Sung, một phần đất đai của nông trường phải giao lại cho xã quản lý. Những công việc đang làm lại trả về cho địa phương. Khổ vô cùng mà chẳng biết kêu ai anh ạ.
Những xáo trộn về tổ chức và địa giới hành chính ấy đã tác động trực tiếp đến đời sống, tâm tư tình cảm của cả ngàn cán bộ, công nhân nông trường. Hầu hết những công nhân là người địa phương, do không quen với hình thức quản lý lao động tập thể, đã viết đơn tự nguyện xin thôi làm công nhân. Số lượng lao động của nông trường giảm đi đáng kể. Đây là một khó khăn lớn mà nông trường phải gắng sức vượt qua trong những năm đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp…
Năm 1992, thực hiện chủ trương của Đảng và nhà nước về sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Nông trường Quốc doanh Chiềng Sung một lần nữa đứng trước nguy cơ phải giải thể. Thông tin giải thể nông trường lan khắp các đội, đâu đâu cũng râm ran những lời bàn tán về việc nông trường không còn tồn tại. Một không khí buồn chán và lo âu bao trùm lên toàn bộ nông trường và nét mặt của mọi cán bộ, công nhân viên nông trường. Ai cũng lo lắng cho số phận của nông trường và tương lai của gia đình mình. Ai cũng tự hỏi rằng mình và con cái, gia đình mình sẽ đi đâu, về đâu khi nông trường không còn nữa? Những chàng trai, cô gái từ Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây… nghe theo tiếng gọi của Đảng, lên xây dựng kinh tế miền núi suốt mấy chục năm qua, nay đã thành ông, thành bà, quy mô các gia đình đã lớn lên rất nhiều, nếu nông trường giải thể thì phải tính làm sao? Những giọt nước mắt một lần nữa đã rơi xuống mảnh đất mà chính họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân mới gây dựng được.
Trước tình hình ấy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Ân đã trực tiếp về làm việc với lãnh đạo nông trường để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công nhân nơi đây. Sau khi nghe báo cáo của tập thể Ban lãnh đạo và ý kiến của tập thể người lao động, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Sự tồn tại của Nông trường Chiềng Sung không phải là gánh nặng của tỉnh; nông trường đang sản xuất kinh doanh có lãi. Mặt khác, sự xuất hiện của nông trường tại một địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đang góp phần giúp bà con nông dân trong vùng chuyển đổi và phát triển sản xuất hiệu quả. Nông trường Chiềng Sung đã có những đóng góp rất quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương…Do vậy, tỉnh sẽ làm việc với các bộ, ngành trung ương để giải quyết thấu tình, đạt lý vấn đề này.
Thông tin về buổi làm việc của lãnh đạo nông trường với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhanh chóng lan đến các đội sản xuất. Đội ngũ cán bộ, công nhân viên toàn nông trường ai cũng vui mừng, phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và cá nhân đồng chí Bí thư.
Trước đề nghị của tỉnh, ngày 28-01-1992, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp Thực phẩm đã đồng ý không giải thể nông trường mà tổ chức lại Nông trường Quốc doanh Chiềng Sung theo hướng tinh gọn, tự chủ sản xuất kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Đến đây thì mọi lo lắng, suy tư của toàn thể cán bộ, công nhân viên nông trường mới được giải tỏa. Một không khí phấn khởi, tin tưởng lan nhanh khắp nông trường.
Giai đoạn từ năm 1992 đến 1997, sau khi được tổ chức lại, nông trường mới thực sự bứt phá. Mọi rào cản được dỡ bỏ, nông trường được chủ động trong xây dựng và điều chỉnh phương án sản xuất; tự mình xác định con đường phát triển của mình. Một không khí thực sự yên tâm, phấn khởi lan nhanh đến tất cả các đội sản xuất của toàn nông trường. Ngày ấy, anh em trong tập thể ban lãnh đạo chúng tôi đã phải thay nhau đi rất nhiều nơi, tìm kiếm các đối tác để làm sao phát huy được thế mạnh của mình là đất đai, khí hậu và lao động nơi này. Thế rồi, được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Ngô trung ương, chúng tôi đã mạnh dạn thử nghiệm, chuyển một số diện tích trồng đậu tương giống sang sản xuất ngô giống để tính toán hiệu quả sản xuất. Thật bất ngờ là trên diện tích đó, khi chuyển sang làm ngô giống, sản phẩm thu được mang lại giá trị cao hơn gấp nhiều lần trồng chè và trồng đậu tương giống. Vậy là con đường đã chọn là đúng rồi, vấn đề còn lại là việc chuyển đổi hình thức sở hữu để phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp với cơ chế thị trường. Cuối năm 2005, ban lãnh đạo nông trường mạnh dạn đề xuất và được các bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận chuyển đổi từ nông trường quốc doanh sang doanh nghiệp cổ phần. Nông trường Quốc doanh Chiềng Sung chuyển thành Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung và doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01-01-2006.
Sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty liên tục tăng trưởng do được chủ động quyết định mọi hoạt động trong sản xuất kinh doanh. Công tác quản lý kinh tế và quản trị doanh nghiệp được tổ chức minh bạch và chặt chẽ. Được sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Ngô và các đối tác như Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Ngô Việt Nam, Công ty TNHH Bioseed Việt Nam, Công ty TNHH Việt Nông và các đối tác khác, Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung đã tập trung sản xuất giống ngô chủ lực LVN.10 và nhiều loại giống ngô khác. Sản phẩm ngô giống của Chiềng Sung đã tham gia cạnh tranh sóng phẳng trên thị trường Việt Nam và thị trường Bắc Lào với các “đối thủ” là các loại ngô giống nổi tiếng của các tập đoàn đa quốc gia như các loại giống của tập đoàn Mosanto, tập đoàn Pioneer của Mỹ; tập đoàn Syngenta của Thụy Sỹ, tập đoàn Bioseed của Ấn Độ, tập đoàn CP của Thái Lan và các công ty sản xuất ngô giống trong nước.
Do thực hiện đúng quy trình sản xuất, lại có điều kiện thiên nhiên phù hợp với việc sản xuất ngô giống, giá thành sản phẩm thấp hơn các sản phẩm cùng loại, nên các loại ngô giống của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung luôn được bà con nông dân Sơn La, bà con nông dân các tỉnh bạn và các tỉnh Bắc Lào tin dùng. Lợi tức cổ phần từ khi cổ phần hóa đến nay đạt bình quân 20%/năm. Đời sống của người lao động được cải thiện rõ rệt. Do áp dụng có hiệu quả những thành tựu nghiên cứu khoa học vào sản xuất, ngày 4-10-2013, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung vinh dự được cấp Giấy chứng nhận là Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Sơn La được cấp giấy chứng nhận cao quý này.
Sau 26 năm chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần, đến nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung đã trở thành doanh nghiệp sản xuất ngô giống lớn nhất Miền Bắc. Công ty đã sản xuất được hơn 30.000 tấn ngô giống các loại, trong đó có hơn 2000 tấn xuất khẩu sang các tỉnh Bắc Lào. Với những ưu đãi về giá (thấp hơn giá thị trường 5000 đ/kg), thời gian thanh toán và hình thức giao nhận thuận lợi, công ty đã làm lợi cho nông dân các tỉnh Bắc Lào hơn 10 tỷ đồng, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào nói chung, tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào nói riêng.
Ghi nhận những đóng góp của công ty đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 9 Cờ Thi đua của Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác. Công ty cũng được Bộ Công thương nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Tỉnh trưởng các tỉnh Xiêng Khoảng và Xaynhabuly tặng 12 Bằng khen cho tập thể và các cá nhân của Công ty. Nhân dịp sang dự Liên hoan Hữu nghị Quốc hội Việt Nam - Lào (tháng 4 năm 2012 được tổ chức tại tỉnh Sơn La), đồng chí Pany Yathotu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Lào, đồng chí Sômxavạt Lênhxavát, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã giành thời gian đến thăm công ty và cám ơn cán bộ, công nhân viên công ty đã dành cho bạn những tình cảm hết sức quý báu, thể hiện cao đẹp tình nghĩa keo sơn Việt Nam - Lào.
Nói chuyện với tôi, anh Lộc Mậu Triển bồi hồi nhớ lại những giai đoạn khó khăn của đơn vị. Có những lúc anh trăn trở nhiều đêm không ngủ được, rồi giữa đêm, nảy ra một ý gì mới, anh bật dậy gọi điện cho anh Cần - Phó Giám đốc, anh Thơm - Chủ tịch Công đoàn đến công ty hội ý, triển khai công việc. Các anh trong Ban lãnh đạo công ty đã phải lăn lộn rất nhiều năm, gặp gỡ rất nhiều cơ quan quản lý và các đối tác để tìm ra hướng đi, nhằm giải quyết những khó khăn, trở ngại, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp. Tiếp chuyện tôi, anh nói rằng đã có lúc anh định buông xuôi bởi cảm thấy bất lực. Nhưng sau khi được gặp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Văn Ân, nhìn gương mặt sạm đi của cụ, nghe những lời căn dặn, động viên của cụ, anh và các đồng chí lãnh đạo công ty thêm quyết tâm hơn, vững tin hơn để bước tới...
Chiềng Sung hôm nay đã khác xưa nhiều lắm. Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư, đường vào Chiềng Sung được trải nhựa phẳng lỳ. Việc đi lại, giao lưu, phát triển kinh tế xã hội giữa thị trấn Chiềng Sung với các địa phương khác trong tỉnh đã được cải thiện đáng kể; tất cả các bản trong địa bàn xã đã được dùng điện lưới quốc gia. Hệ thống đèn đường của thị trấn được công ty đầu tư, hàng đêm sáng rực như những nơi đô hội…Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc và cán bộ, công nhân công ty đã có những thay đổi rất lớn. Người lao động được công ty chăm lo đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, hàng năm người lao động được tổ chức đi tham quan trong nước và nước ngoài; con em công nhân trong công ty học giỏi được biểu dương, khen thưởng và được hỗ trợ khi đi học đại học... Bên cạnh đó, công ty đã làm tốt trách nhiệm với xã hội và cộng đồng. Hàng năm, ngoài việc trích nộp đầy đủ các quỹ theo quy định, công ty đã trích từ quỹ phúc lợi để ủng hộ các xã xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các nhà trường xây dựng trường học cho các xã vùng sâu, vùng cao đặc biệt khó khăn, tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong 10 năm gần đây, công ty đã dành hơn 6 tỷ đồng để tham gia vào các hoạt động xã hội…
Sự phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động công ty; sự đoàn kết một lòng, chung lưng đấu cật, vượt qua mọi khó khăn gian khổ của lớp lớp các thế hệ người lao động trong công ty đã được đến đáp xứng đáng.
Tại buổi làm việc tại công ty, tôi đã gặp chị Lê Hồng Sánh, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Chiềng Sung. Khi biết tôi đang tìm hiểu về mảnh đất này, chị tươi cười nói: Thú thực với anh, khi mới vào Chiềng Sung giảng dạy, em chỉ muốn ra ngay, bởi điều kiện sống ở đây quá khó khăn và vô cùng vất vả. Đường xá đi lại rất nguy hiểm nên cả tuần em mới dám về nhà. Thêm nữa là điện đóm không có, tối đến từ trong nhà nhìn ra ngoài, chỉ thấy trời đất tối om, lại còn muỗi và rắn rết nữa, nhiều hôm nó bò vào tận nhà, sợ chết khiếp anh ạ. Nhưng bây giờ thì vui lắm rồi. Cả gia đình em đã chuyển vào Chiềng Sung sinh sống anh ạ. Công ty đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo nơi này. Tới đây nghỉ hưu, gia đình em vẫn định cư ở đây thôi, em sẽ gắn bó với mảnh đất này mãi mãi anh ạ.
Lời nói của chị Sánh, ánh mắt và nụ cười của những công nhân công ty mà tôi đã gặp trên những cánh đồng ngô mà tôi đi thăm, cho tôi thêm niềm tin vào sự phát triển của công ty, sự phát triển của Chiềng Sung trong những năm tới.
Kết thúc buổi làm việc, anh Lộc Mậu Triển cho tôi xem những thước phim tư liệu tại Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập công ty. Tại bài phát biểu của mình, đồng chí Đỗ Văn Ân, Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn la - người đã đứng lên bảo vệ sự tồn tại của Công ty gần 30 năm trước - cảm động nói: “Khi được các đồng chí mời trở lại Chiềng Sung, tôi đã mường tượng rằng Chiềng Sung không còn khó khăn như trước nữa. Nhưng điều khiến tôi vô cùng bất ngờ là các đồng chí đã làm được nhiều hơn thế. Các thế hệ cán bộ, công nhân Công ty cổ phần Nông Nghiệp Chiềng Sung đã nỗ lực quên mình, đạt được những kết quả hết sức kỳ diệu, đưa Chiềng Sung trở thành một doanh nghiệp dẫn đầu của ngành nông nghiệp Sơn La và biến Chiềng Sung thành một vùng đất thật đáng sống…”.
Nắm chặt tay đồng chí Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung trước khi ra về, trong tôi bừng lên niềm tin về sự phát triển của công ty trong những năm tới. Tin chắc rằng Chiềng Sung sẽ gặt hái được những thành quả to lớn và vững chắc hơn nữa. Chiềng Sung sẽ phấn đấu trở thành một trong những doanh nghiệp mạnh của tỉnh Sơn la trong thời gian không xa./.
Nguyễn Vũ Điền