No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Chế độ xã hội chủ nghĩa đem lại sự giải phóng hoàn toàn cho người phụ nữ
Lượt xem: 230

Kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2024)

 

Chế độ xã hội chủ nghĩa đem lại sự giải phóng hoàn toàn cho người phụ nữ

 

Ngày 16/6/1963, tàu vũ trụ Phương Đông 6 đã đưa nữ phi hành gia Liên Xô Valentina Tereshkova (sinh năm 1937) từ Sân bay Baikonua lên vũ trụ trong thời gian gần 3 ngày (70 giờ 50 phút) với 48 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Valentina Tereshkova chính là người phụ nữ đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau chuyến bay không gian lịch sử của mình, bà đã nhận được Huân chương Lênin và danh hiệu Anh hùng Liên bang Xô Viết. Năm 1966, bà trở thành thành viên của Xô Viết tối cao, cơ quan lập pháp quốc gia của Liên Xô; bà cũng đồng thời là đại diện của Liên Xô tại nhiều tổ chức và sự kiện quốc tế của phụ nữ. Do đó, đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”[1].

anh tin bai

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2/1949. Ảnh tư liệu lịch sử.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin rất quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ nhằm đem lại sự bình đẳng giữa nam với nữ. Phri-đrich Ăng-ghen (Friedrich Engels), nhà lý luận chính trị, là một triết gia và nhà khoa học người Đức thế kỷ XIX, người cùng với Các Mác (Karl Marx) đã sáng lập và phát triển chủ nghĩa cộng sản và là lãnh tụ của phong trào công nhân thế giới, nhận định trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của Nhà nước” rằng: “Chế độ mẫu quyền bị lật đổ, đó là sự thất bại lịch sử có tính chất toàn thế giới của phụ nữ. Ngay cả ở trong nhà, người đàn ông cũng nắm quyền cai quản, còn người đàn bà thì bị hạ cấp, bị nô dịch, bị biến thành nô lệ cho sự dâm đãng của đàn ông, thành một công cụ sinh đẻ đơn thuần”[2] và “sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử là trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong hôn nhân cá thể, và sự áp bức giai cấp đầu tiên là trùng với sự nô dịch của đàn ông đối với đàn bà”[3].

Để giải phóng người phụ nữ, Phri-đrich Ăng-ghen cho rằng: “Một sự bình đẳng thực sự giữa phụ nữ và nam giới chỉ có thể trở thành hiện thực khi đã thủ tiêu được chế độ bóc lột của tư bản đối với cả hai giới và khi công việc nội trợ riêng trong gia đình đã trở thành một nền công nghiệp xã hội”[4] và “Đặc tính của sự thống trị của người chồng đối với người vợ trong gia đình hiện đại và sự tất yếu phải xác lập sự bình đẳng xã hội thật sự giữa hai bên, cũng như phương thức xác lập sự bình đẳng ấy, chỉ bộc lộ ra hoàn toàn rõ ràng một khi mà cả vợ chồng đều bình đẳng trước pháp luật”[5]. Theo đánh giá của Phri-đrich Ăng-ghen thì: “trong một xã hội nhất định, trình độ giải phóng phụ nữ là cái thước đo tự nhiên của sự giải phóng chung”[6].

Theo Vơlađimia Ilich Lênin (Vladimir Ilyich Lenin), lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản, người phát triển học thuyết của Các Mác và Phri-đrich Ăng-ghen, thì việc giành quyền bình đẳng cho phụ nữ không chỉ ghi nhận trong văn bản mà còn phải thực hiện. Do đó, V.I.Lênin kêu gọi: “chúng ta phải làm sao cho nữ công nhân giành được bình đẳng với nam công nhân không những về mặt pháp luật, mà cả trong thực tế đời sống nữa”[7]. V.I.Lênin cũng khẳng định: “Giai cấp vô sản sẽ không đạt được tự do hoàn toàn, nếu không giành được tự do hoàn toàn cho phụ nữ”[8].

Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Le Paria (Người cùng khổ) ngày 1/8/1922 ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”.

Trong Chương 11“Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ” của tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược. Ngoài phố, trong nhà, giữa chợ hay ở thôn quê, đâu đâu họ cũng vấp phải những hành động tàn nhẫn của bọn quan cai trị, sĩ quan, cảnh binh, nhân viên nhà đoan, nhà ga. Một người Âu mắng một phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù[9] là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn, mà người ta bảo là một thành phố Pháp, bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh phụ nữ bản xứ để bắt họ tránh khỏi làm nghẽn lối!...”. Người tiếp tục dùng ngòi bút để tố cáo cái chế độ bất nhân tính đó: “Người ta thường nói: “Chế độ thực dân là ăn cướp”. Chúng tôi xin thêm: Là hiếp dâm và giết người... Thói dâm bạo thực dân là hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể tưởng tượng được. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu ra một vài việc mà những nhân chứng không thiên vị đã trông thấy và kể lại, để các chị em phương Tây hiểu rõ giá trị của cái gọi là “sứ mạng khai hoá” và nỗi đau khổ của chị em mình ở thuộc địa... Một viên Chánh quản pháo binh, đã đốt nhà một phụ nữ An Nam, vì người ấy không chịu tiếp hắn vào lúc nửa đêm. Một viên quan hai có nhiều vợ đã quật ngã một thiếu phụ An Nam và dùng gậy song đánh chị đến chết chỉ vì chị không chịu làm vợ lẽ hắn. Một sĩ quan khác hiếp một em bé gái bằng những cách dâm bạo vô cùng ghê tởm. Bị truy tố trước toà đại hình, hắn được trắng án, chỉ vì nạn nhân là người An Nam”.

Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lại lời Các Mác, rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi” và lời V.I.Lênin, rằng: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”[10]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ví dụ chứng minh: “Năm 1917, ngày 23 tháng 2, đàn bà ở Kinh đô Nga nổi lên “đòi bánh cho con” và đòi “giả chồng chúng tôi lại cho chúng tôi” (vì chồng phải đi đánh). Sự bạo động này làm ngòi cho cách mệnh Nga”. Từ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công”[11].

anh tin bai

Thấm nhuần chủ nghĩa Mác – Lênin, trong văn kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 2/1930 đã nêu một chủ trương lớn về phương diện xã hội sau khi giành được độc lập dân tộc là “thực hiện nam nữ bình quyền”[12]. Từ năm 1930-1936, dưới sự lãnh đạo của Đảng, người phụ nữ đã được giác ngộ cách mạng và các tổ chức Phụ nữ Giải phóng dần hình thành. Từ năm 1936-1938, căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (8/1937) về công tác vận động phụ nữ, tổ chức Phụ nữ Giải phóng được đổi thành Hội phụ nữ Dân chủ. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ. Từ năm 1939-1941, trong hoàn cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Hội chủ trương đổi tên thành Hội phụ nữ Phản đế. Từ năm 1941-1945, Đoàn Phụ nữ Cứu quốc được Đảng thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh. Mười chính sách của Việt Minh đã khẳng định: “Đàn bà cũng được tự do/ Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”[13]. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đàn bà con gái cũng nằm trong nhân dân. Nếu cả dân tộc được tự do, đương nhiên họ cũng được tự do. Ngược lại nếu dân tộc còn trong cảnh nô lệ thì họ và con cái họ cũng sẽ sống trong cảnh nô lệ đó thôi”[14]. Kết quả phụ nữ là lực lượng hùng hậu, đóng góp lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

 

Trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn nguyên văn từ bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “that all men are created equal”, nghĩa là “mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”[15].

Tại Điều thứ 1, Điều thứ 9, Điều thứ 18, Hiến pháp 1946 của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã quy định “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”; “Tất cả công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, đều có quyền bầu cử, trừ những người mất trí và những người mất công quyền”. Ngay trong cuộc Tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 6/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vui sướng khi biết được phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất. Vào ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Đảng ta thành lập, nhằm mục tiêu đấu tranh tạo lập vị thế bình đẳng cho phụ nữ Việt Nam.

Trong bài “Nam nữ bình quyền” viết ngày 8/3/1952, bàn về quyền bình đẳng giữa nam và nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn nǎm để lại. Vì nó ǎn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.... Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, vǎn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”[16].

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) cả nước ta có đến 980.000 nữ du kích. Trong đó có 12 nữ du kích được tặng danh hiệu Anh hùng như: Hồ Thị Bi, Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi, Võ Thị Sáu... Từ năm 1950 đến 1954, nữ dân công vùng tự do đã đóng góp 9.578.000 ngày công vận chuyển lương thực, thực phẩm, súng đạn cho 18 chiến dịch, riêng chiến dịch Điện Biên Phủ là 2.381.000 ngày công.

Ngày 9/3/1961, khi nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nêu rõ chính sách nam nữ bình đẳng. Hiến pháp ta đã xác định chính sách đó. Trong mọi việc, Đảng và Chính phủ ta luôn luôn quan tâm giúp đỡ phụ nữ. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”[17].  

Sau đó, về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 – quê hương của chị Hai Năm tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ”[18].

Ngày 8/3/1964, trên báo Nhân Dân, với bút danh Chiến sĩ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Gửi chị em phụ nữ Hoa Kỳ” để lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã gây biết bao đau khổ cho phụ nữ Việt Nam. Bài viết có đoạn: “Thưa chị em, nhân ngày Phụ nữ quốc tế 8/3, chúng tôi xin gửi đến chị em lời chào hữu nghị. Chắc chị em đều biết rằng suốt mười nǎm nay, Chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh tàn khốc ở miền Nam nước chúng tôi. Trong thời gian đó, vì chính sách xâm lược của Chính phủ Mỹ mà đồng bào miền Nam chúng tôi ... hơn 4.000 phụ nữ bị hãm hiếp… Thưa các chị em, chắc các chị em cũng nhớ rằng nhân dân Việt Nam đã đánh đuổi thực dân Pháp, thì nhân dân Việt Nam sẽ đánh đuổi được thực dân Mỹ. Song nếu không chấm dứt ngay chiến tranh, thì nhân dân Mỹ, trước hết là chị em phụ nữ Mỹ, cũng sẽ bị thêm gánh nặng đau thương vì mất chồng, mất con! Vậy chị em phụ nữ Mỹ cũng cần phải đấu tranh kiên quyết để chặn tay Chính phủ hiếu chiến Mỹ!... Chúng tôi gửi lời chào thân ái đến 400 chị em ở các bang Nữu Ước, Mơrilen, Vớcginia, Connếchticớt... vừa rồi đã biểu tình trước Phủ Tổng thống Mỹ để đòi giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam”.

file-icon

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đại biểu nữ tại Đại hội Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ IV, Hà Nội ngày 30/12/1966. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với nhân dân miền Nam, phụ nữ miền Nam đã lập được nhiều kỳ tích chói lọi. Ra đời từ phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre (1960), “Đội quân tóc dài”- một “Binh chủng đặc biệt” của nữ giới đã phát triển lan rộng khắp miền Nam, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng ở miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Các nữ anh hùng, nữ dũng sĩ diệt Mỹ miền Nam đã đánh giặc bằng đủ các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, đã lập nhiều chiến công chói lọi. Tiêu biểu là các nữ anh hùng Nguyễn Thị Út, Tạ Thị Kiều, Kan Lịch, Lê Thị Thanh, Nguyễn Thị Lài; các nữ liệt sĩ Tô Thị Huỳnh, Lê Thị Hồng Gấm, Trần Thị Tâm; tiểu đội 11 cô gái Sông Hương đã dũng cảm chiến đấu, đánh lui một tiểu đoàn địch trong Chiến dịch Mậu Thân 1968... Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nhấn mạnh thêm rằng: “Phó tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”[19]. Ở miền Bắc, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã trở thành một trong những biểu tượng cao nhất của phong trào thi đua yêu nước ở miền Bắc trong những năm chống Mỹ. Thực hiện khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, phụ nữ miền Bắc đã tham gia đông đảo vào các lực lượng dân quân và tự vệ chiến đấu ở khắp mọi nơi, từ miền xuôi đến miền núi. Có 20 đơn vị nữ dân quân tự vệ đã độc lập tác chiến bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Ba đơn vị nữ được tặng danh hiệu đơn vị anh hùng là trung đội nữ dân quân xã Hoa lộc, huyện Hậu Lộc tỉnh Thanh Hoá; tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh; đại đội nữ pháo binh xã Ngư Thuỷ huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình. Cũng năm 1965, lực lượng “Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước” thành lập ở miền Bắc với nhiệm vụ đảm bảo giao thông trên các tuyến đường huyết mạch. Hơn 6 vạn nữ thanh niên đã tham gia mở đường, san lấp hố bom tại các trọng điểm đánh phá ác liệt như cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa), phà Bến Thuỷ (Nghệ An), ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh)... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen tặng: “Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”. Bên cạnh đó, Người cũng đã khen tặng cho phụ nữ miền Nam tám chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Tại một buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18/1/1967, đánh giá về kết quả sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”[20].

Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”[21].

Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[22].

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình”.

anh tin bai

Vòng xòe phụ nữ dân tộc Thái Sơn La - Ảnh: Baosonla.org.vn

Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010, đã nhận định: “Người cũng quan tâm đến quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội… Đối với UNESCO, bình đẳng giới là một điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển quốc tế”.

Trong Bản Hiến pháp năm 2013 của nước ta, nữ giới không những được bình đẳng với nam giới mà còn được tạo điều kiện như: “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội” (Khoản 2 Điều 26); “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em” (Khoản 2 Điều 36); “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình” (khoản 2 Điều 58).

Với những nỗ lực không ngừng trong suốt nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác bình đẳng giới. Điều này thể hiện rõ nhất ở sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và nhất là về chất lượng. Trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII có 19 đồng chí nữ (9,5%), Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% nữ đại biểu, cao nhất từ trước đến nay; Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% đồng chí nữ, hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% đại biểu nữ… Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt trên 50%.

Trong Nghị quyết về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chính phủ ta đã xác định mục tiêu cụ thể trong các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% lãnh đạo chủ chốt là nữ. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động, tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030. Giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp xuống dưới 30% vào năm 2025 và dưới 25% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Trong đời sống gia đình, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ xuống còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới…

Trong 94 năm qua (1930-2024), dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở nước ta đã tiến một bước dài chưa từng có. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng ta cũng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”[23].

                                                                    Nguyễn Văn Toàn

Chú thích:

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97

[2] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 93

[3] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 21, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 104

[4] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 31

[5] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tập 36, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 31

[6] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, tâp 20, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 361

[7] V.I.Lênin:Toàn tập, tập 42, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 182-183

[8] V.I.Lênin:Toàn tập, tập 40, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 183

[9] Con khỉ chưa tiến hóa thành người

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.288.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.289.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 1

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tâp 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.443

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, .2000, tr.112.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 1.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010,  tr. 324

[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009,  tr. 296

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tâp 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009,  tr.195.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 148-149.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 256

[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97

[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 617

[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, “Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, tr. 169

Thông tin doanh nghiệp
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội thảo kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Hội thảo tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất là khoáng sản
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội Luật gia tỉnh Sơn La tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, năm 2024
  • Hội thảo tư vấn “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Mời tham gia Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024
  • Bộ GD&ĐT lý giải tạm dừng công nhận Olympic Toán học sinh viên và học sinh
  • Liên hiệp Hội Việt Nam: Hội nghị Giao ban Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố năm 2024
  • Bí quyết giữ gìn sức khỏe
  • Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024
  • Vấn đề nhỏ về đất đai nhưng được nhiều người dân quan tâm
  • Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024 - 2029
  • Dấu ấn Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các di tích lịch sử tại tỉnh Sơn La
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 13
    • Hôm nay: 759
    • Trong tuần: 31 826
    • Tất cả: 14494613
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này