Chặng đường hơn 200 năm giao lưu nhân dân và 30 năm quan hệ Việt – Mỹ (1819 - 1995 - 2025)
Chặng đường hơn 200 năm giao lưu nhân dân và 30 năm quan hệ Việt – Mỹ
(1819 - 1995 - 2025)
Nguyễn Tấn Tuấn
Theo thông tin của Chính phủ Việt Nam, vào ngày 5-4-2025, một chuyên cơ của Vietjet với sự tham gia của gần 200 doanh nhân Việt Nam đã hạ cánh tại tiểu bang Miami (Hoa Kỳ) để đàm phán về các cơ hội thúc đẩy đầu tư và thương mại. Chuyến bay quy tụ đại diện doanh nghiệp Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực như tài chính - ngân hàng, hàng không, năng lượng, công nghệ và xuất nhập khẩu. Được biết đây là hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân, thể hiện quyết tâm tiếp cận thị trường chiến lược và đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế song phương sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp dụng thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam...
Như chúng ta đã biết, ngày 28 tháng 1 năm 1995, Hoa Kỳ thiết lập văn phòng liên lạc tại Hà Nội. Ngày 11 tháng 7 năm 1995, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 5 tháng 8 năm 1995, quan chức ngoại giao hai nước ký kết thỏa thuận mở Đại sứ quán tại thủ đô của hai nước… Một chính khách nổi tiếng từng nói rằng: mối quan hệ Việt - Mỹ là một mối quan hệ khá đặc biệt, khi có sự đan xen cả những thăng trầm và thú vị, thậm chí có thể xem là hình mẫu của quan hệ quốc tế khi hai nước đã đi từ “thù” đến “bạn”.
Ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ - Ảnh: Xuân Tuân/TTXVN
Năm 2025 này chúng ta cũng sẽ kỷ niệm những cột mốc đặc biệt trong quan hệ Việt - Mỹ: Đó là kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao (1995 – 2025) và hơn 200 năm giao lưu nhân dân Việt - Mỹ…
Nhớ lại vào ngày 9/12/2006, cách nay gần 20 năm, Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam với 79 phiếu ủng hộ và 9 phiếu chống. Và với 212 phiếu ủng hộ, 184 phiếu chống, Hạ nghị viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật PNTR đối với Việt Nam. Việc Quốc hội Mỹ thông qua PNTR với Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận thị trường của Việt Nam. Đến ngày 10/9/2023 quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ được ký kết, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước ...
Như vậy nếu tính từ năm 1819 khi “Bộ Ngoại giao” đầu tiên của Việt Nam có tên là “Nghinh Tân Quán” ở Sài Gòn, do vua Gia Long ban chiếu thành lập, đã từng tiếp thương nhân người Mỹ đầu tiên đến Việt Nam thông qua cảng Bạch Đằng - Đà Nẵng. Đó là John Whire - thuyền trưởng một tàu buôn của Mỹ. Tuy vậy ông John tới Việt Nam lúc này chỉ với một mục đích thương mại thuần túy. Chỉ đến năm 1832, sau gần 13 năm chính phủ Hoa Kỳ mới bắt đầu đặt quan hệ ngoại giao chính thức với triều đình nhà Nguyễn.
Theo sách “Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Nhị Kỷ” đã được các triều đình phong kiến nước ta ghi có đoạn: “... Vào năm Minh Mạng thứ 13, một chiếc thuyền của nước Nhã Di Lý - tên nước Mỹ của thời này còn gọi là Ma-Li-Căn; Tân Anh Cát Lợi hoặc Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, cập bến Vũng Lâm (Vũng Rô) tỉnh Phú Yên. Quốc trưởng nước ấy phái 2 người là Nghĩa Đức Môn La Bách (tức Edmund Roberts) và đại úy Đức Giai Tâm Gia (tức Georges Thompson) đem quốc thư đến cầu giao hảo thông thương”. Được tin này, Cơ mật viện của triều đình Huế lập tức họp triển khai kế hoạch nghinh tiếp. Vua Minh Mạng sai tướng Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phúc phối hợp với tỉnh Phú Yên cùng đón tiếp ngay trên thuyền của Mỹ, yến tiệc được khoản đãi rất chu đáo. Minh Mạng cũng phê chuẩn cho tàu của Mỹ lần sau được neo đậu ở bến cảng tại vịnh Sơn Trà - Đà Nẵng. Tuy vậy nhà vua cũng có lệnh cấm người Mỹ lên bờ làm nhà và không được vượt qua các kỷ cương phép tắc của triều đình Huế…”
Khi người Mỹ đến Việt Nam lần thứ 2 vào năm 1836, vào khoảng tháng 4 năm Minh Mạng thứ 17, trên một chiếc thuyền buôn hiệu Peacock, do Đại úy E.P. Kennedy làm thuyền trưởng cập bến Sơn Trà - Đà Nẵng. Vua Minh Mạng liền sai Hộ bộ Thị Lang Đào Trí Phú và Lại bộ Thị Lang Lê Bá Tú cùng các thuộc hạ đến nơi ủy lạo, thăm hỏi. Khi phái đoàn triều đình nhà vua đến thì E. Robert - Đặc phái viên của chính phủ Mỹ đang bị lâm trọng bệnh nên không đón tiếp được. Nhà vua cho người phiên dịch xuống thuyền chuyển lời thăm hỏi, sau đó họ cũng đáp lễ bằng cách đưa người đến cảm ơn.

Sáng 27/2/2019, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân dịp sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, được tổ chức trong 2 ngày 27-28/2/2019 tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN
Đến ngày 25/5/1836, thuyền buôn Peacock (Mỹ) nhổ neo ra đi. Theo tư liệu lịch sử thì ngay từ thời điểm năm 1836, chính phủ Mỹ đã manh nha việc làm ăn buôn bán với Việt Nam. Bản dự thảo Hiệp định thương mại Việt - Mỹ đầu tiên được chính phủ Hoa Kỳ giao cho Đặc phái viên E. Robert mang đến nước ta gồm 8 điều, dài khoảng 2 trang viết tay để trình lên nhà vua, nhằm mở rộng quan hệ buôn bán với người Việt.
Theo sách sử để lại, lúc đó đã có những lời can gián của các quan triều đình nhà Nguyễn rằng: Nhà vua không nên quan hệ với người phương Tây, vì họ rất giảo quyệt. Vua Minh Mạng không nghe và vẫn sai cấp dưới đón tiếp người Mỹ. Do nhiều nguyên nhân khách quan của tình hình thế giới khi ấy nên mối quan hệ giao thương giữa triều đình Huế và chính phủ Mỹ không được suôn sẻ.
Nghiên cứu lại các sự kiện nói trên, chúng ta có thể khẳng định mối quan hệ giao lưu nhân dân và quan hệ mua bán giữa người Việt Nam và người Mỹ rất bền vững và ít ra cũng đã được khởi xướng từ cách đây hơn 200 năm – hơn 2 thế kỷ đã trôi qua với biết bao thăng trầm và đổi thay của lịch sử, ngày nay cơ hội phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đang mở ra một tương lai tốt đẹp sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tiếp cận thị trường đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam và mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ giữa hai nước.
Việc Quốc hội Mỹ thống nhất ký kết quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vào ngày 10-9-2023, cách nay gần hai năm cũng là một sự kiện lịch sử, tôn vinh giá trị chung và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai nước, cùng hướng tới kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ - Việt Nam vào năm 2025.
Ảnh ST: Tuấn Đạt