CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG THỦ ĐOẠN LỪA ĐẢO TRÊN MẠNG XÃ HỘI
Trong xã hội hiện đại, internet và mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người, bởi nó mang lại nhiều lợi ích rất quan trọng.
Mạng xã hội giúp người dùng kết nối với bạn bè, gia đình và cả những người mới trên toàn thế giới mà không bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý. Điều này tạo cơ hội duy trì và phát triển các mối quan hệ, từ bạn bè cũ đến những mối quan hệ mới. Tham gia mạng xã hội, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin mới nhất từ khắp nơi trên thế giới; nắm được những tin tức, sự kiện quan trọng và các xu hướng mới, giúp chúng ta không bị lạc hậu trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, mạng xã hội còn cung cấp nhiều nội dung giải trí như video, âm nhạc, trò chơi và những câu chuyện thú vị. Mọi người cũng có thể chia sẻ ý kiến, cảm nhận và có thêm những kiến thức mới về các chủ đề mà mình quan tâm. Điều này không chỉ giúp phát triển bản thân mà còn giúp ích cho mọi người trong cộng đồng. Đó cũng là cách hữu ích để thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng.
Hơn thế nữa, thông qua mạng xã hội, mỗi cá nhân và hội, nhóm có thể tham gia vào việc quyên góp, hỗ trợ người nghèo và các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, bão lũ; cùng nhau tạo nên một nền tảng để mọi người có thể chung tay làm những công việc tốt đẹp cho xã hội. Đối với những người kinh doanh và doanh nghiệp thì mạng xã hội là nơi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hết sức hữu hiệu.
Tuy nhiên, cùng với những tiện ích tích cực, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng xã hội cũng mang lại cho người dùng vô vàn rắc rối. Các thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội ngày càng tinh vi và đa dạng.
Thời gian qua, các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội, thông qua các ứng dụng như Facebook, Zalo, Messenger, Telegram…ngày càng xuất hiện những thủ đoạn lừa đảo mới rất phức tạp. Một số hình thức phổ biến là: giả danh người nước ngoài làm quen để xin tiền chuyển quà; giả mạo cơ quan chức năng để yêu cầu chuyển tiền phục vụ công tác điều tra; hack tài khoản mạng xã hội để mượn tiền bạn bè và người thân; thông báo trúng thưởng để chiếm đoạt tiền; gửi link giả mạo để đánh cắp thông tin ngân hàng; chuyển nhầm tiền rồi yêu cầu trả lại với lãi suất cao; kêu gọi đầu tư tài chính hoặc tiền ảo với lời hứa lợi nhuận cao; hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa với phí dịch vụ cao; bán thuốc và hàng hóa giả trên mạng xã hội; lừa đảo xuất khẩu lao động hoặc du lịch miễn thị thực; lừa đảo "combo du lịch giá rẻ"; lừa đảo cuộc gọi video deep fake; lừa đảo khóa SIM vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền; giả danh giáo viên hoặc nhân viên y tế báo người thân cấp cứu; lừa đảo tuyển người mẫu nhí; giả danh công ty tài chính hoặc ngân hàng để cho vay; cài cắm ứng dụng cờ bạc hoặc tín dụng đen; giả mạo trang thông tin điện tử hoặc cơ quan chính phủ; lừa đảo qua tin nhắn SMS; lừa đảo đầu tư chứng khoán hoặc tiền ảo; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện lừa đảo; rao bán hàng giả, hàng nhái; đánh cắp thông tin CCCD để vay nợ; lừa đảo lấy cắp telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook; lừa đảo tình cảm, dẫn dụ đầu tư; lừa đảo cho số đánh đề; lừa đảo thông qua đăng ký khóa tu mùa hè và mua vật phẩm phong thủy; giả mạo sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy ... Các thủ đoạn lừa đảo liên tục được cập nhật và thay đổi.
Bằng những thủ đoạn lừa đảo trên, đã có hàng ngàn, hàng vạn người mất tiền với chúng. Ngay trên phố tôi, không ít người đã bị mắc bẫy. Có người bị lừa gần 30 triệu đồng khi đặt mua iPhone 16 Pro Max. Lại có người mất 5 triệu đồng tiền đặt cọc mua robot hút bụi. Có chị giáo viên nghỉ hưu, tích cóp mãi mới tiết kiệm được 700 triệu, vậy mà chỉ qua một cú lừa, tài khoản của chị chẳng còn đồng nào. Hầu hết các thủ đoạn lừa đảo trên mạng đều nhằm vào tâm lý ham rẻ và chủ quan của người mua. Có người bị chúng giả danh cán bộ thuế, công an, nhân viên điện lực… liên hệ với nạn nhân qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Chúng yêu cầu nạn nhân cài đặt ứng dụng giả mạo, cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền với lý do khác nhau. Có trường hợp nạn nhân bị lừa đảo đến hai lần khi tin vào những lời hứa giúp lấy lại tiền đã mất. Điều này cho thấy sự tinh vi và đa dạng của các thủ đoạn lừa đảo nói trên.
Ngay tác giả của bài viết này cũng đã phải nhận không biết bao nhiêu cuộc gọi và tin nhắn giả mạo với đủ các chiêu thức trong thời gian vừa qua. Gần đây nhất là một cuộc gọi đến máy điện thoại bàn của khách sạn gia đình. Chúng đăng ký đặt phòng cho 10 khách lưu trú trong thời gian một tuần. Sau khi cho chúng số điện thoại di động, chúng kết nối zalo, đề nghị chụp hình ảnh của phòng nghỉ rồi nói đã chuyển tiền đặt cọc trước 5 triệu đồng. Để cho mình tin tưởng, chúng gửi cả hóa đơn (giả) đã chuyển tiền đặt cọc để cho mình xem trước. Tiếp đó, chúng nhờ mình đặt ăn và dịch vụ tổ chức sinh nhật giúp chúng tại một nhà hàng sang trọng với giá rất cao (kèm theo số điện thoại của nhà hàng đó). Nếu mình gọi đến nhà hàng kia theo số điện thoại chúng cho và đặt cọc tiền ăn cho đoàn của chúng là coi như mình mất tiền…Cuộc gọi điện và nhắn tin giữa mình và kẻ lừa đảo kéo dài suốt gần 3 giờ đồng hồ. Chỉ khi mình nhắn tin: “Tôi chưa nhận được tiền. Nếu anh đặt cơm, anh cứ gửi tiền đi, tôi sẽ đặt giúp” thì khi ấy chúng mới tắt máy, chặn liên lạc.
Trước các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng nêu trên, Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành phố đã khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn, không nên tin tưởng tuyệt đối vào thông tin trên mạng xã hội. Cần kiểm tra kỹ thông tin người bán trước khi giao dịch; không cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng cho người lạ; không cài đặt ứng dụng từ nguồn không rõ ràng; cẩn trọng trước các đường link giả mạo. Khách hàng cũng không nên vào đường link lạ từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị mất thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng; không trả bất cứ loại phí nào nếu không mua hàng trên các hệ thống bán hàng chính thức của các trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn, thậm chí cả thư gửi trực tiếp đến mình, với những lợi ích hấp dẫn được hưởng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng để xác thực, tuyệt đối không nên tin và làm theo lời dụ dỗ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP, tải các ứng dụng lạ và làm theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo.
Tết Ất Tỵ (2025) đã cận kề, mong mọi người hết sức cảnh giác, tỉnh táo khi sử dụng mạng xã hội để tránh bị lừa đảo mà mất tiền oan./.
Nguyễn Vũ Điền