Cảm nhận từ Đại hội Hội Khoa học Kinh tế lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2027
CẢM NHẬN TỪ ĐẠI HỘI HỘI KHOA HỌC KINH TẾ LẦN THỨ VII
NHIỆM KỲ 2022-2027
Hội Khoa học Kinh tế tỉnh Sơn La là hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2027 vào ngày 09/12/2022. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và GSTS Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Đ/C Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chúc mừng thành công Đại hội
Đây là Đại hội đặc biệt, đúng dịp Hội tròn 30 năm thành lập và hoạt động, đồng thời là Đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Các đồng chí lãnh đạo Hội từ những ngày đầu có hai đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, 01 đồng chí nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 01 đồng chí là nguyên là Tỉnh ủy viên, đều là cán bộ trưởng ngành cấp tỉnh nghỉ hưu đảm nhiệm công tác hội. Trong đó, 01 đồng chí đã nghỉ công tác từ khóa VI, đến khóa này các đồng chí còn lại đều nghỉ công tác vì tuổi cao. Thế hệ lãnh đạo mới là đồng chí Bùi Minh Sơn, nguyên Ủy viên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh được bầu làm Chủ tịch Hội và đồng chí Cà Văn Chiu, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, được bầu làm Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký, Trưởng ban kiểm tra của Hội (Thường trực hội bầu khuyết 01 đồng chí do chưa bố trí được nhân sự, trong quá trình hoạt động sẽ được bổ sung sau).
Thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Hội khoa học Kinh tế để lại một thành tựu không nhỏ. Trong 30 hoạt động, khối lượng công việc mà Hội đã làm được thật đáng ghi nhận: Gồm 04 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, 03 cuộc giới thiệu, tọa đàm khoa học, trên 100 cuộc hội thảo tư vấn phản biện, giám định xã hội, gần 120 báo cáo đề xuất với tỉnh về lĩnh vực kinh tế xã hội. Bình quân mỗi năm Hội báo cáo tư vấn đề xuất với tỉnh 3-4 vấn đề được đầu tư nghiên cứu sâu. Ngoài ra, Hội cũng xuất bản hàng trăm bài nghiên cứu trao đổi đăng trên ấn phẩm của Hội và ấn phẩm của đơn vị bạn. Hội Khoa học Kinh tế là Hội thành viên có nhiều đóng góp có chất lượng, uy tín vào công tác tư vấn, phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh. Đồng chí Chủ tịch Hội là Phó Chủ tịch kiêm nhiệm khóa I của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, hai nhiệm kỳ làm Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; 01 Phó Chủ tịch hội tham gia Hội đồng tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Hoạt động tư vấn, phản biện của Hội đã phục vụ 6 kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh; một số kỳ đại hội của Đảng bộ thành phố Sơn La và một số huyện, đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và bản lĩnh đóng góp ý kiến góp phần xây dựng nhiều chủ trương, cơ chế chính sách quan trọng, nhiều đề án, dự án lớn của tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Chính công tác tư vấn, phản biện và công tác nghiên cứu khoa học, xuất bản ấn phẩm thông tin phổ biến kiến thức đã đưa Hội lên vị trí hàng đầu trong các Hội toàn quốc, được Trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đánh giá cao, trao tặng nhiều Bằng khen và Cờ thi đua. Hội cũng thuộc tốp đầu trong các hội thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, là một trong những hội được lãnh đạo tỉnh tín nhiệm, ghi nhận và đánh giá tốt.
Đại hội biểu quyết thông qua Nghị quyết
Hội đã làm được nhiều việc, nhất là hoạt động tư vấn phản biện, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, bất cập. Mặc dù Hội có thâm niên 30 năm, nhưng về chế độ chính sách phải từ cuối năm 2011 đến nay, cán bộ chuyên trách các hội mới có thù lao thực sự khuyến khích (áp dụng cho các hội đặc thù). Còn từ khi thành lập đến năm hết năm 2010, cán bộ chuyên trách hội hoạt động không có chế độ thù lao, chỉ được hỗ trợ 200 ngàn đồng/người/tháng và hỗ trợ tiền xăng xe đi lại, giao dịch điện thoại. Lãnh đạo Hội Khoa học Kinh tế có độ tuổi cao nhất trong các hội, đến trước lúc nghỉ, các đồng chí tuổi bình quân trên 80 tuổi. Trong số hội đặc thù (nay gọi là hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ) Hội Khoa học Kinh tế là Hội duy nhất không có biên chế, chỉ có nhân viên hợp đồng bán thời gian giúp việc công việc văn thư, kế toán, thủ quỹ. Còn các việc chuyên môn hoàn toàn là do lãnh đạo Hội trực tiếp đảm nhiệm, từ ý tưởng, sáng kiến đến văn bản hóa (cả văn bản hành chính đến văn bản chuyên môn), từ thiết lập quan hệ đến tổ chức sự kiện...Công tác nghiên cứu xuất bản và nhất là tư vấn, phản biện tầm cấp tỉnh lại là công việc khó, khác với các ý kiến tham gia thông thường là vượt lên khỏi sự cảm tính, chủ quan để có luận cứ và được luận chứng chặt chẽ, có căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn, đồng thời phải có bản lĩnh.
Tất cả những việc đó nói lên rằng, cơ chế tài chính thuận lợi, tổ chức biên chế thuận lợi là rất tốt, độ tuổi trẻ trung là rất tốt, nhưng cũng không thể phủ nhận được trách nhiệm của những người cán bộ hội có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đặc biệt là sự tâm huyết, đam mê, bản lĩnh, nhận thức sâu sắc phương thức làm việc của hội khác với phương thức làm việc của cơ quan quản lý nhà nước là có bộ máy giúp việc (thời còn đương chức) là phải mình nghiên cứu tìm tòi làm việc, tự thân chủ động đề xuất chủ trương, chủ động tác nghiệp và sáng tạo. Đây cũng chính là tư duy quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất mà thế hệ trước muốn chuyển giao và gửi gắm lại cho những người kế nhiệm.
Hoạt động chủ yếu của Hội Khoa học Kinh tế là tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học và thông tin phổ biến kiến thức. Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội được đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, phản biện. Trong 06 bài tham luận tại Đại hội, thì 04 bài nói về tư vấn, phản biện, 01 bài nói về nghiên cứu khoa học, 01 bài nói về thông tin phổ biến kiến thức, xuất bản ấn phẩm. Có thể thấy, dư địa để phát huy tư vấn, phản biện của Hội rất lớn. Theo thực tế thời gian qua, hàng năm có trên 30 đề án nguồn HĐND, UBND tỉnh lấy ý kiến của các cấp, các ngành. Nguồn của Tỉnh ủy cũng có trên dưới 10 đề án. Nguồn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng thường xuyên, trên dưới 10 đề án. Hội có thể lựa chọn những đề án phù hợp với chức năng nhiệm vụ, nhất là những đề án Hội có thế mạnh tư vấn, phản biện. Ngoài ra, Hội còn phải duy trì, phát huy vai trò tích cực viên trong việc tham gia tư vấn, phản biện với Liên hiệp Hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.
Tư vấn, phản biện còn rất nhiều đối tượng và hình thức thực hiện có thể mở rộng. Đó là:
(1) Chủ động phát hiện, có ý kiến với cấp ủy, chính quyền về các vấn đề của văn bản đã ban hành hoặc những vấn đề phát sinh trong cuộc sống, trong quá trình thực hiện chủ trương của cấp ủy và chính quyền;
(2) Chủ động nắm bắt để đề xuất tư vấn, phản biện các đề án lớn của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, nhất là dự thảo báo cáo chính trị đại hội Đảng bộ tỉnh;
(3) Thiết lập quan hệ với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để tham gia tư vấn, phản biện các dự án Luật dưới hình thức nhận đặt bài hoặc Hội thảo tư vấn, phản biện;
(4) Duy trì và tăng cường quan hệ với các ngành, các huyện để tư vấn, phản biện các đề án cấp ngành, cấp huyện, nhất là nội dung kinh tế xã hội chuẩn bị cho đại hội đảng bộ cấp huyện;
(5) Tổ chức các hội thảo mang tính chất tư vấn, phản biện hay có yếu tố tư vấn, phản biện, mời tổ chức liên quan của Trung ương thuyết trình, mời lãnh đạo cấp có thẩm quyền ở tỉnh tới dự;
(6) Nghiên cứu sâu và đăng bài có tính chất tư vấn, phản biện, đề xuất kiến nghị trên ấn phẩm của Hội và Liên hiệp các Hội KH&KT, Báo Sơn La;
(7) Trả lời phỏng vấn của báo chí;
(8) Lựa chọn vấn đề để đăng ký thuyết trình với cấp có thẩm quyền... Trực tiếp thuyết trình là khó nhất, nhưng nếu làm được thì có hiệu quả cao. Đây là điểm mới, đột phá trong công tác tư vấn, phản biện trong nhiệm kỳ mới của Hội Kinh Khoa học Kinh tế.
(9) Phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT và các hội thành viên khác cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chuẩn bị báo cáo của Ủy ban Mặt trận trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh mang tính tư vấn phản biện cao hơn.
(10) Linh hoạt, đa dạng nội dung tư vấn, phản biện. TVPB toàn diện đề án hoặc lựa chọn một vài vấn đề là tùy thuộc đề án, đội ngũ chuyên gia và thời gian chuẩn bị. TVPB phát hiện được đúng sai, phù hợp hay không phù hợp đã là tốt. Nhưng đề xuất được việc sửa, bổ sung thế nào cho hoàn thiện mới là hiệu quả nhất.
TVPB ngày càng có điều kiện thuận lợi. Đất nước, địa phương đổi mới, dân chủ được phát huy, lãnh đạo cởi mở, cầu thị lắng nghe các ý kiến TVPB xã hội. Internet và số hóa càng ngày càng tuận tiện cho việc tra cứu, khai thác tư liệu phục vụ cho TVPB...Chính phủ đã ban hành quy định về hoạt động TVPB của hệ thống Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, bao gồm các hội thành viên ở hai cấp toàn quốc và cấp tỉnh. Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về kinh phí TVPB. Ở Sơn La, từ năm 2014, Thông báo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Liên hiệp các Hội KH&KT và Hội Khoa học Kinh tế đã giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể về hoạt động TVPB cho Liên hiệp Hội và các hội thành viên: (1). Tham vấn, phản biện các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh; (2) Trước khi ban hành chủ trương, chính sách về kinh tế xã hội, tỉnh gửi dự thảo xin ý kiến tham gia của Liên hiệp các Hội KH&KT và các hội thành viên có liên quan; (3) Lãnh đạo tỉnh trực tiếp tiếp nhận và chỉ đạo xử lý, phản hồi ý kiến.
Có thể thấy việc UBND tỉnh ban hành quy chế tư vấn, phản biện của Liên hiệp các Hội KH&KT và các hội thành viên như các tỉnh là rất tốt, nhưng nếu chưa ban hành hoặc không ban hành, chúng ta vẫn có thể trực tiếp thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ không có gì vướng mắc, tỉnh vẫn quan khuyến khích và tạo điều kiện. Thực tế Liên hiệp Hội, Hội khoa học Kinh tế và một số hội thành viên đã có kinh nghiệm và tín nhiệm đối với lãnh đạo tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội về hoạt động TVPB, thường xuyên được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng.
Nhưng TVPB cũng có những khó khăn. Đây là công việc nghiêm túc, có sự phát hiện, có luận chứng, luận cứ khoa học, pháp lý và thực tiễn, khó thật sự không giống như tham gia ý kiến thông thường. Điều quan trọng là thường xuyên theo dõi, cập nhật kiến thức, thực tiễn, nâng cao trình độ đa ngành, trau dồi kỹ năng tra cứu, khai thác thông tin trên môi trường mạng. Để có thể phát hiện được vấn đề thì phải vượt qua được rào cản của chính bản thân. Đó là phải vượt qua thói quen tư duy theo thứ bậc hành chính và thứ bậc trình độ, thứ bậc chuyên môn, thói quen chịu sự chi phối của ý thức hệ thái quá, thói quen ngại đụng chạm đến cấp có thẩm quyền. Vượt qua chính mình còn có nghĩa là phải có sự hiểu biết đa ngành, đa lĩnh vực và phải hiểu thực tế của vấn đề. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu về đội ngũ chuyên gia để khi cần là lựa chọn được người phù hợp, có thế mạnh với từng lĩnh vực để đạt bài TVPB
Một khó khăn khác là bên lấy ý kiến TVPB thường gửi dự thảo muộn (thường chỉ vài 2-4 ngày). Trong khi đó, để TVPB tốt thì tối thiểu phải có 01 tuần, vì còn phải phân công chuẩn bị nội dung, kinh phí, thủ tục, mời chuyên gia, tổng hợp báo cáo... Việc phản hồi của bên lấy ý kiến cũng còn thất thường. Đó và vấn đề cần được kiến nghị với cấp có thẩm quyền chỉ đạo cải thiện.
Đại hội tin tưởng thế hệ lãnh đạo mới của Hội Khoa học Kinh tế sẽ kế thừa và phát huy tốt kết quả, kinh nghiệm, tâm huyết, chủ động sáng tạo của thế hệ đi trước đã chuyển trao và gửi gắm.
Phan Đức Ngữ