No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Ai giàu ba họ….
Lượt xem: 166

AI GIÀU BA HỌ….

Dưới cái nóng như rang, đường phố ngột ngạt khói bụi, lão lầm lũi bước.

Khuôn mặt đỏ dừ. Chiếc áo khoác cũ màu xanh rêu cáu bẩn và chiếc quần âu cắt nham nhở ngang gối, làm cho cái thân hình to lớn của lão như gập hẳn xuống. Cặp mắt vô hồn. Dáng liêu xiêu lao về phía trước.

Với chiếc bao xác rắn trên vai, lão lảo đảo dọc các con phố...

Cứ thế, ngày nào cũng như ngày nào, lão lang thang khắp cái thành phố này. Không nhìn ai, không nói gì, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc và đôi mắt luôn đảo sang hai bên đường, tìm kiếm các túi rác đặt dọc hè phố. Rồi lão móc, lão bới, lão nhặt ra những thứ có thể lấy được, có thể mang về, có thể bán để kiếm sống. Một đôi giày da cũ, một chiếc áo khoác của ai đó bỏ đi, những tấm bìa cát tông, những vỏ lon bia, vỏ lon coca cola, vỏ những chiếc chai đựng nước ...Tất cả được lão lọc ra từ những túi rác đã bốc mùi khăn khẳn, chua nồng. Lão nhặt, nhét tất cả vào chiếc bao tải rồi khoác lên vai và tiếp tục hành trình...

Không ai ngờ rằng cuộc đời lại xoay chuyển nhanh đến vậy. Từ một vị quan chức đầy quyền uy, một gia đình giàu có nổi tiếng của thành phố này, từ một cái tên mà chỉ nghe thấy thôi đã khiến nhiều người ngưỡng mộ…Vậy mà sau mười năm, cái gia đình thanh thế ấy hoàn toàn biến mất, nó tan nhanh như bọt xà phòng, chẳng để lại chút dư âm nào giữa dòng người phố thị.

Thế mới biết "Ai giàu ba họ,…".

***

Những năm 70 của thế kỷ trước, đất nước có chiến tranh, nên vừa học hết phổ thông, cũng giống như bao thanh niên khác, lão xung phong đi bộ đội, vượt Trường Sơn vào chiến trường B3. Với thân hình cao lớn, lão được phân về trung đội vận tải, đảm nhiệm việc tiếp đạn, tải lương, vận chuyển thương binh liệt sỹ. Lăn lộn và trưởng thành trong chiến đấu, lão được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Sau ngày 30/4/1975, lão xuất ngũ về quê rồi thi vào đại học.

Ngày ấy, học xong là có việc nên, sau khi tốt nghiệp lão được phân công về ty Thương nghiệp. Dưới thời bao cấp - cái thời “tem phiếu” những năm 80 của thế kỷ trước - thương nghiệp trở thành một nghề béo bở. Chẳng thế mà có câu “nhất thương, nhì thực”. Mỗi lít dầu hỏa, mỗi mét vải, mỗi chiếc xích xe đạp, mỗi cuộn chỉ khâu…tất tần tật những thứ tuồn từ cửa hàng thương nghiệp đưa ra ngoài “chợ đen” đều có giá gấp năm, bảy lần giá “phân phối”. Cũng vì thế, những người làm trong ngành thương nghiệp trở thành những người có quyền, có tiền và được nể vị nhất trong xã hội.

Sau hơn chục năm công tác, với quá khứ oai hùng trong chiến đấu, lại là đảng viên, nên lão nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của tổ chức. Lão được cử đi học cao cấp lý luận rồi được bổ nhiệm làm phó phòng, rồi trưởng phòng của ty…Mấy năm sau, lão được chuyển sang một cơ quan khác với chức vụ cao hơn. Người ta nhìn lão như một đấng bề trên, bởi những ân huệ lão có thể ban phát cho mọi người, mọi cơ quan là những tờ giấy A4 có chữ ký ngoằn nghoèo như giá đỗ và một con dấu đỏ như máu đè lên dưới cuối trang.

Những bữa tiệc thịnh soạn, những lời tâng bốc của đám đệ tử xu nịnh bám quanh, làm cho lão khi nào cũng như đang ở trên mây. Kỷ niệm về những năm tháng bom rơi đạn nổ và nghĩa tình đồng đội trên chiến trường dần phai nhòa trong ký ức. Giữa chốn quan trường nhộn nhạo, lão đã trở thành một người khác hoàn toàn. Đầy quyền uy và lạnh lùng. Nhìn thấy lão ai cũng nể sợ. Bất kể cơ quan nào, bất kể ngành nào, để xin được chỉ tiêu, để làm được việc, nhất định phải có phong bì. Ít thì vài ba trăm ngàn, nhiều thì vài chục triệu.

Những cuộc gặp để "xin ý kiến" có thể diễn ra tại phòng làm việc của lão, cũng có khi diễn ra tại gia đình. Trong phòng khách của lão có hẳn một chiếc tủ nhỏ, thời đó người ta gọi là “táp đờ luy”. Để tiện nhận sự “cảm ơn” của khách đến làm việc, lão đã làm hẳn một cái khe ngay trên cánh cửa tủ, giống như hòm thư ở bưu điện dùng cho khách đến bỏ thư. Tùy phong bì to hay nhỏ mà hôm sau lão giải quyết công việc nhanh hay chậm, hiệu quả ít hay nhiều. Mỗi năm, có hàng trăm khách đến “làm việc” và lão cứ đều đặn "nhặt nhạnh" những thứ quà cáp “vặt vãnh” ấy của khách gửi lại trước khi ra về. Chỉ vậy thôi, mà số tiền lão kiếm được cứ lớn lên, lớn mãi.  

Rồi lão xây nhà. Những năm 90 của thế kỷ trước, giữa cái phố thị nghèo nàn và hoang sơ này, thì ngôi nhà hai tầng một tum của lão sơn màu trắng toát, mọc lên giữa một thửa đất có diện tích chừng vài trăm mét vuông trên phố là cả một kỳ quan, là niềm mơ ước của bao người. Năm sau lão mua xe. Chiếc Honda “Dream” ba cục màu mận chín nhập khẩu từ Thái Lan về, nổ máy chạy “rốt đa” nghe cứ “bình bịch, bình bịch…” làm nhức mắt, nhức tai những người cùng phố. Rồi nữa, giữa mùa “Uôn cúp” đang sôi động, lão bê về chiếc ti vi màu Panasonic 32 inch đen nhánh, với hai cái râu ngạo nghễ cắm thẳng tưng trên nóc, khiến ai đến nhà lão, khi ra về cũng phải suýt xoa…Cứ thế, cứ thế…Khối tài sản nhà lão cứ phình lên, vợ con lão sống cuộc đời vương giả, khác hẳn với những cư dân xung quanh. Nhắc đến lão, người ta cảm thấy thèm khát và thán phục.

Chẳng hiểu từ đâu, ngày ấy lan truyền trên phố về cái thú đếm tiền của vợ chồng lão. Họ kể rằng, cứ đêm đêm, sau khi khóa cổng, khóa cửa kỹ càng là vợ chồng lão lại mang tiền ra đếm. Tiền từ cái ‘táp đờ luy”, tiền từ các phong bì của khách để lại, tiền lẻ trong ví của vợ lão…tất cả được mang ra hộn lại, loại nào ra loại ấy, rồi đếm, rồi buộc riêng thành từng cọc. Những cọc tiền chẵn được vợ lão gói buộc cẩn thận rồi cất vào két sắt. Những cọc tiền lẻ được đưa vào tủ để hôm sau lại đếm…Cái thú ấy làm cho lão thấy thích thú và khoan khoái sau mỗi ngày làm việc trở về.

Giữa lúc đang lên như diều gặp gió, bỗng nhiên lão nhận được một tin sét đánh. Thằng con lớn của lão, vốn chẳng chịu học hành tử tế, được lão sắp xếp vào một cơ quan quan trọng, đang chuẩn bị được thăng chức thì bị bắt vì tội buôn bán ma túy và nghiện hút. Lão như chết đứng khi nó phải ra tòa và vào trại cải tạo. Con vợ nó, vốn hàng ngày chỉ lượn ra lượn vào chơi với con và lo mua sắm, ăn diện, thấy chồng bị bắt, liền làm đơn ra tòa ly dị rồi dắt con biến mất.

Mấy tháng sau, cơ quan lão bị thanh tra và lão bị kỷ luật vì một loạt sai phạm. Lão bị buộc phải nghỉ hưu trước tuổi. Mụ vợ lão, đang độ phây phây tự nhiên sinh bệnh, ốm đau triền miên. Mấy năm sau thì vợ lão mất. Ngày vợ mất, con vẫn trong tù, lão đang nằm viện. Bà con tổ dân phố và xóm giềng phải lo hậu sự cho vợ lão mà chẳng có ai trong gia đình đứng ra làm tang chủ. Khi từ bệnh viện trở về, lão sững người trước ngôi nhà ngày xưa ăm ắp tiếng cười mà nay lặng tờ như ngoài nghĩa địa.

Số tiền mà lão chắt bóp “dành dụm” suốt mấy chục năm trời sau khi trả nợ cho con, chữa bệnh rồi lo hậu sự cho vợ và đền bù sau thanh tra, giờ tan biến như bong bóng xà phòng. Ngay cả ngôi nhà của lão - nơi mà gia đình lão đã sống suốt hàng chục năm trời - cũng bị ngân hàng kê biên để trả cho món vay để ăn chơi và cờ bạc của cậu quý tử.

Lão trở nên trắng tay.

***

Đêm cuối năm.

Phố phường nhộn nhịp. Những con đường với muôn sắc màu rực rỡ lung linh. Từng dòng người, dòng xe hướng về quảng trường trung tâm để chờ xem pháo hoa và vui đón giao thừa. Tiếng xe hơi, tiếng nói cười rộn ràng khắp phố. Chẳng ai để ý đến một lão già vẫn hí húi bên những thùng rác ven đường. Một mình lão, trên vai vẫn là chiếc bao tải hàng ngày, đi ngược hướng con đường với mọi người. Lão cứ mải miết bước và thấy vui trong niềm vui riêng của mình. Những ngày cuối năm, nhà nào cũng dọn nhà, họ bỏ đi những thứ đồ cũ và mua sắm thêm đồ mới, nên lượng phế liệu tăng lên. Lão nhặt được nhiều hơn ngày thường rất nhiều.

Về tới nhà trọ, lão mở khóa cửa và bật điện. Khi vừa đưa bao tải phế liệu ra sau nhà thì có một người bước vào. Đó là một cô gái. Nửa dưới khuôn mặt của cô bịt kín bởi chiếc khẩu trang màu xanh dương, chỉ có cặp mắt rất đẹp hiện ra đang cười với lão. Lão hơi khựng lại bởi ngạc nhiên.

- Cháu chào bác ạ.

- Cô là ai? Lão hỏi với giọng cảnh giác.

 Cô gái bỏ khẩu trang ra. Một khuôn mặt đẹp, trắng trẻo và xinh xắn.

- Dạ. Cháu xin tự giới thiệu, cháu là Nga, con bố Tuấn. Bố cháu trước đây cùng đơn vị với bác ở chiến trường B3. Bố cháu hiện đang ở quê và dạo này cũng yếu, không thể đi lại được. Bố cháu vẫn nhắc đến bác. Cháu đã tìm về nhà cũ của bác, nhưng họ nói bác đã chuyển đi rồi...Gần đây, được mọi người chỉ dẫn, cháu mới biết bác ở ngõ này. Nhân dịp năm mới, cháu xin phép được tới thăm bác ạ.

Khựng lại một lát rồi cô gái nói tiếp:

- Thưa bác, bố cháu nhắc đến bác nhiều lắm ạ. Bố cháu nói, lần bố cháu bị thương trong trận đánh tại Tân Cảnh, nếu không được bác băng bó và chuyển nhanh về tuyến sau thì chắc bố cháu đã chết. Bố cháu và chúng cháu mang ơn bác nhiều lắm ạ. Giao thừa sắp tới, cháu tới thăm bác và xin được biếu bác một chút quà đón năm mới. Cháu mong bác nhận giúp ạ.

Sự ân tình và những lời nói ấm áp của cô gái giữa đêm giao thừa khiến lão vô cùng cảm động. Kỷ niệm về những năm tháng gian khổ, hy sinh ở chiến trường bỗng nhiên bừng dậy, và lão đứng ngây người khi nhớ lại với kỷ niệm xưa.

Hôm ấy là ngày 23 tháng 4 năm 1972…

Theo hiệp đồng tác chiến, đúng 3 giờ chiều pháo binh sư đoàn dồn dập nã đạn vào căn cứ Tân Cảnh, trung tâm chỉ huy của địch tại Tây Nguyên. Pháo ta bắn đỏ trời khiến địch không thể chống cự. Cả đêm đó, lão và đồng đội hành quân dưới làn đạn pháo để chiếm lĩnh vị trí chiến đấu. Tiếng đề pa và âm thanh của những viên đạn bay trong không trung cứ u ú như tiếng sáo trên đầu. Những vầng lửa do đạn pháo bắn vào căn cứ địch cháy rực phía trước đoàn quân.

Một giờ sáng ngày 24 tháng 4 năm 1972, khi xe tăng của ta lao vào thị trấn Tân Cảnh, đánh chiếm căn cứ của địch. Tiểu đoàn của lão nhanh chóng tiếp cận mục tiêu, đồng loạt xung phong, nổ súng tiêu diệt địch… Lúc lão băng qua đường 19 để tiếp đạn cho Đại đội 9, dưới ánh sang nhập nhoạng của các loại hỏa lực, lão thấy bên gốc cây, thằng Tuấn ở Trung đội ba bị thương. Tuấn bị đạn địch bắn thủng bụng, ruột non, ruột già tùi hết cả ra ngoài. Máu me thấm ướt cái quần và hai vạt áo của nó. Tiếng Tuấn thở phì phò như kéo bễ…Lão dừng lại, kéo Tuấn xuống một hố pháo còn nghi ngút khói, lấy chiếc mũ cối úp vào bụng Tuấn, dùng băng cá nhân băng chiếc mũ vào bụng và khẩn trương đưa Tuấn về tuyến sau.

Mới vậy mà đã hơn 50 năm…

Năm mươi năm từ cõi chết trở về. Năm mươi năm lão được sống thay phần của những người đã chết. Ai đã quên và ai còn nhớ? Lão bỗng giật mình nghĩ lại phần đời đã sống kể từ sau cuộc chiến. Ân tình đồng đội, nghĩa cử của những người đang sống khiến lão thấy ân hận với chính mình. Lão thần người khi đưa tay đón nhận túi quà của cô gái trao cho…

Đúng lúc ấy, tiếng chuông báo hiệu giao thừa từ chiếc đồng hồ nhà ai vang lên thật rõ, rồi cả bầu trời bỗng sáng lòa bởi những loạt pháo hoa được bắn lên từ trung tâm thành phố. Cô gái cười rạng rỡ, chỉ tay lên phía những cầu lửa bay lên phía quảng trường:

- Đẹp quá bác nhỉ.

- Ừ đẹp, đẹp lắm…

Lão trả lời và thấy lòng thanh thản đến lạ kỳ. Một mùa xuân mới đang về.

                                                                                                                                                    Nguyễn Vũ Điền

Thông tin doanh nghiệp
  • Đại hội Đại biểu Hội Cựu giáo chức tỉnh Sơn La lần thứ 3, nhiệm kỳ 2024-2029 ​
  • Xã Mường Bằng trong kháng chiến chống Thực dân Pháp
  • Mộc Châu - Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
  • Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • 70 người tham gia lớp tập huấn truyền thông sáng tạo
  • Khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học ​
  • Quy định 189-QĐ/TW: Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công
  • Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tổ chức chung kết cuộc thi “Phụ nữ Sơn La khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Công nghiệp Công nghệ số
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
  • Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
  • 36 giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 19
    • Hôm nay: 2483
    • Trong tuần: 40 198
    • Tất cả: 14629500
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này