Những điểm mới cơ bản trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/NĐ-CP về Hội
Những điểm mới cơ bản trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/NĐ-CP về Hội
Những điểm mới cơ bản trong Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/NĐ-CP về Hội
1. Điều kiện thành lập Hội, Liên hiệp hội
Số thành viên trong ban vận động thành lập hội:
Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 10 thành viên ở hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; hội hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh có ít nhất 05 thành viên ở hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên; hội hoạt động trong phạm vi cấp huyện có ít nhất 03 thành viên ở hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên; hội hoạt động trong phạm vi cấp xã có ít nhất 03 (ba) thành viên.
2. Sử dụng điều lệ chung
Nếu đại hội của các hội thành viên ở địa phương thống nhất thừa nhận điều lệ hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không phải xây dựng điều lệ riêng và có văn bản báo cáo chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh để theo dõi, quản lý chung; đồng thời xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động của tổ chức mình phù hợp với điều lệ hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc và quy định của pháp luật về hội.
3. Quyền và nghĩa vụ của hội
Hội được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được kiến nghị cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ và được Nhà nước cấp hoặc hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền giao. Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thoả thuận quốc tế theo quy định.
Hội hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó. Hằng năm, phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động và báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi hội có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh đặt trụ sở, văn phòng đại diện trước ngày 31 tháng 12. Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật; Hằng năm, hội phải thực hiện kiểm toán độc lập và báo cáo quyết toán tài chính theo quy định của Nhà nước gửi cơ quan tài chính cùng cấp, cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chính mà hội hoạt động và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
(1). Cơ sở xác định hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
Đối với hội là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp: Được cơ quan có thẩm quyền của Đảng công nhận là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; Đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động.
Đối với hội là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế: Có vai trò quan trọng trong việc đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; có khó khăn trong việc huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho hoạt động của hội; Đã được Nhà nước giao biên chế, hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động.
Đối với hội là tổ chức xã hội: Hoạt động vì mục tiêu xã hội, nhân đạo; là hội của những đối tượng chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi cần được xã hội, Nhà nước quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện hoạt động; Đã được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí, điều kiện hoạt động.
(2). Danh mục Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở các cấp:
- Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc gồm 30 Hội (Phụ lục 1 của Dự thảo Nghị định)
1. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam 2. Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam 3. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 4. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 5. Hội Nhà văn Việt Nam 6. Hội Nhà báo Việt Nam 7. Hội Luật gia Việt Nam 8. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 9. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 10. Liên đoàn Luật sư Việt Nam 11. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam 12. Hội Nhạc sĩ Việt Nam 13. Hội Điện ảnh Việt Nam 14. Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam 15. Hội Kiến trúc sư Việt Nam |
16. Hội Mỹ thuật Việt Nam 17. Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam 18. Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam 19. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam 20. Hội Người cao tuổi Việt Nam 21. Hội Người mù Việt Nam 22. Hội Đông y Việt Nam 23. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam 24. Tổng hội Y học Việt Nam 25. Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam 26. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam 27. Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam 28. Hội Khuyến học Việt Nam 29. Hội Khoa học lịch sử Việt Nam 30. Hội Xuất bản Việt Nam |
- Hội hoạt động trong phạm vi địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định trên cơ sở căn cứ Khoản 1, Điều này và tình hình thực tế, điều kiện ngân sách ở địa phương.
(3). Cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ
Cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đối với hội có phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh gồm: Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Thường trực Ban Bí thư; Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch nước; Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ.
Cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ đối với hội có phạm vi hoạt động trong phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã gồm: Cấp có thẩm quyền ở trung ương như trên; ban chấp hành đảng bộ, ban thường vụ cấp ủy, thường trực, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
(4). Nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao cho hội
Ngoài những nhiệm vụ được quy định trong điều lệ hội đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thì Đảng, Nhà nước giao hoặc đặt hàng hội các nhiệm vụ sau: (1). Tham gia tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục truyền thống cho hội viên; (2). Thực hiện một số dịch vụ công, các chương trình, đề tài, đề án theo lĩnh vực hoạt động của hội; (3). Tư vấn, phản biện, giám định xã hội; (4). Các hoạt động cụ thể theo từng lĩnh vực hoạt động của hội phù hợp với quy định của pháp luật và điều lệ hội.
(5). Quyền, nghĩa vụ của hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ
Quyền của hội: Tham gia với các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về lĩnh vực hoạt động của hội; tham gia thực hiện một số hoạt động quản lý nhà nước, dịch vụ công thuộc lĩnh vực hoạt động của hội; tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chính sách, chương trình, đề tài, dự án do cơ quan nhà nước yêu cầu về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nghĩa vụ của hội: Tập hợp, nghiên cứu ý kiến, kiến nghị của các hội thành viên, hội viên theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của hội để tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; tập hợp các chuyên gia đầu ngành, các chuyên gia giỏi ở các hội thành viên và các tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao, thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội.
4. Chính sách nhà nước đối với các hội
Đối với các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đã được ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động theo số biên chế đã được giao thì được ngân sách nhà nước khoán kinh phí hoạt động theo số biên chế đã giao và được hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động.
Đối với hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ mà không được giao biên chế thì được ngân sách nhà nước cấp kinh phí theo nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao. Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được hỗ trợ cơ sở vật chất và phương tiện hoạt động.
Đối với các hội khác tự trang trải kinh phí hoạt động và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí gắn với nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao.
5. Chính sách, chế độ đối với người làm việc tại hội
(1) Chế độ tuyển dụng, sử dụng và quản lý đối với người làm việc tại hội:
a) Cán bộ, công chức được cấp có thẩm quyền luân chuyển, điều động, phân công làm việc tại hội được áp dụng theo quy định của Đảng và của pháp luật về cán bộ, công chức;
b) Người làm việc tại hội trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao được áp dụng các quy định của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
c) Người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc hội được áp dụng các quy định của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
d) Các đối tượng khác:
Người làm việc tại hội trong độ tuổi lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động;
Người làm việc tại hội là người đang hưởng lương hưu thực hiện theo điều lệ hội và quy định của pháp luật có liên quan.
(2). Chế độ tiền lương, phụ cấp công vụ và chế độ thù lao đối với người làm việc tại hội:
Cán bộ, công chức được điều động làm việc tại hội được hưởng chế độ chế độ tiền lương và phụ cấp công vụ theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Người làm việc tại hội thuộc chỉ tiêu biên chế được giao được hưởng chế độ công chức.
Người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc hội được hưởng chế độ viên chức.
Người làm việc hợp đồng tại hội do hội thỏa thuận chế độ tiền lương, bảo đảm tương quan trong nội bộ hội, phù hợp với nguồn kinh phí của hội và quy định của pháp luật
Trường hợp là người đang hưởng lương hưu làm việc tại hội thì mức thù lao tối đa bằng thu nhập tại thời điểm nghỉ hưu (Lương ngạch bậc + phụ cấp chức vụ + Phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) - Lương hưu). Ví dụ, lương trước lúc nghỉ hưu là 15 triệu, lương hưu là 11 triệu. Thì phụ cấp tối đa là 15-11= 4 triệu. Tức là tối đa bằng khoảng 25% lương trước lúc hưu.
6. Thẩm quyền quản lý nhà nước về hội
(1) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ hội hoạt có đảng đoàn và hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
(2) Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt điều lệ các hội khác hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc không có đảng đoàn. Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động của hội.
Các bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về hoạt động chuyên môn của hội hoạt động trong phạm vi cả nước theo lĩnh vực bộ quản lý.
(3). Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt điều lệ hội và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hội hoạt động trong phạm vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, các văn phòng đại diện tại địa phương của các hội hoạt động ở phạm vi toàn quốc./.
Phan Đức Ngữ
(Nguồn: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội và Dự thảo Tờ trình của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ).