Báo cáo tổng hợp các chỉ số giám sát xã hội về quản trị hành chính và dịch vụ công tỉnh Sơn La
UBND TỈNH SƠN LA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
LH CÁC HỘI KH&KT TỈNH Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
Số 18 /BCLHHSL Sơn La, ngày 17 tháng 9 năm 2014
BÁO CÁO TỔNG HỢP
CÁC CHỈ SỐ GIÁM SÁT XÃ HỘI VỀ QUẢN TRỊ HÀNH CHÍNH
VÀ DỊCH VỤ CÔNG TỈNH SƠN LA
( Báo cáo tại buổi làm việc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trương Quang Nghĩa với Liên hiệp các hội của KH&KT tỉnh, ngày 19/9/2014)
Vừa qua, Vietnam.net, trang Website của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều trang báo điện tử khác đăng bài " Khi các quan tỉnh được giám sát". Bài báo hay, tích cực, nói về sự giám sát xã hội( thông qua các chỉ số) đối với quản trị hành chính và dịch vụ công các tỉnh, thành phố ( chứ không nói về sự giám sát đối với cá nhân lãnh đạo). Đồng chí Bí thư tỉnh uỷ gợi ý Liên hiệp hội nghiên cứu liên hệ với thực tế Sơn La. Chúng tôi rất đồng cảm và đã cố gắng tìm hiểu, tra cứu các chỉ số giám sát xã hội của Sơn La.
Không trực tiếp điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá, nên sự am hiểu của chúng tôi về vấn đề các chỉ số còn có hạn chế. Mặt khó khăn khác, đó là hồ sơ, tư liệu, số liệu, biểu bàng về các chỉ số rất đồ sộ, nhưng chỉ là kết quả khảo sát, đánh giá, không có phân tích, lý giải cụ thể cho từng tỉnh. Phần lớn tư liệu ở dạng File pdf không khai thác cắt dán được, mà phải đọc để chọn lọc và đánh máy lại.
Các Chỉ số chúng tôi tra cứu, tổng hợp gồm có: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI, Chỉ số công lý JUPI và Chỉ số cải cách chính PAR INDEX ( tiếng Anh, viết tắt). Các chỉ số này đã áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, PCI, PAPI, PAR INDEX cũng đã chính thức áp dụng mấy năm nay cho tất cả 63 tỉnh, thành phố. Gần đây, năm 2012, JUPI cũng đã áp dụng thử ở 21 tỉnh, thành phố, trong đó có Sơn La. PCI, PAPI, PAR INDEX là 03 chỉ số chính thức và cơ bản. Còn Chỉ số JUPI chưa chính thức, mới có giá trị tham khảo.
Ngoài các Chỉ số nói trên, Chỉ số sẵn sàng cho Chính phủ điện tử ICT Index, tuy không phải là chỉ số giám sát xã hội, nhưng cũng có quan hệ mật thiết với cải CCHC và dịch vụ công.
Nội dung đánh giá của các Chỉ số giám sát xã hội dựa trên ba quá trình có tác động lẫn nhau, đó là: xây dựng chính sách, thực thi chính sách và giám sát việc cung ứng các dịch vụ công. Các trục nội dung được được thiết kế đặc biệt cho cả tầm quốc gia và cấp địa phương. Các chỉ số giám sát được xây dựng trên triết lý coi Doanh nghiệp và người dân là “khách hàng”, cơ quan công quyền là “bên cung ứng dịch vụ”. Cơ quan công quyền vừa phải quan tâm “đầu vào”( làm gì, làm như thế nào), vừa phải quan tâm “đầu ra” ( làm vì ai, họ cảm nhận, phản hồi như thế nào). Dựa trên kiến thức và trải nghiệm của ‘khách hàng’, các chỉ số giám sát xã hội cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan, góp phần giúp các tỉnh, thành phố trong việc lựa chọn các hướng ưu tiên để nâng cao hiệu quả quản lý của mình
I. KHÁI QUÁT CÁC CHỈ SỐ.
1. PCI đánh giá bằng sự cảm nhận, trải nghiệm của cộng đồng các doanh nghiệp.
Nội dung đánh giá gồm về 10 chỉ số thành phần: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Tính Minh bạch và Tiếp cận thông tin; Chi phí thời gia để thực hiện các quy định của nhà nước; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đảng; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lí.
PCI được đo bằng 10 chỉ số tương ứng với 10 nội dung, gồm 93 chỉ số thành phần. Mỗi chỉ số tính theo thang điểm 10. Tổng số điểm tối đa là 100. Các tỉnh, thành phố được xếp hạng theo 6 nhóm: Rất tốt, Tốt, Khá, Trung bình, Tương đối thấp, Thấp.
Cơ quan chủ trì thực hiện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị phối hợp là Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).PCI được tiến hành thí điểm trong 02 năm 2005-2006, từ năm 2007 tới nay đã thực hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.
2. PAPI đánh giá bằng sự cảm nhận, trải nghiệm của dân chúng
Nội dung đánh giá gồm 6 chỉ số thành phần: Tham gia của người dân tại cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công.
PAPI được đo bằng 6 chỉ số tương ứng với 6 nội dung, gồm 22 tiểu nội dung và 92 chỉ số thành phần. Mỗi chỉ số tính theo thang điểm 10. Tổng số điểm tối đa là 60. Các tỉnh, thành phố được xếp hạng theo 4 nhóm: Cao nhất, Trung bình cao, Trung bình thấp và Thấp nhất.
Các đơn vị thực hiện là Trung tâm Nghiên cứu phát triển-Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. PAPI được tiến hành thí điểm năm 2009-2010. Từ năm 2011 đến nay đã chính thức thực hiện ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.
3. JUPI phản ánh ý kiến và sự trải nghiệm của người dân về khía cạnh của quản trị công lý và chế độ pháp quyền.
Nội dung đánh giá gồm 5 chỉ số thành phần: Khả năng tiếp cận; Sự bình đẳng; Tính liêm khiết; Độ tin cậy và tính hiệu quả; Bảo đảm các quyền cơ bản.
Mối nội dung có 3 chỉ số, mối chỉ số có 3-9 chỉ số thành phần. Có 52 chỉ số thành phần tất cả. Thang điểm đánh giá từng chỉ số từ 0-1, 0 là kém nhất, 1 là tốt nhất. Tổng điểm tối đa là 5. JUPI các tỉnh, thành phố được xếp hạng theo 03 nhóm: Cao, Trung bình, Thấp.
JUPI do Hội Luật gia Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thực hiện. JUPI bắt đầu thử nghiệm năm 2012 với 21 tỉnh thành phố đại diện cho các vùng miền trong cả nước, trong đó có Sơn La.
4. PAR INDEX
Nội dung đánh giá CCHC cấp tỉnh, thành phố gồm 8 chỉ số thành phần: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện VBQPPL; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; Đổi mới cơ chế tài chính công; Hiện đại hóa hành chính; Cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tám chỉ số được cụ thể hóa thành 34 tiêu chí và 104 chỉ tiêu thành phần. Từng nội dung và từng tiêu chí được lượng hoá bằng số điểm cụ thể, với tổng số là 100 điểm.
Phương pháp đánh giá kết hợp giữa đánh giá nội bộ và đánh giá bên ngoài. Đánh giá nội bộ là do Địa phương tự đánh giá bằng phiếu, Bộ Nội vụ thẩm định. Đánh giá bên ngoài là điều tra xã hội học đối với Doanh nghiệp, đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân và người dân. Các tỉnh, thành phố được xếp hạng chỉ số theo 4 nhóm: Tốt, Khá, Trung bình và Thấp.
Chủ trì khảo sát đánh giá là Viện khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ, cùng sự phối hợp của Vụ tổ chức cán bộ các Bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố, Văn phòng quốc hội, Ban công tác đại biểu quốc hội. Par Index đã được áp dụng thí điểm tại một số bộ và địa phương. Từ năm 2012 đến nay đã áp dụng và công bố chỉ số cho tất cả 19 bộ ngành và 63 tỉnh, thành phố.
***
Trong số các Chỉ số trên, việc sử dụng Chỉ số CCHC Par Index có tính chất bắt buộc. Chính phủ chỉ đạo và Bộ Nội vụ trực tiếp tổ chức khảo sát, đánh giá và ra quyết định công bố, trong đó có điều khoản giao các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm quán triệt, phân tích nguyên nhân và có giải pháp cải thiện chỉ số. Còn các chỉ số khác có tính chất tư vấn, khuyến cáo. Tuy vậy, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI rất có uy tín, thương hiệu. Còn các chỉ số khác, uy tín thương hiệu tạm thời chưa cao, nhưng có xu hướng ngày càng được các địa phưong quan tâm.
II. TỔNG HỢP CÁC CHỈ SỐ CỦA SƠN LA
Chúng tôi tra cứu, tổng hợp, hệ thống ở mức tối giản 03 chỉ số giám sát xã hội cơ bản đã chính thức của Sơn La là PCI, PAPI, PAR Index và 01 chỉ số phụ ICT Index đã chính thức để tham khảo. Còn chỉ số JUPI mới thủ nghiệm ở diện hẹp, chúng tôi chưa tổng hợp kết quả của Sơn La.
1. PCI
Tổng hợp các chỉ số PCI của Sơn La 2007-2013
Cộng đồng các doanh nghiệp cảm nhận và đáng giá vừa phải hiệu quả công tác quản trị hành chính và dịch vụ công về 10 nội dung thuộc lĩnh vực lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà họ trải nghiệm. Trong quảng thời gian 2007-2013, chỉ số PCI hàng năm của Sơn La nhìn chung mới ở mức trung bình trở xuống, thứ hạng cũng còn thấp. Thứ hạng có năm thăng lên vị trí thứ 22/63 tỉnh, thành phố, nhưng xu hướng cải thiện cả về điểm số và thứ hạng chưa rõ. Việc tăng hay giảm 4-5 điểm trong kỳ không riêng Sơn La mà nhiều tỉnh cũng thường xẩy ra. Nhưng hiện tượng thăng hạng đột biến rồi tụt hạng đột biến ngay trên 30 bậc như Sơn La là rất hãn hữu, cần được tiếp tục tìm hiểu để lý giải thấu đáo. Đáng lưu ý là các chỉ số thành phần quan trọng( tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng) mới đạt ở mức trung bình trở xuống. Có nghĩa, môi trường quản trị và dịch công như vậy chưa thuận lợi, các doanh nghiệp chưa hài lòng, cần phải được cải thiện.
2.PAPI
Tổng hợp các chỉ số PAPI tỉnh Sơn La 2011-2013
Dân chúng cảm nhận và đánh giá tích cực hơn về quản trị hành chính và dịch vụ công trong 6 lĩnh vực mà họ traỉ nghiệm.( Chủ yếu là dân chúng trải nghiệm trong quan hệ giao dịch với cấp cơ sở xã, phường). Chỉ số chung và thứ hạng PAPI của Sơn La vào loại cao, nhưng còn những chỉ số thành phần quan trọng( chỉ số công khai minh bạch và chỉ số dịch vụ công) đang đứng tốp cuối các tỉnh. Thứ hạng của Sơn La khá cao, nhưng có xu hướng giảm nhanh vì điểm số các chỉ số thành phần của Sơn La cải thiện chậm trong khi các tỉnh cạnh tranh vươn lên.
3. PAR INDEX TỈNH SƠN LA
Biểu Par Index 2012-2013.
Biểu các chỉ số thành phần năm 2013
Trong 8 chỉ số thành phần, chỉ số xây dựng và thực thi VBQPPL của Sơn La đạt điểm trên mức trung bình của 63 tỉnh, thành phố; Còn 7 chỉ số đạt dưới mức trung bình và đạt rất thấp so với điểm tối đa cũng như điểm của nhóm tỉnh, thành phố tốt nhất; Đạt thấp nhất là các chỉ số CCTTHC; Cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVCC; Hiện đại hóa nền hành chính. Các tiểu chỉ số thành phần về dịch vụ công ( Giáo dục, Y tế) của Sơn La đều thuộc nhóm thấp, dưới mức trung bình của 63 tỉnh, thành phố.
Thứ hạng của một số chỉ số thành phần trong Par Index thấp hơn thứ hạng chỉ số thành phần tương ứng trong Papi Index, nhất là chỉ số CCTTHC. Sự đánh giá của Bộ Nội vụ cũng như của doanh nghiệp và người dân về CCHC của cấp huyện, cấp tỉnh thấp hơn là sự đánh giá của người dân về CCHH ở cấp cơ sở ( xã, phường).
Sơn La thuộc diện nhóm tỉnh mà Doanh nghiệp và dân chúng ít hài lòng nhất về thủ tục hành chính, chất lượng công chức, viên chức và thái độ phục vụ của người thực thi công vụ. Cảm nhận của người dân và doanh nghiệp về tiêu cực, sách nhiễu, hối lộ, lót tay trong khu vực công chưa giảm.
4. CHỈ SỐ PHỤ: ICT INDEX
ICT INDEX là Chỉ số sẵn sàng cho chính phủ điện tử, do Hội Tin học Việt Nam cùng Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT khảo sát, đánh giá. Tuy không phải là chỉ số giám sát xã hội, nhưng ICT INDEX lại có quan hệ mật thiết với cải cách hành chính và dịch vụ công. ICT INDEX gồm 5 chỉ số thành phần với 38 tiêu chí: Chỉ số Hạ tầng kỹ thuật CNTT; Chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT; Chỉ số ứng dụng CNTT; Chỉ số sản xuất - kinh doanh CNTT; Chỉ số môi trường tổ chức - chính sách cho phát triển - ứng dụng CNTT.
ICT Index của Sơn La 2010-2014
ICT Index trung bình của các tỉnh thành phố có xu hướng tăng đều. Xu hướng tăng ICT Index của Sơn La chưa rõ. Chỉ số chung và Tất cả các Chỉ số thành phần (Hạ tầng kỹ thuật CNTT;Chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT;Chỉ số ứng dụng CNTT; Chỉ số sản xuất - kinh doanh CNTT;Chỉ số môi trường tổ chức - chính sách cho phát triển - ứng dụng CNTT) của Sơn La đều thấp dưới mức trung bình của các tỉnh thành phố. Chỉ số sẵn sàng cho chính phủ điện tử Sơn La còn rất thấp, chỉ đứng trên Lai Châu. ICT Index thấp như vậy cản trở rất lớn đến việc nâng cao chất lượng quản trị hành chính và dịch vụ công.
5. NHẬN XÉT CHUNG.
Công tác quản trị hành chính và dịch vụ công tỉnh Sơn La đã có tiến bộ trên từng mặt, nhưng so với mặt bằng chung thì thấp điểm số và thứ hạng còn thấp, chưa làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Điểm số và thứ hạng của Sơn La về chỉ số PAPI cao hơn chỉ số PCI và Par Index. Chứng tỏ, quản trị hành chính và dịch vụ công ở cấp cơ sở (xã phường) được dân chúng hài lòng hơn. Còn quản trị hành chính và dịch vụ công ở cấp huyện, cấp tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp và dân chúng ít hài lòng hơn.
Đáng lưu ý là điểm số và thứ hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chỉ số CCHC của Sơn La còn thấp và rất thấp, nhất là chỉ số CCHC. Nhiều chỉ số thành phần điểm còn thấp. Đó là các chỉ số: Công khai minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh bình đẳng; Thủ tục hành chính; Cơ chế một cửa và một cửa liên thông; Chất lượng công chức, thái độ của người thực thi công vụ; Ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa nền hành chính. Điều đó cản trở không ít đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
III. KIẾN NGHỊ
Các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX là các chỉ số chính thức, định kỳ hàng năm, do các tổ chức khoa học phối hợp điều tra khảo sát, thống nhất tiêu chí và phương pháp trong cả nước. Các chỉ số không chuẩn xác tuyệt đối, nhưng là đáng tin cậy, hiện cũng chưa có phương pháp nào đáng tin cậy hơn. Đây là công cụ rất bổ ích, hỗ trợ đắc lực cho các cấp, ngành ở Trung ương và địa phương trong việc đánh giá mức độ, hiệu quả trong đổi mới thể chế, chính sách về quản trị và hành chính công của bộ máy quản lý nhà nước. Hiện nay Chính phủ đang ráo riết đẩy mạnh CCHC, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, trước hết là giảm thiểu thủ tục và thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Chính phủ và Bộ Nội vụ yêu cầu các ngành, các tỉnh, thành phố quán triệt, rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân, có biện pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện Chỉ số CCHC trong những năm tới. Về phía các địa phương, đến nay đã có 22 tỉnh, thành phố đã tổ chức hội thảo cấp tỉnh, chính thức có văn bản chỉ đạo dưới hình thức Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch, Chương trình hành động; Chính thức đưa vấn đề các các số quản trị hành chính và dịch vụ công vào nghị trường của cấp uỷ, HĐND, UBND. Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tổ chức đánh giá và công bố PAR INDEX cho cả từng ngành cấp tỉnh. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức theo khu vực để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Khu vực Đông Bắc, Khu vực Tây Bắc cũng đã tổ chức hội thảo về các chỉ số. Xu hướng chung là các tỉnh, thành phố có ý thức cải thiện các chỉ số, nhất là chỉ số lực cạnh tranh và chỉ số CCHC. Nhằm để vừa tăng vòng quay của nguồn lực vừa thu hút đầu tư các nguồn lực. Đây là con đường tăng trưởng vừa rẻ, vừa có thể chủ động được.
Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã và đang tăng cường biện pháp cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cải cách dịch vụ công hướng tới “khách hàng” là cộng đồng các doanh nghiệp và người dân. Gần đây, cấp uỷ và chính quyền tỉnh tiếp tục có động thái mạnh hơn để chấn chỉnh tác phong công vụ của cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh thủ tục một cửa, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư... Thái độ ứng xử với thông tin báo chí, tôn giáo, tín ngưỡng cũng cởi mở hơn...Cộng đồng các doanh nghiệp và người dân cảm nhận được điều đó bằng sự trải nghiệm thực tế. Vấn đề là, quản trị hành chính và dịch vụ công là sản phẩm của quá trình gồm nhiều công đoạn do nhiều tổ chức và cá nhân thực hiện. Cộng đồng doanh nghiệp và dân chúng cảm nhận được các quyết sách và động thái thực tiễn ở tầm vĩ mô( cấp tỉnh), đồng thời họ cũng trải nghiệm thực tế khi quan hệ với tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ trong từng lĩnh vực, từng cấp, từng ngành cụ thể. Hành xử của cán bộ công vụ giải quyết thủ tục đầu tư hay thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng, thủ tục thanh quyết toán hoặc hành xử của cảnh sát giao thông, nhất là ở địa bàn Mộc Châu( của ngõ của tỉnh) đều có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến thiện cảm của các nhà đầu tư và khách du lịch và hình ảnh của Sơn La đối với họ. Nhưng đến nay, các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ ở Sơn La vẫn chưa thực sự đồng lòng và quan tâm đúng mức vấn đề làm hài lòng doanh nghiệp và dân chúng. Sơn La là một trong những tỉnh vẫn chưa chính thức đưa vấn đề các chỉ số vào nghị trường.
Nhân dịp được trực tiếp báo cáo với đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp hội xin kiến nghị với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh như sau:
1. Tỉnh chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt về các chỉ số để các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quan tâm tìm hiểu bản chất, vai trò, tác dụng của các chỉ số, liên hệ với chức trách của tổ chức và cá nhân trong từng lĩnh vực, từng công đoạn quản trị hành chính và dịch vụ công; Động viên doanh nghiệp, dân chúng quan tâm giám sát, phản hồi ý kiến.
2. Tỉnh chủ trì hội thảo hoặc hội nghị cấp tỉnh về các chỉ số. ( Các tỉnh tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề từng chỉ số. Sơn La nên tổ chức chung). Mời các chuyên gia Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, chuyên gia Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Chuyên gia Bộ Nội vụ về thuyết trình, phân tích sâu hơn về các chỉ số của Sơn La. Sơn La có báo cáo chung và trao đổi chia sẻ với các chuyên gia, những người nắm nhiều thông tin về cái hay, cái dở của nhiều địa phương khác trong cả nước.
3. Tỉnh xem xét việc chính thức đưa vấn đề các chỉ số vào nghị trường. Tỉnh ủy nên ra Chỉ thị, HĐND ra Nghị quyết và UBND tỉnh ban hành chương trình hành động về cải thiện các chỉ số. Trung tâm là chỉ số CCHC. Tập trung vào các chỉ số thành phần: Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Tính năng động; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Cạnh tranh bình đẳng; Thủ tục hành chính; Chất lượng công chức, thái độ của người thực thi công vụ; Trách nhiệm giải trình; Ứng dụng công nghệ thông tin... Trước mắt, cần đặt ra mục tiêu cụ thể tiếp tục giảm thiểu thủ tục, giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục, thực thi công vụ, công khai minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Ban chỉ đạo CCHC, cơ quan thường trực là sở Nội vụ là đầu mối tham mưu. Các cơ quan phối hợp là Sở kế hoạch đầu tư, UBMTTQ tỉnh, Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh. Tư vấn là các chuyên gia Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam, chuyên gia Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Chuyên gia Bộ Nội vụ.
4. Tỉnh nghiên cứu đưa vấn đề các chỉ số vào vào văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh sắp tới, vào Báo cáo tổng kết hàng năm của cấp ủy, HĐND, UBND để kiểm điểm, đánh giá trong năm, xác định chỉ tiêu cải thiện các chỉ số năm sau. Thực hiện chế độ chất vấn, giải trình về các chỉ số tại các phiên họp 6 tháng, 01 năm của HĐND tỉnh.
5. Tỉnh và Ban chỉ đạo CNTT tỉnh cần tiếp tục có biện pháp khả thi đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNTT trong bộ máy nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, cải thiện chỉ số ICT Index để phục vụ quản trị hành chính và dịch vụ công.
6. Tỉnh cần chủ động khảo sát, điều tra.
-Ngoài việc sử dụng các chỉ số giám sát xã hội được thống nhất trong cả nước, Tỉnh Sơn La cần tiến tới chủ động khảo sát, điều tra và công bố các chỉ số đối với các ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố, trước hết là chỉ số CCHC. Với sự tư vấn, giúp đỡ của các chuyên gia và học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố tiên phong thì Sơn La có thể thực hiện được. Đầu mối là Ban chỉ đạo CCHC, trực tiếp là Sở Nội vụ.
-Đồng thời tỉnh cần chủ động tổ chức điều tra xã hội học chuyên đề để phục vụ cho các quyết sách của địa phương. Thực tế, chủ trương này đã được Tỉnh ủy khởi động, cần được thực hiện từng bước đi vào nề nếp, mang tính chất chuyên nghiệp. Đưa việc điều tra xã hội học, điều tra dư luận xã hội vào quy chế, quy trình ban hành chủ trương và đánh giá hiệu quả thực hiện chủ trương, coi trọng sự phản hồi và cảm nhận của cán bộ, đảng viên, công chức, doanh nghiệp và dân chúng. Ngoài việc sử dụng nhân lực và phương tiện chuyên trách mà đầu mối là Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, việc sử dụng hàng trăm trang website của các cấp, các ngành, các đơn vị và cá nhân trong tỉnh và mạng lưới cộng tác viên, sự phản hồi, tư vấn, phản biện của các tổ chức chính trị xã hội, xã hội và xã hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí đều là những kênh quan trọng cần được quan tâm động viên, phát huy để phục vụ cho thăm dò dư luận xã hội, phản ánh cảm nhận, tâm tư, nguyện vọng của dân chúng.
Báo cáo tham vấn này đã được cố gắng chuẩn bị và bàn định trong Ban thường vụ Liên hiệp hội, tuy nhiên đây là vấn đề rất khó thuyết trình thấu đáo.
Liên hiệp hội xin báo cáo để đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ và Lãnh đạo tỉnh cho ý kiến chỉ đạo.
Nơi gửi: TM BAN THƯỜNG VỤ
- Đ/C Bi thư Tỉnh ủy CHỦ TỊCH
- Các đồng chí ủy viên BTV LHHSL
- Các đại biểu dự buổi làm việc. ( Đã ký)
- Lưu VPLHHSL
Ths. Trần Đình Yến