Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 10/2023
Lương viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp cao nhất 14,4 triệu đồng; quy định về chủ thể ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt;… là những chính nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 10/2023 (từ ngày 11 - 20/10/2023)
1. Lương viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp cao nhất 14,4 triệu đồng
Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/10/2023.
Theo đó, viên chức được xếp lương vào các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP , cụ thể như sau:
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp - Mã số: V.09.02.01, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 1 (A3.1) từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00.
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp chính - Mã số: V.09.02.02, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết - Mã số: V.09.02.03, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Giảng viên giáo dục nghề nghiệp thực hành - Mã số: V.09.02.04, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp - Mã số: V.09.02.05, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3 nhóm 2 (A3.2), từ hệ số lương 5,75 đến hệ số lương 7,55.
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp chính - Mã số: V.09.02.06, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2 nhóm 1 (A2.1) từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp lý thuyết - Mã số: V.09.02.07, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp thực hành - Mã số: V.09.02.08, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.
- Giáo viên giáo dục nghề nghiệp - Mã số: V.09.02.09, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.
Với mức lương cơ sở hiện hành là 1.800.000 đồng thì lương viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp cao nhất (hệ số 8.00) là 14.400.000 đồng.
2. Sửa quy định về yêu cầu hoạt động phòng giao dịch bưu điện
Thông tư 11/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 43/2015/TT-NHNN quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, có hiệu lực từ ngày 15/10/2023.
Cụ thể, sửa đổi tên Điều 8 của Thông tư 43/2015/TT-NHNN từ "Điều 8. Điều kiện khai trương hoạt động phòng giao dịch bưu điện" thành "Điều 8. Yêu cầu hoạt động phòng giao dịch bưu điện”.
Đồng thời điểm b khoản 4 Điều 1 Thông tư 11/2023/TT-NHNN sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 43/2015/TT-NHNN như sau:
Nhân sự tại phòng giao dịch bưu điện phải đảm bảo một trong các yêu cầu là có tối thiểu 03 người, trong đó có 01 người là kiểm soát viên hoặc chức danh tương đương làm nhiệm vụ kiểm soát, phê duyệt các giao dịch hàng ngày và là nhân sự của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt.
Chậm nhất ngày 01/3/2024 mà không đáp ứng điều kiện này, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.
Việc xử lý các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư 43/2015/TT-NHNN .
(Trong khi tại điểm a khoản 1 Điều 8 Thông tư 43/2015/TT-NHNN quy định: Có tối thiểu 03 (ba) người, trong đó có 01 (một) người là kiểm soát viên hoặc chức danh tương đương làm nhiệm vụ kiểm soát và phê duyệt các giao dịch hàng ngày;
Đã tham gia khóa học đào tạo nghiệp vụ liên quan do Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt tổ chức (trừ trường hợp cán bộ tốt nghiệp từ trung cấp trở lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng);
Đối với nhân sự giữ chức danh kiểm soát viên (hoặc chức danh tương đương), phải tốt nghiệp từ trung cấp trở lên trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng.)
3. Chủ thể ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt
Nội dung đề cập tại Thông tư 16/2023/TT-BCT hướng dẫn về hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 16/10/2023.
Theo đó, quy định chủ thể ký hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt như sau:
- Chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện là người đại diện của Bên mua điện đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 104/2022/NĐ-CP ) và có hồ sơ đề nghị đăng ký mua điện phục vụ mục đích sinh hoạt quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 104/2022/NĐ-CP gửi Bên bán điện.
- Trường hợp Bên mua điện gồm nhiều hộ sử dụng điện chung ký 01 hợp đồng thì chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện là đại diện số hộ dùng chung ký hợp đồng và có văn bản ủy quyền của các hộ dùng chung khác.
Các hộ dùng chung phải đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 104/2022/NĐ-CP .
Tại hợp đồng phải ghi rõ số hộ dùng chung (có danh sách kèm theo) và giá bán điện được áp dụng theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
- Trường hợp Bên mua điện là người thuê nhà để ở thì chủ thể ký hợp đồng của Bên mua điện được xác định theo quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.
- Chủ thể ký hợp đồng của Bên bán điện là người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của Đơn vị bán lẻ điện có lưới điện phân phối đủ khả năng cung cấp điện đáp ứng nhu cầu của Bên mua điện.
4. Quy định quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế
Từ ngày 16/10/2023, Thông tư 59/2023/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành.
Theo đó, quy định quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực y tế như sau:
- Tổ chức thu phí là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoặc các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được để lại 80% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP .
Nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
- Đối với tổ chức thu phí là Bộ Y tế hoặc các đơn vị thuộc Bộ Y tế và Sở Y tế:
+ Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước.
+ Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 120/2016/NĐ-CP thì được để lại 80% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP .
Nộp 20% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo chương, tiểu mục của Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.
Theo thuvienphapluat.vn
GT: T.T.Đạt