Nếu như được Tư vấn phản biện trước, nhưng vẫn chưa muộn...
Vừa qua, Bộ LĐTB&XH chỉ đạo các tỉnh triển khai thực hiện đổi lại lại tên bia mộ Liệt sĩ vô danh thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Lý do là không liệt sĩ nào là vô danh, các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán. Việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện, thống nhất tên trên những tấm bia này là “liệt sĩ chưa xác định được thông tin”, không để “vô danh” nữa. Việc này đã được quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể, Khoản c, Điều 152 về quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ có quy định trên bia mộ liệt sĩ phải ghi thống nhất họ và tên, ngày sinh…; trường hợp không có thông tin thì trên bia mộ ghi “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Cả nước còn hơn 300.000 liệt sĩ vô danh. Hiện nay đã có hai tỉnh có nhiều liệt sĩ vô danh đã tiến hành đổi tên bia mộ là Quảng Trị và Quảng Nam. Nhưng hai tỉnh này cũng làm khác nhau. Tỉnh Quảng Nam thì đổi tên 20.000 bia mộ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Còn Quảng Trị thì vận dụng khác, đổi tên 25.000 bia bộ “Liệt sĩ vô danh” thành “Liệt sĩ chưa biết tên”.
Đổi tên bia mộ Liệt sĩ ở Quảng Trị Đổi tên bia mộ Liệt sĩ ở Quảng Nam
Việc làm trên thu hút sự quan tâm của xã hội với nhiều ý kiến kiến đa chiều, ủng hộ có, nhưng đa số là phản đối, chỉ trích. Ý kiến ủng hộ thì đều hiểu và đồng cảm với cách lý giải của Bộ LĐTB&XH: Liệt sĩ không ai là không có tên tuổi, quê quán. Hy sinh cho Tổ quốc, cho nhân dân thì không ai là vô danh.
Nhưng các chuyên gia, các nhà ngôn ngữ học thì lại cho rằng, cần phải hiểu đúng ngữ nghĩa của từ “vô danh” trong cụm từ “Liệt sĩ vô danh” trên bia mộ liệt sĩ. Liệt sĩ nào cũng có tên tuổi, quê quán, nhưng trong quá trình tìm kiếm, quy tập, chưa biết chính xác thông tin để khắc vào từng bia mộ thì gọi là Liệt sĩ vô danh. “Vô danh” một nghĩa là chưa biết tên, chứ không phải không tên (Không nên hiểu máy móc “vô” là “không”). “Vô danh” còn một nghĩa là sự hy sinh thầm lặng vì đất nước, vì nhân dân nên trở thành cao cả, thiêng liêng, bất tử chứ không phải nghĩa “vô danh, tiểu tốt”.
Có danh là một con người cụ thể, hữu hạn. Vô danh là con người trừu tượng, khái quát, vô hạn, là thầm lặng, quên mình, là khái niệm về cái lớn lao, cao cả như về Tổ quốc, Nhân dân.
“Liệt sĩ vô danh” đã đi vào tiềm thức, tâm linh của người Việt. Đó là lời thì thầm, nghẹn ngào, ngẩn ngơ, rưng rưng; là lời vang vọng, da diết của lịch sử. Những nấm mộ mang dòng chữ “Liệt sĩ vô danh” tạo cho người tưởng niệm cảm xúc mạnh mẽ để nhận ra cuộc sống có ý nghĩa cao cả. Trước nấm mộ “Liệt sĩ vô danh”, người sống cảm thấy mắc nợ với một nghĩa cả.
Bất kỳ ở đâu trên thế giới, có chiến tranh là có Liệt sĩ vô danh. Ở nhiều nước không chỉ có bia bộ Liệt sĩ vô danh, mà còn có tượng đài mang dòng chữ vàng Liệt sĩ vô danh với ngọn lửa vĩnh cửu. Liệt sĩ vô danh là từ ngữ ổn định, bền vững, có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị tâm linh trong ngôn ngữ Việt và ngôn ngữ nhiều dân tộc trên thế giới.
Ngược lại với ý nghĩa trên của ngữ nghĩa “Liệt sĩ vô danh”, thì “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin” hay “Liệt sĩ chưa biết tên” là sự lủng củng, trần trụi, mất đi sự lung linh, huyền ảo sử thi của sự cống hiến, hy sinh, không tạo được cảm xúc gì.
Bia mộ Liệt sĩ vô danh đã tồn tại hàng mấy thập kỷ. Cả nước còn trên 300.000 bia mộ Liệt sĩ vô danh. Cuộc tìm kiếm, quy tập, dùng biện pháp khoa học để xác định danh tính Liệt sĩ đang được tiếp tục hàng ngày, nhưng càng lâu, càng khó. Và sẽ mãi mãi còn nhiều những bia mộ Liệt sĩ vô danh mang hồn thiêng đất nước. Dưới hàng vạn ngôi mộ là hàng vạn liệt sĩ đang yên ngủ, chỉ là chưa biết được tên. Thay vì đục đẽo lại bia trên mộ làm mất giấc ngủ của các liệt sĩ, nên dùng số tiền không nhỏ này để làm chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với thân nhân liệt sĩ thì thiết thực hơn.
Việc đổi tên và thay lại bia mộ Liệt sĩ là thực hiện theo Nghị định Chính phủ. Nhưng Nghị định cũng là do Bộ LĐTB&XH tham mưu. Việc này, đáng lẽ được lấy ý kiến tư vấn, phản biện của các chuyên gia, của các tổ chức, của thân nhân Liệt sĩ. Nhưng cũng chưa muộn. Hiện mới có 2 tỉnh triển khai, mà áp dụng cũng khác nhau. Các chuyên gia, dư luận xã hội và báo chí đã chủ động quan tâm đóng góp ý kiến thì cơ quan có thẩm quyền nên có sự cân nhắc cẩn trọng thêm.
Phan Đức Ngữ (tổng hợp)
(Nguồn: Báo chí, mạng xã hội, internet)