Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”
Một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”
Bài viết đi sâu nghiên cứu sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ năm 2008; đề xuất một số nội dung cần nghiên cứu, bổ sung trong dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và vấn đề an toàn gia thông đường bộ. Hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng và Nhà nước ta; đây cũng là yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật của Nhà nước Pháp quyền Việt Nam XHCN trong quá trình hội nhập quốc tế và đáp ứng những yêu cầu mới đang đặt ra.
Sự cần thiết phải ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 điều chỉnh nhiều hoạt động khác nhau thuộc hai lĩnh vực: Một là, các hoạt động liên qua đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội); chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức và cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật. Hai là, các vấn đề liên quan đến xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đây là hai lĩnh vực rất lớn; nếu được tách riêng sẽ có những thuận lợi cho cả công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo khắc phục những hạn chế trong hoạt động gia thông, vận tải, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân trong hoạt động giao thông đường bộ.
Xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng sẽ góp phần thực hiện ba đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời góp phần hiện thực hóa tư duy đổi mới sáng tạo, tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành cũng sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn trong hoạt động quản lý giao thông đường bộ: góp phần giảm thiểu tai nạn và sự ùn tắc giao thông; gắn các hoạt động giao thông đường bộ với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh theo xu thế chung của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Một số nội dung cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”
1. Đề nghị bổ sung một số điểm trong “Điều 3. Giải thích từ ngữ”:
(i) Trong dự thảo ghi: 1. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các quy tắc, nguyên tắc mà người tham gia giao thông phải chấp hành bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đề nghị bổ sung thêm cụm từ “các tổ chức, cá nhân tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ” và từ “nhằm” và viết lại như sau: 1. Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các quy tắc, nguyên tắc mà người tham gia giao thông; các tổ chức, cá nhân tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ phải chấp hành nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Lý do: (i) Các quy tắc nguyên tắc Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được ban hành thì cả người tham gia giao thông và tổ chức, cá nhân tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đều phải phải chấp hành. (ii) Thêm từ “nhằm” để đảm bảo kết cấu cụm từ phức hợp.
(ii) Trong dự thảo ghi: 37. Số biển số là tập hợp các ký tự bao gồm chữ và số được kết cấu theo quy định, cấp cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
* Đề nghị điều chỉnh, bổ sung lại như sau: 37. Số biển số là tập hợp các ký tự bao gồm chữ và số được kết cấu theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền cấp cho phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng phục vụ công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
+ Thêm cụm từ “được cơ quan có thẩm quyền” để đảm bảo tính pháp lý.
(iii) Đề nghị bổ sung thêm các khái niệm: Giấy chứng nhận đăng ký xe cơ giới, xe máy chuyên dùng và Biển số xe cơ giới, xe máy chuyên dùng
* Lý do:
- Khái niệm Biển số xe phải gắn với khái niệm Số biển số (Ví dụ: Biển số xe ô tô là Số biển số được cấp theo tên hoặc mã định danh của người đứng tên đăng ký xe ô tô để gắn lên phương tiện giao thông đường bộ).
- Để thống nhất với quy định tại Khoản 20, Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm: 20. Sản xuất, sử dụng, mua, bán trái phép biển số xe.
- Đảm bảo tính thống nhất với Điều 33. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ: 1. Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 34 Luật này; ...
2. Đề nghị điều chỉnh tên Chương II “QUY TẮC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ” thành “QUY TẮC TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ”. (trang 11).
* Lý do: để đảm bảo tính thống nhất với Điều 1.Phạm vi điều chỉnh: “Luật này quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: Quy tắc Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ, ...”.
3. Đề nghị bổ sung một số khoản của Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
(i) Đề nghị bổ sung Khoản 13:
* Trong dự thảo Luật: 13. Chở hàng vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông, quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở quá số người quy định; chở hàng hóa trên xe có quy định phải chằng buộc nhưng không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định. (trang 10).
Đề nghị bổ sung nội dung cấm: Đưa xe vượt quá trọng tải vào các tuyến đường có quy định giới hạn về tải trọng.
* Viết lại là: 13. Chở hàng vượt quá khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông, quá kích thước giới hạn cho phép của xe; chở quá số người quy định; chở hàng hóa trên xe có quy định phải chằng buộc nhưng không chằng buộc hoặc chằng buộc không đúng quy định. Đưa xe vượt quá trọng tải vào các tuyến đường có quy định giới hạn về tải trọng.
* Lý do: Vấn đề đưa xe vượt quá trọng tải vào các tuyến đường có quy định về giới hạn tải trọng vẫn thường xuyên xảy ra ở vùng nông thôn miền núi; dẫn đến nhiều tuyến đường nhanh chóng xuống cấp và bị hư hại. Điển hình là các tuyến đường tái định cư thủy điện Sơn La.
(ii) Đề nghị bổ sung nội dung Khoản 26:
* Trong dự thảo Luật: 26. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Trang 11).
* Đề nghị bổ sung thêm nội dung: 26. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tự ý hoặc chịu sự can thiệp của người khác để làm sai lệch các vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
* Lý do: Để đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh ngay cả với các tổ chức và cá nhân có thẩm quyền trực tiếp xử lý vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
4. Đề nghị chỉnh sửa điểm c, khoản 1 “Điều 33. Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ ”
* Trong dự thảo Luật: c) Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
* Đề nghị chỉnh sửa lại là:
c) Riêng các phương tiên vận chuyển hàng hóa và vận chuyển hành khách công cộng (Biển vàng) phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
* Lý do: Các phương tiện là xe ô tô con (dưới 10 chỗ) chủ yếu phục vụ đi lại làm việc, không cần phải gắn thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu.
5. Đề nghị bổ sung điều chỉnh Điều 61. Căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát
* Đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định:
1. Chỉ Cảnh sát giao thông mới được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát .
2. Cảnh sát giao thông được chỉ được dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật; b) Những hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà buộc phải dừng phương tiện để kiểm soát trực tiếp mới phát hiện được, ...
* Lý do: đây vừa là vấn đề mang tính thực tiễn trong việc kiểm tra, kiểm soát, vừa đảm bảo tính thống nhất trong quá trình quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
6. Đề nghị trong Dự thảo cần xem xét, bổ sung thêm các Điều, Khoản quy định về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các cơ quan quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
* Lý do:
(i). Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là các quy tắc, nguyên tắc không chỉ người tham gia giao thông phải chấp hành mà ngay cả các tổ chức, cá nhân tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý nhà nước về giao thông đường bộ cũng phải chấp hành.
(ii) Đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật của cả chủ thể quản lý (Các cơ quan Nhà nước) và đối tượng quản lý (người tham gia giao thông đường bộ).
TS. Nguyễn Minh Đức
Chuyên viên cao cấp, Phó Chủ tịch
Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Sơn La