Hội thảo Hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020
HỘI THẢO KHOA HỌC
HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020
Ảnh: Các đại biểu dự Hội thảo (Người ngồi thứ 4, bên trái là Bà Lường Thị Loan -Chủ tịch Liên hiệp hội Sơn La).
Ngày 2 tháng 6 năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La phối hợp với Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ - Bộ Kho học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020”.
Đại diện Công ty Cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung cùng hàng chục công ty, hợp tác xã, nhà máy trong tỉnh, đại diện Sở công thương, Chi cục Thủy sản, Bà Lường Thị Loan - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Sơn La đã tham dự hội thảo.
Ảnh: TS Đào Quang Thủy - Trưởng phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp KH&CN (trái)
và TS Nguyễn Minh Đức – Phó giám đốc Sở KH&CN Sơn La (phải).
Chủ trì Hội thảo TS Nguyễn Minh Đức – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La và TS Đào Quang Thủy - Trưởng phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Minh Đức – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã nêu rõ kết quả ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất của tỉnh Sơn La trong giai đoạn đổi mới từ năm 2006 đến nay đã làm bật dậy những tiềm năng thế mạnh của tỉnh giúp kinh tế xã hội giữ được thế ổn định và có nhiều mặt phát triển.
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp với sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó phải kể đến các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) đã nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tạo dựng được nhiều sản phẩm có thương hiệu trên thị trường trong nước như chè Shan tuyết Mộc Châu, sữa Mộc Châu, rau hoa chất lượng cao Mộc Châu, xoài và chuối Yên Châu, táo mèo Sơn La, nhãn ghép Sông Mã, gạo nếp tan Mường Chanh, mận hậu và hồng giòn Mộc Châu, khoai sọ Cụ Cang Thuận Châu…
Ảnh: Đại diện Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung chia sẻ kết quả hoạt động khoa học.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Sơn La mới có 05 doanh nghiệpđược chứng nhận là Doanh nghiệp KH&CN (Công ty CP Nông nghiệp Chiềng Sung là DN KH&CN đầu tiên của tỉnh Sơn La) trong tổng số 1857 doanh nghiệp (gồm 06 DNNN, 1660 DN ngoài nhà nước, 191 HTX). Trong số này có nhiều DN tự đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên tỉ lệ sản phẩm tự nghiên cứu còn thấp, ít có sản phẩm mang hàm lượng KHCN cao.
Vì vậy, việc hỗ trợ phát triển DN KH&CN là hướng đi đang được chú trọng nhằm khuyến khích các DN mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh.
Tỉnh Sơn La hiện nay có nhiều DN hội tụ đủ yếu tố để trở thành DN KH&CN, nhưng số lượng DN được công nhận là DN KH&CN còn hạn chế. Tuy nhiên, sự quan tâm, mức độ hiểu biết của phần lớn các DN về DN KH&CN, điều kiện để thành lập hay được công nhận là DN KH&CN đang ở mức độ nào? Để phát triển nhanh và bền vững DN KH&CN của tỉnh thì nhà nước cần hỗ trợ như thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước của tỉnh trong việc hỗ trợ thành lập và phát triển DN KH&CN phải thay đổi ra sao?... còn hạn chế. Vì vậy, nhiệm vụ hỗ trợ phát triển DN KH&CN rất quan trọng và cần thiết đối với sự phát triển kinh tế tỉnh Sơn La.
Ảnh: Đại diện HTX rau an toàn Mai Sơn hỏi thủ tục xin hỗ trợvốn mở rộng sản xuất.
Hội thảo đã cung cấp cho các đại biểu tham dự những hiểu biết về Chính sách phát triển DN KH&CN và các Chương trình hỗ trợ DN KH&CN, nắm được tình hình phát triển DN KH&CN và DN KH&CN tiềm năng trên địa bàn tỉnh Sơn La, được giới thiệu Dự thảo Đề án “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020”.
Tại hội thảo, đại diện nhiều DN đã đặt nhiều câu hỏi, chia sẻ những kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN tại DN. Đồng thời cũng được TS Đào Quang Thủy và TS Nguyễn Minh Đức giải đáp những băn khoăn về điều kiện, thủ tục để trở thành DN KH&CN, những chính sách hỗ trợ và việc tiếp cận hỗ trợ DN phát triển thành DN KH&CN của Chính phủ, của tỉnh cũng như tư vấn cụ thể đối với điều kiện thực tế của DN.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Sơn La cần có những bước đi cụ thể để có thể hình thành và phát triển được 20 doanh nghiệp khoa học và công nghệ góp phần cùng cả nước cán mốc 5 nghìn doanh nghiệp khoa học và công nghệ, hình thành 60 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao đã được đề ra trong Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ./.
Tin, ảnh:Tuấn Đạt