No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Giới thiệu Báo cáo Tư vấn, phản biện sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020
Lượt xem: 2326

Được UBND tỉnh nhất trí và giao nhiệm vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Sơn La đã tổ chức tư vấn, phản biện về sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020. Báo cáo tư vấn đã được Liên hiệp Hội gửi UBND tỉnh và Sở KH&CN.


Ngày 22/4/2016, tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Sở KH&CN, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã hoan nghênh và đánh giá tốt kết quả tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội, đồng thời giao Sở KH&CN nghiên cứu tiếp thu để trình UBND tỉnh nội dung sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển Khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020.


Ban biên tập susta.vn trân trọng giới thiệu nội dung Báo cáo tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội.


BÁO CÁO


Tư vấn, phản biện sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển khoa học


và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020



Thực hiện Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; văn bản số 940/UBND-KGVX ngày 06/4/2016 của UBND tỉnh Sơn La về việc tổ chức họp tư vấn về Chiến lược khoa học và công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020.


Liên hiệp Hội Sơn La đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện, thành lập Hội đồng tư vấn, phản biện. Hội đồng tư vấn, phản biện đã nghiên cứu các tài liệu có liên quan, tiến hành họp lần thứ nhất ngày 05/4/2016 xác định các nội dung cần tư vấn, phản biện, tham gia ý kiến, cụ thể:


1. Nghiên cứu, tham gia ý kiến đối với kết quả đánh giá 03 năm thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020 thể hiện trong Báo cáo số 43/BC-KHCN ngày 14/3/2016 của Sở KH&CN Sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020


2. Tư vấn, tham gia ý kiến đối với dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020 (văn bản dự thảo do Sở Khoa học và công nghệ chuẩn bị để trình Ủy ban nhân dân tỉnh).


Sau khi đã chuẩn bị các nội dung phục vụ cho hoạt động tư vấn, phản biện, ngày 14/4/2016 Liên hiệp Hội Sơn La phối hợp với Sở KH&CN tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Sơn La đến năm 2020. Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo của Thường trực Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh; các Ban Đảng của Tỉnh ủy; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; các sở, ban, ngành, tổ chức của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các trường giáo dục đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh; các hội thành viên của Liên hiệp Hội Sơn La. Tại Hội thảo đã có 01 báo cáo đề dẫn, 02 báo cáo chuyên đề của Hội đồng tư vấn, phản biện trình bầy; 06 bài báo cáo tham luận trình bày (của các sở: Y tế, Nông nghiệp và PTNT; các hội: Khoa học Kinh tế, Khoa học Lịch sử; Trường Đại học Tây Bắc; Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND) và nhiều lượt tham gia ý kiến trực tiếp của các đại biểu dự Hội thảo; ngoài ra Hội thảo còn nhận được 11 báo cáo tham luận, tham gia ý kiến của các sở ban, ngành, đơn vị tham gia ý kiến đối với kết quả đánh giá 03 năm thực hiện Chiến lược và sửa đổi, bổ sung Chiến lược.


Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo, ngày 19/4/2016 Hội đồng tư vấn, phản biện đã họp lần thứ 2 để tổng hợp các ý kiến tham gia nhận xét, đề xuất, kiến nghị đối với kết quả đánh giá 03 năm thực hiện Chiến lược (Báo cáo số 43/BC-KHCN ngày 14/3/2016 của Sở KH&CN) và tư vấn, tham gia ý kiến với dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược.


Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả tư vấn, phản biện như sau:







Phần I




THAM GIA Ý KIẾN ĐỐI VỚI


BÁO CÁO SỐ 43/BC-KHCN NGÀY 14/3/2016 CỦA SỞ KH&CN


Thực hiện văn bản số 1632/UBND-VX ngày 23/6/2015 của UBND tỉnh Sơn La về việc triển khai công văn số 3466/-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Sở KH&CN đã xây dựng và ban hành Báo cáo số 43/BC-KHCN ngày 14/3/2016 Sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 (sau đây gọi tắt là Báo cáo số 43). Báo cáo là một trong những cơ sở quan trọng để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Chiến lược đến năm 2020.


Qua nghiên cứu Báo cáo số 43, ý kiến đóng góp tham gia của các đại biểu tại Hội thảo, đồng thời qua khảo sát thực tiễn việc thực hiện Chiến lược tại một số các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh tham gia ý kiến như sau:


I. VỀ KẾT CẤU, BỐ CỤC CỦA BÁO CÁO


Báo cáo kết cấu, bố cục 2 phần, phần thứ nhất đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2012-2015, trong đó đánh giá kết quả thực hiện 8 mục tiêu, 11 nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN các ngành, lĩnh vực mà Chiến lược đã đề ra về ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; phần thứ hai: phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đến năm 2020. Báo cáo đã đánh giá trên cơ sở tổng hợp, phân tích tương đối toàn diện về tình hình hoạt động khoa học và công nghệ của các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp.


Tuy nhiên, còn một số nội dung Báo cáo đánh giá chưa sâu, chưa cụ thể, chưa rõ ràng và số liệu minh chứng chưa đầy đủ, nhất là chưa thống kê, tổng hợp, phân tích đánh giá được một số nội dung quan trọng cần đánh giá theo Văn bản số 3953/BKHCN-VCLCS ngày 20/10/2015 của Bộ KH&CN.



II. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC GIAI ĐOẠN 2012 - 2015


1. Về kết quả thực hiện 8 mục tiêu Chiến lược


Chiến lược đề ra 8 nhóm mục tiêu, trong đó có phân giai đoạn đến năm 2015 và 2020: 1. Về đổi mới và phát triển công nghệ; 2. Về tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng; 3. Về sở hữu trí tuệ;. 4. Về ứng dụng công nghệ thông tin; 5. Về nông nghiệp và phát triển nông thôn; 6. Phát triển tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý KHCN; 7. Đầu tư phát triển KH&CN; 8. Về an toàn bức xạ hạt nhân. Trong từng mục tiêu có một số chỉ tiêu cụ thể (sau đây gọi là chỉ tiêu).


Báo cáo số 43 đánh giá có 03 mục tiêu đạt yêu cầu: 3. Về sở hữu chí tuệ; 4. Về ứng dụng công nghệ thông tin và 8. Về an toàn bức xạ hạt nhân. Còn 05 mục tiêu khác, mới đánh giá riêng lẻ từng chỉ tiêu (một số chỉ tiêu đạt, một số khác chưa đạt), chưa có đánh giá chung, đầy đủ đối với cả mục tiêu.


Một số mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể quan trọng chưa được đánh giá:


- Về đổi mới và phát triển công nghệ: phấn đấu số doanh thực hiện nghiệp đổi mới công nghệ tăng trung bình 7-10%/năm; số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 2-5% đến năm 2015.


- Về tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng sản phẩm hàng hóa: đến năm 2020 có 80% các sản phẩm, hàng hoá trọng điểm của tỉnh công bố áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tiêu chuẩn khu vực.


- Về sở hữu trí tuệ: đến năm 2015 có 70% các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và quản lý, phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.


- Phát triển tiềm lực và đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ: đến 2015: Số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 5 - 7 người trên một vạn dân.


- Đầu tư phát triển KH&CN: phấn đấu đưa mức đầu tư toàn xã hội đạt 0,7% GDP vào năm 2015.


Chưa khái quát được mục tiêu nào thực hiện tiến bộ hơn giai đoạn trước, mục tiêu nào chưa có chuyển biến hoặc ít chuyển biến; chưa so sánh với mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ví dụ, mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin được đánh giá là đạt yêu cầu, nhưng khi so với cả nước thì Sơn La lại thuộc tốp cuối cùng trong 63 tỉnh, thành phố về chỉ số sẵn sàng cho chính phủ điện tử.


Chưa thống kê đánh giá số lượng bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, giải thưởng khoa học công nghệ, Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến cấp tỉnh, bằng lao động sáng tạo (Chiến lược không đặt ra, nhưng đây là chỉ tiêu quan trọng, thuộc danh mục thống kê của nhà nước và danh mục hướng dẫn của Bộ KH&CN về sơ kết thực hiện Chiến lược).


Theo nhận xét của Liên hiệp Hội Sơn La, giai đoạn đến năm 2015 có 02 mục tiêu đạt yêu cầu (4. Về ứng dụng công nghệ thông tin và 8. Về an toàn bức xạ hạt nhân), chiếm tỷ lệ 25%; còn 06 mục tiêu chưa đạt yêu cầu, chiếm tỷ lệ 75%.


(phụ lục Phân tích, đánh giá thực hiện mục tiêu Chiến lược giai đoạn 2012-2015 kèm theo).


2. Về kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN các ngành, lĩnh vực


Báo cáo số 43 đã đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trên 11 lĩnh vực mà Chiến lược đề ra. Trong đó, có một số lĩnh vực đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Khoa học xã hội và nhân văn đã tập trung nghiên cứu, tạo luận cứ khoa học cho Tỉnh ủy, HĐND, UDND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương; phục vụ hoạch định đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Một số nghiên cứu trong lĩnh vực đã tập trung vào xây dựng và phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn và phát huy nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Hoạt động nghiên cứu, ứng dựng, chuyển giao KH&CN trong sản xuất nông lâm nghiệp đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất hàng năm. Hợp tác nghiên cứu KH&CN được quan tâm đẩy mạnh, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong và ngoài tỉnh giải quyết một số vấn đề phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Một số mô hình, qui trình công nghệ trong sản xuất đã có hiệu quả. Ngành công nghiệp đã có bước tiến mới, tập trung phát triển công nghiệp chế biến, hạn chế dần việc sản xuất các nguyên liệu thô. Ngành Y tế đã áp dụng được công nghệ tiên tiến trong phẫu thuật nội soi ổ bụng, đường tiết niệu tại bệnh viện đa khoa tỉnh.


Các ngành, lĩnh vực khác có những kết quả tiến bộ trong hoạt động KH&CN. Luôn quan tâm tới ứng dụng và áp dụng KH&CN trong các hoạt động của ngành (đặc biệt là công nghệ thông tin) góp phần hoàn thành tốt nhiện vụ được giao.


Tuy nhiên, Nội dung đánh giá còn dàn trải, diễn giải nhiều, nhưng chưa thống kê được số liệu, phân tích, tổng hợp đánh giá được kết quả, hiệu quả ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các đề tài, đề án khoa học, công nghệ vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; mới chỉ nêu “tên” của sản phẩn được ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, chưa thống kê (ước tính) được diện tích, sản lượng cung cấp ra thị trường để thấy được hiệu quả kinh tế - xã hội của việc ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ vào thực tiễn, do đó tính thuyết phục chưa cao.


Trong đánh giá còn lẫn lộn với nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên của ngành, lẫn lộn giữa vai trò của doanh nghiệp, của thị trường với vai trò của đề tài, dự án KHCN cấp tỉnh; còn có những nội dung chưa được phân tích về kết quả đạt được như trong Chiến lược đã đề ra.


Báo cáo chủ yếu đánh giá về kết quả thực hiện đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh. Chưa đánh giá kết quả thẩm định cơ sở khoa học của các chương trình phát triển kinh tế xã hội; thẩm định và giám định công nghệ các dự án đầu tư; tình hình chuyển giao công nghệ bằng con đường thương mại, thông qua dự án đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp.


Trong thời gian khoảng 5 năm trở lại đây hoạt động sáng tạo kỹ thuật, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân phát triển mạnh mẽ, góp phần đáng kể để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, phục vụ đời sống (như máy xới cỏ, vun gốc; bếp khí GAS sinh học; máy cày bừa mini; máy tời nông sản...) chưa được Báo cáo đề cập đến.


Nhiệm vụ trọng tâm trong khoa học tự nhiên chưa được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2012-2015.


3. Về đánh giá chung kết quả thực hiện Chiến lược


Qua hơn 03 năm thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN cơ bản được các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm triển khai. Các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN những năm qua đã triển khai khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc tập trung nghiên cứu, triển khai KH&CN vào lĩnh vực nông lâm nghiệp thế mạnh của tỉnh là bước đi đúng phù hợp với nền kinh tế trong gian đoạn hiện nay. Các nghiên cứu KH&CN đã góp phần tạo luận cứ khoa học cho Tỉnh ủy, HĐND, UDND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương; phục vụ hoạch định đường lối, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đã quan tâm khai thác lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực; tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đồng thời quan tâm lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.


Đã hình thành được một số mô hình liên kết giữa khoa học - giáo dục và đào tạo; giữa khoa học - doanh nghiệp - nông dân; hình thành các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN tạo tiền đề cho phát triển ứng dụng tiến bộ KH&CN tiên tiến, hiện đại vào sản xuất và đời sống. Tạo được những sản phẩm có ý nghĩa quốc gia như: chè Shan tuyết Mộc Châu; mật ong; rượu vang Sơn Tra; cà phê; rau, hoa, quả chất lượng cao. Chè Shan tuyết, cà phê đã xuất khẩu sang Nhật Bản, các nước Eu và Trung đông.


Một số mô hình trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã có hiệu quả, như: sản xuất thử nghiệm thành công và nhân rộng các giống cây ăn quả, rau, hoa ôn đới chất lượng cao (Hồng giòn MC1, Đào chín sớm, thanh long ruột đỏ, hoa lan bản địa quí hiếm, rau trái vụ…; nuôi cá tầm đen trên lòng hồ sông Đà, nuôi cá Hồi ở Bắc Yên, sản xuất thành công giống cá Lăng chấm.


Tuy nhiên, Trong Báo cáo chưa thống kê, đánh giá được những thông số mà Bộ KH&CN yêu cầu thống kê đánh giá (Văn bản số 3953/BKHCN-VCLCS ngày 20/10/2015 của Bộ KH&CN), đó là: số đề tài, dự án KH&CN, cơ cấu theo lĩnh vực, số kinh phí đầu tư, bình quân một đề tài, dự án, so với giai đoạn trước. Tỷ lệ kết quả số đề tài, dự án được ứng dụng, được chuyển giao, được thương mại hóa. Số công nghệ tiên tiến, công nghệ cao được ứng dụng trong nông nghiệp và các ngành. Kết quả nổi bật (số công nghệ mới do kết quả nghiên cứu, phát triển của địa phương được chuyển giao đưa vào sản xuất), tạo hiệu quả rõ rệt. Những sản phẩm nổi bật của địa phương (nhất là sản phẩm có ý nghĩa quốc gia) có được từ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN; giải pháp thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ KH&CN….).


Việc tổ chức thực hiện chiến lược còn chậm; có 6/8 mục tiêu Chiến lược đề ra đến giai đoạn năm 2015 nhưng chưa đạt; số đề tài được ứng dụng không nhiều trong thực tiễn; hiệu quả ứng dụng trong thực tế của các ngành, địa phương so với phạm vi Chiến lược đề ra chưa đảm bảo; chỉ đạo thực hiện mới đang quan tâm đến khu vực đề án, đề tài do ngân sách nhà nước cấp, chưa huy động xã hội hóa hoạt động KH&CN.


Qua đánh giá, còn 14/19 đề án, đề tài trong danh mục ưu tiên thực hiện chưa được triển khai thực hiện nhưng chưa xác định được nguyên nhân, do chủ quan hay khách quan để có hướng tiếp tục đặt hàng, tuyển chọn những lĩnh vực nghiên cứu khả thi và có thể áp dụng được trong thực tiễn.


Các đề án, đề tài chưa cân đối trên các ngành, lĩnh vực. Trong danh mục các chương trình, đề án, dự án ưu tiên thực hiện có đến 9/19 đề án do Sở KH&CN chủ trì; nhóm đề tài liên quan đến lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp còn ít mà đây là những lĩnh vực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Chưa thống kê, chưa có số liệu cụ thể đánh giá kết quả, hiệu quả của việc ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng đưa vào thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của các tiến bộ khoa học - công nghệ nói chung và của các đề án, đề tài khoa học và công nghệ đã được phê duyệt nói riêng.


III. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC KH&CN GIAI ĐOẠN 2016-2020


Báo cáo đã đưa ra 5 nội dung về phương hướng, 06 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 07 nhóm giải pháp để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020. Có một số nhiệm vụ đề ra phải có sự quan tâm chỉ đạo rất sát sao của UBND tỉnh mới có thể đạt được, ví dụ như nhiệm vụ thứ 4: Tăng cường đầu tư KH&CN, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đặc biệt doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thực tế đến năm 2015 ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN mới đạt 0,33% so với 2% theo chỉ tiêu.


Phần II


TƯ VẤN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHIẾN LƯỢC


PHÁT TRIỂN KH&CN TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020


A. NHẬN XÉT CHUNG ĐỐI VỚI DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ NỘI DUNG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020 (sau đây gọi tắt là dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược)


Nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược đã đề cập sửa đổi, bổ sung 03 mục tại Điều 1: I. Quan điểm phát triển khoa học và công nghệ; II. Mục tiêu phát triển khoa học và công nghệ (gồm mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể); III. Định hướng nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ. Sửa đổi, bổ sung phụ lục Danh mục các chương trình, đề án, dự án khoa học và công nghệ ưu tiên thực hiện giai đoạn đến năm 2020. Không sửa đổi, bổ sung mục IV. Các giải pháp thực hiện Chiến lược và Điều 2. Tổ chức thực hiện.


Nội dung sửa đổi, bổ sung khá nhiều, dung lượng 08 trang kèm theo 02 trang phụ lục. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược chưa cập nhật đầy đủ các văn bản mới, quan trọng của Trung ương và của tỉnh liên quan đến phát triển khoa học và công nghệ. Chủ yếu là mới sửa đổi, bổ sung tiểu tiết; chưa sửa đổi, bổ sung tổng thể và những nội dung quan trọng.


B. TƯ VẤN, THAM GIA Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHIẾN LƯỢC


I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


1. Cơ bản nhất trí với 04 quan điểm của dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược; đề nghị bổ sung 02 quan điểm mới và biên tập lại để đảm bảo đầy đủ các thành tố theo quan điểm đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, các chương trình, chiến lược của quốc gia, của tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và thể hiện rõ quan điểm về “đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ” trong thực tiễn; cần “địa phương hóa” hơn nữa trong quan điểm, nhất là hướng đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, thực sự là động lực thúc đẩy “tạo sự đột phá trong kinh tế nông lâm nghiệp”(Trích Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh), bưởi vì đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.


2. Đề xuất bổ sung và biên tập lại như sau:


“I. Quan điểm phát triển KH&CN:



1. Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; là nền tảng, động lực để đổi mới tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (như dự thảo).


2. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về chính sách, cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ, lấy doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới công nghệ và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường công nghệ (bổ sung và biên tập lại).


3. Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững. Gắn khoa học và công nghệ với giáo dục và đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài, xây dựng đội ngũ trí thức ngang tầm, hình thành thế hệ trẻ có năng lực sáng tạo (bổ sung).


4. Phát triển khoa học và công nghệ có trọng tâm, trọng điểm, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, ưu tiên những ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế động lực, mang tính đột phá, có sức tác động và lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế khác; ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng, có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội (như dự thảo, biên tập lại).


5. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ có hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tập trung triển khai ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, xây dựng nông thôn mới, thực sự là động lực thúc đẩy tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.(bổ sung).


6. Chủ động hội nhập quốc tế để cập nhật tri thức khoa học và công nghệ của thế giới; thu hút nguồn lực và chuyên gia khoa học và công nghệ có trình độ và chất lượng cao vào giải quyết các vấn đề KH&CN của tỉnh; đẩy mạnh quan hệ liên kết với bên ngoài trên cơ sở phát huy năng lực nội sinh và nâng cao hiệu quả sử dụng tiềm lực KH&CN của tỉnh (như dự thảo).”


Căn cứ đề nghị bổ sung các quan điểm mới: các quan điểm trên (điểm 2, 3, 4, 5) được thể hiện trong các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01.11.2012 Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về khoa học và công nghệ; Báo cáo chính trị Đại hội XII của Đảng, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh Sơn La, việc bổ sung các quan điểm trên là cần thiết, nhiều tỉnh cũng vận dụng tương tự.


II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


1. Mục tiêu tổng quát: Cơ bản nhất trí với dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược


2. Mục tiêu cụ thể:


2.1 Cơ bản nhất trí với nội dung chủ yếu của các mục tiêu; tuy nhiên cần biên tập lại phần nội dung cho ngắn gọn, tránh việc diễn giải dài và còn lẫn lộn, đan xen cả nhiệm vụ và giải pháp. Thu gọn dung lượng phần mục tiêu cụ thể từ 3,5 trang còn khoảng 1,5-2 trang.


2.2. Sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung thêm 02 mục tiêu mới và biên tập, sắp xếp lại phần mục tiêu; gồm 9 mục tiêu cơ bản:


2.2.1. Phấn đấu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15% năm; số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 6 - 8% (như dự thảo).


2.2.2. Đến năm 2020 phát triển được 10 -15 doanh nghiệp Khoa học Công nghệ, ít nhất 20 tổ chức Khoa học Công nghệ; hình thành 02 tổ chức chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn; 01 tổ chức tư vấn và 100 chuyên gia về năng suất, chất lượng (điều chỉnh, biên tập lại).


2.2.3. Đến năm 2020 80% các sản phẩm, hàng hoá trọng điểm của tỉnh công bố áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn khu vực. Kiểm soát quy chuẩn 100% sản phẩm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (biên tập lại).


2.2.4. Đến năm 2020 40% sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh được đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp. Có ít nhất 02 sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, 02 sản phẩm chủ lực (biên tập lại).


2.2.5. Thành lập và hoạt động có hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN cấp tỉnh và cấp doanh nghiệp (biên tập lại).


2.2.6. Đến năm 2020 số cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đạt 8-10 người/01 vạn dân; số nhân lực KH & CN có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 4 % so với tổng số lao động (như dự thảo).


2.2.7. Kết quả đề tài, dự án nghiên cứu bằng ngân sách nhà nước được ứng dụng, được thương mại hóa, được công bố trong nước chiếm ít nhất là 50%. Phấn đấu có công bố ở nước ngoài, có sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ. Đạt 5-7 bằng lao động sáng tạo/năm. Phấn đấu đạt giải thưởng Khoa học - Công nghệ Việt Nam, Giải thưởng sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (bổ sung).


2.2.8. Đầu tư ngân sách cho KH&CN đạt 2% tổng chi ngân sách tỉnh. Đầu tư xã hội cho KH&CN đạt 0,8% GDP của tỉnh (biên tập lại).


2.2.9. Thông qua yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), KH&CN đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khoảng 20% (biên tập lại).


III. ĐỊNH HƯỚNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


1. Cơ bản nhất trí với dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược về định hướng nhiệm vụ trọng tâm.


2. Đề nghị bổ sung thêm một số nhiệm vụ và sắp xếp biên tập lại thứ tự danh mục các nhiệm vụ trọng tâm.


Đề nghị bổ sung thêm 04 nhiệm vụ (các tiết: 2.1, 2.6, 2.7, 2.8).


Căn cứ: Đây là các nhiệm vụ quan trọng được xác định trong Nghị quyết số 20/NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05.6.2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016-2020; tình hình thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh.


Đề nghị bổ sung và sắp xếp lại danh mục nhiệm vụ trọng tâm như sau:


2.1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động khoa học và công nghệ (bổ sung).


2.2. Nhiệm vụ trọng tâm trong khoa học xã hội và nhân văn


2.3. Nhiệm vụ trọng tâm trong khoa học tự nhiên



2.4. Nhiệm vụ trọng tâm 05 lĩnh vực công nghệ chủ yếu: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch; Công nghệ cơ khí, tự động hóa; Công nghệ năng lượng và vật liệu mới.


2.5. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ 10 ngành, lĩnh vực: Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Công nghiệp; Thương mại và dịch vụ; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; Giáo dục đào tạo; Tài nguyên và môi trường; Giao thông vận tải; Văn hoá, thể thao và du lịch.



2.6. Nhiệm vụ phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ (bổ sung).


2.7. Thẩm định cơ sở khoa học, công nghệ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư (bổ sung).


2.8. Xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong hoạt động khoa học và và tư vấn, phản biện và giám định xã hội (bổ sung).


IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC


1. Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung chiến lược không đề cập sửa đổi, bổ sung mục này. Tuy nhiên nhiều ý kiến tham gia tại Hội thảo thấy cần phải sửa đổi, bổ sung, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung với lý do như sau:


1.1. Giải pháp hiện vẫn mang tính chất định hướng chung, lẫn lộn, trùng lặp nhiều với mục tiêu, nhiệm vụ, dẫn đến dung lượng biên soạn Chiến lược kéo dài, bị rối.


1.2. Một số cơ chế, chính sách thực tế đã thực hiện theo Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, Chính phủ và tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; nếu vẫn để nguyên phần giải pháp mang tính chất định hướng chung thì chưa cập nhật được những giải pháp cơ bản để phát triển khoa học và công nghệ được quy định trong các văn bản mới của Nhà nước.


2. Tư vấn đề xuất


Cần tập trung vào một số nhóm giải pháp thiết thực sau:


2.1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của chính quyền các cấp, trước hết là cấp tỉnh.


2.2. Tổ chức thực hiện đúng, có hiệu quả các quy định mới của Nhà nước, của tỉnh về cơ chế, chính sách đổi mới quản lý KH&CN. Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung và ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp.


2.3. Bám sát quan điểm của Chiến lược chỉ đạo xây dựng, phê duyệt tổ chức thực hiện các chương trình, dự án, đề án KH&CN trong danh mục ưu tiên.



V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Trong dự thảo không đề nghị sửa đổi, bổ sung mục này. Tuy nhiên nhiều ý kiến tham gia tại Hội thảo thấy cần phải sửa đổi, bổ sung. Lý do: nếu để như cũ thì có nhiều vướng mắc khi tổ chức thực hiện, đặc biệt là ở các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Do ngân sách địa phương chi cho KH&CN còn ít, chủ yếu là tập trung cho nghiên cứu các đề tài, dự án nhiệm vụ KH&CN đặt hàng.


Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La tư vấn đề xuất bổ sung, giao rõ nhiệm vụ, trách nhiệm một số việc:


1. Các ngành, đơn vị được giao chủ trì xây dựng và trình chương trình, dự án, đề án phải được đăng ký ghi vào chương trình làm việc của Hội đồng nhân dân tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh.


2. Những chương trình, đề án đã được phê duyệt. Các ngành, đơn vị chủ trì trình các dự án cụ thể để đưa vào kế hoạch trung hạn và hàng năm, bố trí kinh phí bằng các nguồn vốn theo quy định.


3. Những chương trình, đề tài, dự án, đề án mới được xem là nhiệm vụ KH&CN, Uỷ ban nhân dân tỉnh đặt hàng (hoặc chỉ định đặt hàng) để các ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân nghiên cứu xây dựng và trình thẩm định, xét duyệt được bố trí kinh phí sự nghiệp Khoa học hàng năm để thực hiện.


VI. PHỤ LỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ ƯU TIÊN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020


1. Cơ bản nhất trí với phụ lục kèm theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược.


2. Tuy nhiên, qua nghiên cứu phụ lục và tổng hợp ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Liên hiệp hội đề nghị cần quan tâm một số vấn đề như sau:


- Khi xây dựng phụ lục (danh mục các chương trình phát triển khoa học và công nghệ ưu tiên thực hiện giai đoạn 2016-2020) cần rà soát, kế thừa, lựa chọn, bổ sung, hợp nhất từ các chương trình, kế hoạch, quyết định đã ban hành để thực hiện trong giai đoạn từ 2016-2020; từ đó chọn được chương trình “ưu tiên”.


- Danh mục trong dự thảo phụ lục chưa cân đối giữa các lĩnh vực, có 19 (21-2 dự án trùng lặp) chương trình, đề án, dự án nhưng không có chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa (chỉ có 01 chương trình về du lịch); bởi vì các các chương trình, đề án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (đây là một trong ba khâu đột phá Đảng ta đã xác định trong thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ, trong đó có nhiệm vụ: “Phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc”. Hiện nay, trong tình hình thực tế của tỉnh ta, công tác phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là hết sức cấp thiết.


- Cần bố trí cân đối các chương trình, đề tài, dự án các ngành, lĩnh vực nghiên cứu; cần nghiên cứu, bổ sung danh mục thuộc lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo.


- Xác định đúng tính chất của từng nhóm dự án tăng cường tiềm lực và nhóm dự án KH&CN khác. Phân định giữa chương trình, dự án KH&CN theo ngành, theo lĩnh vực với các đề tài, dự án cụ thể (nhiệm vụ KH&CN đặt hàng hàng năm).


- Xác định các chương trình, đề án, dự án chung, không xác định các nhiệm vụ KH&CN cụ thể hàng năm. Các nhiệm vụ KH&CN hàng năm được đề xuất, đề xuất đặt hàng và tuyển chọn, phê duyệt theo quy định.


- Tập trung ưu tiên cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ; các dự án có sự tham gia của các doanh nghiệp với vai trò là hạt nhân trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa.


3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung và biên tập danh mục chương trình phát triển khoa học và công nghệ ưu tiên thực hiện giai đoạn từ 2016 đến năm 2020.


3.1. Đề nghị rà soát, điều chỉnh, bổ sung, phân nhóm bảo đảm đúng tính chất của từng chương trình, loại bỏ chương trình, đề án trùng lặp:


Nhóm các Chương trình công nghệ thông tin loại bỏ 02 dự án trùng lặp: dự án số 15 trùng lặp dự án số 5; dự án số 17 trùng lặp dự án số 2.


3.2. Đề xuất bổ sung:


- Bổ sung vào nhóm Chương trình công nghệ thông tin: Đề án xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến của tỉnh (chủ trì: Sở Công thương).


- Bổ sung vào nhóm các Chương trình xây dựng cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ:


+ Chính sách khuyến khích phong trào sáng kiến của quần chúng (chủ trì Liên đoàn lao động tỉnh).


+ Đề án thành lập giải thưởng khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La (chủ trì: Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh).


- Cần nghiên cứu, bổ sung danh mục thuộc lĩnh vực Y tế, Giáo dục và Đào tạo.


VII. PHÊ DUYỆT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CHIẾN LƯỢC


Qua nghiên cứu Quyết định số 1680/QĐ-UBND ngày 09.8.2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược cũ); Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020 (gọi tắt là dự thảo sửa đổi, bổ sung Chiến lược) và tổng hợp ý kiến tại Hội thảo, Liên hiệp hội đề xuất các phương án ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Chiến lược như sau:


1. Phương án 1: Ban hành Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chiến lược (như bản dự thảo Sở Khoa học và công nghệ đã xây dựng).


Phương pháp này thuận lợi cho cơ quan soạn thảo nhưng không thuận lợi cho việc tra cứu, theo dõi và tổ chức thực hiện; mặt khác nội dung sửa đổi, bổ sung theo dự thảo còn dài 8 trang và 02 trang phụ lục (trong đó chỉ sửa đổi, bổ sung phần quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, không đề cập sửa đổi phần giải pháp và tổ chức thực hiện); khi tra cứu, thực hiện phải theo dõi cả 02 bản (Chiến lược cũ và bản sửa đổi, bổ sung Chiến lược), dung lượng tới 24 trang chính thức và 02 trang phụ lục.


2. Phương án 2: Ban hành văn bản mới, hợp nhất thay thế Quyết định 1680/QĐ-UBND thì dung lượng chỉ khoảng 17 trang chính thức và 02 trang phụ lục thuận lợi cho việc tra cứu, theo dõi và thực hiện.



Phần III


ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ


Qua kết quả tư vấn, tham gia ý kiến đối với Báo cáo số 43/BC-KHCN của Sở KH&CN; sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh sơn la đến năm 2020, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La xin đề xuất, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh:


1. Nên tổ chức sơ kết rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục trong giai đoạn 2016-2020. Cụ thể là: cần có sự chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên của tỉnh về công tác KH&CN; việc phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, lĩnh vực trong thực hiện Chiến lược; cẩn trọng, khách quan, minh bạch trong xác định nhiệm vụ KH&CN đặt hàng của tỉnh; huy động các nguồn lực cho phát triển KH&CN.


2. Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo khảo sát, đánh giá bổ sung các số liệu, chỉ tiêu của Chiến lược đã thực hiện, kết quả đạt được trong giai đoạn 2012-2015 (theo hướng dẫn của Bộ KH&CN) đảm bảo sự chính xác, khách quan để có cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi, bổ sung (hoặc có thể ban hành mới thay thế) Chiến lược. Kết quả khảo sát, đánh giá bổ sung thông qua phiên họp của Ủy ban nhân dân tỉnh.


3. Có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước trong đầu tư, đổi mới công nghệ đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp công ty cổ phần có vốn của Nhà nước. Nếu không kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn tới nhập phải các công nghệ dưới mức trung bình, lạc hậu, gây lãng phí và các hệ lụy (như năng suất, chất lượng sản phẩm; môi trường...).


4. Quan tâm và tạo môi trường, cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm khuyến khích, phát huy sức sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và quần chúng nhân dân.


5. Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược của tỉnh cần phân công rõ trách nhiệm từng thành viên theo dõi, đôn đốc từng mục tiêu (hoặc sở, ngành, huyện, thành phố), thống kê báo cáo hằng năm theo quy định; các huyện nên phân công cán bộ chuyên trách về KH&CN.


6. Tổ chức lấy ý kiến tham gia rộng rãi (đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, các nhà khoa học của tỉnh) để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chiến lược đến năm 2020 phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi cao. Nên để các ngành, lĩnh vực tham gia tự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực mình, sau đó tổng hợp chung ở cấp tỉnh.


Trên đây là Báo cáo tư vấn, tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Sơn La đến năm 2020.



Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La trân trọng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

Thông tin doanh nghiệp
  • Đại hội Đại biểu Hội Cựu giáo chức tỉnh Sơn La lần thứ 3, nhiệm kỳ 2024-2029 ​
  • Xã Mường Bằng trong kháng chiến chống Thực dân Pháp
  • Mộc Châu - Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
  • Tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • 70 người tham gia lớp tập huấn truyền thông sáng tạo
  • Khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học ​
  • Quy định 189-QĐ/TW: Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công
  • Hội thảo khoa học Đề xuất giải pháp hoàn thiện công tác kiểm tra của Liên hiệp Hội Việt Nam trong tình hình mới
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La tổ chức chung kết cuộc thi “Phụ nữ Sơn La khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Nhà giáo và Luật Công nghiệp Công nghệ số
  • Hội nghị tham gia ý kiến vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)
  • Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
  • 36 giải pháp tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 34
    • Hôm nay: 2389
    • Trong tuần: 40 104
    • Tất cả: 14629406
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này