No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ
Lượt xem: 1946
Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ


Nhân Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ Tịch Hồ Chí Minh




TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ


TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch

Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Sơn La


Ngày 3.2.2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đây là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, được tiến hành trong một thời gian dài, với nhiều nội dung và là một trong những giải pháp cơ bản xây dựng nền tảng đạo đức trong Đảng và trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa; nhưng Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá. Người là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN cũng như trong tiến trình thực hiện công cuộc đổi mới với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, trong những năm qua, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã thực hiện việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh gắn với những chủ đề, nội dung cụ thể, thiết thực.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, tr.183).

Nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ” với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong tình hình mới.

I. Một số khái niệm cơ bản

1. Khái niệm về tư tưởng và tư tưởng chính trị

* Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, quyển I định nghĩa:

- Tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là biểu hiện quan hệ của con người với thế giới chung quanh.

- Chính trị là toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề duy trì, sử dụng quyền lực Nhà nước. Sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của Nhà nước”.

* Trong Triết học Mác - Lênin (chủ nghĩa duy vật lịch sử) đã đưa ra các khái niệm:

- Chính trị là một hiện tượng quyền lực xã hội mang tính chất của quyền lực Nhà nước.

- Tư tưởng chính trị là những tư tưởng về các hiện tượng xã hội khác biệt từ nhiều hình thái kinh tế - xã hội, lợi ích và tồn tại.

2. Một số khái niệm về khoa học, kỹ thuật, công nghệ vàtư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ

a) Khái niệm về khoa học, kỹ thuật và công nghệ

* Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, quyển I định nghĩa:

- Kỹ thuật (tiếng Anh: engineering), là việc ứng dụng kiến thức khoa học để mang lại giá trị thực tiễn. Ngành kỹ thuật vô cùng rộng, nó bao gồm một loạt các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù, mỗi lĩnh vực nhấn mạnh đến những lĩnh vực công nghệ và những kiểu ứng dụng riêng. Những người hành nghề kỹ thuật được gọi là kỹ sư(tiếng Anh: engineer).

Kỹ thuật thông thường được hiểu là toàn bộ các thiết bị, phương tiện, máy móc và công cụ vật chất nằm trong tư liệu sản xuất để quản lý, khai thác, bảo quản và chế tạo các sản phẩm dùng cho sản xuất và thỏa mãn các nhu cầu của đời sống xã hội.

- Khoa học kỹ thuật là các ngành khoa học liên quan tới việc phát triển kỹ thuậtthiết kế các sản phẩm trong đó có ứng dụng các kiến thức khoa học tự nhiên.

* Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013 đưa ra các khái niệm:

- Khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy.

- Công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Công nghệ, theo nghĩa truyền thống được hiểu là tập hợp các phương pháp, quy trình, kỹ năng, kỹ thuật, công cụ, phương tiện dùng để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm. Công nghệ bao gồm nhiều khâu như: điều tra, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất thử; thông tin, tư vấn, đào tạo; tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm cuối cùng (khai thác, chế tạo, vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, kiểm tra, ...).

* Phân biệt khái niệm về Công nghệ và Kỹ thuật:

Có thể nói công nghệ (technology) xuất hiện đồng thời với sự hình thành xã hội loài người. Từ “Công nghệ” xuất phát từ chữ Hy Lạp (Tekhne) có nghĩa là một công nghệ hay một kỹ năng và (logos) có nghĩa là một khoa học, hay sự nghiên cứu. Như vậy thuật ngữ technology (Tiếng Anh) có nghĩa là khoa học về kỹ thuật hay sự nghiên cứu có hệ thống về kỹ thuật - thường được gọi là công nghệ học. Công nghệ gồm bốn thành phần THIO: thành phần kỹ thuật T (Technoware), thành phần con người H (Humanware), thành phần thông tin I (Inforware) và thành phần tổ chức quản lý O (Orgaware). Bốn thành này có tác động qua lại với nhau và cùng thực hiện bất kỳ quá trình sản xuất và dịch vụ nào. Như vậy Kỹ thuật được hiểu như là một bộ phận hợp thành của công nghệ.

b) Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ:

* Khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh:

Trong Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2009) đưa ra các khái niệm: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại”.

* Khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ:

Vận dụng các quan điểm của Đảng về Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta có thể đưa ra khái niệm: Tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ là một hệ thống các quan điểm cơ bản và toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về về khoa học và công nghệ ; bao gồm: vị trí, vai trò, nội dung của khoa học và kỹ thuật; những nguyên tắc xây dựng và phát triển khoa học và kỹ thuật trước những yêu cầu mới; yêu cầu rèn luyện đạo đức với mỗi người cán bộ khoa học và kỹ thuật.

II. Một số nội dung tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói và viết về khoa học công nghệ không nhiều, trong các tác phẩm của Bác, Khoa học và Công nghệ (KH&CN) không được trình bầy như một vấn đề lý luận; nhưng tư tưởng của Người, triết lý của Người đối với đối với khoa học và công nghệ mà trực tiếp là khoa học và kỹ thuật được trình bày bằng những lời nói, bài viết giản dị, ngắn gọn, hàm súc. Có thể điểm qua một số nội dung tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Khoa học và công nghệ như sau:

1. Khoa học công nghệ là một động lực lịch sử, một lực lượng của cách mạngViệt Nam

Trong giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ trọng trách Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước cho đến khi Bác mất (1945 - 1969) lại chính là giai đoạn khó khăn, thử thách có tính sống còn của đất nước, của dân tộc, của chế độ. Bác và Đảng phải tập trung trí tuệ để giải quyết nhiều vấn đề lớn và cấp bách của cách mạng (như xây dựng nhà nước non trẻ, xây dựng quân đội, kháng chiến chống thực dân Pháp, xoá giặc đói, diệt giặc dốt, cải cách ruộng đất, cải cách dân chủ, đàm phán và thực hiện hiệp định Giơnevơ về phân chia tạm thời 2 miền đất nước, xây dựng quan hệ sản xuất mới CNXH, chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ để bảo vệ miền Bắc và xây dựng Mặt trận giải phóng dân tộc ở miền Nam, đấu tranh thống nhất nước Nhà, ...). Mặc dù vậy, lĩnh vực khoa học và công nghệ (lúc đó gọi là khoa học và kỹ thuật) vẫn sớm được Đảng, Nhà nước và Bác Hồ quan tâm. Bác sớm nhìn nhận khoa học công nghệ ở tầm là một động lực lịch sử, một lực lượng cách mạng. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Bác và Đảng ta chưa có điều kiện bàn định sâu, cụ thể và toàn diện về về khoa học và công nghệ. Nhưng thông qua thực tiễn gắn với từng lĩnh vực cụ thể, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong giai đoạn này đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo vũ khí phục vụ cho công tác quốc phòng. Năm 1958, Bác đã gửi thông điệp cho toàn Đảng, toàn dân:“ Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1995, tr.156).

Năm 1959, Bác đã ký sắc lệnh thành lập Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước. Đến năm 1960, Đảng ta tổ chức Đại hội lần thứ III, Bác tái giữ chức chủ tịch Đảng. Đây là Đại hội đầu tiên bàn định chủ trương xây dựng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà. Ngay từ lúc đó, trong Văn kiện Nghị quyết đại hội Đảng đã bước đầu chính thức đặt vấn đề tiến hành cách mạng XHCN về tư tưởng, văn hoá và khoa học kỹ thuật, đồng thời có sự định hướng phát triển khoa học kỹ thuật. Nước ta (lúc đó là Miền Bắc) đi lên xã hội chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu, năng xuất lao động thấp kém. Người cho rằng Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng thành công trên nền tảng của cơ sở vật chất hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến. Xây dựng quan hệ sản xuất mới, cải tiến quản lý phải đi đôi với cải tiến kỷ thuật, xây dựng nền tảng cơ sở vật chất kỷ thuật mới bảo đảm tháng lợi toàn diện, bền vững. Ngay từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (bắt đầu từ năm 1960), Bác và Đảng ta đã đặt vấn đề tiến hành cách mạng khoa học kỹ thuật, từng bước tiến hành công nghiệp hóa đất nước.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam (18/5/1963), Bác Hồ đã phân tích: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều.Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều,…”. Trong bài phát biểu, Bác cũng đã giao nhiệm vụ cho các nhà khoa học, cán bộ quản lý khoa học kỹ thuật Việt Nam là phải quan tâm phát triển khoa học kỹ thuậtvì nó ảnh hưởng rất lớn tới sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Người nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Câu nói tuy giản dị nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa, thể hiện đầy đủ những nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KH&CN.

Cũng tại Đại hội Người đã nhắc nhở: “Nhiệm vụ của khoa học, kỹ thuật là cực kì quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”.

2. Trí thức khoa học công nghệ là nguồn lực phát triển của đất nước

Ngày nay chúng ta đều biết mỗi quốc gia, mỗi địa phương muốn phát triển nhanh và bền vững phải biết khai thác mộtcách có hiệu quả các nguồn lực sẵn có của mình. Các nguồn lực đó bao gồm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học - công nghệ và nguồn lực con người, … Trong đó, nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự phát triển của khoa học - công nghệ và sự tăng trưởng, phát triển của xã hội.

Trí thức, với tư cách là một tầng lớp xã hội đặc biệt, có một vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, tiến bộ xã hội cũng như trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Trong mọi thời đại, trí thức luôn là nguồn lực trí tuệ quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội ở từng quốc gia cũng như trên phạm vi quốc tế. Họ có vai trò to lớn trong việc sáng tạo ra những giá trị kinh tế, văn hoá, tinh thần, đem lại những thành tựu quan trọng trong khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm coi trọng trí thức dân tộc,ngay từ năm 1947(ngày 22/6), trả lời một nhà báo nước ngoài, Bác đã khẳng định “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc. Ở nước khác như thế, ở Việt Nam càng như thế” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, NXB CTQG, Hà nội, 1995 tr.tr.384).

Năm 1958, Bác đã ký sắc lệnh phong tặng danh hiệu anh hùng cho các trí thức tiêu biểu. Đồng thời Bác cũng đánh giá rất cao tri thức dân gian, sáng kiến của quảng đại quần chúng. Tại đại hội chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 01-5-1952, Bác đã nhấn mạnh: “Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có giới hạn, nó cứ tiến mãi”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, NXB chính trị quốc gia, Hà nội, 1995 tr.472).

Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì công việc cách mạng khó khăn hơn nhiều. Nhưng có đôi người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ. Một người học xong đại học có thể gọi là có tri thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế.

Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế.

Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên. Lý luận cốt để áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích. Vì vậy, chúng ta phải gắng học, đồng thời học thì phải hành.

Có nhiều đồng chí có bệnh tự tôn, tự đại, khinh rẻ người ta, không muốn biết, muốn học những ưu điểm của người khác. Biết được vài câu lý luận đã cho mình là giỏi, không xem ai ra gì, tưởng mình là hơn hết. Đó là bệnh hẹp hòi hạng nặng”.

(Sửa đổi lối làm việc. 10-1947; Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.4, NXB CTQG, Hà nội, 1995;trang 446-447,450).

Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa để làm gương cho nhân dân.

Các bạn là viên chức của Chính phủ Dân chủ Cộng hòa mà các bạn đã giúp xây dựng nên. Chính thể dân chủ của ta tuy còn trẻ tuổi, nhưng đã chiến thắng nhiều cuộc thử thách, nó đã chứng tỏ rằng quả thật là đầy tương lai. Do đó, nhiệm vụ các bạn phải tuyệt đối trung thành với chính quyền dân chủ”.

(Thư gửi Hội nghị Tư pháp toàn quốc, 2 - 1948; Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.5, NXB CTQG, Hà nội, 1995; tr.381,382).

Trong mấy nǎm kháng chiến, một bộ phận lớn trí thức Việt Nam đã chịu khó chịu khổ đi với kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến.Thế là trí thức của ta, trí thức Việt Nam có ưu điểm đấy.

Nhưng không phải như vậy là trí thức của ta mà nói chung là giai cấp tiểu tư sản Việt Nam không có khuyết điểm. Trí thức ta có khuyết điểm nhiều chứ không phải là ít mà khuyết điểm cũng là do nền giáo dục nhồi sọ, chia rẽ, nô lệ của đế quốc phong kiến làm cho anh chị em trí thức có khuyết điểm ấy.

Khuyết điểm ấy là gì?

- Cá nhân chủ nghĩa: cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hoà vào với dân tộc.

- Tính không kiên quyết: làm việc gì cũng thiếu kiên quyết. Lúc vui, hứng lên thì làm. Nếu gặp trở ngại hay thất bại là thụt lùi. Vì không kiên quyết nên dễ lung lay.

- Thái độ chờ đợi bàng quan: một thái độ gọi là ngoài giai cấp. Tức là cho mình là trí thức thì không đứng ở phe nào. Cho rằng phe nào cũng có cái hay cái dở. Cách mạng cũng có cái hay, đế quốc cũng có cái hay. Công nhân thì mộc mạc nhưng thô tục, đế quốc có cái “lịch sự, vǎn minh.

Tới nay tất cả các đảng viên và không đảng viên mà đại đa số là trí thức, là tiểu tư sản, tự xét mình lại xem với những khuyết điểm ấy.

Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi. Nhưng mà việc cải tạo, việc giáo hoá trí thức (bất kỳ là đảng viên hay không đảng viên) của Đảng còn rất ít nên ảnh hưởng sự giáo dục đế quốc còn sâu, sâu lắm”.

(Bài nói tại Lễ khai mạc chỉnh huấn Đảng các cơ quan Trung ương 6-2-1953. Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.6, NXB CTQG, Hà nội, 1995; tr. 368-371).

3. Phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa sản xuất với khoa học kỹ thuật

Bác có quan điểm rất biện chứng, rất kinh điển về mối quan hệ giữa sản xuất với khoa học và công nghệ. Ngay từ tháng 10 năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Bác đã nói rõ : “Sáng kiến không phải cái gì kỳ lạ hay chung chung, trừu tượng. Nó chỉ là kết quả của sự nghiên cứu, suy nghĩ trong những hoàn cảnh, những điều kiện bình thường, rất phổ thông, rất thiết thực. Hiểu rộng ra là sản phẩm khoa học công nghệ nói chung cũng như vậy. Ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, bao hàm cả sáng chế. Ở tầm thấp hơn, nhỏ hơn thì là sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Tất cả đều là sản phẩm được sáng tạo ra khi cuộc sống thúc bách” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.12, NXB CTQG, Hà nội, 1995; tr. 22).

Để phát triển khoa học công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả, tại Đại hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, tháng 5 năm 1963, Bác đã chỉ dẫn: “Chúng ta đều biết rằng, trình độ khoa học kỹ thuật của chúng ta hiện nay còn thấp kém.Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều.Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều. Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó .Các tổ chức khoa học và nhà khoa học phải lăn lộn trong thực tiễn, quan hệ chặt chẽ với các xí nghiệp, hợp tác xã, với người sản xuất, phải biết công nhân, nông dân yêu cầu gì, họ làm ăn và sinh sống như thế nào, họ cần được giúp đỡ, chuyển giao, phổ biến những tiến bộ khoa học công nghệ như thế nào” (Một số bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí quan liêu. NXB CTQG, Hà nội, năm 2008, tr.89).

4. Phải biết kết hợp giữa công tác nghiên cứu khoa học với phong trào sáng tạo của quần chúng

Chủ tịch Hồ Chí Minh có một luận điểm hết sức quan trọng về động lực sáng tạo. Từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; Người nói: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái và người khác cũng học theo. Trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc thì những khuyết điểm lặt vặt cũng tự sửa chữa được nhiều” (Một số bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí quan liêu. NXB CTQG, Hà nội, năm 2008, tr.88).

Theo tầm nhìn của Bác, sức mạnh trí tuệ và ý chí là vô cùng tận. Nhưng trí tuệ được phát huy như thế nào lại phụ thuộc vào môi trường dân chủ và quan hệ lợi ích. Người đã khẳng định: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của dân tộc. Không biết quý trọng và phổ biến kinh nghiệm tức là lãng phí của cải của dân tộc”.. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.11, NXB CTQG, Hà nội, 1995, tr.78). Trong lãnh đạo, chỉ đạo, Bác sớm có chủ trương kết hợp nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp với phong trào sáng kiến, cải tiến kỷ thuật của quần chúng. Tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12 BCH Trung ương Đảng (khoá III), ngày 16/01/1966, Bác nhắc nhở: “Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông không lãnh đạo được”. (Một số bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí quan liêu. NXB CTQG, Hà nội, năm 2008, tr.76). Đồng thời, mỗi lần đi thăm, nói chuyện với cán bộ xí nghiệp, cán bộ HTX, Bác đều nhắc nhở phải ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Theo Bác, xây dựng quan hệ sản xuất mới, cải tiến quản lý phải đi đôi với cải tiến kỷ thuật, xây dựng nền tảng cơ sở vật chất kỷ thuật mới bảo đảm tháng lợi toàn diện, bền vững. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng thành công trên nền tảng của cơ sở vật chất hiện đại, khoa học công nghệ tiên tiến.

Trong sự phát triển của đất nước trước những yêu cầu mới ngày càng khẳng định quan điểm của Bác về việc kết hợp giữa nghiên cứu khoa học với phong trào sáng kiến của quần chúng. Ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương và doanh nghiệp, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã trở thành một động lực cho sự phát triển. Trong nông nghiệp đã xuất hiện ngày càng nhiều các nhà khoa học “chân đất”; Họ đã tạo ra rất nhiều sản phẩm khoa học kỹ thuật có giá trị, được thương mại hoá và đi vào cuộc sống rất nhanh. Số bằng sáng chế thuộc về các nhà khoa học bình dân ngày càng nhiều. Phong trào “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” của cả nước nói chung và của từng địa phương nói riêng chính là sự vận dụng một cách thiết thực và hiệu quả quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết hợp giữa công tác nghiên cứu khoa học với phong trào sáng tạo của quần chúng trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước.

5. Phải quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân khoa học kỹ thuật cho đất nước

Theo Bác, phát triển khoa học kỹ thuật tất yếu gắn liền với giáo dục - đào tạo. Khi nói về giáo dục - đào tạo, ngay từ đầu, Người quan tâm ngay đến thế hệ trẻ, coi đây là những chủ nhân tương lai của nước nhà, là lực lượng nắm bắt, tiếp thu khoa học kỹ thuật hiệu quả, sẽ làm nên cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật trong tương lai. Cũng tại Đại hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam, Bác nói rằng: "Phải dạy bảo các cháu thiếu niên về khoa học kỹ thuật, làm cho các cháu ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, để mai sau các cháu trở thành những người có thói quen sinh hoạt và làm việc theo khoa học” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.11; NXB CTQG, Hà nội, 1995; tr.80).

Theo Người, nâng cao trình độ văn hoá, trình độ dân trí cho toàn dân là tiền đề cơ bản để tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật. Quần chúng không chỉ có khả năng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà còn có khả năng sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thậm chí là phát minh, sáng chế.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:

Phương pháp nghiên cứu - Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân.

Thời gian các bạn đến nghiên cứu ở trường này tương đối ngắn ngủi, cho nên không thể yêu cầu quá cao, quá nhiều. Những điều các bạn nghiên cứu được ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc, vun xới, làm cho hạt nhân ấy mọc thành cây và dần dần nở hoa, kết quả”(Bài nói chuyện tại lớp Nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam 21-7-1956; Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.7; NXB CTQG, Hà nội, 1995; trang 481-482).

Các thầy giáo, các cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú, các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm . Bác nói thế là hết. Văn hay không cần nói dài” (Bài nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp 2, cấp 3 và Hội nghị sư phạm, 7/1956; Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.8; NXB CTQG, Hà nội, 1995; trang 225).

III. Những phẩm chất đạo đức cơ bản của con người Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà đội ngũ trí thức trong ngành khoa học và công nghệ phải thường xuyên học tập và noi theo

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Để có được những phẩm chất tốt đẹp đó, Người cũng chỉ ra rằng: “Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời sa xuống mà do đấu tranh rèn luyện bền bỉ hàng ngày có được. Cũng giống như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.

Đạo đức cách mạng là vấn đề được người đề cập nhiều nhất trong quá trình lãnh đạoc cách mạng Việt Nam. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng của người cán bộ đảng viên bao gồm:

Một là: Trung với nước, hiếu với dân. Trung hiếu là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt Nam và phương đông, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa và phát triển trong điều kiện mới.

- Trung với nước là trung thành vô hạn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước; phát triển đất nước. Nước là của dân, dân là chủ đất nước; trung với nước là trung với dân, vì lợi ích của nhân dân.

- Hiếu với dân nghĩa là cán bộ đảng, cán bộ Nhà nước “vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Trung với nước, hiếu với dân là phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng. Thực hiện trung với nước, hiếu với dân là phải gắn bó với dân, gần gũi dân, dựa vào dân, lấy dân làm gốc; phải nắm vững nhân tình, hiểu rõ dân tâm, quan tâm cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí, làm cho dân hiểu rõ nghĩa vụ và quyền lợi của người làm chủ đất nước.

Hai là: yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Yêu thương con người trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân văn của nhân loại và của chủ nghĩa nhân văn cộng sản. Tình yêu thương con người thể hiện trước hết ở tình yêu thương với đại đa số nhân dân, những người lao động bình thường trong xã hội, những người nghèo khổ, bị áp bức, bóc lột. Yêu thương con người phải làm mọi việc để phát huy sức mạnh của mỗi con người, đoàn kết để phấn đấu đạt được mục tiêu “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” đồng thời giúp cho mỗi người ngày càng tiến bộ, tốt đẹp hơn. Vì vậy, phải thực hiện tự phê bình và phê bình chân chính, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để không ngừng tiến bộ…

Ba là: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Đây là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ “với tự mình”.

- Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”.

- Kiệm là tiết kiện sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của dân, của đất nước, của bản thân mình, tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức…”.

- Liêm là trong sạch, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của dân, không tham địa vị, không tham tiền tài, không tâng bốc mình…

- Chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì thì quyết làm kỳ được “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”.

- Chí công vô tư là công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị. Khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì nên đi sau. Muốn chí công vô tư phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Bốn là: Tinh thần quốc tế trong sáng. Quan niệm đạo đức Hồ Chí Minh là: đoàn kết với nhân dân lao động các nước vì mục tiêu chung đấu tranh giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đoàn kết quốc tế giữa những người vô sản toàn thế giới vì mục tiêu chung “bốn phương vô sản đều là anh em”. Đoàn kết với nhân loại tiến bộ vì hoà bình, công lý và tiến bộ xã hội. Đoàn kết quốc tế phải gắn liền với chủ nghĩa yêu nước; chủ nghĩa yêu nước chân chính sẽ dẫn đến chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa vô danh, vị kỷ, hẹp hòi, kỳ thị dân tộc…

Năm là: luôn giữ vững nguyên tắc xây dựng và thực hiện nền đạo đức mới; đó là:

(1). Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt trước. Nội bộ phải đoàn kết và giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Người đã chỉ rõ: “Lãnh đạo từ tỉnh, huyện đến chi bộ phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể và cá nhân phụ trách. Nội bộ phải thật đoàn kết. Mọi việc đều phải bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Phải cần kiệm liêm chính - phải gương mẫu. Phải có tinh thần trách nhiệm cao độ” (Bài nói chuyện với cán bộ và nhân dân tỉnh Hải Ninh, 20-2-1960;Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.8; NXB CTQG, Hà nội, 1995; trang 667-668).

(2). Xây phải đi đôi với chống. Cùng với việc xây dựng đạo đức mới, bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, nhất thiết phải chống những biểu hiện phi đạo đức, sai trái, xấu xa, trái với những yêu cầu của đạo đức mới, đó là “chủ nghĩa cá nhân”. Xây đi đôi với chống là muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:

Người ta thường phạm những chứng bệnh sau:

1. Tự cao tự đại.

2. Ưa người ta nịnh mình.

3. Đem lòng yêu ghét của mình mà đối với người.

4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau”.

(Sửa đổi lối làm việc; 10-1947;Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.4; NXB CTQG, Hà nội, 1995; trang 492, 493).

(3). Phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức suốt đời. Người dạy:

Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến, ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa.

Mỗi đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: “Phải học, học thêm, học mãi”. Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”.

(Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ; 01-3-1947; Hồ Chí Minh, Toàn tập, T.4; NXB CTQG, Hà nội, 1995; trang 294-296).

* * *

Tóm lại, qua 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành và phát triển; chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được tăng cường, văn hóa - xã hội có bước phát triển, đời sống nhân dân có nhiều thay đổi. Điều đó là minh chứng sinh động khẳng định Đảng ta đã vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Điều đó cũng khẳng định sự sai lầm thiếu căn cứ khoa học của các quan điểm sai trái, thù địch đối với cách mạng Việt Nam. Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, nhất định sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội sẽ thu được nhiều thành tựu hơn nữa trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội./.

* * *

Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta

Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa

Chỉ biết quên mình, cho hết thảy

Như dòng sông chảy, nặng phù sa.

* * *

Như đỉnh non cao tự giấu mình

Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh

Bác mong con cháu mau khôn lớn

Nối gót ông cha, bước kịp mình.


Tài liệu tham khảo:

1. “Hồ Chí Minh, Toàn tập”, NXB chính trị quốc gia, Hà nội, 1995 (tập 4- tập 12).

2. “Hồ Chí Minh về Đạo đức”; NXB chính trị quốc gia, Hà nội, 1998.

3. Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2013.

4. “Một số bài nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí quan liêu”; Ban tuyên giáo Trung ương biên soạn; NXB CTQG, Hà nội, năm 2008).

5. Văn kiệnĐại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tập I và II), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà nội - 2021.


Thông tin doanh nghiệp
  • Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế
  • Quan hệ giữa thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh Đại học
  • Phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch trên địa bàn tỉnh Sơn La
  • Sơn La có 02 sản phẩm vào Chung khảo Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 20
  • Triển khai Trợ lý ảo trong cơ quan nhà nước để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức
  • Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội thảo kết quả nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp lần đầu trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Hội thảo tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Địa chất là khoáng sản
  • Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản
  • Hội Luật gia tỉnh Sơn La tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2029
  • Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La: Hướng tới Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, năm 2024
  • Hội thảo tư vấn “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Sơn La”
  • Mời tham gia Giải thưởng Bảo Sơn năm 2024
  • Bộ GD&ĐT lý giải tạm dừng công nhận Olympic Toán học sinh viên và học sinh
  • Liên hiệp Hội Việt Nam: Hội nghị Giao ban Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố năm 2024
  • Bí quyết giữ gìn sức khỏe
  • Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 9, năm 2024
  • Giải thưởng Khoa học Công nghệ Quả Cầu Vàng năm 2024
  • Vấn đề nhỏ về đất đai nhưng được nhiều người dân quan tâm
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Lễ trao giải Vinfuture 2023
  • Những Tỉnh Thành Nào Sẽ Bị Sáp Nhập?
  • Sổ Hộ Khẩu, Sổ Tạm Trú Sẽ Hết Giá Trị Sử Dụng Sau Ngày 31/12/2022 | TVPL
1 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 21
    • Hôm nay: 319
    • Trong tuần: 27 516
    • Tất cả: 14525687
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này