Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ
Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ
“Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ” là chủ đề của Hội thảo khoa học được Sở Khoa học và Công nghệ (Sở KHCN) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La (Liên hiệp Hội Sơn La) đồng chủ trì tổ chức vào ngày 26/4 tại Thành phố Sơn La. Dự hội thảo có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Bà Phạm Thị Hà-Chủ tịch Liên hiệp HộiSơn La,Ông Lưu Bình Khiêm - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệchủ trì Hội thảo.
Giai đoạn 2015-2021, toàn tỉnh có 24 sản phẩm nông lâm thuỷ sản được cấp văn bằng bảo hộ, trong đó có 3 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, 18 sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận, 3 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể. Đến hết quý I/2022, đã có 238 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý. Thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, quốc gia, Sở KHCN cùng với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX đã duy trì, phát triển, quảng bá thương hiệu các sản phẩm được bảo hộ khá hiệu quả. Triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030. Hiện đang tiếp tục xây dựng nhãn hiệu cho 3 sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: Gạo Phù Yên, Thanh long Sơn La, Rượu Hang Chú Bắc Yên.

Đại biểu tham dự Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo đã tập trung thảo luận về thực trạng hoạt động quản lý, khai thác và sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản đã được cấp văn bằng bảo hộ; sự cần thiết phải đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản của tỉnh đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh ra nước ngoài, giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; thực trạng cấp mã số vùng trồng; giải pháp giao dịch điện tử trong tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc minh bạch thông tin nguồn gốc sản phẩm gắn với kết nối cung cầu…

Ông Nguyễn Minh Đức - PCT Liên hiệp Hội (Thứ 3, bên trái) cùng các đại biểu tham quan trưng bày sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Phát biểu tại Hội thảo, Đồng chí Lưu Bình Khiêm, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ; khai thác lợi thế cạnh tranh và ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực mang đặc trưng riêng của tỉnh; ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nhằm tạo sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu. Hỗ trợ, khuyến khích các doanh nhiệp nhỏ và vừa, các HTX đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến; nghiên cứu cải tiến trong sản xuất để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đã có nhãn hiệu, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Duy Tùng