Liên hiệp Hội triển khai hoạt động dự án GEF SGP tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La
Liên hiệp Hội triển khai hoạt động dự
án GEF SGP tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La
Ngày 18-19/3/2023, tại
xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đã tổ chức Ngày hội Hoa sơn tra năm 2023 với các hoạt động trải nghiệm ngắm hoa sơn tra và các chương
trình nghệ thuật, các sản phẩm nông nghiệp, văn hóa của cả 5 huyện Mường La, Bắc
Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn. Tổ chức lễ Công bố Quyết định công nhận
cây di sản cho 7 cây có tuổi từ 300 đến 1.000 tuổi trên địa bàn xã Ngọc Chiến
và phiên chợ 0 đồng; cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao dân tộc.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Điều hành Dự án Thúc đẩy quản lý hiệu quả
các khu rừng cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc
thiểu số tỉnh Sơn La đã triển khai các hoạt động hỗ trợ của dự án gồm: hỗ trợ
chuyển đổi số, các bảng thông tin, tờ rơi quảng bá du lịch, giới thiệu cây di sản...
trên địa bàn xã Ngọc Chiến.
PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia
UNDP/GEF SGP, Đại biểu Quốc hội khoá XV tặng 01 máy tính cho UBND xã Ngọc Chiến
trong chương trình hỗ trợ chuyển đổi số của Dự án

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia UNDP/GEF SGP Việt Nam và
Ban Điều hành dự án GEF SGP Sơn La tham gia hoạt động công bố cây di sản tại xã
Ngọc Chiến


Biển thông tin tuyên truyền dự án
Xã Ngọc Chiến: là một
xã vùng III thuộc huyện Mường La, nằm cách trung tâm huyện 34 km về phía Đông Bắc;
phía Bắc giáp huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái; Phía Nam giáp xã Chiềng Muôn,
Chiềng Ân huyện Mường La; Phía Đông giáp huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái; Phía Tây
giáp xã Nặm Păm, Hua Trai, huyện Mường La. Tổng diện tự nhiên của xã là: 21.219
ha, xã có 15 bản, với 2.253 hộ, 11.540 nhân khẩu, có 4 dân tộc cùng sinh sống gồm:
Thái 65%, Mông 33%, La Ha 0,17%, Kinh 0,06%. Diện tích có rừng là 18.462 ha, tỷ
lệ che phủ rừng đạt 85%. Trên địa bàn xã có nhiều điểm du lịch đặc sắc gắn với
tập quán, nghi lễ tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc như: Nhà thờ Tổ bản Mường
Chiến, Nhà thờ Cây đa bốn cửa, Nhà thờ người có công, Cây Samu 1000 năm tuổi,
Khoáng nóng Bản Lướt. Nằm trong chuỗi các hoạt động tại Ngày hội hoa sơn tra
2023, UBND xã Ngọc Chiến, huyện Mường La đã tổ chức Lễ công bố Quyết định và
trao Bằng Công nhận cây di sản Việt Nam cho đại diện 4 bản: Nà Tâu, Phày, Lướt,
Mường Chiến.
Hải Thành
Chúng tôi xin giới thiệu
tích truyện về một số điểm du lịch và cây di sản trên địa bàn xã Ngọc Chiến:
CỐC PÉ LUÔNG (CÂY SA MU 1000 NĂM TUỔI)
Truyền thuyết kể lại,
khi mới đến đây định cư, đoàn người muốn đốn hạ cây để làm nhà, làm ruộng thì
giông gió nổi lên, bầu trời tối đen như mực. Từ trên cây, có một con Hổ khổng lồ
đi xuống. Đôi mắt nó đỏ rực như hai hòn than. Con Hổ gầm gừ, nhe nanh, định
xông vào vồ mọi người, thì từ trong thân cây, một cụ già đi ra. Cụ già bảo:
"Đây là cây thần, là nơi thần ngự. Mọi người cứ ở đây khai phá, canh tác,
thần sẽ bảo vệ. Nhưng tuyệt nhiên không được đốn hạ cây, mà chết cả bản. Nói rồi,
cụ già và con Hổ biến mất". Từ đó, người dân dựng một miếu thờ (Hươn sơ)
để thờ thần,
gọi cây Du Sam là "Cây thần". Hằng năm, vào ngày mùng 7 Tết - ngày
chuẩn bị làm mùa, dân bản Nà Tâu lại sắm lễ cúng tại ngôi miếu này, cầu thần
linh phù hộ cho thời tiết thuận hòa, cây cối tốt tươi, người dân được bình an,
no đủ.
Ngày nay,
được sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của du khách, nhân dân bản
Nà Tâu đã dựng được ngôi nhà thờ khang trang và 1 khu sân rộng với 36 hòn đá lớn,
là chỗ đặt mâm cho cộng đồng chung vui vào ngày mùng 7 tết hằng năm và để cho
du khách đến cảm nhận linh khí của cây thần.
MẠY LẮC MƯƠNG (CÂY TRỤ CỘT BẢN MƯỜNG)
Cây trụ cột bản mường (tiếng Thái là “mạy Lắc mương) nằm tại bản Mường Chiến thuộc xã Ngọc Chiến.
Theo “Truyền thuyết khâu Sam Síp” thì Cây cột mốc được trồng cùng thời
gian với nhóm người Thái trắng khi đến đây lập bản, lập mường ở đây vào khoảng
thế kỷ thứ IX. Theo phong tục dân tộc Thái, khi định cư ở đâu, người ta sẽ trồng
cây ở đầu bản, đánh dấu vùng lãnh thổ và gọi tên là “mạy Lắc mương” (cây trụ cột
bản mường). Họ dặn nhau: “Những điều tốt
đẹp và những điều xấu xa cũng chỉ đem ra đến đây”. Cũng như vậy, khi con
thú rừng vào bản bắt vật nuôi, nếu có xua đuổi thì cũng chỉ ra đến hai cây này
là dừng lại. Ranh giới này không chỉ mang ý nghĩa địa lý, mà còn mang cả ý
nghĩa tâm linh.
Cây Lắc mương được coi là một trong ba điểm thiêng liêng trong vùng, tuyệt
đối không được mạo phạm (gồm nhà thờ tổ -
Đon Hó, Núi thần - Tạo Pu Luông và Cây cột mốc - Mạy Lắc mương).
Ngày nay, để tưởng nhớ đến mối tình đẹp đẽ của ông bà xưa, người dân Ngọc
Chiến còn gọi hai cây này là “Cây đôi tình yêu”. Giữa cánh đồng Mường Chiến,
hai cây không to cao, cũng không sum xuê cành lá, nhưng rắn chắc, toàn thân phủ
đầy rêu và địa y, vươn mình đón mưa rừng, gió núi đã bao đời nay. Nhìn xa hai
cây giống như hai con người đang bên nhau, che chở, chia sẻ, bảo vệ nhau và bảo
vệ cho bản làng luôn được bình yên, no ấm và hạnh phúc.
HƯƠN CỐC NÚA XÍ TU
(Nhà thờ Cây đa bốn cửa)
Bản Phày (bản Lửa) cách bản Mường Chiến 4km; theo truyền thuyết thì đoàn người
Thái trắng khi di chuyển đến Ngọc Chiến đã dừng
chân tại nơi đây, đốt lửa nấu cơm và xua thú dữ. Tuy nhiên, phải rất lâu sau đó
thì người dân bản Mường Chiến mới tách bản, đến đây định cư và đặt tên bản là bản
Phày – bản lửa.
Ngày mới di chuyển đến nơi đây, nhân
dân đã lập nhà thờ tại nơi có 4 cây Đa mọc như 4 cổng mở ra bốn phía nên đặt là
nhà thờ Xí tu nghĩa là nhà thờ 4 cửa để thờ thần rừng, thần núi, cầu mong sự
bình yên cho bản làng. Hằng năm cứ đến ngày
mùng 1 tết âm lịch bà con trong bản làm lễ cầu khấn ông bà, tổ tiên, thần rừng,
thần đất. Toàn thể con cháu và bà con nhân dân lên đây để dâng hương. Sau đó đội
văn nghệ của bản cùng toàn thể bà con nhân dân đến nơi đây để cất lên những lời
ca, tiếng hát, múa xòe, múa sạp cùng chúc nhau một năm mới mạnh khỏe, hạnh
phúc, an khang, thịnh vượng, bản làng luôn bình an.
Ngày nay, do cả 4 cây Đa đã già, đổ
gẫy, nên nhân dân dựng lại nhà thờ gần gốc cây gạo lớn, vẫn gọi là nhà thờ Cốc
Núa Xí tu.
HƯƠN SỦ CÔNG (NHÀ THỜ NGƯỜI CÓ CÔNG)
Bản
Lướt (bản có đất ấm - do suối khoáng
nóng) có mó khoáng nóng tự nhiên nổi tiếng với nhiệt độ trung bình là 40-70
độ. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, chính quyền cách mạng cấp xã được thành lập;
bản Lướt được chọn là nơi đặt trụ sở hành chính của xã Mường Chiến (ngày nay là
xã Ngọc Chiến), đến năm 2000, trụ sở xã di chuyển về bản Đông Xuông (trung tâm
xã Ngọc Chiến ngày nay).
Theo tiếng Thái “Sủ” là chứa đựng,
“Công” là công ơn, người có công. Như vậy, “Sủ công” là chứa đựng người có
công. Và “Hươn Sủ công” là nhà thờ thờ những người có công khai phá vùng đất, lập
bản, lập mường. Nhà thờ trước đây được lập cách vị trí hiện tại chừng 100m, sau
đó do địa hình không tốt, nhân dân trong bản đã xin phép thần linh được di chuyển
đến vị trí hiện tại nhưng theo tâm linh chỉ có thể di dời 80% nhà thờ. Vì vậy,
hiện tại vẫn có 2 vị trí thờ người có công. Hằng năm tổ chức lễ cúng 2 lần, một
lần vào ngày mồng 1 tết nguyên đán, một lần cúng cùng ngày với Nhà thờ Đon hó
(vào ngày tổ chức Lễ hội Mừng cơm mới).
Ngày nay, được sự quan tâm của các cấp
chính quyền, sự ủng hộ của du khách thập phương, nhân dân bản Lướt đã dựng được
nhà thờ khang trang. Nhà thờ Sủ công có 7 nơi đặt bát hương (5 gốc cây đa, 1
ban thờ chính và 1 ban thờ phụ). Ban thờ (phụ) nơi phía bên tay trái là dành
cho con cháu của bản Lướt mới được thắp hương, còn lại dành cho du khách thập
phương.
HƯƠN ĐÓN HÓ (NHÀ THỜ TỔ)
Hươn Đon
hó (Nhà thờ Tổ) thờ người có công
khai phá vùng đất này (thần Thành hoàng). Theo “Truyền thuyết Khâu Sam síp” thì vào khoảng thế kỷ thứ X, người Thái (Thái trắng) đã đến định cư tại đây. Trải
qua hàng nghìn năm, từ nhóm người ban đầu đã phát triển thành cộng đồng người
Thái trắng hôm nay.
Để bày tỏ lòng biết ơn đến vị tiền
nhân, các vị tổ tiên đã có công khai phá, có cộng lập bản, khai mường; con
cháu, thế hệ sau của Ngọc Chiến và Mường Chiến đã lập lên nhà thờ tại đây. Trước
đây, mỗi khi đi ngựa qua, mọi người đều phải xuống ngựa, dắt bộ đi qua rồi lại
mới lên ngựa đi tiếp. Ngày nay, việc đưa ma vẫn phải vòng đi phía sau nhà thờ để
tỏ lòng tôn kính!
Hằng năm, vào ngày mùng 7 tết âm lịch,
cộng đồng người Thái (trắng) nơi đây đều tổ chức lễ cúng tổ tiên. Kết thúc phần
lễ tất cả người đến dự ăn cơm tại Nhà thờ để cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp
nhất. Tổ chức lễ cúng tổ tiên xong, đàn ông về nhà dọn dẹp nhà cửa và kết thúc
việc ăn tết Nguyên đán.
NẶM HỌN (KHOÁNG
NÓNG BẢN LƯỚT)
Nằm tại bản
Lướt, khu vực Suối khoáng nóng có 13 điểm (mó) dâng nước khoáng nóng nằm rải
rác trong khu vực rộng chừng 3 ha.
Nhiệt độ tại
các mó khoáng nóng từ 30 đến 70 độ. Mùa hè, nhiệt độ nước khoáng nóng nóng hơn
mùa đông khoảng 5 độ C. Nước khoáng nóng Ngọc Chiến nhiều khoáng chất, ít lưu
huỳnh, rất tốt cho sức khỏe.
Khu khoáng
nóng được chia thành 2 phần, một phần dành cho cộng đồng và một phần do các hộ
gia đình làm dịch vụ. Tại các mó cộng đồng, người dân còn duy trì tục tắm tiên
truyền thống. Vào cuối buổi chiều, nhân dân rủ nhau ra mó tắm, nam một bên, nữ
một bên. Khi trời còn sáng là lúc dành cho người già và các em nhỏ, muộn hơn
chút là các bác trung niên; thanh thiếu niên thường tắm muộn hơn. Vào những
ngày Đông giá, mó nước trở thành nơi để các chị, các mẹ, các em chia sẻ công việc,
tâm tình...