Hội thảo nhân rộng Quy chế quản lý sử dựng tiền Dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng và mô hình quỹ tiết kiệm tự quản
Hội thảo nhân rộng Quy chế quản lý sử dựng tiền Dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng và mô hình quỹ tiết kiệm tự quản

Ngày 04/01/2024, tại thành phố Sơn La, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tổ chức Hội thảo nhân rộng quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng và mô hình quỹ tiết kiệm tự quản. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Điều phối viên quốc gia văn phòng UNDP/GEF/SGP Việt Nam; Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Trưởng Ban Điều hành dự án ; Ông Trần Đức Thuận – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Sơn La đồng chủ trì Hội thảo. Dự hội thảo có PGS.TS Trịnh Văn Tùng – Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ông Lê Công Lương – Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Lãnh đạo Ban Tuyên Giáo tỉnh uỷ, Ban Dân vận tỉnh uỷ, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND huyện Mường La; lãnh đạo 4 xã Long Hẹ, Ngọc Chiến, Suối Bàng, Mường Sang và 16 bản tham gia dự án, 04 nhóm tiết kiện tự quản các bản Lùn, Sò Lườn (xã Mường Sang), Bản Phày, Nậm Nghẹp (xã Ngọc Chiến); các thành viên Ban Điều hành, chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật và cán bộ hiện trường dự án.

Tại hội thảo các đại biểu đã được thông tin Kết quả triển khai Quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng; những vấn đề đặt ra và đề xuất, kiến nghị trong việc duy trì và mở rộng Quy chế trên địa bàn tỉnh Sơn La. Các đại biểu tham luận đánh giá thực trạng triển khai thực hiện quy chế và hiệu quả của nhóm tiết kiệm tự quản tại cơ sở, đóng góp ý kiến trong việc nhân rộng Quy chế và mô hình quỹ tiết kiệm tự quản.
Qua hơn 01 năm triển khai dự án đã hướng dẫn cộng đồng ban hành 36 bộ quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn, Sau khi nhận được tiền DVMTR Ban quản lý các bản đã thông báo công khai số tiền nhận được, kết quả sử dụng tiền năm trước, xây dựng kế hoạch sử dụng tiền ... để đưa ra cuộc họp bản thảo luận thống nhất trong toàn thể cộng đồng về việc sử dụng tiền cho công tác bảo vệ rừng và xây dựng các công trình phúc lợi của bản.... trên cơ sở "Dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" (Các cộng đồng sử dụng hiệu quả 4,718 tỷ đồng tiền DVMTR nhận được của 4 xã vùng dự án cho công tác quản lý bảo vệ rừng, xây dựng các công trình phúc lợi và nâng cao đời sống người dân, cụ thể: sử dụng 1,29 tỷ đồng cho công tác bảo vệ rừng, 1,99 tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn, 1,009 tỷ đồng cho nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình và cho quỹ phụ nữ tự quản vay để phát triển sinh kế và 0,5 tỷ đồng cho các khoản chi khác như tuyên truyền, sơ tổng kết các hoạt động của cộng đồng).

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Điều phối viên quốc gia UNDP GEF SGP phát biểu tại Hội thảo
Các bản đã thông báo đến các hộ dân về kế hoạch sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng năm tới và cùng các hộ dân lên các nội dung chi cho các mục chi dự kiến cần sử dụng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng. Thành lập 36 tổ đội bảo vệ rừng có danh sách các thành viên trong tổ bảo vệ rừng số lượng từ 11 đến 30 người, phân công việc tuần tra bảo vệ rừng và cũng thông báo số tiền công được nhận trong việc thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La phát biểu tại Hội thảo
Hỗ trợ hoàn thiện Mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm tự quản tiền dịch vụ môi trường rừng của cộng đồng tại 4 bản Phày, Nậm Nghiệp xã Ngọc Chiến, bản Lùn, Sò Lườn xã Mường Sang. Nhóm nhóm phụ nữ tiết kiệm đã dần quen cách ghi chép sổ sách nhóm tiết kiệm, cách tổ chức họp nhóm tiết kiệm. Các nhóm tiết kiệm tự quản tiền DVMTR đã huy động được 506 triệu đồng (gồm 165 triệu đồng cộng đồng bản hỗ trợ vốn mồi từ tiền DVMTR, 90,6 triệu đồng do các hộ tự góp cổ phần; 256 triệu của nhóm tiết kiệm tự quản và 250 triệu do hội phụ nữ huyện cho các hộ nghèo vay trong 5 năm) với 209 thành viên tham gia và đã giải ngân cho vay được 105 món vay, số tiền cho vay giao động từ 3 - 10 triệu đồng đã giúp các chị em trong nhóm vay vốn dễ dàng và sử dụng vốn vay cho các mục đích như: mua con giống, mua máy móc, chữa bệnh, sửa chữa nhà cửa…
Qua triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các cộng đồng thôn, bản xây dựng đã giúp các cộng đồng có xây dựng quy chế quản lý, sử dụng hiệu quả hơn tiền dịch vụ môi trường rừng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống người dân trong cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cộng đồng, người dân đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng. Việc tổ chức bảo vệ rừng theo hình thức tổ, nhóm, cộng đồng phối hợp, hỗ trợ nhau trong tuần tra bảo vệ rừng, tạo sự đồng thuận và quyết tâm hơn trong việc đấu tranh chống các hành vi xâm hại tài nguyên rừng. Tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép... trong vùng được chi trả DVMTR đã giảm đáng kể về số vụ và mức độ thiệt hại. Qua đó, các cộng đồng đã có ý thức cao hơn trong việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, sử dụng hiệu quả, hợp lý số tiền DVMTR được nhận đảm bảo nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng là “công khai, dân chủ, khách quan, công bằng”.
Căn cứ tình hình thực tiễn đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn văn hoá và bảo vệ rừng tại các địa phương, tại Hội thảo Ban Điều hành dự án đã đề xuất ý tưởng dự án mở rộng với Quỹ môi trường toàn cầu, gồm: Xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn và xã hội hóa công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại xã Ngọc Chiến, huyện Mường La; Xây dựng mô hình sinh kế bền vững để nâng cao thu nhập người dân và cộng đồng dân tộc thiểu số từ tiền dịch vụ môi trường rừng; Thúc đẩy du lịch sinh thái bền vững dựa vào cộng đồng gắn với nâng cao sinh kế và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, văn hóa bản địa tại Hang Táu (Làng Nguyên Thủy) Bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Ông Nguyễn Văn Tâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La bày tỏ sự trân trọng và cám ơn Quỹ Môi trường toàn cầu đã tài trợ một dự án rất ý nghĩa mang lại nhiều lợi ích với cộng đồng và hy vọng trong thời gian tới Quỹ Môi trường toàn cầu tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Sơn La tiếp tục triển khai các dự án thiết thực trên địa bàn tỉnh nói chung và địa bàn huyện Mường La nói riêng.
Phát biểu tại Hội thảo Bà Nguyễn Thị Thu Huyền ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đã đạt được của dự án, đặc biệt Quy chế quản lý sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và mô hình quỹ tiết kiệm tự quản đã mang lại hiệu quả lớn đối với cộng đồng cần được nhân rộng. Tuy nhiên, trong thời gian tới Ban Điều hành dự án và các cấp uỷ, chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa tới lồng ghép các nguồn lực nhằm phát triển các mô hình sinh kế cho người dân. Đồng thời ghi nhận những ý tưởng đề xuất của Ban Điều hành dự án, đề nghị cân nhắc những nội dung đề xuất tiếp tục triển khai thực hiện gắn với sự cam kết đồng hành của chính quyền địa phương./.
Hải Thành