Thực hư tác dụng của rượu ngâm cây thuốc phiện
Thời gian gần đây, ở một số địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có 1 số địa phương trên địa bàn tỉnh ta rộ lên phong trào uống rượu ngâm cây thuốc phiện. Chẳng biết công dụng thực của nó ra sao, nhưng rượu ngâm cây thuốc phiện đã trở thành đặc sản và món quà biếu xa xỷ của nhiều người. Điều đáng chú ý là sự đồn thổi về công dụng cực kỳ hữu hiệu của loại rượu này đã làm cho nó trở thành món hàng hóa có giá cao ngất ngưởng, trong khi các cơ quan chức năng lại đang lúng túng vì chưa có chế tài xử lý sự việc này.
Trước đây, huyện Trạm Tấu và huyện Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái được biết đến là quê hương của loại rượu hiếm này. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, phong trào ngâm rượu bằng cây và quả cây thuốc phiện đã bắt đầu len lỏi tại một số địa phương thuộc các huyện giáp biên của tỉnh ta như Sông Mã, Phù Yên, Bắc Yên. Đây được xem là loại rượu hiếm vì nó không được chào bán công khai trên thị trường, nhưng bằng cái tên gọi rất riêng thì rượu 138 được xếp vào loại có tiếng trên thị trường. Sở dĩ nó có tên như vậy là do một số địa phương có Ban chỉ đạo 138 về phòng chống tái trồng cây thuốc phiện. Và khi xuất hiện loại rượu ngâm cây thuốc phiện thì người ta gọi luôn là rượu 138 cho dễ nhớ. Loại rượu này đặc biệt ở chỗ nó được ngâm với cây, lá và quả cây thuốc phiện. Tùy sở thích của người dùng mà rượu này được ngâm trong trong thời gian 1 tháng hoặc lâu hơn nữa, người ta vẫn truyền tai nhau rằng càng để lâu thì các hợp chất từ rễ, cây, lá, quả cây thuốc phiện tiết ra càng ngon và nhiều tác dụng hơn. Tùy vào độ tuổi của cây hoặc độ già của quả, trong vòng 2 tuần cây sẽ tiết nhựa khiến rượu đổi màu, rượu sẽ có màu hổ phách, màu mận chín hoặc màu hồng; khoảng 1 tháng sau thì mang ra dùng được, lúc ấy rượu có vị đắng ngọt, hơi chát và có mùi thơm nhẹ.
Chẳng biết công dụng thực của loại rượu này thế nào nhưng qua sự đồn thổi về sự thần dược của nó như giảm đau, chữa bách bệnh, tăng cường “năng lực đàn ông”… mà rượu ngâm cây thuốc phiện đã nhanh chóng trở thành một món quà được ưa chuộng và săn đón với giá cao ngất ngưởng, có khi lên tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế chưa có một tài liệu hay công trình nghiên cứu nào nói rằng rượu ngâm cây thuốc phiện là tốt, mặc dù cây thuốc phiện cũng nằm trong danh mục những loại cây chữa bệnh.
Theo một số cơ quan kiểm định thì loại rượu ngâm cây thuốc phiện này hoàn toàn không có chức năng chữa bệnh. Nếu sử dụng rượu có ngâm quả thuốc phiện thì xét nghiệm cho thấy người sử dụng có kết quả dương tính với ma túy, kèm theo đó là các bệnh về tim mạch và tiêu hóa. Nếu uống nhiều, các đặc tính của thuốc phiện sẽ tích tụ dần trong người gây nghiện, khiến người uống thấy thích nên cứ uống mãi. Đây là một kết quả thực sự bất ngờ và đáng lo ngại đối với những ai đã và đang sử dụng loại rượu này.
Tất cả các nghiên cứu khoa học đều chỉ ra rằng thuốc phiện chưa bao giờ là có lợi cho sức khỏe, mà chỉ có tác dụng an thần, giảm đau nhưng cũng phải dùng đúng liều lượng mới phát huy tác dụng. Trong một số bài thuốc đông y, chỉ có nhựa chích từ quả cây Anh Túc được chiết xuất thành thuốc phiện và dùng với số lượng rất nhỏ để phối hợp điều trị một số chứng bệnh hay dùng để khống chế những cơn đau, tăng hưng phấn, kích thích tiêu hóa, nếu dùng quá liều lượng sẽ gây nghiện, gây tổn hại cho hệ thần kinh. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên sử dụng loại rượu này.
Cho đến nay, chỉ có quy định xử phạt hành vi buôn bán, tàng trữ, sử dụng quả của cây thuốc phiện mà chưa có chế tài xử lý việc mua bán, tàng trữ sử dụng rượu ngâm lá, thân cây thuốc phiện. Trong khi đó, thị trường tiêu dùng loại rượu này đang ngày càng gia tăng do sự hiếu kỳ của một số người dân. Thiết nghĩ cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc những đối tượng sản xuất, buôn bán, tàng trữ và sử dụng loại rượu ngâm cây thuốc cấm này, trước hết là bảo vệ sức khỏe người dân, sau đó là ngăn chặn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện ở một số địa phương, đảm bảo xóa bỏ hoàn toàn cây Anh Túc trên những miền núi xa./.
Quốc Hưng