Nhìn lại 25 năm thực hiện Nghị Quyết 10 của Bộ Chính trị, khóa VI về đổi mới quản lý kinh tế Nông nghiệp
Nhìn lại 25 năm thực hiện Nghị Quyết 10 của Bộ Chính trị, khóa VI
về đổi mới quản lý kinh tế Nông nghiệp
Nhận thức luôn là một quá trình gian khổ để đi đến chân lý. Để có được Nghị quyết 10 Khóa VI mang tính “cởi trói” cho nông nghiệp thì Đảng đã trải qua những chặng đường nhận thức khác nhau với biết bao thăng trầm gian khó.
Từ tháng 1/1959, Hội nghị TW lần thứ 16 đã ra Nghị quyết về “Hợp tác hóa trong nông nghiệp” với mô hình xây dựng trên ba yếu tố là hình thức sở hữu tập thể, hình thức lao động tập thể, phân phối theo lao động. Tuy nhiên ngay từ buổi đầu sự yếu kém mô hình HTX đã bộc lộ rõ qua năng suất lao động thấp kém, nông dân ngày càng không mặn mà với hợp tác xã, dẫn tới nhiều nơi khoán hộ chui để nông dân thoát nghèo. Tiêu biểu như Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với sự lãnh đạo của đồng chí Kim Ngọc –Bí thư tỉnh ủy đã mạnh bạo ra Nghị quyết 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động nông nghiệp trong HTX hiện nay”. Kết quả thắng lợi lớn, sản lượng lúa thu được tăng từ 3 đến 5 lần. Chỉ sau vài vụ khoán, bộ mặt nông thôn Vĩnh Phúc đã khởi sắc, xã viên phấn khởi lao động trên đất mình được giao. Điều đó chứng tỏ Nghị quyết 68-NQ/TU đi đúng quy luật và hợp lòng dân. Nhưng chủ trương đó, lúc bấy giờ không được nhân rộng, vì TW kết luận “việc khoán hộ ở Vĩnh Phúc….làm phai nhạt ý thức tập thể, phục hồi và phát triển lối ăn riêng lẻ, đẩy HTX vào con đường thoái hóa …” . Tới sau giải phóng Miền Nam, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1976 đưa ra kế hoạch sản lượng lương thực phải đạt 21 triệu tấn vào năm 1980. Thế nhưng mô hình HTX đáng ra cần cải tiến thì lại vẫn duy trì, mở rộng quy mô, áp dụng cả vào thí điểm ở Miền Nam. Kết quả là sản lượng lương thực giảm sút, không đạt kế hoạch đề ra (Năm 1980 cả nước chỉ đạt 11,64 triệu tấn lương thực). Người nông dân trực tiếp sản xuất ra lương thực đã bị đói trên quy mô lớn, Nhà nước phải nhập khẩu lương thực, ngân sách quốc gia ngày càng cạn kiệt. Nhiều địa phương đã tự “phá rào”, “khoán chui ”. Trước tình hình đó, Ban Bí thư đã khảo sát thực tiễn và đã ra Chỉ thị số 100-CT/TƯ về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp (còn gọi là nhóm 100). Chỉ thị đã thay đổi hình thức khoán và cho phép xã viên tự chủ trong khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và người nông dân được làm chủ sản lượng vượt khoán – Động lực của khoán 100 nằm ở điều này; Bởi thế, sản lượng lương thực tăng lên (từ 1980 chỉ đạt 11,64 triệu tấn thì đến 1980 đạt 16,9 triệu tấn, 1985 là 18,2 triệu tấn) và không ai có thể phủ nhận tác động tích cực của khoán. Tuy nhiên, khoán 100 vẫn là “nửa vời” nên chỉ có tác động tích cực những năm đầu. Đến cuối năm 1986 thì sản xuất nông nghiệp lại có nguy cơ chững lại và sa sút.. Chính thời điểm đó, Đại hội VI của Đảng (12.1986) đã thông qua đường lối đổi mới toàn diện và triệt để với tinh thần “Cách mạng và khoa học”.
Từ đại hội V, Đảng đã xác định “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, Đại hội VI đã cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương đó nên rất chú trọng nghiên cứu chính sách quản lý nông nghiệp. Vì vậy, tư duy mới về quản lý nông nghiệp đã có không gian để phát triển, mà Chỉ thị 100 đã bộc lộ những mặt hạn chế với biểu hiện như bộ máy HTX cồng kềnh; Tình trạng “Rong công, chấm điểm” chưa chấm dứt, nông dân mới tự chủ 3 trong 8 khâu sản xuất; Mức khoán không ổn định, thời gian giao đất quá ngắn nên người nông dân không yên tâm đầu tư…hậu quả là nền nông nghiệp trước nước ta lại đi xuống. Theo điều tra của Viện quản lý kinh tế TW thì năm 1987 cả nước chỉ đạt 17,6 triệu tấn và có tới gần 2 triệu người bị đói. Nhu cầu bức xúc về lương thực đã dẫn đến việc một số địa phương chủ động chuyển sang khoán gọn đến từng hộ gia đình. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị Khóa VI : “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp” được chuẩn bị gấp rút nhưng cẩn trọng. Dự thảo Nghị quyết đã đưa ra thảo luận dân chủ với cán bộ nông nghiệp và cán bộ chính quyền của các địa phương trong cả nước. Bộ Chính trị cho các nơi thử nghiệm phương thức sản xuất mới trong vụ Đông Xuân 1987-1988. Sau đó, tại Đại hội Nông dân toàn quốc (ngày 28,29-3-1988), Bộ Chính trị còn đề nghị các đại biểu đọc lại, góp ý sủa chữa lần cuối. Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị chính thức cho ra đời Nghị quyết 10 (gọi tắt là khoán 10)1. Trong Nghị quyết, đảng đã nhận thức rõ sai lầm trong mô hình HTX trước đây: Việc chủ quan, nóng vội, gò ép nhân dân vào Hợp tác xã, tập đoàn sản xuất; việc đưa HTX lên quy mô to lớn khi trình độ quản lý không tương ứng; việc hợp tác hóa triệt để tư liệu sản xuất trong khi không đủ khả năng quản lý…là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mô hình HTX vào chỗ lụi bại …; Từ đó, Đảng tuyên bố : “Công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể tư nhân, đảm bảo quyền làm ăn chính đáng và thu n hập hợp pháp của các hộ cá thể tư nhân”. Nghị quyết đưa ra 3 quyết định quan trọng trong quản lý nông nghiệp: Thứ nhất là: coi hộ nông dân là đơn vị sản xuất tự chủ. Hộ nông dân là đơn vị nhận khoán với HTX, được giao đất ổn định 15 năm, mức khoán ổn định 5 năm, được tự chủ hoàn toàn từ A đến Z trong quá trình sản xuất; được làm chủ hoàn toàn số nông sản làm ra sau khi nộp thuế nông nghiệp cho nhà nước; Thứ hai: tạo điều kiện cho người nông dân tự do cả đầu vào như vật tư, phân bón và đầu ra là sản phẩm nông nghiệp trên thị trường theo cơ chế “thuận mua vừa bán”; Thứ ba: chuyển hợp tác xã sang làm công tác dịch vụ cho nông dân. Như vậy, so với chỉ thị 100 thì Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã có một bước đột phá trong tư duy quản lý kinh tế khi lần đầu tiên thừa nhận hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ khi người nông dân được trao quyền sử dụng đất và mức khoán lâu dài, chỉ có 1 điểm cần lưu ý là nghị quyết 10 có nội dung rất ngắn chỉ ngắn như một mệnh lệnh, cũng không có một công văn chỉ thị nào của chính phủ thể chế nghị quyết, mà từ chủ trương của Đảng đến thẳng dân “như một ngày hội của nông dân” theo cách nói của thủ tướng Phạm Văn Đồng . Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống bởi người nông dân đã khát khao chờ đợi điều đó quá lâu bởi không ít cơ sở “xé rào” làm theo cách đó từ trước. Sự “cởi trói” chính thức có ý nghĩa giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, đem lại sinh khí mới cho nền nông nghiệp nước nhà.
Kết quả thật kì diệu, sau đó chỉ một năm, từ một nước thiếu lương triền miên, đến năm 1989 sản lượng lúc gạo đạt con số 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Sau đó, con tàu nông dân Việt Nam vẫn phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng đã có phương hướng đúng để tiến lên. Sản lượng lúa của cả nước ngày càng tăng; trong năm 2012, Việt Nam đạt con số 43,7 triệu tấn, sản lượng gạo xuất khẩu 7,7 triệu tấn mang lại 3,5 tỉ USD, Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới (sau ấn độ). Có thể gọi nghị quyết 10 của Bộ Chính khoá VI là “cây đũa thần” làm chuyển biến mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng và đạt được những thành công lớn trong sự nghiệp đổi mới. Sau 25 năm nhìn lại ta có thể rút ra những bài học quý báu đó là:
Thứ nhất: Đường lối của Đảng có vai trò vô cùng quan trọng vì chính nó quyết định sự thành bại của cách mạng, sự sống còn của Đảng.
Thứ hai: Đường lối, chính sách của đảng phải phù hợp với thực tiễn, phải đúc kết từ cơ sở và người lãnh đạo phải nhạy cảm trước cái mới, biết đúc rút sự sáng tạo của quần chúng, nâng thành chủ trương để đưa vào cuộc sống, tạo ra hợp lực để phát triển đất nước.
Thứ ba: Mọi chủ trương chính sách của Đảng đều phải dựa vào nguyên tắc tôn trọng lợi ích nhân đân; phải gắn người lao động trách nhiệm, nghĩa vụ quyền lợi của mình, phải lấy con người làm động lực phát triển; “đem của dân, sức dân, tài dân để làm lợi cho nhân dân” như Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Thứ tư: Không ngừng coi trọng công tác nghiên cứu lý luận, công tác tư tưởng trên cơ sở bám sát thực tiễn để chủ trương chính sách đi trước mở đường mà không trở thành “vật cản” của thực tiễn và dự báo xu hướng phát triển của xã hội, cung cấp luận cứ khoa học cho các quyết định chính trị của Đảng nhà nước.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khoá VI thật sự là một dấu son, là sự đột phá trong nhận thức của Đảng về chính sách quản lí kinh tế nông nghiệp. Đảng đã vượt lên chính mình khi dám từ bỏ những điều cũ kĩ lỗi thời để vươn tới cái mới, cái hợp lí. Tất nhiên, nền nông nghiệp Việt Nam đang đững trước không ít khó khăn thách thức mới, đòi hỏi phải có quyết sách mới. Sự kì diệu mà “khoán 10” mang lại đã vượt khỏi lĩnh vực nông nghiệp, trở thành thông điệp chỉ sự đột phá chung trong chủ trương, chính sách. Trong đời sống văn hoá xã hội ta hiện nay hay thấy cụm từ “cần một khoán 10 trong khoa học, cần một “khoán 10” trong giáo dục…”. Hi vọng với bài học “khoán 10” của 25 năm trước, Đảng ta sẽ giải quyết tốt những tồn tại hiện nay, tiếp tục ra đời một “khoán 10” mới trong nông nghiệp và nhiều “khoán 10” trong các lĩnh vực khác%.
Minh Hiến , Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Sơn La