Hội thảo trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đồn Mộc Lỵ
Hội thảo trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đồn Mộc Lỵ
Đồn Mộc Lỵ được xây dựng từ năm 1951 trên một núi đá tai mèo độc lập với 1 lô cốt mẹ và nhiều lô cốt nhỏ khác được nối thông với nhau, án ngữ ngã ba quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ và quốc lộ 43 từ Mộc Châu sang Thượng Lào. Lực lượng địch đóng giữ ở đây có hơn một tiểu đoàn được trang bị đầy đủ vũ khí do một quan ba chỉ huy. Ngày 19/11/1952, các đơn vị của trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm này. Sau nhiều giờ chiến đấu ác liệt, ta đã tiêu diệt và bắt sống 350 tên địch cùng nhiều trang bị, vũ khí, giải phóng huyện Mộc Châu, phá tan “chiếc áo giáp sắt” của địch ở Tây Bắc, khai thông tuyến hậu cần cho các trận đánh vào tập đoàn cứ điểm Nà Sản.
Để ghi nhớ chiến công lao, tôn vinh các liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân các dân tộc huyện Mộc Châu. Năm 1998, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra Quyết định công nhận đồn Mộc Lỵ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Năm 2002, nhân dịp Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Mộc Châu, huyện đã quyết định xây dựng nhà bia ghi danh, tưởng nhớ các liệt sỹ đã hi sinh tại đồn Mộc Lỵ. Năm 2009, 2010, huyện tiếp tục làm con đường nối các lô cốt và bậc lên đài chỉ huy trên đỉnh núi, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thăm quan. Năm 2017, nhân dịp Kỷ niệm 65 năm chiến thắng đồn Mộc Lỵ, giải phóng quê hương, huyện Mộc Châu quyết định lập Dự án trùng tu, tôn tạo di tích đồn Mộc Lỵ trở thành điểm du lịch về nguồn sâu đậm và ý nghĩa, để giáo dục truyền thống lịch sử gắn với điểm tâm linh, tôn thờ các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì độc lập- tự do cho nhân dân Mộc Châu.
Sau một năm thực hiện, ngày 16 – 12 – 2018, Huyện ủy Mộc Châu tổ chức “Hội thảo trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đồn Mộc Lỵ” nhằm tiếp thu các ý kiến vào bản thiết kế Di tích. Lấy ý tưởng từ chính trận đánh vào đồn Mộc Lỵ năm 1952, đơn vị tư vấn đã thiết kế một số hạng mục phụ trợ phù hợp với kiến trúc của di tích và bản sắc văn hóa dịa phương, trên cơ sở tôn trọng cảnh quan, bảo vệ nguyên trạng các hạng mục còn lại của di tích. Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào bản thiết kế di tích và cung cấp thêm một số thông tin cho thân nhân liệt sỹ hi sinh trong trận đánh đồn Mộc Lỵ. Các tham luận tại Hội thảo cũng đã góp phần tổng kết ý nghĩa và tư tưởng, nghệ thuật quân sự của trận đánh đồn Mộc Lỵ trong chiến dịch Tây Bắc 1952. Trong quá trình thực hiện dự án, huyện đã xác minh thêm thông tin của 12 liệt sỹ chưa có trong danh sách 53 đồng chí hi sinh được lập từ năm 1997. Cho tới thời điểm hiện tại, huyện đã lập được danh sách 65 chiến sỹ hi sinh trong trận đánh đồn Mộc Lỵ, thuộc 12 tỉnh thành: Hải Dương 23 đồng chí; Cao Bằng 16 đồng chí; Lạng Sơn 06 đồng chí; Bắc Giang 04 đồng chí; Nghệ An 02 đồng chí; Hà Nội 2 đồng chí; Thanh Hóa 01 đồng chí, Thái Nguyên 01 đồng chí; Hải Phòng 01 đồng chí. Trong đó có 37 liệt sỹ đã xác định rõ thông tin, có hồ sơ quản lý tại Sư đoàn 316 và Sở LĐTB-XH tỉnh; còn lại 28 liệt sỹ (trong đó có 6 đồng chí chưa rõ thông tin quê quán) chưa xác định được hồ sơ liệt sỹ do đơn vị nào quản lý.
Đáp ứng lòng mong mỏi của thân nhân các gia đình liệt sỹ và nhân dân Mộc Châu, cùng ngày đã diễn ra Lễ khởi công trùng tu Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đồn Mộc Lỵ dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan, đơn vị: Sư đoàn 316, Viện Lịch sử Quân sự, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Hội Sử học tỉnh, Huyện ủy Mộc Châu và nhiều cơ quan đóng trên địa bàn huyện; đặc biệt là sự tham gia của thân nhân các gia đình liệt sỹ cùng đông đảo cán bộ và nhân dân trong huyện. Sau khi Dự án hoàn thành sẽ góp phần đưa Mộc Châu trở thành địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống lịch sử và là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong cả nước.
Hà Ngọc Hòa
Hội Sử học Sơn La