
LIÊN HIỆP HỘI SƠN LA
THAM LUẬN TẠI ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII ĐẢNG BỘ KHỐI CÁC CƠ QUAN TỈNH
Tại Đại hội lần thứ VIII Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 (ngày 10 – 11/8/2015), đồng chí Trần Đình Yến, Bí thư Chi bộ cơ quan Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Sơn La đã có bài tham luận với chủ đề: “Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh với đội ngũ trí thức – Quan điểm, giải pháp cơ bản xây dựng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong Đảng bộ”. Ban biên tập xin giới thiệu bài tham luận.
--------------------
Sự nghiệp đổi mới càng phát triển càng đòi hỏi có một đội ngũ trí thức có năng lực chuyên môn cao, nhiệt tình cách mạng và lập trường tư tưởng vững vàng. Từ nhận thức đó, Đảng bộ khối phải luôn coi đội ngũ trí thức đang công tác ở các tổ chức cơ sở Đảng, ở các cơ quan ban ngành, đoàn thể của tỉnh thuộc quyền quản lý của Đảng bộ là nguồn trí tuệ quý giá của nhân dân các dân tộc, của tỉnh, của Đảng bộ, là động lực, là đòn bẩy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc trên địa bàn của tỉnh Sơn La và trí thức phải được khẳng định là lực lượng tiêu biểu cho trình độ trí tuệ của Đảng, của Nhà nước và của dân tộc. Từ xa xưa, ông cha ta đã xếp trí thức ở vị trí hàng đầu, nhất sĩ, nhì nông. Năm 1442, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc lên văn bia ở Quốc Tử giám “Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy yếu thì thế nước hèn và càng xuống thấp”. Thời kỳ vận động cách mạng, Bác Hồ chỉ rõ: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, thanh niên, Tân Việt,... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp”. Bác sớm xác định vai trò của trí thức trong cách mạng và đã lôi kéo họ tầng lớp trí thức về phía cách mạng từ những ngày đầu tiên và đã tăng cường sức mạnh cho cuộc cách mạng. Đây là vấn đề mang tính chất chiến lược trong cách mạng mà Bác khẳng định. Bác từng dạy chúng ta: “Trí thức là tài sản, là vốn liếng quý báu của dân tộc, không sợ thừa mà chỉ sợ thiếu và cũng chỉ có cách mạng mới trọng và sử dụng đúng trí thức”. Người khẳng định: “Trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần”.
Quán triệt lời dạy của Bác và tiền nhân, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” thể hiện sự nhận thức đầy đủ, toàn diện của Đảng bộ về các quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp nhằm xây dựng và phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ trí thức trong Đảng bộ thời kỳ đảy mạnh CNH, HĐH đất nước trên địa bàn của tỉnh.
Đánh giá 30 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định là sự phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế, vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN được đánh giá rất cao. Nhờ đổi mới, trí thức Việt Nam có môi trường hoạt động, phát huy trí tuệ, mở ra môi trường hoạt động quốc tế rộng lớn cho trí thức, tạo nên động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ cho trí thức lao động khoa học và sáng tạo, đồng thời tạo nên môi trường lao động khoa học, dân chủ và đồng thuận xã hội cho phát triển trí thức.
Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường người trí thức phải chịu sức ép khắc nghiệt trong cạnh tranh. Do đó đòi hỏi đội ngũ trí thức phải không ngừng học tập, bồi dưỡng để giữ vững thương hiệu cho sản phẩm khoa học và giá trị chất xám của mình. Đồng thời phải biết giữ mình để khỏi bị mặt trái của kinh tế thị trường tha hóa, lôi kéo, đầu độc.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong vận động đổi mới trí thức trong những năm qua còn bộc lộ những yếu kém hạn chế. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng còn chậm và lúng túng (Văn kiện Đại hội X của Đảng). Nhận thức về công tác vận động trí thức, triển khai quán triệt các văn bản của Đảng chính phủ về trí thức của một số cấp bộ và cán bộ chủ chốt chưa sâu sắc, chưa thực sự đổi mới. Cá biệt còn có biểu hiện thành kiến với trí thức, ngại trí thức, đề phòng trí thức. Công tác lãnh đạo xây dựng phát triển đội ngũ trí thức; công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ trí thức cao cấp; việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động khoa học một số nơi còn thiếu sót; chế độ chính sách tài chính v.v. chưa cụ thể, khen thưởng chưa thỏa đáng v.v. Từ hạn chế thiếu sót trên nó ảnh hưởng đến tâm tư, suy nghĩ, thậm trí niềm tin của trí thức đối với Đảng.
Thực trạng đội ngũ trí thức ở Sơn La, ở Đảng bộ chúng ta bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Theo số liệu điều tra vùng Tây Bắc theo chiến lược phát triển đến năm 2010 thì phải có 20-30% tổng số nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (cả nước 40%). Đội ngũ khoa học cũng hẫng hụt và ở mức thấp, nguồn nhân lực y tế thiếu hụt, v.v…
Như vậy những bất cập về cơ cấu, trình độ, về năng lực cả về phẩm chất chính trị, đạo đức của một bộ phận trí thức nó tác động nhiều đến sự phát triển của xã hội.
Từ vấn đề trên đặt ra trí thức Sơn La trong công cuộc đổi mới phải làm gì, làm như thế nào để góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Hiện nay dân số tỉnh Sơn La có hơn 1 triệu người trong đó lực lượng lao động (từ 15 tuổi trở lên) khoảng gần 735 ngàn người chiếm 62,3% dân số. Tổng trí thức toàn tỉnh có trên 30 ngàn người (tính từ cao đẳng trở lên) trong đó Đảng bộ chúng ta chiếm gần một nửa (1/2) đội ngũ trí thức, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của tỉnh. Hàng năm có gần 3.000 sinh viên là con em Sơn La tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng và nguồn từ các địa phương khác về tỉnh Sơn La công tác.
Trí thức Sơn La chủ yếu hoạt động liên quan đến KH&CN chiếm tới 95% còn văn nghệ sĩ, báo chí chiếm 5%. Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La mới thu hút được khoảng gần 2 vạn trí thức. Hiện nay toàn tỉnh đã có trên 1000 trí thức có trình độ trên đại học, trong đó có trên 800 thạc sĩ, trên 40 tiến sĩ, 1 phó giáo sư, hơn 100 bác sĩ chuyên khoa I, khoảng 40 bác sĩ chuyên khoa II. Đội ngũ này đại bộ phận là đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc Đảng bộ khối quản lý. Từ thực trạng trên đặt ra cho Đảng bộ khối trong nhiệm kỳ này phải xây dựng được mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp lãnh đạo đội ngũ trí thức trong Đảng bộ thế nào để đáp ứng với yêu cầu của Đảng bộ tỉnh và sự kỳ vọng của đội ngũ trí thức. Để Đảng bộ gắn bó với đội ngũ trí thức chặt chẽ hơn, để trí thức gần với Đảng hơn, có niềm tin sâu sắc với Đảng (trong nhiệm vụ giải pháp Đảng bộ chưa đề cập hoặc không rõ)
Từ những nhận thức trên theo tôi quan điểm và giải pháp cơ bản để xây dựng đội ngũ KH&CN ở Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh nhiệm kỳ 2015 – 2020 và tầm nhìn 2030 trong thời kỳ CNH-HĐH phải xây dựng một loại hình cán bộ đặc thù, có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH mà Đảng bộ phải có trách nhiệm chăm lo phát triển toàn diện về mọi mặt:
Một là: Xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN trong Đảng bộ phải gắn chặt với sự đoàn kết trí thức, đoàn kết dân tộc, bình đẳng dân tộc và là một bộ phận hữu cơ của nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo, KH&CN.
Xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN trong Đảng bộ bao hàm trong đó không chỉ phát triển nguồn nhân lực (nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao) mà còn thực hiện dân chủ, bình đẳng dân tộc, phải đặt GD&ĐT, KH&CN thật sự là “Quốc sách hàng đầu” thông qua những chính sách ưu tiên phù hợp.
Hai là: Xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN trong Đảng bộ là phải phát triển nguồn nhân lực tinh hoa, một động lực mũi nhọn, là đòn bẩy phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH phải được tiến hành đi trước một bước.
Từ nhiều thế kỷ trước nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng” khẳng định rõ vị trí vai trò của trí thức đối với sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Ba là: Phát huy nguồn lực tại chỗ của các cơ quan, ban ngành, của các tổ chức cơ sở Đảng, của cán hộ đảng viên, đồng thời tăng cường vai trò trách nhiệm của Đảng bộ khối tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ tạo điều kiện của Tỉnh bộ, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương nhất là về cơ chế chính sách, cơ chế tài chính, chế độ khen thưởng thỏa đáng.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong Đảng bộ nó tác động mạnh mẽ, to lớn đến sự phát triển của tỉnh làm chuyển động toàn diện cỗ máy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bốn là: Xây dựng đội ngũ trí thức KH&CN trong Đảng bộ phải bảo đảm theo quy hoạch, cơ cấu hợp lý: ngành, lĩnh vực khoa học, cơ cấu dân tộc … Nó có ý nghĩa rất quan trọng, nó sẽ tạo sức mạnh của đội ngũ trí thức bảo đảm khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, thực hiện được đoàn kết, bình đẳng dân tộc.
* * *
Trí thức KH&CN đang sống, công tác tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thuộc các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh là bộ phận không thể tách rời của đội ngũ trí thức Sơn La. Ra đời, trưởng thành, hoạt động ở một tỉnh miền núi, biên giới có vị trí chiến lược đối với quốc gia dân tộc; Trí thức trong Đảng bộ có vai trò rất quan trọng trong quá trình CNH, HĐH, trước hết là CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, nông dân và là lực lượng đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ nhất trong Đảng bộ, có sức lan tỏa, sâu rộng, toàn diện đến tất cả các địa bàn trong tỉnh.
Để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trên địa bàn của tỉnh không thể thiếu vai trò cực kì quan trọng của trí thức, với tư cách là người đại diện cho trí tuệ của nhân dân các dân tộc, đại diện cho tinh hoa văn hóa truyền thồng, đỉnh cao của tri thức nhân loại, trí thức luôn phải nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của mình đối với tiền đồ của tổ quốc và tiền đồ của tỉnh, của Đảng bộ. Như Đảng ta đã khẳng định: “Không có trí thức, không thể xây dựng CNXH. Đó là quan điểm nhất quán trước sau như một của Đảng ta”
Với tinh thần đó tôi đề nghị Đảng bộ có Nghị quyết lãnh đạo; tăng cường tổ chức Hội thảo khoa học, khảo sát đánh giá đúng thực trạng đội ngũ trí thức của Đảng bộ. Đánh giá nguồn lao động chất lượng cao, các nhà khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn giỏi đang hoạt động ở tất cả các lĩnh vực. Đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất cung cấp những trí thức giỏi có tâm, có tầm, có trí tuệ, có uy tín với tỉnh để tăng cường, bổ sung, luân chuyển cán bộ giỏi cho cơ sở. Đội ngũ trí thức trong Đảng bộ sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và không phụ lòng tin của Ban chấp hành, Ban thường vụ Đảng bộ khối.