Phát hiện các loài cá cóc mới cho khoa học ở vùng Tây Bắc, Việt Nam _*_ Nhân Ngày quốc tế Đa dạng sinh học – 22/5 _*_
PHÁT HIỆN CÁC LOÀI CÁ CÓC MỚI CHO KHOA HỌC Ở VÙNG TÂY BẮC, VIỆT NAM
PGS.TS. Phạm Văn Anh, Trường Đại học Tây Bắc
Các nhà khoa học của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội, Bảo Tàng Thiên nhiên Việt Nam, Vườn thú Cologne (CHLB Đức) và Trường Đại học Tây Bắc vừa phát hiện một số loài Cá cóc mới với mẫu thu ở Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Phú Thọ và Thanh Hoá.
Các nghiên cứu đã tiến hành so sánh đặc điểm hình thái và phân tích mối quan hệ di truyền giữa các loài mới với các loài cùng giống Tylototriton Anderson, 1871 phân bố ở Ấn Độ, Nê-Pan, Việt Nam, Mi-an-ma, Thái Lan, Lào và Trung Quốc. Phát hiện này được công bố trên tạp chí ZooKeys (số 935: 121–164) của Bungari.
Dưới đây là đặc điểm nhận dạng các loài này:
1. Tylototriton pasmansi Bernardes, Le, Nguyen, Pham, Pham, Nguyen & Ziegler
Đầu hơi dài hơn rộng, mút mõm tù và hơi góc cạnh khi nhìn từ phía lưng, khoảng cách giữa hai ổ mắt lớn, gờ giữa lưng nổi rõ ở phần trên đầu; mút ngón tay chặm vào mắt khi áp sát đầu; có nếp gấp da ở cô họng và môi dưới; các nốt sần ở sườn thay đổi từ nhọn đến tròn; gờ đốt sống nổi rõ, cao và hơi gồ ghề phân khúc; da mặt lưng dạng hạt nổi rõ hơn da mặt bụng; da mặt bụng có các nốt sần mịn sắp xếp như nếp nhăn vân ngang.
Loài này được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Phu Canh (Hoà Bình) và Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ).
Ảnh mẫu khi ngâm cồn (mặt lưng và mặt bụng) của loài Tylototriton pasmansi (Ảnh T. Ziegler)
Ảnh mẫu khi sống (mặt lưng và mặt bụng) của loài Tylototriton pasmansi
(Ảnh Phạm Thế Cường)
2. Tylototriton pasmansi obsti Bernardes, Le, Nguyen, Pham, Pham, Nguyen & Ziegler
Đầu hơi dài hơn rộng, mút mõm tù, hơi góc cạnh, hàm dưới hơi nhô ra khi nhìn từ phía lưng, khoảng cách giữa hai ổ mắt lớn, gờ giữa lưng nổi rõ ở phần trên đầu; mút ngón tay chặm vào mắt khi áp sát đầu; có nếp gấp da ở môi dưới rõ; gờ xương bên đầu rõ; da bên sườn nhẵn; gờ đốt sống cao, gồ ghề và phân khúc; da mặt lưng dạng hạt; da mặt bụng có các nốt sần mịn sắp xếp như nếp nhăn vân ngang.
Loài này được phát hiện ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha (Sơn La) và Xuân Liên (Thanh Hoá).
Ảnh mẫu khi ngâm cồn (Mặt lưng và mặt bụng) của loài Tylototriton pasmansi obsti(Ảnh T. Ziegler)
Ảnh mẫu khi sống (Mặt lưng và mặt bụng) của loài Tylototriton pasmansi obsti(ẢnhPhạm Văn Anh)
3. Tylototriton sparreboomi Bernardes, Le, Nguyen, Pham, Pham, Nguyen & Ziegler
Đầu dài hơn rộng, mút mõm tù khi nhìn từ phía lưng; mút ngón tay chặm vào mũi khi áp sát đầu; có nếp gấp da ở cổ họng và môi dưới; nốt sần bên sườn tròn; gờ đốt sống cao, gồ ghề, phân khúc và rộng; da mặt lưng dạng hạt; da mặt bụng có các nốt sần mịn sắp xếp như nếp nhăn vân ngang.
Loài này được phát hiện ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Ảnh mẫu khi ngâm cồn (Mặt lưng và mặt bụng) của loài Tylototriton sparreboomi (Ảnh T. Ziegler)
Ảnh mẫu khi sống (Mặt lưng và mặt bụng) của loài Tylototriton sparreboomi (Ảnh Phạm Văn Anh)
Đây là nhóm Cá cóc thường sống ở các khu rừng thường xanh ít bị tác động, chủ yếu ở các Khu bảo tồn có sinh cảnh được bảo vệ tốt. Nhóm loài này có hình thái đẹp, gần giống như Cá cóc tam đảo, chúng có thể được sử dụng để làm cảnh, phục vụ tham quan, quảng bá phát triển du lịch sinh thái… Tuy nhiên do sống ở môi trường ổn định trong rừng thường xanh, cùng với khả năng di chuyển kém nên nguy cơ tuyệt chủng của những loài cá cóc này cao khi môi trường bị tàn phá hoặc ô nhiễm. Chính vì vậy muốn gìn giữ nguồn gen, các giá trị của đa dạng chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của các loài và của chính chúng ta và các thế hệ mai sau.