NHỮNG PHÁT HIỆN MỚI VỀ CÁC LOÀI ẾCH CÂY Ở TỈNH SƠN LA
PGS.TS. Phạm Văn Anh, Trường Đại học Tây Bắc
Sơn La là một trong 6 tỉnh của vùng Tây Bắc với tọa độ địa lý 20039’ – 22002’ vĩ độ Bắc và 103011’ – 105002’ kinh độ Đông. Về mặt địa lý, rừng tự nhiên trên núi đất thấp của tỉnh Sơn La là phần tiếp nối kéo dài của dãy Hoàng Liên Sơn nhưng lại bị chia cắt bởi hai nhánh sông: Sông Đà ở phía bắc và Sông Mã ở phía Nam. Việc nghiên cứu lưỡng cư nói chung và ếch cây nói riêng ở Sơn La đã được tiến hành từ lâu, theo Nguyen et al. (2009), Nguyen et al. (2010) và các nghiên cứu của Phạm Văn Anh nnk (2012 - 2016) đã thống kê ở Sơn La có hơn 80 loài. Trong thời gian hai năm gần đây các nhà khoa học của Trường Đại học Tây Bắc, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học quốc gia Hà Nội và Vườn thú Cologne (CHLB Đức) đã tiếp tục nghiên cứu và phát hiện các loài lưỡng cư mới cho tỉnh Sơn La. Các kết quả này đã được công bố trên tạp chí khoa học có uy tín trong và ngoài nước như: Tạp chí của Ý (Herpetology Notes, volume 10: 379-386 (2017) và Tạp chí Khoa học của Đại học quốc gia Hà Nội (Tập 34, Số 1 (2018) 48-54). Đáng chú ý có 01 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và 01 loài có tên trong Danh lục Đỏ Thế giới (IUCN, 2020).
Trước tiên là các loài thuộc giống Rhacophorus, bao gồm Ếch cây lưng xanh (Rhacophorus dorsoviridis), Ếch cây đu boa (R. duboisi), Ếch cây phê (R. feae), Ếch cây lớn (R. maximus), Ếch cây ooc lốp (R. orlovi) và Ếch cây màng bơi đỏ (R. rhodopus). Đáng chú ý trong số này có loài Ếch cây lưng xanh rất hiếm gặp, hiện nay mới chỉ ghi nhận ở Sơn La, Lai Châu và Lào Cai, trên thế giới loài này được ghi nhận ở Trung Quốc. Loài Ếch cây phê là loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) (EN: Nguy cấp).
1. Ếch cây lưng xanh (Rhacophorus dorsoviridis)
Loài này có chiều dài thân khoảng 50 – 56 mm; đầu rộng hơn dài; có răng lá mía; nếp da trên màng nhĩ xanh; da nhẵn; lưng màu xanh với một vài đốm trắng nhỏ; hai bên lưng sườn trắng với vệt màu đen lớn ở nách và bẹn; cằm, ngực và bụng trắng.
Ếch cây lưng xanh (Rhacophorus dorsoviridis), ảnh Phạm Văn Anh
2. Ếch cây đu boa (Rhacophorus duboisi)
Loài này có chiều dài thân khoảng 60 – 70 mm; đầu rộng hơn dài; có răng lá mía; nếp da trên màng nhĩ nâu vàng; da đầu nhẵn, lưng có các nốt sần nhỏ; lưng màu xanh ô lưu, với các đốm nâu vàng lớn; hai bên lưng sườn xanh với các đốm trắng, đen xen kẽ; cằm màu nâu ở con đực và màu kem ở con cái, ngực và bụng màu kem.
Ếch cây đu boa(R. duboisi), ảnh Phạm Văn Anh
3. Ếch cây phê (Rhacophorus feae)
Loài này có chiều dài thân khoảng 90 – 120 mm; đầu rộng hơn dài; có răng lá mía; nếp da trên màng nhĩ nâu vàng hoặc vàng hoặc nâu đỏ; da đầu nhẵn; lưng màu xanh sẩm hoặc xanh lá cây, với một vài đốm trắng nhỏ; hai bên lưng sườn xanh; mặt bụng màu nâu đỏ.
Ếch cây phê (R. feae), ảnh Phạm Văn Anh
4. Ếch cây lớn (Rhacophorus maximus)
Loài này có chiều dài thân khoảng 60 – 75 mm; đầu rộng hơn dài; có răng lá mía; nếp da trên màng nhĩ xanh; da nhẵn; lưng màu xanh sẩm hoặc xanh lá cây với một vài đốm vàng nhỏ; hai bên phía trên lưng sườn xanh, phía dưới nâu, có một sọc sáng màu chạy từ mép sau hàm dưới tới bẹn; cằm, ngực và bụng màu kem.
Ếch cây lớn (R. maximus), ảnh Phạm Văn Anh
5. Ếch cây ooc lốp (Rhacophorus orlovi)
Loài này có chiều dài thân khoảng 37 – 53 mm; đầu dài hơn rộng; có răng lá mía; nếp da trên màng nhĩ nâu vàng; da nhẵn; lưng màu nâu vàng với các dải nâu sẩm ngang mắt, phần sau lưng và trên các chi; vùng thái dương nâu, với đốm sáng gần bên dưới màng nhĩ; hai bên lương sườn vàng, nách và bẹn nâu; cằm, ngực và bụng nâu sáng.
Ếch cây ooc lốp (R. orlovi), ảnh Phạm Văn Anh
6. Ếch cây màng bơi đỏ (Rhacophorus rhodopus)
Loài này có chiều dài thân khoảng 35 – 42 mm; đầu rộng hơn dài; có răng lá mía; nếp da trên màng nhĩ nâu đỏ; da nhẵn; lưng màu nâu đỏ với các đốm đen nhỏ li ti; hai bên lương sườn phía trên nâu đỏ, phía dưới vàng, nách có đốm đen lớn; cằm, ngực và bụng màu vàng.
Ếch cây màng bơi đỏ (R. rhodopus), ảnh Phạm Văn Anh
Tiếp theo là các loài thuộc giống Theloderma, bao gồmẾch cây sần an-bo-pan-ta (Theloderma albopunctatum),Ếch cây sần hai màu(T. bicolor),Ếch cây sần gô-đôn (T. gordoni) và Ếch cây sần đỏ (T. lateriticum). Các loài ếch cây này đều thuộc nhóm loài rất hiếm gặp, chúng sống chủ yếu trong các hốc cây, hốc đá có nước do vậy ngay cả những người dân thường xuyên đi rừng cũng ít biết về chúng. Đáng chú ý loàiẾch cây sần hai màu có tên trong trong Danh lục Đỏ Thế giới (IUCN, 2020) (EN: Nguy cấp).
7. Ếch cây sần an-bo-pan-ta (Theloderma albopunctatum)
Loài này có chiều dài thân khoảng 30 – 32 mm; đầu dài hơn rộng; không có răng lá mía; da mặt lưng và hai bên có các nốt sần nhỏ; cằm nhẵn; bụng và mặt dưới các chi có các nốt sần nhỏ; mặt lưng màu kem; trên đầu có một vệt đen hình tam giác; vùng vai có vệt xám kéo xiên về phía hông, gần hông màu kem; giữa lưng có một vệt đen lớn; phần sau lưng kem; bụng và bên dưới các chi nâu, với các sọc xám nhỏ.
Ếch cây sần an-bo-pan-ta (Theloderma albopunctatum), ảnh Phạm Văn Anh
8. Ếch cây sần hai màu (Theloderma bicolor)
Loài này có chiều dài thân khoảng 34 – 45 mm; đầu dài hơn rộng; có răng lá mía nhỏ; mặt lưng có các nốt sần lớn, nhọn; hai bên sườn có các nốt sần nhỏ; cằm có một số nốt sần nhỏ; bụng và mặt dưới các chi ráp; hai bên lưng sườn có các nốt sần nhỏ; cằm có một số nốt sần nhỏ; bụng và mặt dưới các chi ráp; mặt lưng xanh rêu, có các vệt xanh sẫm màu lớn; bên hông có các đốm đen tròn lớn; mặt trên chân có các vệt ngang sẫm màu; bụng có các đốm đen lớn xen kẽ các sọc đứt đoạn trắng.
Ếch cây sần hai màu(T. bicolor), ảnh Phạm Văn Anh
9. Ếch cây sần gô-đôn(Theloderma gordoni)
Loài này có chiều dài thân khoảng 36 – 50 mm; đầu rộng hơn dài; có răng lá mía; mặt lưng mặt lưng có các nốt sần lớn, nhọn; mặt bên có các nốt sần nhỏ, đôi khi không rõ; cằm có nhiều nốt sần nhỏ; bụng và mặt dưới các chi có các nốt sần nhỏ; mặt lưng màu nâu đen, mép lưng sườn và phía sau đùi vàng nhạt; bụng và bên dưới các chi nâu, có các đốm đen nhỏ.
Ếch cây sần gô-đôn(T. gordoni), ảnh Phạm Văn Anh
10. Ếch cây sần gô-đôn(Theloderma lateriticum)
Loài này có chiều dài thân khoảng 22 – 26 mm; đầu dài hơn rộng; không có răng lá mía; mặt lưng có các hạt nhỏ; mí mắt, đùi và sườn trên có các nốt sần nhỏ; bụng ráp; mặt lưng màu đỏ, có một vài đốm đen lớn ở giữa hai mắt và lưng; cánh tay và đùi đỏ nâu, với các vệt ngang màu đen; bụng nâu xám, với các đốm sáng nhỏ.
Ếch cây sần đỏ(T. lateriticum), ảnh Phạm Văn Anh
Sơn La (Tây Bắc Việt Nam) là khu vực có địa hình đồi núi, phức tạp, theo như các nghiên cứu thì khu vực này là một trong bốn trung tâm đa dạng sinh học của cả nước. Các nghiên cứu những năm gần đây của nhóm chúng tôi ở Sơn La đã không ngừng phát hiện ra các loài bò sát, ếch nhái mới cho khoa học, cho Việt Nam và cho tỉnh. Điều đó chứng tỏ rằng, nguồn tài nguyên thiên của tỉnh Sơn La nói riêng là vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Chúng tôi tin rằng sẽ còn nhiều phát hiện thú vị trong tương lai, các phát hiện của chúng tôi với mong muốn đóng góp một phần nào đó cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Sơn La.