Cách ăn uống để “Trường thọ”
Tấn Tuấn
BÍ ẨN CỦA TRƯỜNG THỌ
Khi nói đến sự trường thọ người ta thường nghĩ đến những bài tập dưỡng sinh và thực hiện những chế độ ăn kiêng để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người phải ngạc nhiên trước lối sinh hoạt của những cụ ông, cụ bà sống rất trường thọ ở thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), bởi vì những người nầy lại có thói quen ăn những thức ăn mà các thầy thuốc cho là không có lợi cho sức khỏe, họ cũng không phải khổ luyện công phu mà vẫn sống ngoài trăm tuổi. Theo con số thống kê của Trung Quốc, ở Thủ đô Bắc Kinh có hàng chục người sống trên 100 tuổi. Khi điều tra người ta thấy rằng nhiều người trong số này sống tự nhiên theo sở thích mà không để ý gì tới những kiêng kị để kéo dài tuổi thọ.
Bà Liao Wengying 106 tuổi, người cao tuổi nhất Bắc Kinh kể rằng: Bà thích ăn mỡ và bữa ăn tối bà thích nhất món thịt kho tàu. Người phụ nữ này trông vẫn khỏe mạnh, tai vẫn thính và mắt vẫn tinh. Người ta đoán cùng lắm bà chỉ khoảng 80 tuổi.
Người cao tuổi thứ hai là bà Gua Biru, 105 tuổi, mỗi tháng ăn 2 kg đường trắng và khoảng 3 kg bánh kẹo khác.
Bà Feng koushi ở quận Haidian thích ăn rất mặn. Vậy mà bà không bị huyết áp cao và cũng chẳng có biểu hiện gì về bệnh tim mạch như những phân tích y học thường chứng minh và cảnh báo.
Tuy nhiên, ngoài một vài những trường hợp cá biệt như vậy còn nói chung những người trường thọ đều có lối sống lành mạnh, có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ.
Những người trường thọ này thường ăn những thức ăn đơn giản, không có hàm lượng protein cao và không quá giàu dinh dưỡng. Phần lớn họ sống theo lối truyền thống, có từ 3-5 thế hệ sống chung dưới một mái nhà. Con cháu quây quần bên ông bà và tình yêu thương đùm bọc của đại gia đình làm cho người già lúc nào cũng vui vẻ và đầu óc luôn thoải mái.
Theo điều tra nhân khẩu học thì những người này thường xuất thân từ các gia đình nông dân, có gen “sống thọ”. Cha mẹ của những người cao tuổi hàng đầu trước đây cũng thọ tới 80-90 tuổi hoặc có người sống tới 100 tuổi. Phần lớn những người trường thọ là những người gầy, tầm thước và có một đời sống tinh thần thoải mái, dễ chịu.
ĂN CHAY TRƯỜNG CÓ TỐT ?
Từ lâu đã có nhiều ý kiến tranh luận rằng có nên ăn toàn bằng thức ăn thực vật. Mải đến 10 năm dầu thế kỷ XXI, vấn đề này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Ăn toàn thức ăn thực vật tức là “ăn chay”, nghĩa là trong khẩu phần không có thực phẩm từ động vật như thịt, cá, sữa trứng...
Theo nhà khoa học sinh hóa A.Davis (Mỹ), con người muốn khỏe mạnh chỉ nên ăn các thức ăn từ tự nhiên tươi sống, không qua xử lý bằng nhiệt. Nhưng họ sẽ không tránh khỏi sự mệt mỏi, bị kích động và khô héo trí tuệ, tâm thần không ổn định. hơn thế, cơ thể sẽ mất cân đối, vẹo xương sống, hỏng răng. Nhà dinh dưỡng học G.Shelton cũng cho rằng, thích hợp nhất đối với con người là ăn tươi. Nhà dinh dưỡng Nga Pevre cũng nhấn mạnh đến lợi ích của các thức ăn tươi đối với người ốm, và đề nghị cho những người ốm ăn nhiều rau quả tươi, ít ăn chất đạm từ động vật. Đối với người khỏe mạnh cũng nên như vậy. Theo ông, con người cần ăn nhiều thức ăn có chất kiềm như rau, củ, quả hơn là ngốn các thức ăn như thịt, cá, trứng, đường...
Nếu ăn rau quả ở mức thích hợp thì chúng sẽ có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh. Các nhà khoa học Mỹ và Anh cho rằng ăn nhiều rau, quả làm giảm 40% nguy cơ bị các chứng bệnh tim mạch. Các nhà khoa học Nhật thì chứng minh trong lá hành, bắp cải, cà rốt, cà tím tươi và một số loại rau khác là những chất thuốc chống ung thư, vì trong đó có chứa các chất gây ức chế ung thư phát triển. Tuy nhiên, không nên tuyệt đối hóa tác dụng của việc ăn toàn thức ăn thực vật tươi. Vì trong trường hợp này cơ thể sẽ không đảm bảo được đủ các chất cần thiết như Prôtein, Canxi, sắt, Vitamin B12...
Một người còn trẻ chỉ sau một năm ăn toàn thức ăn thực vật tươi đã xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, suy nhược, gầy còm và ức chế thần kinh. Anh ta đã tìm đến bác sĩ và được khuyên nên ăn các thức ăn động vật được chế biến qua nấu nướng và chỉ một thời gian sau anh ta đã bình thường trở lại. Khi ăn toàn thức ăn tươi. Hệ thần kinh sẽ bị ức chế, sức khỏe suy nhược là do hiện tượng “đói Prôtein”.
Ăn tươi và ăn toàn thức ăn thực vật không thể áp dụng đối với những cơ thể non trẻ đang độ lớn, khi các cơ quan trong cơ thể đang tiếp tục phát triển, Mặt khác, thức ăn nấu nướng đã là thói quen đối với con người từ xa xưa. Vì vậy, thức ăn thực vật tươi rất cần cho cơ thể, nhưng một sự phối hợp khoa học giữa thức ăn tươi với thức ăn nấu nướng, giữa thức ăn thực vật và thức ăn động vật áp dụng thích hợp với từng lứa tuổi từng thể trạng là điều hết sức cần thiết.
ĂN ÍT SỐNG LÂU, SỐNG KHỎE
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, mức sống của con người ngày càng nâng cao, loài người đã bước vào thời đại ăn miếng ngon, chọn miếng lành”, có những điều kiện để thưởng thức món ngon vật lạ. Thế nhưng, nhiều người do ăn quá nhiều đã dẫn tới tác dụng ngược lại. Ăn quá nhiều và ăn không đúng cách sẽ dẫn đến bệnh tật, thậm chí giảm tuổi thọ...
Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong những năm gần đây đã phát hiện ra rằng, quá dư thừa chất dinh dưỡng sẽ làm hại đến khả năng miễn dịch của cơ thể. Nguyên nhân là do chất dinh dưỡng quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng thừa mỡ, béo phệ. Thiếu khả năng miễn dịch, con người thường thiếu sức đề kháng, rất dễ mắc các căn bệnh như huyết áp cao, bệnh tim, xơ cứng động mạch, đái đường, ung thư, bệnh Gút... những căn bệnh đó thật sự là mối hiểm họa vô cùng to lớn cho cơ thể chúng ta.
Các nhà khoa học của một số Trung tâm nghiên cứu ở Mỹ đã phát hiện ra một điều lí thú. Đó là nếu con khỉ được giảm một lượng thức ăn nhất định, thì cơ thể sẽ có một sức sống rất dồi dào. Những cuộc thực nghiệm hạn chế ăn uống được áp dụng đối với cả loài chuột đã cho thấy kết quả đúng với dự đoán. Với loại thức ăn do chuyên gia pha chế, nhiệt lượng được cơ thể chuột hấp thụ chỉ bằng khoảng 65% nhiệt lượng phải cung cấp trong ngày. Kết quả xác định rõ:những con chuột không hạn chế lượng thức ăn, phần lớn chỉ 36 tháng sau là chết, còn những con chuột khác có chế độ hạn chế ăn uống đã sống tới 55 tháng. Đồng thời những con chuột được áp dụng chế độ ăn uống chặt chẽ thường không mắc bệnh tim, bệnh thận. Các chuyên gia còn thiết kế một “mê cung” với đường ngang lối tắt khó lần, thả chuột vào đó buộc chúng tự tìm lối ra. Những con chuột có chế độ ăn uống “kiêng khem” tỏ ra thông minh và kiên trì hơn những con khác, và có sức sống bền bỉ.
Qua đó có thể thấy rằng, hạn chế ăn uống có thể giúp ích cho việc kéo dài tuổi thọ và phát huy được trí thông minh vốn có. Tiến sỹ S.Balat, thuộc trung tâm nghiên cứu quốc gia Mỹ về những người cao tuổi, đã dùng chuột bạch để thí nghiệm và phát hiện thấy rằng, khi chuột tròn 16 tháng tuổi, tương đương với con người ở tuổi 45, nếu giảm đi một nửa lượng thức ăn, tuổi thọ của chuột bạch sẽ tăng thêm 1/3 lần. Từ đó họ đi đến kết luận rằng, khi con người bước vào tuổi trung niên, nếu thực hiện chế độ giảm ăn uống có thể kéo dài thêm tuổi thọ, và có thể sống lâu, sống khỏe.
Từ khoảng 1700 năm trước đây, các danh y Trung Quốc cũng đã phát hiện ra hiện tượng nêu trên. Danh y Trương Hoa đời Tây Tần đã viết trong cuốn Bác vật chí rằng: “Ăn càng ít cơ thể càng khỏe”, tuổi thọ càng cao. Người già ăn càng nhiều, cơ thể càng yếu, tuổi thọ càng giảm”. Danh Y Mã Thông đời nhà Đường cũng có quan điểm tương tự.
Căn cứ vào các kết quả nghiên cứu trong thế kỷ XX, trường đại học California (Mỹ) đã nhận định rằng, tuổi thọ của loài người hiện nay thông thường cao nhất là khoảng 115 tuổi. Nhưng có chế độ giảm ăn thích hợp, có thể kéo dài đến 170 tuổi.
Tất nhiên không phải tất cả các đối tượng khi giảm ăn đều có hiệu quả tốt. Đối với thanh thiếu niên đang độ tuổi phát triển, nếu áp dụng khắt khe chế độ ăn uống, có thể trở thành những “đại diện cho hãng tăm tre”. Theo các nhà khoa học, ăn khoảng 80% nhu cầu là tốt nhất, nên ăn ngon hơn, bổ hơn một chút, bớt no đi một chút. Những lúc nghỉ ngơi nhàn rỗi hoặc những kỳ nghỉ ngơi sau thời gian luyện tập và thi đấu, thì cần khống chế ăn uống một cách có khoa học.
ĂN NGON CHẾT SỚM
Theo Tổ chức Y tế thế giới thì trên 70% các bệnh như dịch tả, thương hàn, lỵ, ngộ độc thực phẩm là do ăn uống kém vệ sinh. Ăn uống không hợp lý, thiếu chất dinh dưỡng sẽ gây ra hàng loạt bệnh như bị khô mắt, tê phù, thiếu máu, bướu cổ ... Còn ăn uống quá thừa chất, không cân đối giữa các chất dinh dưỡng thì gây những chứng béo phì, xơ gan, xơ mỡ động mạch ảnh hưởng đến tuổi thọ.
Tổ chức Y tế thế giới đã nghiên cứu sự liên quan giữa chế độ ăn và các bệnh thường gặp ở người già như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp đã xác định nguyên nhân là chế độ ăn thừa năng lượng, thừa chất béo động vật và muối. Nhu cầu năng lượng luôn phải phù hợp cho từng lứa tuổi, từng đối tượng. Đối với người trên 70 tuổi, nhu cầu năng lượng chỉ khoảng từ 70 đến 80% so với thanh niên. Một công trình nghiên cứu của Pháp cho biết chế độ ăn lấy gạo làm lương thực là tốt nhất đối với người nhiều tuổi. Ngoài ra, các cụ thỉnh thoảng nên thay thế ngũ cốc bằng khoai như khoai lang nghệ, vừa cung cấp chất bột, vừa cung cấp caroten góp phần đảm bảo nhu cầu sinh tố A và cung cấp chất xơ giúp người nhiều tuổi chống bệnh táo bón.
Nên bớt dùng thức ăn ngọt như mức bánh bột vì sự dung nạp chất đường đối với người già lại giảm nếu nồng độ đường vượt ngưỡng thận sẽ gây ra chứng tiểu đường. Về chất đạm, thịt, cá, đậu, hạt đều cung cấp nhiều protid. Để quân bình, các cụ nên dùng mỗi thứ một phần ba tổng lượng (thí dụ : 50 gram thịt, 50 gram cá, 50 gram đậu phụ) hoặc một ngày dùng thịt, ngày dùng cá, ngày dùng tàu hủ. Còn trứng gà, trứng vịt là thực phẩm rất bổ dưỡng nhưng lại cung cấp nhiều cholesterol, vì vậy đối với các cụ mỗi tuần chỉ ăn một lần là đủ.
Về chất béo, nhiều công trình khoa học thông báo mỡ, bơ và dầu dừa cung cấp nhiều acid béo bão hòa là một tác nhân của bệnh xơ vữa động mạch vành tim, còn các loại dầu ăn như dầu đậu nành, dầu bông quì, dầu bắp, dầu mè, dầu cám chứa nhiều acid béo không bão hòa (còn gọi là vitamin F), chúng có tác dụng làm hạ cholesterol huyết, giảm lượng beta-lipoprotein, làm giảm độ đông máu như thế có lợi cho việc điều trị bệnh xơ vữa động mạch và phòng ngừa chứng nhồi máu cơ tim.
Nên ăn dầu sống như trộn dầu vào dĩa xá lách, còn đem dầu chiên, xào thì acid béo sẽ bị bão hòa như mỡ vậy. Thỏa mãn nhu cầu về năng lượng chưa đủ, đối với người có tuổi phải bổ sung sinh tố và những yếu tố vi lượng cần thiết mà các cụ thường bị khiếm khuyết lúc về già.
Trước tiên là Vitamin A mà các chuyên viên dinh dưỡng Mỹ, Pháp chứng minh rằng nó có tác dụng làm thay đổi sự phát triển và biệt hóa biểu bì. Các nhà khoa học này hy vọng sẽ biến đổi được sự bộc lộ của các gen bất thường trong quá trình lão hóa. Ngoài ra, nhiều công trình y học đã chứng minh chất caroten, tiền sinh tố A, có khả năng phòng ngừa một số loại ung thư. Còn caroten lại hiện diện ở nhiều rau trái có màu vàng, màu xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau má, rau lang, cà chua, cải bẹ xanh, cà rốt, bí ngô, cam, thơm ...
Thứ hai là Vitamin C có vai trò quan trọng đối với sức khỏe vì nó tham gia các quá trình tái sinh tế bào, điều hòa sự chuyển hóa chất béo, gia tăng sự hấp thu chất sắt. Vitamin C có ưu điểm là tìm gặp trong các loại rau quả thông thường ở xứ ta như rau cần tây, mồng tơi, cải bẹ trắng, chanh, cam, quít, bưởi, ổi ...
Khoa học về trường thọ thường đề cập đến Vitamin E có tác dụng tổ chức và hoạt động sinh dục. Vitamin E còn là chất chống oxy hóa, bảo vệ nhiều chất khỏi bị tiêu hũy hủy bởi oxy hóa, kiềm chế sự tiêu hao đạm acid nucleic, chống xơ hóa và ưu dưỡng đối với hệ thần kinh và cơ bắp.
Do những tác dụng quan trọng trên, hiện nay Vitamin E được xem như một chất bảo vệ tuổi thọ. Vitamin E hiện diện trong thực phẩm thảo mộc như mộng bắp, mộng lúa mì, giá sống, dầu đậu nành, đậu phộng, dầu bắp. Tiếp là Vitamin R, tên gọi của nhóm Flavonoid trong đó có chất Rutin (nên có tên là vitamin R) có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm độ xuyên thấm của chúng, nên sinh tố Rutin cũng được gọi là viatamin P. Sinh tố Rutin còn có tác dụng chống oxy hóa nên được xem là chất bảo thọ. Sinh tố Rutin hiện diện trong lá trà xanh, chanh, cam, quít, bưởi, hoa hòe ...
Để bổ sung Vitamin R, chỉ cần uống trà xanh hoặc đơn giản hơn uống nước chanh, ăn cam, quít, bưởi.Trong nhóm sinh tố mà người già hay khiếm khuyết có vitamin U, tên gọi này xuất phát từ chữ Ulcus có nghĩa là loét vì tác dụng đầu tiên được xác nhận là chống loét dạ dày tá tràng. Vitamin U được chiết suất từ thực vật có tác dụng chống thoái mỡ ở gan và thành động mạch. Rau tươi nhất là cải bắp tươi chứa nhiều sinh tố U.
Nhờ những tiến bộ trong kỹ thuật phân tích sinh hóa, các nhà khoa học xác định được nhiều yếu tố vi lượng hiện diện trong cơ thể người. Khi về già nồng độ các nguyên tố vi lượng biến đổi rõ rệt. Các nguyên tố vi lượng hữu ích giảm đi nhiều, ngược lại các kim loại độc lại được tích lũy. Sự kiện này làm ảnh hưởng xấu đến việc trao đổi vitamin. Vì vậy cần phải bổ sung các yếu tố vi lượng cần thiết cũng như phải loại ra ngoài các nguyên tố độc bằng phương pháp tăng cường chất dinh dưỡng và phương pháp dùng dược phẩm giải độc.
Về phương diện dinh dưỡng, các chuyên viên khuyến cáo sử dụng ít nhất mỗi tuần vài ba lần những thực phẩm cung cấp nhiều yếu tố vi lượng hữu ích như đậu hạt, gan heo, cá đem lại chât đồng; cà chua, cà rốt ... cung cấp cobalt; rong biển, cá biển cho chất Iod; rau lá xanh đậm như rau lang, rau muống, mồng tơi và đậu hạt đem lại chất mangan; rau lá xanh và thịt đem lại yếu tố selenium.
Để sống lâu chẳng những mỗi chúng ta cần phải lựa chọn sử dụng những yếu tố cần thiết cho cơ thể mà còn phải loại bỏ những thói quen, tật xấu có hại cho sức khỏe như ghiền rượu, ma túy, cà phê, thuốc lá ...