Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 82 năm (1939-2021) ngày truyền thống đảng bộ tỉnh Sơn La
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 82 NĂM (1939-2021) NGÀY TRUYỀN THỐNG
ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA
------
I. NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA 26/12
Năm 1908, trên đồi Khau Cả[1], thực dân Pháp xây dựng Nhà tù Sơn La, ban đầu là nhà tù hàng tỉnh để giam tù thường phạm. Nhưng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhất là sau phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, nhà tù Sơn La đã có sự thay đổi lớn về tính chất, vừa là nhà tù hàng tỉnh vừa là nhà ngục đày ải tù chính trị. Tên gọi Ngục Sơn La bắt đầu từ đó[2]. Thực dân Pháp lựa chọn vùng núi non heo hút Sơn La là nơi giam cầm, đày ải những người tù cộng sản với âm mưu vô cùng thâm độc,chúng thừa nhận: “Chỉ cần một thời gian không lâu, sốt rét, bệnh tật và công việc khổ sai sẽ tiêu hao chúng một cách êm thấm” hay “chỉ trong sáu tháng, vi trùng sốt rét sẽ làm cho chúng trở nên hiền lành”[3]. Chính vì thế, từ những năm 30 của thế kỷ XX, nhiều đoàn tù chính trị đã bị đưa lên Sơn La với mục đích như thế. Từ năm 1930 đến năm 1944 đã có 1007 tù chính trị bị đi đày tại Sơn La, trong đó có nhiều đảng viên, những người yêu nước, nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Trần Huy Liệu… Trong điều kiện sống cực khổ, lao động cực nhọc, bệnh tật và âm mưu thâm độc của kẻ thù hung ác, đã có bao chiến sỹ cộng sản, những người con yêu nước đã yên nghỉ ngàn thu dưới Nghĩa trang gốc ổi, vì độc lập, tư do của Tổ quốc trong lúc tuổi đời còn rất trẻ. Trong giá lạnh thấu xương của núi rừng Tây Bắc, nơi được mệnh danh là “rừng thiêng nước độc”, nhưng trong chốn lao tù, dưới gông cùm đày đọa của kẻ thù, những người tù Cộng sản bằng ý chí, nghị lực và niềm tin sắt đá vào ngày mai tươi sáng đã quyết tâm và làm nên điều vô cùng lớn lao và ý nghĩa, vượt ra khỏi sự kiểm soát của kẻ thù đế quốc, đó là thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản tại Nhà tù Sơn La vào tháng 12 năm 1939.
Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ,Nhà tù đế quốc đã biến thành trường học cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ cho Đảng, cho tỉnh Sơn La lớp cán bộ đầu tiên, đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời, phát triển phong trào cách mạng ở Sơn La. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục của tù chính trị, các tầng lớp nhân dân các dân tộc Sơn La đã giác ngộ, trung thành, đoàn kết dưới ngọn cờ vinh quan của Đảng, chuẩn bị tốt các điều kiện quan trọng, có tính quyết định để Sơn La khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Chi bộ Nhà tù Sơn La là chi bộ được thành lập sớm nhất trên địa bàn Tây Bắc nói chung, Sơn La nói riêng, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tù chính trị tại Nhà tù Sơn La lúc bấy giờ, đồng thời cho thấy sự phát triển lớn mạnh của Đảng Cộng sản Việt Nam đã vượt qua mọi gông cùm, tra tấn của kẻ thù. Chi bộ Nhà tù Sơn La ra đời đã tạo ra bước ngoặt lịch sử đối với sự phát triển phong trào đấu tranh giành tự do, độc lập của nhân dân các dân tộc Sơn La.
Từ căn cứ lịch sử sống động, đặc biệt ý nghĩa ấy, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy đã phối hợp với Viện Lịch sử Đảng – Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tập trung triển khai nghiên cứu, xây dựng báo cáo khoa học về chủ đề xác định ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La. Việc nghiên cứu xác định ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La được Ban Thường vụ tỉnh ủy chỉ đạo sát sao, triển khai các bước chặt chẽ, đảm bảo khách quan, khoa học.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, phân tích sâu sắc, toàn diện và đồng thuận cao của các nhà khoa học chuyên ngành lịch sử Đảng, cơ quan quản lý có nhiệm vụ liên quan của Trung ương, địa phương, các đồng chí nguyên là Bí thư tỉnh ủy, ngày 16/8/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La (khóa XV) đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, lấy ngày 26/12 là Ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh Sơn La. Việc nghiên cứu, xác định ngày truyền thống Đảng bộ tỉnh có ý nghĩa quan trọng, nhằm khẳng định tính tất yếu, khách quan, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng trong các giai đoạn lịch sử; vai trò, vị trí, tầm quan trọng đặc biệt sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
II. CHẶNG ĐƯỜNG VẺ VANG 82 NĂM ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA (1939-2021)
1. Quá trình vận động cách mạng, đấu tranh giành chính quyền (1930- 1945)
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cuối tháng 12 năm 1939, các đảng viên trong nhà tù đã bí mật thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La, gồm 10 đồng chí, đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư. Ngay từ ngày đầu thành lập Chi bộ Nhà tù đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ: Lãnh đạo mọi hoạt động trong nhà tù, đề ra phương hướng tổ chức các cuộc đấu tranh với kẻ thù. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng; đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lý luận Mác - Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng; xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong, bên ngoài nhà tù; tìm cách bắt liên lạc với xứ ủy và Trung ương Đảng.
Bằng nhiều biện pháp, hình thức linh hoạt, mềm dẻo, đầy sáng tạo trong việc tuyên truyền, vận động, ánh sáng cách mạng của Đảng từ Chi bộ nhà tù, từ các đảng viên Chi bộ nhà tù đã lan tỏa, ngày càng ảnh hưởng sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân, ban đầu ở khu vực tỉnh lỵ, dẫn đến sự ra đời của 2 tổ chức cách mạng đầu tiên ở châu lỵ Mường La và ở tỉnh lỵ. Từ tỉnh lỵ, phong trào cách mạng nhanh chóng phát triển ra các vùng tiếp giáp như vùng Chiềng Xôm (nay thuộc thành phố Sơn La), vùng Mường Chanh (Mai Sơn), bản Lầm, Tranh Đấu (Thuận Châu)…Đến đầu năm 1945, toàn tỉnh đã có hơn 60 cơ sở cách mạng ở các châu, tạo tiền đề vững chắc để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng thắng lợi khi thời cơ chín muồi.
Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Thời cơ ngàn năm có một cho nhân dân Việt Nam vùng lên giành độc lập dân tộc. Nắm bắt thời cơ, ngày 21/8/1945, tại Sơn La, đồng chí Chu Văn Thịnh triệu tập, chủ trì cuộc họp Ban lãnh đạo khởi nghĩa quán triệt nội dung lời kêu gọi khởi nghĩa của Hồ Chủ tịch, mệnh lệnh của Tổng bộ Việt Minh, bàn những vấn đề cấp bách về tổ chức lực lượng vũ trang khởi nghĩa, kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền ở các châu và tỉnh lỵ. Từ tối ngày 22/8 công tác chuẩn bị, kế hoạch khởi nghĩa ở các châu đã được chuẩn bị khẩn trương. Từ ngày 23/8 khởi nghĩa giành chính quyền bắt đầu diễn ra ở các châu Mường La, Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu…đến ngày 25/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng ở tỉnh lỵ diễn ra thắng lợi. Bộ máy chính quyền cấp tỉnh thành lập, ông Cầm Văn Dung làm Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh ủy Sơn La. Ban Cán sự Việt Minh tỉnh Sơn La do đồng chí Chu Văn Thịnh làm Chủ nhiệm. Ngày 26/8/1945, tại lễ mít tinh trên đồi Khau Cả, đồng chí Chu Văn Thịnh - Chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh thay mặt Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Sơn La tuyên bố trước toàn thể nhân dân các dân tộc: khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng hoàn toàn thắng lợi, xóa bỏ chính quyền thực dân, phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng; kêu gọi nhân dân các dân tộc đoàn kết, bình đẳng, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau xây dựng cuộc sống, ủng hộ Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ủng hộ Việt Minh.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là mốc lịch sử quan trọng trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Sơn La. Làm nên thắng lợi vĩ đại ấy là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, đó là sức mạnh đoàn kết, lòng yêu nước, ý chí căm thù, tinh thần bất khuất chống giặc của nhân dân các dân tộc…Trong đó, sự lãnh đạo, quá trình xây dựng, chuẩn bị về lực lượng, tổ chức của Chi bộ nhà tù Sơn La đóng vai trò quyết định.
2. Thời kỳ đấu tranh bảo vệ chính quyền, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1945- 1954)
Vừa giành được chính quyền, chúng ta lại phải đương đầu với hơn 20 vạn quân Tưởng từ phía Bắc tràn xuống nước ta lấy danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật nhưng thực chất chúng âm mưu bóp chết chính quyền non trẻ và xâm lược nước ta.
Tại Sơn La, ngày 31/8/1945, quân Tưởng nhân danh đồng minh đã kéo đến phá hoại chính quyền cách mạng. Trong khi đó, quân Pháp từ biên giới Trung Quốc vào chiếm tỉnh lỵ Lai Châu (cũ) và Thượng Lào rồi đánh xuống Sơn La với âm mưu chiếm toàn bộ Tây Bắc trong thời gian nhanh nhất. Ngày 3/01/1947, chúng đánh chiếm tỉnh lỵ Sơn La.
Nhân dân các dân tộc Sơn La dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã cùng với lực lượng quân sự Chiến khu II anh dũng chiến đấu cầm chân, ngăn chặn bước tiến nhanh của thực dân Pháp. Nhiều cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt, gây cho thực dân Pháp nhiều tổn thất như trận Mường Mùn (Tuần Giáo), ở Chiềng Pấc (Thuận Châu)…Do tương quan lực lượng chênh lệc giữa ta với địch lớn, lực lượng vũ trang địa phương và bộ đội chủ lực được Trung ương tăng cường phải thực hiện phương châm tác chiến vừa đánh vừa kiềm chế và tiêu hao sinh lực địch, vừa khôn khéo rút lui để bảo toàn lực lượng, đánh lâu dài. Đến tháng 10/1947, thực dân Pháp cơ bản kiểm soát được các địa bàn trong tỉnh, trừ Mường Bang, Mường Lang, Mường Do của huyện Phù Yên.
Tình hình chiến sự diễn biến ác liệt. Để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo phong trào kháng chiến, Trung ương Đảng đã điều động các đợt những cán bộ cốt cán tăng cường lên Sơn La. Vì vậy, đến tháng 10/1946, Chi bộ đảng tỉnh Sơn La được thành lập, đồng chí Trần Quyết, Bí thư tỉnh ủy làm Bí thư Chi bộ, đến đầu năm 1947, Ban Tỉnh ủy Sơn La thành lập, đánh dấu bước phát triển quan trọng về tổ chức bộ máy lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Sơn La. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, những chủ trương quan trọng, cấp bách đã được chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả, trọng tâm như gấp rút đào tạo cán bộ, xây dựng căn cứ kháng chiến, thành lập các đội vũ trang tuyên truyền để bí mật luồn sâu vào vùng sau lưng địch hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng các cơ sở cách mạng; xây dựng lực lượng dân quân, du kích, xây dựng bộ đội địa phương; đẩy mạnh đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, cản phá các cuộc phản kích, khủng bố của địch vào các khu căn cứ kháng chiến; diệt tề, trừ gian và phá thế kìm kẹp của địch. Với những biện pháp tích cực đó, từ cuối năm 1948, phong trào kháng chiến trên địa bàn toàn tỉnh từng bước được củng cố và ngày càng lớn mạnh, phát triển rộng khắp, nhiều địa bàn của các huyện Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Yên Châu đã xây dựng được những khu du kích, cơ sở cách mạng vững chắc như: Y Lương, Mường Mần, Hát Lót, Mường Sai (Mai Sơn), Mường Bú, Mường Chùm, Mường Bằng (Mường La), Long Hẹ, Mường Bám (Thuận Châu), Mường Do, Mường Bang, Mường Lang, Mường Cơi (Phù Yên), Mường Lựm (Yên Châu), bản Mòn, A Má, Bó Sập, Chiềng Khừa, Tú Nang (Mộc Châu). Cùng với phong trào kháng chiến, hệ thống chính trị Đảng bộ tỉnh Sơn La từng bước hình thành, không ngừng được củng cố, phát triển, như Ty bình dân học vụ, Tỉnh đội bộ dân quân; Mặt trận Việt Minh Sơn La và các tổ chức cứu quốc không ngừng lớn mạnh về tổ chức. Đến cuối năm 1948, Mặt trận Việt Minh và các Hội cứu quốc đã phát triển rộng khắp các các địa bàn trong toàn tỉnh. Số hội viên phát triển nhanh, từ 520 người lên 2.490 người năm 1949. Các xã trong khu căn cứ thành lập Ban chấp hành hội cứu quốc; trong vùng hậu địch có Tổ trưởng Tổ cứu quốc.
Phong trào kháng chiến phát triển vững chắc, đã làm thất bại âm mưu thâm độc lập vành đai trắng của thực dân Pháp, tạo ra thế trận mới cài răng lược giữa ta và địch, dồn địch vào thế bị động, mất hậu phương an toàn.
Sơn La là tỉnh có đường biên giới với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Thực hiện chủ trương tăng cường giữ đỡ cách mạng Lào, với sự phát triển vững chắc phong trào kháng chiến ở Sơn La, do đó, Trung ương Đảng, Liên khu ủy X giao Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, giúp đỡ đội xung phong Lào Bắc[4] xây dựng địa bàn đứng chân, tổ chức lực lượng tiến vào gây cơ sở cách mạng ở tỉnh Sầm Nưa (Lào). Bản Lao Khô thuộc xã Chiềng On (nay thuộc xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) được chọn để Đội xung phong Lào Bắc đứng chân. Nhân dân bản Lao Khô dù chịu sự kìm kẹp của thực dân nhưng đã phát huy tốt vai trò trong việc bảo vệ, giữ bí mật, giúp đỡ lương thực, thực phẩm cho Đội. Đến cuối năm 1948, Đội xung phong Lào Bắc đã xây dựng được các cơ sở đứng chân trên các địa bàntỉnh Sầm Nưa. Sự hình thành các khu căn cứ Lao Măng, Lao Hùng ở tỉnh Sầm Nưa có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với cách mạng Lào và Việt Nam. Các khu căn cứ Lào - Việt "dựa lưng", che chắn cho nhau, đoàn kết kháng chiến chống thực dân Pháp.
Trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào kháng chiến ở tỉnh Sơn La và các địa bàn tỉnh Sầm Nưa đã đẩy giặc Pháp vào thế co cụm phòng thủ, mở ra điều kiện mới để Trung ương Đảng quyết định tiến tới giải phóng Tây Bắc.
Tháng 9/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch giải phóng Tây Bắc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc hăng hái tham gia chuẩn bị chiến trường, tổ chức tốt công tác vận tải và tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội chủ lực, chuẩn bị lực lượng để tiếp quản vùng giải phóng, những việc phải làm ngay sau khi giải phóng; đẩy mạnh hoạt động chiến đấu phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt địch.
Chiến dịch Tây Bắc kết thúc, ngày 22/11/1952, tỉnh Sơn La cơ bản được giải phóng. Tháng 8/1953, chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Nà Sản, Sơn La hoàn toàn được giải phóng.
Sau ngày giải phóng, công tác củng cố bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; tuyên truyền, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống mới; đóng góp sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ được đẩy mạnh. Mặc dù âm mưu, nhất là hành động phá hoại của tàn quân phỉ diễn biến phức tạp, nhưng nhân dân các dân tộc không nao núng, không ngại hy sinh, gian khổ, ngày đêm băng rừng, trèo đèo cao, vượt suối sâu để vận chuyển lương thực, đạn dược cho bộ đội, góp phần vào công tác chuẩn bị chiến dịch giải phóng Điện Biên. Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian nan và anh dũng, ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Tỉnh Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là hậu phương trực tiếp của chiến dịch quyết chiến chiến lược, góp phần làm niên chiến thắng "Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Riêng về lương thực, thực phẩm, tỉnh Sơn La đã đóng góp 3.607 tấn gạo (vượt chỉ tiêu 52 tấn), thịt các loại trên 144 tấn (vượt chỉ tiêu 84 tấn), mỡ gần 3 tấn (vượt 2,5 tấn); rau các loại 140 tấn[5]. Riêng huyện Thuận Châu, huyện tiếp giáp với mặt trận Điện Biên Phủ, đồng bào đã huy động được 950 tấn gạo, 61 tấn thịt, 37 tấn rau các loại. Những thắng lợi to lớn đạt được trong công cuộc xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, góp phần cùng với cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh; sự vận dụng sáng tạo đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn địa phương. Sức mạnhtinh thần đoàn kết, anh dũng của nhân dân các dân tộc đã được phát huy mạnh mẽ, giành thắng lợi vẻ vang.
Công lao to lớn của Đảng bộ, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La trongcuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng, truy tặng 20 tập thể, 6 cá nhân danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và nhiều phẩn thưởng cao quý.
3. Sơn La góp phần thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam vàthống nhất nước nhà (1954 - 1975)
Theo Hiệp định Giơnevơ (1954), nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền Nam, Bắc. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa. Miền Nam vẫn chìm dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai.
Ngay sau khi được giải phóng, nhân dân các dân tộc ở các châu dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ và Đảng bộ Khu Tây Bắc (từ 1963 gọi là Đảng bộ Khu tự trị Tây Bắc)[6] đã bắt tay ngay vào khôi phục kinh tế bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, hoàn thành khẩu hiệu "người cày có ruộng". Trong lần duy nhất lên thăm Sơn La, Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1959), tại Thuận Châu, Bác Hồ nói: "Từ khi hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc, bộ đội và cán bộ lại càng đoàn kết chặt chẽ, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống, giữ gìn an ninh trật tự. Đảng và Chính phủ rất vui lòng trước những thành tích đó"
[7].
Dù thời gian chuyến thăm Sơn La, Tây Bắc không nhiều nhưng hình ảnh, những lời dạy bảo ân cần của Bác có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nguồn sáng soi dọi đường đi khônggì làm tắt được, thôi thúc mọi người tiến lên không ngừng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau 10 năm khôi phục, cải tạo và xây dựng CNXH (1954 - 1964), Sơn La đã có một bước tiến dài trên nhiều lĩnh vực. Từ một nền kinh tế nông nghiệp phân tán, nghèo nàn, lạc hậu, Son La đã phấn đấu trở thành một địa phương có nền kinh tế bước đầu phát triển. Mạng lưới giao thông vận tải; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như cơ khí, điện, vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm, in ấn…được quan tâm đầu tư. Với chủ trương điều chỉnh nhân lực miền xuôi lên miền núi phát triển kinh tế, bảo vệ Tổ quốc, Sơn La đã đón hàng chục vạn lao động của các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hà Tây, do đó hệ thống nông, lâm trường bắt đầu hình thành, khai thác tiềm năng đất đai, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa, giáo dục đều có bước tiến quan trọng. Sự nghiệp giáo dục phát triển nhanh, hàng ngàn giáo viên miền xuôi tình nguyện lên Sơn La xây dựng văn hoá - giáo dục; hệ thống Trường Thanh thiếu niên dân tộc được hình thành. Hầu hết các xã từng bước mở trường phổ thông cấp I, trường phổ thông cấp II; một số huyện xây dựng trường phổ thông cấp III; chữ Thái được cải tiến, bộ chữ Mông ra đời, các trường nghiệp vụ và kỹ thuật được hình thành.Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, hầu hết các xã có trạm xá, túi thuốc và cán bộ y tế hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh. Sơn La góp phần cùng với các tỉnh miền Bắc trở thành chỗ dựa vững chắc về vật chất và tinh thần cho cuộc đấu tranh giải phóng của đồng bào miền Nam ruột thịt.
Cuối năm 1964 đầu năm 1965 chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ bị phá sản về căn bản; Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược "chiến tranh cục bộ", một hình thức cao của chiến tranh thực dân kiểu mới, đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện "vịnh Bắc Bộ" tạo cớ để leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 02/1965, đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh bắn phá lần thứ nhất miền Bắc.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tháng 5/1965, Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết chuyển công tác từ thời bình sang thời chiến, vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Ngày 14/6/1965, không quân Mỹ đã đánh phá dữ dội trung tâm kinh tế Mộc Châu, mở đầu cuộc đánh phá có tính chất huỷ diệt đối với Sơn La. Từ năm 1965 đến 1968 và năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động gần 6.000 lần tốp máy bay đánh phá trên các địa bàn, trọng điểm bị đánh phá như cầu Tà Vài, cầu Chiềng Đông (Yên Châu), cầu Nà Hay (Thuận Châu); trung tâm hành chính ở thị xã và thị trấn; các cơ sở bệnh viện, trường học đều là mục tiêu đánh phá. Đồng thời đế quốc Mỹ tăng cường triển khai chiến tranh tâm lý, tung gián điệp, biệt kích, kích động các phần tử phản động địa phương phao tin đồn nhảm, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… nhằm gây mất ổn định chính trị ở vùng biên giới phía Tây Bắc.
Với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, quân và dân đã tổ chức chiến đấu sáng tạo, anh dũng, giành thắng lợi ngay từ trận đầu. Ngày 14/6/1965, quân và dân Sơn La đã bắn cháy, rơi trên địa bàn huyện Mộc Châu 02 máy bay giặc Mỹ, liên tiếp lập công trong những năm tiếp theo. Thành tích những ngày đầu chiến đấu đã được Bác Hồ gửi thư khen gợi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý cho quân và dân các dân tộc Sơn La.
Mặc dù chiến tranh diễn ra hết sức ác liệt, nhưng nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa chủ động chiến đấu, phục vụ chiến đấu vừa đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tốt mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, củng cố hệ thống chính vững mạnh, đảm bảo công tác đối ngoại, góp phần chi viện tiền tuyến với tinh thần “Tiền tuyến cần người Sơn La có đủ, tiền tuyến cần của Sơn La sẵn sàng” kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược. Từ năm 1965 đến năm 1974, toàn tỉnh đã tiễn đưa 10.949 thanh niên nhập ngũ, chiếm 38% tổng số nam nữ thanh niên, chiếm 2,7% dân số trong tỉnh (so với dân số năm 1974); lực lượng dân quân tự vệ phát triển, chiếm 13% so với dân số; bắn rơi 76 máy bay giặc Mỹ, bắt gọn 60 vụ biệt kích, thám báo. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế đối với cách mạng Lào.
Bên cạnh những mất mát, hy sinh lớn lao, Đảng bộ, chính quyền, quân, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã lập công xuất sắc. Ghi nhận công lao to lớn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước đã tặng Đảng bộ, quân, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La những phần thường cao quý, tỉnh Sơn La được tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 9 đơn vị, 5 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; 4 cá nhân, 4 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng lao động. Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do - Huân chương cao quí nhất cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sơn La.
5. Sơn La trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện
Năm 1975, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam bước sang thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1980), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ IV (năm 1976), lần thứ V (năm 1977), lần thứ VI (năm 1980) và lần thứ VII (1983), trong 10 năm (1976 - 1985) phấn đấu, tỉnh Sơn La đã giành được những thành tựu trên các lĩnh vực, duy trì, giữ vững ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền quan trọng để bước vào thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với bốn nội dung trọng tâm:“đổi mới chủ trương, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phá thế bao vây cấm vận, tiếp tục phát triển.
Sơn La những năm đầu bước vào thực hiện công cuộc đổi mới gặp không ít khó khăn, thách thức mới nảy sinh. Là tỉnh có khoảng 80% lao động sản xuất nông nghiệp, nhưng có khoảng 40 ngàn người bị đứt bữa; gần 10 ngàn lao động trong tỉnh không có việc làm ổn định. Công cuộc di dân tái định cư vùng lòng hồ sông Đà để xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân 22 xã thuộc 7 huyện nằm dọc hai bên bờ sông Đà. Diện vận động định canh, định cư trong toàn tỉnh chiếm 42% dân số.
Phát huy truyền thống Sơn La anh hùng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ tỉnh ủy, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Sơn La đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành quả to lớn về mọi mặt, là tỉnh đạt tổng sản phẩm (GRDP) cao thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ (năm 2020). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 55.300,310 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong 20 năm (2000 – 2020), tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 60,96% xuống còn 25,5%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,49% lên 28,71%; dịch vụ tăng từ 29,55% lên 38,74%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm.
Cơ cấu các ngành kinh tế có sự chuyển biến rõ nét, thực chất hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Sản xuất công nghiệp duy trì tốc độc tăng trưởng; tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có ý nghĩa chiến lược đối với tăng trưởng xanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với mở rộng thị trường xuất khẩu góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị tăng thêm khu vực công nghiệp (theo giá so sánh) năm 2004 đạt 125 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 6.272 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của tỉnh bình quân giai đoạn 2004 - 2020 đạt 27,63%/năm([8]). Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng từ 5,6% (năm 2004) lên 21,36% (năm 2020).
Cơ cấu sản xuất công nghiệp có sự dịch chuyển tích cực theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, chuyển dần từ chế biến thô sang chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm; cơ cấu lại ngành công nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong đó đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến([9]), giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; giữ vững ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tỉnh và hòa lưới điện quốc gia
([10]).
Sản xuất nông, lâm nghiệpcó sự chuyển dịch quan trọng từ thuần nông, quảng canh, tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến, khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh; tăng cường thâm canh, tăng vụ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; một số sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và nước ngoài,như các sản phẩm từ sữa, chè, cà phê, nhãn, xoài....Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung có diện tích hợp lý, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường; đã hình thành một số mô hình hiệu quả như: Vùng nguyên liệu rau khoảng 11.000 ha tập trung tại một các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn; vùng nguyên liệu mía đường khoảng 7.619 ha tập trung chủ yếu tại các huyện: Mai Sơn và Yên Châu; vùng nguyên liệu sắn khoảng 37.000 ha tập trung chủ yếu các huyện: Thuận Châu, Sông Mã, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Phù Yên, Bắc Yên; vùng nguyên liệu chè khoảng 5.535 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mộc Châu, Vân Hồ, Thuận Châu; vùng nguyên liệu cà phê khoảng 17.687 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu và thành phố Sơn La; vùng nguyên liệu cao su 5.879 ha tập trung chủ yếu các huyện: Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Quỳnh Nhai, Mai Sơn; vùng nguyên liệu cây ăn quả và cây sơn tra khoảng 78.850 ha, tập trung ở một số huyện như: Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Mường La...Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 196 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 21 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; có 614 hợp tác xã, 06 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp.
Chăn nuôi được quan tâm phát triển toàn diện cả về quy mô và cơ cấu, từng bước chuyển hướng đầu tư theo chiều sâu, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm, tăng quy mô hàng hóa trong cơ cấu phát triển. Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, mở rộng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ gia đình([11]). Diện tích nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đạt 2.767 ha, số lồng nuôi: 8.758 lồng, sản lượng thủy sản: 8.335 tấn; so với năm 2004 diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 84,7%; sản lượng thủy sản tăng 242,6%. Quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên. Khuyến khích trồng các cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và định hướng phát triển của các huyện, thành phố; đẩy mạnh phát triển mô hình nông lâm kết hợp gắn với khai thác rừng bền vững và thực hiện các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt kết quả bước đầu quan trọng.Xây dựng nông thôn mới có thể coi như một cuộc cách mạng đổi mới với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 49 xã; 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; số tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt được bình quân/xã: 13,5 tiêu chí; thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, ngành nghề và thị trường. Kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, trung tâm thương mại, siêu thị đến các chợ đầu mối, chợ trung tâm tại các đô thị, chợ huyện và chợ xã, ở các cụm dân cư; bảo đảm cung ứng các nhu cầu cơ bản cho đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới. Thương mại, dịch vụ quốc tế, đặc biệt trong hợp tác kinh tế với các địa phương nước bạn Lào ngày càng được đẩy mạnh, góp phần khai thác tiềm năng, củng cố quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt - Lào, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh chính trị trong tình hình mới. Du lịch có sự phát triển mạnh cả về số lượng khách, loại hình và sản phẩm; hạ tầng du lịch được tập trung quy hoạch và đầu tư. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2004 (theo giá so sánh) đạt 596,325 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 11.555 tỷ đồng; bình quân giai đoạn 2004-2020 tăng 20,1%; tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP của tỉnh tăng từ 34,92% năm 2004 lên 38,74% năm 2020.
Hoạt động tài chính, ngân hàng, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển đạt hiệu quả, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hoàn thiện. Công tác thu, chi có sự chuyển biến tích cực, chuyển dịch theo hướng tăng thu nội địa, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Những giải pháp huy động, sử dụng các nguồn lực đầu tư phát triển được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thu hút được một số tập đoàn kinh tế, nhà đầu tư tiềm năng đến khảo sát và triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu như Tập đoàn TH; Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn FLC, Tập đoàn Quế Tâm; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)…. Hệ thống hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, góp phần kết nối giao thương, phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường liên kết vùng. Hạ tầng thủy lợi được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng năng lượng, điện nông thôn phát triển, 97,5% hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được mở rộng, hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ rệt, hạ tầng huyện mới thành lập, các khu công nghiệp, thương mại, bưu chính, viễn thông, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao và du lịch được đầu tư ngày một đồng bộ, theo hướng hiện đai, đáp ứng yêu cầu phát triển và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ của nhân dân.
Công tác sắp xếp, ổn định dân cư các xã, bản đặc biệt khó khăn, vùng tái định cư các công trình thủy điện được quan tâm. Đặc biệt, Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai cuộc đại di dân tái định cư để phục vụ xây dựng hai công trình thế kỷ: thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Riêng thủy điện Sơn La, đã di chuyển 12.584 hộ với 54.282 nhân khẩu của ba huyện Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu đến nơi ở mới. Vùng tái định cư các công trình thuỷ điện cơ bản được đầu tư đồng bộ, khoa học và công tác khuyến nông được triển khai tích cực; đời sống và sản xuất của nhân dân vùng tái định cư từng bước ổn định, được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Văn hóa, xã hội phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện.Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân được quan tâm. Các thiết chế văn hoá, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả tích cực. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - đoàn thể, sự ủng hộ tích cực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa đến năm 2020 đạt 70%; Tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa đến năm 2020 đạt 49,5%; Tỷ lệ cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa đến năm 2020 đạt 97%.
Công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử được quan tâm, đạt được nhiều kết quả tích cực.Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh;tư liệu, hiện vật như: Sách Thái cổ, sách Dao cổ, trống đồng, trang phục các dân tộc, sản phẩm đan lát…; di sản văn hóa phi vật thể của 9 dân tộc[12] về Tiếng nói, chữ viết; Ngữ văn dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian được rà soát, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học quản lý. Đến năm 2020, tỉnh đã nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học được 13 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, trong đó có 12 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận và đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[13]. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, chế tác, thể hiện, truyền dạy và tư liệu hóa 14 loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc[14]. Thể dục, thể thao quần chúng ở cơ sở tiếp tục được phát triển rộng trên tất cả các đối tượng và địa bàn theo hướng xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng; chất lượng phong trào từng bước được nâng lên, tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng, góp phần nâng cao sức khoẻ, xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh ở cơ sở và gắn với việc xây dựng nông thôn mới.
Mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển rộng khắp; mỗi xã, phường, thị trấn có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung tâm học tập cộng đồng; đến năm 2020 toàn tỉnh có 597 cơ sở giáo dục, 2.279 điểm trường lẻ và 204 trung tâm học tập cộng đồng, trong đó có 01 trường Đại học, 03 trường Cao đẳng và 01 trường Trung cấp nghề, 12 trung tâm Giáo dục thường xuyên. Công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, mở trường và đóng góp kinh phí cho giáo dục([15]). Cơ sở vật chất trường lớp học được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại: Tổng số phòng học mầm non, phổ thông hiện có 13.171 phòng; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 64,8%, về cơ bản đạt tỷ lệ 1 phòng/1 lớp và đảm bảo được dạy học 2 buổi/ngày ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, các trường phổ thông dân tộc nội trú. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 268/597 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47,9%. Duy trì kết quả phổ cập giáo dục; tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 12/2014, được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 1 vào tháng tháng 12/2010. Tỷ lệ người trong độ tuổi 15 - 25 biết chữ mức độ 1, đạt 98,10%; tỉ lệ người trong độ tuổi 15 - 35 biết chữ mức độ 1, đạt 97,44%; tỉ lệ người trong độ tuổi 15 - 60 biết chữ mức độ 1: 96,70%; có 01/12 huyện đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 11/12 huyện, thành phố đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường toàn tỉnh năm học 2019-2020 đạt 70%; Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%; Tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,81%; Tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,9%; Tỷ lệ học sinh vào THPT đạt 70,61%; Tỷ lệ tốt nghiệp THPT: 95,75%.
Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm chăm lo đúng mức; mạng lưới cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp. Các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác y tế dự phòng, chế độ bảo hiểm y tế được triển khai thực hiện ngày một hiệu quả, góp phần cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, giảm thiểu các bệnh xã hội. Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt 29,2 giường năm 2020. Số bác sĩ trên 10.000 dân tăng từ 3,85 bác sĩ năm 2004 lên 8,51 bác sĩ năm 2020. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng giảm từ 31,6% năm 2004 xuống còn 19,4% năm 2020; thể chiều cao giảm từ 38% năm 2004 xuống còn 32,3% năm 2020. Tỷ lệ xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế tăng từ 01 xã năm 2004 (đạt tỷ lệ 0,5%) lên 179 xã năm 2020 (đạt tỷ lệ 87,75%). Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 83,27% năm 2004 lên 95,88% năm 2020.
Hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ được nâng cao, cơ chế quản lý được đổi mới. Tăng cường ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học vào quản lý, giảng dạy, khám chữa bệnh và sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới, tiết kiệm tài nguyên, góp phầntăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, chế biến và bảo quản hàng hóa nông sản. Triển khai thực hiện đề án hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chính của tỉnh.
Các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả và đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, mức sống và thu nhập của các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, phúc lợi xã hội và đời sống của các đối tượng chính sách được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo có xu hướng giảm qua từng năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a năm 2020 còn 23,57%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2020 còn 22,59% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh, huy động được nhiều nguồn lực, mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; tỷ lệ hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống khu dân cư đạt 100%; đến hết năm 2019, tỉnh đã hoàn thành 100% việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong đó xây mới 5.532, sửa chữa 6.034 nhà.
Quốc phòng được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ hợp tác với các tỉnh Bắc Lào, các tổ chức quốc tế được mở rộng, góp phần quan trọng vào ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, triển khai hiệu quả, phù hợp với mục tiêu “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Công tác tuyên truyền, quán triệt, giáo dục chính trị tư tưởng được sâu rộng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, trong đó nắm rõ yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng vũ trang, sức mạnh của toàn dân, lấy sức mạnh kinh tế, chính trị làm cơ sở để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh ngày càng chặt chẽ; thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo tiềm lực, cơ sở vật chất, góp phần tăng cường quốc phòng, an ninh; các hạng mục đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đều được xem xét cả yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh; hàng năm các cấp ngân sách đã chủ động cân đối, đảm bảo kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ biên giới quốc gia; tổ chức các đợt diễn tập khu vực phòng thủ đạt kết quả tốt, cơ bản đảm bảo an toàn([16]). Công tác xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng dự bị động viên đảm bảo toàn diện; nhiệm vụ tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ gắn với công tác tạo nguồn cán bộ cho cơ sở triển khai hiệu quả. Công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho các đối tượng được tăng cường, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện có hiệu quả chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác bảo vệ chính trị nội bộ được đảm bảo, góp phần quan trọng tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.
Hợp tác quốc tế được duy trì và mở rộng, kinh tế đối ngoại và chủ động tìm kiếm, nghiên cứu học tập, kêu gọi các đối tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được chú trọng; đối ngoại nhân dân được phát huy và mang lại hiệu quả tích cực. Quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào, nhất là giữa Sơn La với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng được duy trì, phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển toàn diện.Giai đoạn 2004 - 2020, tỉnh Sơn La đã tổ chức đón tiếp và làm việc với 718 đoàn với 8.833 lượt người của các tỉnh Bạn Lào sang thăm, làm việc tại tỉnh Sơn La; cử 582 đoàn với 4.976 lượt người sang thăm, làm việc tại các tỉnh của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; thực hiện ký 51 Biên bản hội đàm hợp tác toàn diện cấp tỉnh với 09 tỉnh Bạn Lào. Tổ chức thành công các sự kiện nhằm củng cố mối quan hệ hữu nghị, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào, Sơn La với các tỉnh Bạn Lào. Đặc biệt, trong năm 2020 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã hỗ trợ cho hai tỉnh Hủa Phăn, Luông Pha Bang khẩu trang vải trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Duy trì quan hệ hợp tác với hơn 20 Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam và khoảng 100 tổ chức quốc tế. Tổ chức ký kết 04 Biên bản hợp tác với vùng Midi-Pyrénées, Cộng hoà Pháp (nay là vùng Languedoc Rousillon - Midi Pyrénées) về các lĩnh vực: Nông nghiệp, Giáo dục - Đào tạo thông qua các dự án: Dự án cải thiện chất lượng sữa và phát triển ngành hàng sữa bò tại địa bàn tỉnh Sơn La tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; Dự án sản xuất, chế biến thử nghiệm rượu mận; Dự án “Nhà Văn hóa và du lịch bản Hua Tạt” tại xã Hua Tạt, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; Dự án hợp tác “Xây dựng trung tâm hướng nghiệp và gia nhập thị trường lao động tỉnh Sơn La”…
Công tác đối ngoại Đảng, kết hợp với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được tập trung triển khai thực hiện, phát huy vai trò và thế mạnh đặc thù của mỗi kênh đối ngoại. Thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Sơn La vào năm 2017 với 02 hội thành viên là Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Sơn La và Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tỉnh Sơn La với vai trò chính về đối ngoại nhân dân, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, tổ chức, cá nhân hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học và các lĩnh vực khác nhằm xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân tỉnh Sơn La với nhân dân các nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các cá nhân ở nước ngoài vì mục tiêu hoà bình, đoàn kết, hữu nghị hợp tác và phát triển.
Triển khai có hiệu quả công tác vận động các chương trình, dự án phi chính phủ nước ngoài. Giai đoạn 2004 - 2020 đã tiếp nhận 133 khoản viện trợ gồm các chương trình, dự án, phi dự án của các phi chính phủ nước ngoài với tổng giá trị 20.321.641 USD; trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký hoạt động.
Công tác xây dựng Đảng, củng cố chính quyền có sự chuyển biến tích; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; khối đoàn kết các dân tộc được phát huy mạnh mẽ.
Phương thức lãnh đạo của Đảng bộ đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là đối với chính quyền được đổi mới; phong cách, lối làm việc của cấp ủy khoa học, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể và trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nguyên tắc tập trung dân chủ được cụ thể hóa thành quy chế làm việc, phân công rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc; nâng cao vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đề cao tính chủ động, chịu trách nhiệm, khắc phục việc buông lỏng lãnh đạo hoặc làm thay.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được tăng cường; phương pháp học tập, nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn từng bước được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm sự thống nhất trong triển khai thực hiện ở các cấp, coi trọng việc cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình, phân công rõ trách nhiệm trong triển khai thực hiện.
Chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chủ trương của Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ. Thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo hướng thận trọng, từng bước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng và luân chuyển cán bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và bảo đảm về số lượng, cơ cấu.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp được tăng cường, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hơn; góp phần phòng ngừa vi phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng pháp luật. Các vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm được tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, thực hiện nghiêm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức. Việc giao trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, được quy định cụ thể.
Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được kiện toàn, phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Hội đồng nhân dân các cấp có nhiểu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, quyết định đúng các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại. Công tác chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban nhân dân các cấp có chuyển biến, bộ máy được củng cố, kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức được quy định cụ thể hơn; phân cấp mạnh hơn theo hướng tăng nhiệm vụ, quyền hạn về cơ sở. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đạt kết quả quan trọng, nhận thức về dân chủ được nâng lên rõ rệt. Cải cách tư pháp được triển khai đồng bộ về tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả công tác được nâng lên; Hoạt động giám sát, kiểm tra, công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư được chú trọng, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Khối đại đoàn kết các dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nhất là trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, chủ động kiến nghị người đứng đầu cấp uỷ đảng, chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, giải quyết những bức xúc và nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nhân dân.
Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có bước đổi mới, nội dung hoạt động luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các nhiệm vụ chính trị, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần thi đua, lao động sáng tạo của nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết, tạo sức mạnh nội lực trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư trong việc tham gia phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Các hội quần chúng được củng cố về tổ chức, có những đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích và quy định của pháp luật; tuyên truyền giáo dục, động viên hội viên thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tính tích cực, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ quốc phòng, giữ gìn an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, công tác đối ngoại đạt được trong 45 năm (1975 - 2020), nhất là trong 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới rất to lớn. Giành được những kết quả vẻ vang đó là sức mạnh tổng hợp, công lao, ý chí phấn đấu bền bỉ của nhân dân các dân tộc, của mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang, trong đó đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ là nhân tố quan trọng, quyết định đảm bảo cho mọi thắng lợi.
III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 82 NĂM, ĐẢNG BỘ TỈNH SƠN LA PHẤN ĐẤU THỰC HIỆN TỐT MỤC TIÊU “XÂY DỰNG TỈNH SƠN LA PHÁT TRIỂN XANH, NHANH, BỀN VỮNG”
Trải qua chặng đường hơn 80 năm xây dựng, phát triển, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hy sinh, góp phần cùng cả nước lập nên những thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh những thành tựu, kết quả đạt được, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục: Kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững; năng lực cạnh tranh chưa cao; thu hút đầu tư còn hạn chế,chưa huy động được cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển; lĩnh vực văn hóa, xã hội còn những hạn chế, khuyết điểm cần được khắc phục; thực hiện xã hội hóa, nhất là về giáo dục còn chậm;chênh lệch về thu nhập giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn lớn; còn tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến và tiềm ẩn nguy cơ có thể gây phức tạp. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công tác nắm tình hình, hướng dẫn, kiểm tra cơ sở có lúc chưa thường xuyên, kịp thời; còn có tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, bị xử lý kỷ luật, xử lý trách nhiệm hình sự...
Kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong hơn 80 năm qua, khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo; bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững”, trong đó tập trung cao thực hiện hiệu quả 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
(1) Tăng cường xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; tăng cường công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng, lãng phí.Phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng.Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, quy chế dân chủ ở cơ sở; tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân. Tập trung giải quyết kịp thời, thỏa đáng và đúng quy định các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống nhân dân.
(2) Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới căn bản,toàn diện giáo dục và đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa giáo dục và đào tạo; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng trong tỉnh; ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động. Tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Xây dựng trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Sơn La. Tiếp tục xây dựng Sơn La trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.
(3) Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm. Tập trung đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến tránh thành phố Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản và cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống đường huyện, xã. Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp vàKhu công nghiệp Mai Sơn; hình thành phát triển Khu công nghiệp Vân Hồ. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị; phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I; phấn đấu xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã. Tập trung phát triển hạ tầng các điểm tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình.Đẩy mạnh xã hội hóa để thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, viễn thông và công nghệ thông tin.
(4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ, chính quyền đối với công tác cải cách hành chính. Tập trung tháo gỡ khó khăn, rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng; cải thiện mạnh mẽ các chỉ số đo lường chất lượng phục vụ hành chính.
(5) Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng và hình thành 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; nghiên cứu lộ trình xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Tập trung nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ quản lý vào các lĩnh vực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
(6) Tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển ngành du lịch; bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, phấn đấu đến năm 2025, được công nhận là Khu du lịch quốc gia,trở thành một trong những khu du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Định hướng xây dựng quy hoạch du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia.Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, kết nối phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào.
(7) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng tài nguyên gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tập trung phát triển và nâng cao chất lượng rừng. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; thực hiện kịp thời di dời, hỗ trợ đời sống và sản xuất cho người dân có nguy cơ và bị thiệt hại do thiên tai.
(8) Tiếp tục xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Sơn La và vùng Tây Bắc, xây dựng con người phát triển toàn diện. Lấy phát triển văn hóa, xây dựng con người làm yếu tố cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện và chăm sóc, bảo vệ, nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Tập trung triển khai thực hiện các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Quốc hội và Chính phủ (Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ).
(9) Bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Xác định nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Tăng cường bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương; chú trọng công tác bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ an ninh nội bộ; thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội. Tăng cường công tác đối ngoại, trọng tâm là củng cố vững chắc quan hệ hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh phía Bắc nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, ổn định và phát triển toàn diện. Triển khai quy trình, thủ tục đề nghị nâng cấpcửa khẩu chính Lóng Sập, huyện Mộc Châu thành cửa khẩu quốc tế./.
___________
[1]Nay thuộc phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. [2]Thực dân Pháp đổi tên nhà tù Sơn La (từ Prison) thành ngục Sơn La (Pentencier). [3]Tài liệu sở Mật thám Đông Dương lưu tại cục lưu trữ trung ương Đảng [4] Đội xung phong Lào Bắc được thành lập ngày 20/02/1948, do đồng chí Caysỏn Phômvihản làm đội trưởng. [5] Biên niên sự kiện Lịch sử Đảng bộ tỉnh Sơn La tập I (1939 - 1954); in tại công ty TNHH Tùng Long; SL 2014; tr 232. [6]Giai đoạn từ năm 1955 đến tháng 10 năm 1962, không có cấp tỉnh. Các châu (huyện trực thuộcĐảng bộKhu Tây Bắc). Từ tháng 12 năm 1963, Đảng bộ tỉnh Sơn La được tái lập, trực thuộc Đảng bộ Khu tự trị Tây Bắc. [7] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; t 9; tr 435. ([8]) Tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân từng giai đoạn như sau: Giai đoạn 2004-2005 đạt 47,1%; giai đoạn 2006-2010 đạt 37,57%; giai đoạn 2016-2020 đạt 3,76%.
([9]) Ngành công nghiệp chế biến có sự gia tăng khá nhanh về quy mô, số lượng. Đến năm 2020, tỉnh tiếp tục duy trì ổn định sản xuất kinh doanh của các cơ sở chế biến hiện có: trên 20 cơ sở chế biến chè (sản lượng 9,5 tấn/năm); 01 nhà máy đường (sản lượng trung bình 60.000 tấn/năm); nhà máy chế biến sữa (chế biến sữa tươi tiệt trùng 100 tấn/ngày, sản xuất sữa chua công suất 30 tấn/ngày); nhà máy chế biến tinh bột sắn (60.000 tấn/năm); 07 cơ sở sản xuất cà phê nhân; nhà máy dâu tằm tơ (12 tấn tơ/năm); các cơ sở sản xuất rượu vang, chế biến hoa quả, chế biến thủy sản và thu hút đầu tư thêm nhiều nhà máy như: Nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty CP chế biến nông sản BHL (công suất 300 tấn tinh bột/ngày); Nhà máy chanh leo, rau củ quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc tại Mộc Châu; Nhà máy chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Công ty CP chế biến thực phẩm công nghệ cao - Tập đoàn TH (công suất 18.000-20.000 chai/giờ); Nhà máy chế biến bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty TNHH IC Food Sơn La tại Vân Hồ (công suất 1.800 tấn rau tươi /năm); Nhà máy chế biến mủ cao su của công ty CP cao su Sơn La tại huyện Thuận Châu(công suất 9.000 tấn/năm); các cơ sở chế biến cà phê gắn với vùng nguyên liệu (HTX cà phê Bích Thao, Cà phê Phúc Sinh, cà phê Minh Châu…); Nhà máy chế biến tinh dầu sả và tinh dầu quế của HTX Phú Sơn tại huyện Mường La; Nhà máy chế biến của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao…
([10]) Đến năm 2020, duy trì hoạt động sản xuất ổn định của 3 nhà máy thủy điện lớn với tổng công suất là 3.140 MW và 49 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với công suất lắp máy đạt trên 542,9 MW, tổng sản lượng mỗi năm đạt trên 12.000 triệu kwh.
([11]) Năm 2020, tổng đàn trâu 124.338 con; đàn bò thịt: 331.796 con; đàn bò sữa: 26.156 con; đàn lợn: 619.416 con; đàn ngựa: 6.527 con; đàn dê: 162.770 con; đàn gia cầm các loại: 7.121 nghìn con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 74.814 tấn. So với năm 2004 đàn trâu giảm 10,9%; đàn bò tăng 213,7%; đàn lợn tăng 36,8%; đàn ngựa giảm 65,1%; đàn dê tăng 141,4%; đàn gia cầm các loại tăng 124,6%; sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 342,9%.
[12] Thái, Mông, Dao, Mường, Xinh Mun, Khơ Mú, La Ha, Lào, Kháng.
[13] Chữ viết cổ dân tộc Thái; Lễ Hết Chá dân tộc Thái (
nhóm Thái trắng Mộc Châu); Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ cúng dòng họ của người Mông, Lễ Cầu an
(Pang A) của người La Ha; Nghi lễ Cấp sắc của người Dao; Nghệ thuật Khèn của người Mông huyện Mộc Châu; Nghi lễ cưới truyền thống của người Dao tiền; Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông hoa huyện Mộc Châu; Nghi lễ Gội đầu của người Thái trắng huyện Quỳnh Nhai; Nghi lễ Kin Pang Then của người Thái trắng; Nghi lễ cầu sức khỏe (
Mạng ma)của người Xinh Mun dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu
[14] Nhạc cụ của người Mông, Thái, Khơ Mú, Dao; các làn điệu dân ca của người Mông, Thái, Dao, Mường; nghề làm giấy thủ công và nghệ thuật vẽ tranh thờ trên giấy Dó của người Dao; Nghi lễ cúng vía trâu của người Thái; Lễ cúng bản của người La Ha, Lễ mừng cơm mới của người Lào; nghề thêu và in hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông; các nghi lễ trong năm của người Khơ Mú…
([15]) Phát triển giáo dục ngoài công lập: Toàn tỉnh hiện có 15 trường mầm non, 31 nhóm trẻ mầm non, 01 trường tiểu học, 13 trung tâm tinhọc, ngoại ngữ; với 10.561 học sinh, học viên; 545 cán bộ, giáo viên, nhân viên; tổng kinh phí đầu tư 420,560 tỷ đồng.
([16]) Trong giai đoạn 2004-2020, tổ chức thành công 03 cuộcdiễn tập khu vực phòng thủ tỉnh (năm 2006, 2012, 2018); diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện, cấp xã; diễn tập ứng phó bão lũ, ứng phó cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã; diễn tập chiến đấu phỏng thủy, diễn tập cụm tác chiến biên phòng… hoàn thành 100% kế hoạch, theo phương châm “thiết thực, hiệu quả, bí mật, an toàn, tiết kiệm”.