CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TỈNH SƠN LA TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
Ngày 03 tháng 12 năm 2008, BCH Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Chương trình hành động số 18 - CTr/TU thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X. Chương trình có 03 phần lớn: Chương trình về công tác Thanh niên; Chương trình xây dựng đội ngũ trí thức; Chương trình về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn.
BBT trích giới thiệu lại chương trình xây dựng đội ngũ trí thức..
1- Hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức
1.1- Xây dựng quy chế dân chủ và phát huy tinh thần dân chủ trong hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ; bổ sung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến và được xã hội tôn vinh. Huy động từ nhiều nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển khoa học, công nghệ.
1.2- Tạo môi trường thu hút, sử dụng và phát huy năng lực của đội ngũ trí thức. Tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức khi truyền bá phát minh, chuyển giao sáng chế và giải pháp hữu ích, sáng kiến và khuyến khích đội ngũ trí thức gia tăng sự cống hiến. Định kỳ tổ chức hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh và tham gia hội thi cấp quốc gia.
1.3- Các chủ trương, chính sách, các dự án phát triển kinh tế - xã hội lớn của tỉnh đều được lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi, xây dựng cơ chế hoạt động, tổ chức nhiều diễn đàn để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của trí thức khi tham gia các hoạt động này.
1.4- Tập trung đầu tư một số trung tâm khoa học, công nghệ cao, tổ hợp khoa học- sản xuất, các trung tâm văn hoá hiện đại, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin mạnh và rộng khắp để thúc đẩy hoạt động sáng tạo của đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh.
1.5- Mở rộng hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ nhằm tạo điều kiện để đội ngũ trí thức giao lưu, học tập, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.
2- Thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức
2.1- Tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, dân chủ trong công tác sử dụng cán bộ, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc tiến cử và sử dụng cán bộ là trí thức. Xây dựng và thực hiện cơ chế tạo điều kiện để đội ngũ trí thức của tỉnh phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của mình cho địa phương và đất nước.
2.2- Thực hiện đúng, đầy đủ chủ trương phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học, cao đẳng trong việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo và các chức danh khoa học trên cơ sở các tiêu chuẩn của Nhà nước; sử dụng kinh phí, sử dụng trí thức đầu ngành theo nhu cầu của đơn vị.
2.3- Rà soát, bổ sung các chính sách hiện có, xây dựng chính sách mới phù hợp với điều kiện của một tỉnh miền núi để thu hút, tập hợp trí thức ở trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài tích cực tham gia hiến kế, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới cho tỉnh Sơn La.
2.4- Có chính sách ưu đãi đối với trí thức làm việc ở vùng kinh tế, xã hội khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…Trọng dụng, tôn vinh những trí thức có đóng góp thiết thực, hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo của tỉnh.
2.5- Xây dựng các cơ chế, chính sách, động viên và tiếp tục sử dụng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với những trí thức có trình độ cao, năng lực và sức khoẻ nhưng đã hết tuổi lao động.
3- Tạo sự chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức
3.1- Tiếp tục thực hiện tốt cải cách giáo dục để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn đầu tư để phát triển giáo dục; đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước. Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Thực hiện tốt việc đưa cán bộ, học sinh, sinh viên có đạo đức và triển vọng đi đào tạo ở nước ngoài, chú trọng các chuyên ngành mà tỉnh có nhu cầu bức thiết.
3.2- Xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện có hiệu quả đào tạo tài năng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức và phát triển nhân tài cho tỉnh. Có chính sách và kế hoạch cụ thể để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ và trí thức là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo lực lượng trí thức là người dân tộc thiểu số và nữ trí thức.
3.3- Đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghiên cứu khoa học và nghề nghiệp cho đội ngũ trí thức nhằm phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu, vùng miền, cân đối giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng cao biên giới để đội ngũ trí thức của tỉnh có khả năng tiếp thu các công nghệ mới, công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn.
3.4- Phấn đấu từ nay đến năm 2020, cơ cấu đội ngũ trí thức của tỉnh ở một số lĩnh vực quan trọng như kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh, ngoại ngữ, khoa học công nghệ… được nâng lên so với lực lượng trí thức ở các ngành giáo dục, y tế và các ngành trong khối hành chính sự nghiệp;
4- Đề cao trách nhiệm của trí thức, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các hội trí thức
4.1- Xây dựng quy chế, cơ chế cung cấp thông tin, tăng cường sinh hoạt tư tưởng, phát huy trách nhiệm xã hội của trí thức. Có chính sách để trí thức tự nguyện đi đầu trong việc truyền bá, phổ biến kiến thức vào sản xuất, đời sống, nâng cao dân trí, huy động đội ngũ trí thức đầu ngành trực tiếp chăm lo đào tạo đội ngũ kế cận.
4.2- Nâng cao nhận thức của đội ngũ trí thức, thành lập và tổ chức tốt hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.
4.3- Tạo điều kiện để các hội trí thức thực hiện các dịch vụ công, tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát hoạt động nghề nghiệp, thực hiện tự chủ về tài chính.
5- Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của cấp uỷ đảng và quản lý của chính quyền đối với đội ngũ trí thức
5.1- Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng và chính quyền về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, xoá đói giảm nghèo của tỉnh trong những năm tới. Xác định công tác trí thức là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cấp uỷ và chính quyền các cấp.
5.2- Làm tốt công tác tư tưởng để toàn xã hội hiểu đúng và đề cao vai trò của trí thức; để đội ngũ trí thức nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với địa phương và đất nước, tăng cường đoàn kết, lao động sáng tạo, hoàn thành tốt trọng trách trong thời kỳ mới. Hình thành ý thức và tâm lý xã hội tôn trọng, tôn vinh trí thức, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
5.3- Thường xuyên giáo dục bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống đạo đức, bản chất cách mạng, khoa học và phẩm chất của người trí thức xã hội chủ nghĩa gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tổ chức quán triệt và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đội ngũ trí thức.
5.4- Trong quản lý và sử dụng trí thức, các cấp uỷ đảng và chính quyền cần thực hiện các phương pháp phù hợp, không áp dụng máy móc cách quản lý hành chính để phát huy cao nhất năng lực cống hiến của trí thức. Những người đứng đầu cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp định kỳ tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, đối thoại với trí thức về những vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương và cơ sở./
-------------------------