Mộc Châu: Thanh niên với phong trào lập thân, lập nghiệp
Lập thân, lập nghiệp luôn là vấn đề được quan tâm trong đời sống thanh niên với nhiều khát vọng, trăn trở. Cơ hội song hành với thách thức, khó khăn trong khởi nghiệp luôn là động lực để giới trẻ phát huy trí tuệ, bản lĩnh để đi đến thành công. Từ sự chỉ đạo của Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành đặc biệt là Huyện đoàn Mộc Châu đã phát huy vai trò nòng cốt trong tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu.
Với khát vọng, nhiệt huyết, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đoàn viên thanh niên còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, để đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm, trong thời thời gian qua Huyện đoàn Mộc Châu đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Đồng chí Phạm Tú Uyên - Bí thư Huyện đoàn Mộc Châu cho biết: Phong trào đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện. Qua đó ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên của huyện nhà vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Từ đó đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền và thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới xây dựng huyện Mộc Châu ngày càng phát triển giàu đẹp.
Trong những năm qua, Huyện đoàn Mộc Châu đã đẩy mạnh tổ chức triển khai Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” đến đoàn viên, thanh niên đã và mang lại hiệu quả như: Tiêu biểu mô hình Sản xuất Than ép viên Happy từ phế phụ phẩm nông nghiệp như mùn cưa, vỏ trấu, rơm, lõi ngô một nguồn nhiên liệu tái tạo, sạch và tiết kiệm” của anh Lê Huy Toàn ( Hội viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam Thị trấn Nông Trường); Mô hình “Phát triển du lịch cộng đồng (homestay), trải nghiệm văn hóa bản địa kết hợp với khôi phục và phát triển một số nghề truyền thống của đồng bào Mông tại bản Pa Khen, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La” của anh Hàng A Của (Hội viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam Thị trấn Nông Trường)... Từ phong trào, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã hình thành hàng trăm mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mang lại việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn.
Nhằm giúp các đoàn viên phát triển kinh tế, các cơ sở Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tuyên truyền chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo đến đoàn viên, thanh niên. Vận động đoàn viên, thanh niên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, học tập và tạo việc làm. Song song với đó, các cơ sở Đoàn đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, đặc biệt cho thanh niên nông thôn, sinh viên ra trường chưa có việc làm, tư vấn hướng nghiệp. Trong những năm qua, các tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tập huấn kiến thức khởi nghiệp về các lĩnh vực: May mặc, hầm mỏ, cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm, công xưởng... với nhiều lượt ĐVTN tham gia. Qua đó đã góp phần thúc đẩy, nâng cao tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên.
Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, quan trọng vẫn là sự quan tâm, chia sẻ từ tổ chức Đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, không dừng lại ở việc tạo nguồn vốn, vận động thanh niên thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn gồm các hoạt động hỗ trợ khác. Cùng với sự nỗ lực triển khai, thực hiện của Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn; công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã giúp đoàn viên, thanh niên và nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa đều tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Hiện nay, dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội trong hệ thống Đoàn thanh niên đạt trên 93 tỷ 476 triệu đồng, với 15 xã, thị trấn nhận ủy thác, 59 tổ vay vốn, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống và thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ dân và hội viên, thanh niên.
Khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy nội lực sẵn có, làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn là khát vọng của phần lớn thanh niên. Theo đó, môi trường khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc khởi nghiệp, duy trì hoạt động những dự án khởi nghiệp của thanh niên đang gặp không ít khó khăn. Vốn vay ít, nguồn giải quyết việc làm phân bổ hạn chế. Thanh niên có tài sản thế chấp thì thường chọn vay của ngân hàng khác do thủ tục nhanh gọn chứ không chọn nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nút thắt đối với các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp là nguồn vốn.
Có thể thấy với khát vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, thanh niên huyện Mộc Châu cũng cần có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt về nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, cùng vơi việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu KT-XH tại địa phương. Đây sẽ là động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục rèn luyện bản thân, mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế.
Quách Phương Đông – Giảng viên Trung tâm Chính trị Mộc Châu