Tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La
Tác động của các chính sách hỗ trợ phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La
Sơn La là tỉnh miền núi, vùng cao, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Phía Bắc giáp tỉnh Yên Bái, Lào Cai, phía Ðông giáp tỉnh Lai Châu, phía Nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước bạn Lào; cách thủ đô Hà Nội 320 km về phía Tây Bắc. Sơn La có vị trí địa kinh tế - chính trị chiến lược quan trọng của vùng Tây Bắc, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, cả nước và quốc tế. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 1.410.983 ha, là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 của cả nước, trong đó diện tích đất nông nghiệp là 190.070 ha, đất đai chủ yếu là nhóm đất đỏ vàng, đất mùn vàng đỏ trên núi và đất mùn trên núi cao, với độ cao trung bình 600 - 700 m so với mặt nước biển, có 02 cao nguyên Mộc Châu và Nà Sản là địa hình tương đối bằng phẳng. Sơn La có khí hậu nhiệt đới gió mùa; có nguồn tài nguyên nước mặt rất phong phú, có mạng lưới sông suối dày, thuận lợi cho phát triển cây ăn quả.
Để khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, quan tâm các quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, nhãn hiệu cộng đồng, xây dựng được các thương hiệu có tính cạnh tranh cao, mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực, danh tiếng của tỉnh.
Năm 2017 là năm đầu tiên nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành, và triển khai thực hiện đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng doanh nghiệp, HTX và hộ dân trồng cây ăn quả như: Chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu; quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; hỗ trợ kinh phí để triển khai nhiệm vụ quản lý mã số vùng trồng; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mở rộng thị trường cho các sản phẩm chủ lực, danh tiếng của tỉnh, cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái bền vững, cụ thể sau:
1. Một số kết quả nổi bật
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 60.000 ha cây trồng khác sang trồng cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến hết năm 2022 tổng diện tích cây ăn là 83.001 ha, bằng 154% so với năm 2017, kết quả trên đưa Sơn La trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và đứng thứ 2 cả nước. Sản lượng các loại quả đạt 453.554 tấn, so với năm 2017 tăng 210,5 %. Sản lượng một số loại quả chủ yếu năm 2022: Nhãn: sản lượng đạt 107.106 tấn, giá trị sản xuất đạt 124,5 -300 triệu đồng/ha; Xoài, sản lượng năm 2022 đạt 46.677 tấn, giá trị sản xuất đạt 98,4 - 200 triệu đồng/ha; Na, tổng sản lượng đạt 3.111 tấn, giá trị sản xuất đạt 335 - 900 triệu đồng/ha/năm; Chanh leo, sản lượng đạt 7.203 tấn, giá trị sản xuất đạt 125 - 255 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2017 - 2022 đã đưa vào trồng thử nghiệm 20 giống cây ăn quả các loại có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein, chế phẩm vi sinh, công nghệ sinh học trong phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng; công nhận, quản lý và hướng dẫn khai thác nguồn giống 91 cây đầu dòng và 1 vườn cây đầu dòng giống nhãn chín muộn PH-M99-1.1 cung cấp khoảng 200.000 cành ghép, mắt ghép/năm; 104 cơ sở vườn ươm sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả, trong có 50 vườn ươm sản xuất, kinh doanh giống cây ăn quả và 54 cơ sở nhập giống về kinh doanh. Có 927 ha hệ thống tưới tiết kiệm nước, 5.041 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương, sản lượng 3.098 tấn/năm. Diện tích được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 187 ha, diện tích được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ 395,9 ha.
Đã hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với các hộ dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, chế biến nông sản nhằm chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ và mua lại nguyên liệu phục vụ chế biến, tạo sự gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân. Đến nay toàn tỉnh đã có 399 doanh nghiệp, hợp tác xã trồng cây ăn quả; 11 doanh nghiệp khoa học và công nghệ về nông nghiệp; 100 HTX có liên kết sản xuất tiêu thụ với khoảng 22.000 hộ dân trong tỉnh. Ngoài ra các HTX liên kết với HTX và HTX liên kết sản xuất với các doanh nghiệp qua 3 hình thức cơ bản là: liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã có 166 chuỗi cung ứng quả an toàn, 1.500 ha cây ăn quả áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, 3.865 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và xuất khẩu.
Toàn tỉnh có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản (trong đó có 17 nhà máy, 543 cơ sở). Trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có các nhà máy chế biến sản phẩm quả, gồm: Nhà máy chế biến chanh leo, quả xuất khẩu của Tập đoàn Nafoods tại huyện Mộc Châu; Nhà máy Chế biến hoa quả tươi và thảo dược Vân Hồ của Tập đoàn TH tại huyện Vân Hồ; Nhà máy chế biến quả Doveco thuộc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại huyện Mai Sơn. Đã cấp 281 mã số vùng trồng, sản phẩm quả được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, 20 sản phẩm OCOP chế biến từ quả.
Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng các sản phẩm từ cây ăn quả Sơn La được quan tâm, đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp 281 mã số vùng trồng, trong đó xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 130 mã (65 nhãn, xoài 57, chuối 06, thanh long 02) với tổng diện tích 4.271,43 ha; xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ,... là 51 mã số vùng trồng với tổng diện tích 430,41 ha. Toàn tỉnh có 11 sản phẩm trái cây được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, cụ thể: 01 chỉ dẫn địa lý quả xoài tròn của huyện Yên Châu; 10 nhãn hiệu chứng nhận; 20 sản phẩm OCOP, chế biến từ trái cây; 12 sản phẩm quả được bảo hộ, trong đó sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại Châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020.
Góp phần hình thành một số tài nguyên du lịch có tiềm năng để phát triển thành các sản phẩm du lịch. Hiện tại, có một số lễ hội trái cây được tổ chức thu hút khách du lịch đến thăm quan trả nghiệm như: Lễ hội hái Mận ở Mộc Châu, Vân Hồ; Lễ hội Hoa Sơn Tra Ngọc Chiến; Lễ hội hái Xoài Yên Châu; du lịch hái Mận Mộc Châu; du lịch vùng nhãn Sông Mã; du lịch vùng Na công nghệ cao Mai Sơn; du lịch vườn xoài cổ Yên Châu, ... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 06 khu du lịch, điểm du lịch được đầu tư đảm bảo các điều kiện, tiêu chí theo quy định của Luật Du lịch; có 03 sản phẩm du lịch OCOP đạt 4 sao. Khách du lịch đến Sơn La tăng nhanh, năm 2017 có 1,94 lượt, năm 2022 có 3,3 triệu lượt.
Công tác xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa, nhất là sản phẩm quả luôn được tỉnh quan tâm và triển khai bằng nhiều hình thức, cách làm mới mang tính đột phá, hiệu quả cao, đó là tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến với thị trường trong và ngoài nước; các chương trình livestream, chương trình bán hàng online, kết nối qua zalo, Facebook... đẩy mạnh ứng dụng và phát triển thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các sàn thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước như sendo, shopee, lazada, alibaba, voso,....
Các sản phẩm quả sản xuất ra được bán trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân tiêu thụ trong tỉnh; thị trường trong nước tiêu thụ vào được chuỗi phân phối của các siêu thị lớn như: Vinmart, Big c, Lotte, Hapro... với số lượng lớn; ngoài quả còn được tiêu thụ tại các tỉnh như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa,.... Quả Sơn La đã xuất khẩu sang 1 số Quốc gia như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Dubai, UAE, Campuchia,… được thị trường các nước chấp nhận. Năm 2022 các sản phẩm hàng hóa của tỉnh đã giới thiệu, xuất khẩu sang thị trường các nước quả các loại 18.608tấn (xoài 9.080 tấn, sản phẩm nhãn 3.818 tấn, chanh leo 2.550 tấn, chuối 4.500 tấn, thanh long 138 tấn, Sơn tra 63 tấn).
2. Khó khăn, hạn chế
Chính sách hỗ trợ phát triển CAQ trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện đã khai thác được tiềm năng đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu để phát huy thế mạnh một cây trồng có tiềm năng của tỉnh, tuy nhiên việc triển khai thực hiện còn có những tồn tại, khó khăn đó là: Diện tích đất trồng trọt chủ yếu trên đất dốc, vùng nguyên liệu quả phục vụ cho chế biến, xuất khẩu còn nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Số lượng diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn VietGap, GlobalGap còn thấp so với tổng diện tích. Khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế, nhãn mác phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế, chi phí vận chuyển cao; cơ sở hạ tầng và dịch vụ kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất quả còn nhiều bất cập, nhiều nơi còn thiếu hệ thống thuỷ lợi, thiếu kho lạnh bảo quản; phương thức sản xuất, cơ cấu các loại cây ăn quả tuy có chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng chưa mạnh, chất lượng sản phẩm chưa cao, giá trị gia tăng và năng suất lao động còn thấp. Sản suất quả ứng dụng công nghệ cao, sản xuất quả theo hướng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất diện tích chưa nhiều. Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất ở một số nơi còn mang tính tự phát, sản xuất theo phòng trào, chạy theo thị trường trôi nổi. Mối liên kết 06 nhà còn hạn chế, sản xuất thiếu kế hoạch dẫn đến trong cùng một thời điểm có những loại sản phẩm bị dư thừa còn một số loại khác thì rất khan hiếm, kênh cung cấp thông tin và giá cả nhu cầu thị trường nông sản cho người sản xuất chưa được thiết lập chuyên sâu. Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kĩ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu thực tế sản xuất. Một số mô hình đạt hiệu quả nhưng việc mở rộng còn chậm. Sản lượng quả sản xuất ra được bán trực tiếp cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân thông qua hợp đồng tiêu thụ để phục vụ chế biến chiếm tỷ lệ nhỏ so với sản lượng rau, quả.
3. Đề xuất một số giải pháp thực hiện
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, giá trị của thương hiệu cây ăn quả, chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, tem nhãn, nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm quả. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị, tổ chức từ tỉnh đến địa phương, các hiệp hội, hội nghề nghiệp có liên quan thống nhất về nội dung tuyên truyền và kế hoạch thực hiện.
Hai là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ trong chế biến sản phẩm cây ăn quả; cơ giới hoá, tự động hoá trong sản xuất, chế biến, bảo quản quả truyền thống, chế biến công nghiệp và chế biến ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm quả. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng diện tích cây ăn quả an toàn ứng dụng quy trình GAP; sản xuất hữu cơ.
Ba là, phát triển nhanh, bền vững các DN, HTX sản xuất, chế biến, tiêu thụ quả an toàn gắn với phát triển hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm quả theo mô hình chuỗi giá trị. Đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Bốn là, tiếp tục triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại theo nhiều hình thức, nhất là tập trung phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại với mục tiêu hướng tới đa thị trường, đa đối tác để hỗ trợ tìm kiếm thị trường đầu ra cho doanh nghiệp, HTX được ổn định, góp phần tạo điều kiện để mối liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ diễn ra luôn được thông suốt; xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông sản của tỉnh, tăng diện tích cấp mã số vùng trồng cho một số loại cây trồng trên địa bàn tỉnh.
Năm là, khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các Trung tâm Logicstic để tạo ra sự liên kết góp phần hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ quả của tỉnh một cách bền vững và hiệu quả.
Sáu là, rà soát, xây dựng, sửa đổi bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách chính sách thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, logistics, chợ đầu mối nông sản; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong bảo quản các loại quả; chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói sản phẩm; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp về phát triển cây ăn quả. Chú trọng tới chính sách tín dụng, bao gồm áp dụng mức trần lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cấp vốn, áp dụng ưu đãi cho các mô hình liên kết theo chuỗi, nhất là các chuỗi khép kín./.
Lâm Phương
Tài liệu tham khảo:
- Báo cáo số 93-BC/TU, ngày 8/4/2021 của Ban Thường vụ tỉnh ủy, đánh giá 5 năm thực hiện chủ trương phát triển Cây ăn quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.
- Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030;
- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La Tổng kết nông nghiệp, nông thôn các năm 2017, 2018,2019,2020,2022.
Ảnh: T.T.Đạt