Mộc Châu - Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mộc Châu đã khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác.
Huyện Mộc Châu hỗ trợ xây dựng được 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: Vùng chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu; vùng sản xuất chè của Vinatea Mộc Châu; vùng sản xuất mận hậu trên địa bàn thị trấn Nông trường Mộc Châu và xã Tân Lập; vùng sản xuất mận hậu trên địa bàn xã Mường Sang. Đến nay, vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao của Vinatea Mộc Châu và vùng chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu đã được UBND tỉnh công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Từng bước hình thành vùng sản xuất an toàn, huyện đã tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, hình thành các vùng trồng rau an toàn, hoa chất lượng cao, cây ăn quả ôn đới có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình phát triển rau, hoa doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng/ha, như: Bơ, hồng giòn, quả có múi, mận hậu. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn, tạo giống cây trồng; ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân; công nghệ phân tích chất lượng môi trường sản xuất và chất lượng sản phẩm cây trồng; sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Đến nay, trên địa bàn huyện có 506 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho gần 590 ha cây trồng; hơn 23 ha cây trồng quản lý hệ thống tưới tiết kiệm bằng công nghệ IOT (Internet Of Things). Thông qua ứng dụng trên smartphone, người nông dân có thể quản lý quá trình sản xuất và giảm công lao động trong việc tưới nước cho cây trồng.
Vườn Đào Thất Thốn vào mùa ra hoa của Anh Nguyễn Xuân Tuấn, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ảnh: mocchautour.vn.
Cùng với đó, trên địa bàn huyện có 90 cơ sở, với trên 76 ha trồng rau, hoa và dâu tây trong nhà kính, nhà lưới. Qua đánh giá, việc đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính đã tránh được nhiều loại sâu bệnh, dịch hại, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường tốt cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, đặc biệt rất phù hợp sản xuất rau, hoa trái vụ… Ngoài ra, có 25 cơ sở sản xuất rau, chè và cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, với diện tích trên 346 ha.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản đang được đẩy mạnh theo hướng tăng cường chế biến sâu, chế biến tinh, nâng giá trị sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, tận dụng phế phụ phẩm. Toàn huyện có 22 cơ sở đầu tư trang thiết bị công nghệ cao trong sơ chế, chế biến; 19 cơ sở đầu tư kho lạnh bảo quản nông sản, quy mô trên 2.500 tấn, chủ yếu bảo quản và vận chuyển sản phẩm rau, hoa, quả và sữa.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sơ chế, chế biến và kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của huyện, tạo thành chuỗi giá trị trong sản xuất. Huyện Mộc Châu quyết tâm trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Sơn La./.
Quách Phương Đông
Ảnh minh hoạ: T.T.Đ