No title... No title... No title... No title...
image advertisement
image advertisement
Khoa học và công nghệ với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Sơn La theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VII, Khóa X
Lượt xem: 841
Khoa học và công nghệ với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Sơn La theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VII, Khóa X




Khoa học và công nghệ với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh Sơn La theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VII, Khóa X



TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch

Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh Sơn La


Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của đất nước; trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 đã tạo sự đồng bộ và môi trường thuận lợi cho các hoạt động đổi mới sáng tạo. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 (Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 (Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế là những định hướng cơ bản để triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ của cả nước nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng trước những yêu cầu mới.


Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển các sản phẩm nông - lâm - thủy sản chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến. Đồng thời, với vai trò và vị thế là trung tâm của vùng Tây Bắc; Sơn La cũng luôn nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) trong cả nước. Chính vì vậy, trong những năm qua hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ đã tạo được nhiều khâu đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói riêng. Có thể điểm qua một số thành tựu và những đóng góp của ngành KH&CN Sơn La trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, như sau:


1. Một số thành tựu và những đóng góp của ngành KH&CN Sơn La trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X


1.1. Kết quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp


Theo Báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, trong giai đoạn 2008 - 2020, trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 122 nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế. Một số kết quả nổi bật:


- Về trồng trọt: Thông qua hoạt động ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện về đất đai, khí hậu của tỉnh như: áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất rau, hoa trái vụ; sản xuất giống cà chua ghép; ứng dụng công nghệ thâm canh rau trái vụ; nghiên cứu tuyển chọn cây đầu dòng nhân giống các giống bơ, cam quýt, nhãn chín sớm, chín muộn, giống hồng giòn, mận hậu; nghiên cứu duy trì và phát triển các giống lúa nếp tan Mường Và, nếp tan Ngọc Chiến, giống lúa tẻ dao, giống xoài Yên Châu; nghiên cứu các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại như hiện tượng chùn ngọn cà phê, sâu đục quả xoài, …


- Về chăn nuôi: đã ứng dụng thành công kỹ thuật cấy chuyển phôi bò sữa thuần chủng tại Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu; nghiên cứu nguồn thức ăn và cách điều trị một số bệnh cho bò sữa, bò thịt. Bình tuyển, chọn lọc, lai cải tạo các giống gia súc, ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải thiện giống lợn, bò địa phương; nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, Phát triển các mô hình nuôi gia cầm bằng đệm lót sinh học, thử nghiệm nuôi thương phẩm các giống vật nuôi quý hiếm như lợn rừng, cầy hương, gà đen Mông, ...


- Về thủy sản: Tập trung nghiên cứu phát triển các giống thủy sản đặc sản có giá trị cao như cá lăng chấm, cá tầm, cá hồi, giống ba ba gai, ... tạo nguồn giống để phát triển sản phẩm sạch, đặc sản, nâng cao hiệu quả kinh tế hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.


- Về lâm nghiệp, đã triển khai các đề tài nghiên cứu như: Điều tra đánh giá đa dạng sinh học các và các hệ sinh thái của khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha; nghiên cứu qui trình nhân giống, gây trồng, chăm sóc cây Sơn tra; triển khai dự án thử nghiệm trồng tre Điền trúc lấy măng; nghiên cứu, chọn lọc nhân giống và xây dựng mô hình trồng song, mây thương phẩm; nghiên cứu bảo tồn và phát triển loài Thông 5 lá. Việc triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực lâm nghiệp đã góp phần quan trọng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển vốn rừng, tăng thu nhập cho người nông dân trong khu vực.


- Về công nghệ chế biến và bảo quản các sản phẩm nông, lâm nghiệp sau thu hoạch: Đã triển khai các dự án thử nghiệm như: sản rượu vang từ quả Sơn tra; sản xuất rượu chuối và chuối sấy Yên Châu; sản xuất rượu mận và mứt mận Mộc Châu; hạ thủy phần của Mật ong Sơn La; sản xuất thử nghiệm nước mắm Quỳnh Nhai từ nguồn thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, …


- Về thủy lợi và bảo vệ môi trường nông thôn: Ứng dụng công nghệ mới để sử lý chất thải trong sinh hoạt và trong công nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ vi sinh để làm phân bón từ các phụ phẩm nông nghiệp (như thân cây ngô, vỏ cà phê, ...); thử nghiệm ứng dụng băng thu nước ngầm để tạo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các vùng khan hiếm nước trong tỉnh, …


Bên cạnh đó, Một số đề tài nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học để xây dựng cơ chế chính sách phục vụ ngành nông nghiệp như nghiên cứu quy hoạch phát triển chè, cây maccamadia, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng chính sách phát triển và liên kết kinh tế trong nông nghiệp, ...


1.2. Về khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp nông thôn


Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt định hướng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ. Trong giai đoạn 2008 - 2020, bình quân mỗi năm có từ 35 - 40 đề xuất nhu cầu nghiên cứu khoa học cấp tỉnh từ các tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có khoảng 50% nhiệm vụ nghiên cứu hướng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Căn cứ đề xuất các nhiệm vụ khoa học của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt danh mục và yêu cầu đặt hàng các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh trong năm.


Bên cạnh việc tiếp nhận đề xuất nhu cầu nghiên cứu khoa học cấp tỉnh; UBND tỉnh luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động tiếp nhận và chuyển giao khoa học công nghệ bằng nguồn vốn tự có của các đơn vị. Trong giai đoạn 2008 - 2020, bình quân mỗi năm có từ 20 - 30 quy trình sản xuất nông nghiệp và công nghệ chế biến, bảo quản nông sản mới được ứng dụng và chuyển giao trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp điển hình trong ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới và kỹ thuật sản xuất trong nông nghiệp đó là: Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La, Công ty Chè Mộc Châu, Nhà máy chế biên tinh bột sắn BHL, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, ... Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay toàn tỉnh có 01 cơ sở áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP (Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc); 02 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP (Công ty Chè Mộc Châu, Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu) 61 cơ sở áp dụng VietGAP còn hiệu lực (18 cơ sở sản xuất rau, 35 cơ sở sản xuất quả, 04 cơ sở nuôi thủy sản, 02 cơ sở chăn nuôi lợn, 02 cơ sở nuôi ong mật).


1.3. Về xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp


Theo báo cáo số 29/BC-KHCN ngày 19/01/2021 của Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La, tính đến hết tháng 12/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 21 sản phẩm nông sản chủ lực mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ để tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu, trong đó có 03 chỉ dẫn địa lý (Chè Shan tuyết Mộc Châu, Quả xoài tròn Yên Châu và Cà phê Sơn La), 15 sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận (Chè ÔLong Mộc Châu, Rau an toàn Mộc Châu, Nhãn Sông Mã, Cam Phù Yên, Na dai Mai Sơn, Táo sơn tra Sơn La, Bơ Mộc Châu, Chè Phổng Lái Thuận Châu, Nếp Mường Và - Sốp Cộp, Cá Tầm Sơn La, Cá Sông Đà Sơn La, Chuối Yên Châu, Mận Sơn La, Chanh leo Sơn La, Rau an toàn Sơn La) và 03 sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể (khoai sọ Thuận Châu, Chè Tà Xùa Bắc Yên, Mật ong Sơn La). Riêng sản phẩm Chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017; đây là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh đăng ký bảo hộ thành công tại nước ngoài. Năm 2020, tỉnh Sơn La có thêm 02 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại thị trường Châu Âu theo cam kết tại hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu) là ”Chè Shan tuyết Mộc Châu” và ”Quả xoài tròn Yên Châu”.


Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả kế hoạch xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngoài hiệu quả làm tăng giá trị sản phẩm (giá bán cao hơn so với khi chưa có thương hiệu), hoạt động xây dựng thương hiệu còn góp phần thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lạc hậu sang sản xuất hàng hóa hướng vào xuất khẩu; hỗ trợ, hình thành và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, HTX gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, ...


1.4. Một số thành tựu nổi bật trong phát triển nông nghiệp của tỉnh


Nhìn nhận một cách tổng thể, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; bức tranh kinh tế - xã hội của toàn tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng đã có những khởi sắc mới. Thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, Sơn La đã lựa chọn được nhiều giống cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh. Từ năm 2010 đến năm 2020: năng suất lúa tăng gấp 1,2 lần, sản lượng lúa tăng thêm 37.114 tấn (từ 161.850 tấn lên 198.964 tấn). Theo Báo cáo số 1424/SNN-KHTC ngày 05/5/2021 của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện toàn tỉnh Sơn La có: chè 5.686 ha, sản lượng chè búp tươi 48.630 tấn; cà phê 17.804 ha, sản lượng cà phê nhân 27.642 tấn; cao su 5.879 ha, sản lượng 3.383 tấn; dược liệu 1.560 ha, sản lượng 4.210 tấn. Tổng diện tích cây ăn quả và cây sơn tra 78.850 ha (trong đó, xoài 18.918 ha, chuối 5.350 ha, na 352 ha, chanh leo 1.894 ha, 1.254 ha, cây ăn quả có múi 4.962 ha, nhãn 18.702 ha, sơn tra 12.460 ha, cây ăn quả khác 14.958 ha). Toàn tỉnh hiện có 614 hợp tác xã nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; hỗ trợ duy trì, phát triển 196 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn. Nhiều mô hình doanh nghiệp liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản đang hoạt động có hiệu quả.


2. Những hạn chế và định hướng hoạt động KH&CN của tỉnh trước những yêu cầu mới


2.1. Một số hạn chế trong sản xuất nông nghiệp và hoạt động KH&CN của tỉnh


- Nhiều tiềm năng và lợi thế lớn trong nông nghiệp của tỉnh vẫn chậm được khai thác. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều bất cập. Sản lượng, năng suất, chất lượng của nhiều sản phẩm nông sản hàng còn thiếu tính cạnh tranh.


- Việc xác lập, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm tuy được quan tâm nhưng hoạt động quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước còn hạn chế, sản phẩm hướng vào xuất khẩu chưa nhiều.


- Trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn ở mức thấp. Tiềm lực KH&CN chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN vẫn còn nhiều bất cập.


- Hệ thống chính sách hỗ trợ hoạt động ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ chưa được hoàn thiện; do đó chưa khuyến khích được các tổ chức và cá nhân tham gia sâu vào các hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


2.2. Định hướng hoạt động KH&CN của tỉnh trước những yêu cầu mới


Thứ nhất, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội về phát triển KH&CN trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


Thứ hai, tập trung nghiên cứu, tổng kết đánh giá kết quả sau 10 năm Sơn La triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.


Thứ ba, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KH&CN trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là góp phần phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.


Thứ tư, tổ chức quản lý và khai thác tốt các sản phẩm đã có thương hiệu; tập trung đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trên thị trường trong nước và các sản phẩm xuất khẩu. Từng bước phát triển thương mại điện tử trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.


Thứ năm, tập trung xây dựng và phát triển thị trường KH&CN trong đó tập trung hỗ trợ các tổ chức triển khai các hoạt động dịch vụ khai thác cung cấp thông tin công nghệ, đánh giá, thẩm định công nghệ cho doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng đổi mới công nghệ, tiếp cận thông tin công nghệ mới.


Thứ sáu, tiếp tục hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp KH&CN; doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; doanh nghiệp công nghệ thông tin; hỗ trợ đổi mới công nghệ để nâng cao trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La.


* * *


Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá một cách đày đủ, khách quan những đóng góp của khoa học và công nghệ với với phát triển nông nghiệp nông thôn của Tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X); chỉ ra những hạn chế, tồn tại, những vấn đề cần giải quyết; xác định rõ phương hướng nhiệm vụ để nâng tầm của các hoạt động khoa học và công nghệ trong những năm tới là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của mọi tổ chức và cá nhân trong tỉnh nhưng trực tiếp là của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các cán bộ, công chức viên chức Ngành khoa học và công nghệ Sơn La./.



Thông tin doanh nghiệp
  • Đội quân nhà phật
  • Vươn mình trong hội nhập quốc tế
  • Sơn La tăng 5 bậc về chỉ số PAPI
  • Ứng dụng công nghệ cao - phát triển nông nghiệp bền vững
  • Sơn La có 6 tập thể và 3 cá nhân được vinh danh tại VITA AWARDS 2025
  • Tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học năm học 2024-2025
  • Hội thảo về quản lý, bảo vệ nguồn nước tại Sơn La: Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp bền vững
  • Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương gặp mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La
  • Hội nghị bàn giao nhiệm vụ về Hội Khoa học Tổng hợp
  • Chuyển đổi số: Top 10 xu hướng của năm 2025
  • Nam và nữ - ai là “phái yếu”
  • Nghệ thuật lãnh đạo trong thời đại AI
  • Thư mời viết bài cộng tác
  • Công bố các quyết định về kết thúc hoạt động; thành lập, hợp nhất các cơ quan, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy Sơn La
  • Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La
  • Quái kiệt Lương Văn Phong: Cha đẻ DeepSeek khiến đế chế AI tỷ đô rúng động
  • Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Sơn La lần thứ 7, năm 2025
  • Bí ẩn của bệnh tật và sức khỏe
  • Bản tin Trí thức với Khoa học và Công nghệ số 55 - 2025
  • Rắn ở Việt Nam
Tiêu điểm
Xem & Nghe
  • Tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam
  • Chủ tịch của NVIDIA và 4 nhà khoa học thắng giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture
  • Công bố chi tiết 5 bộ, 4 Ủy ban dự kiến sáp nhập, kết thúc sau khi tinh gọn bộ máy
1 2 
Bình chọn
Làm thế nào bạn tìm thấy trang web này?
  • Bình chọn Xem kết quả
    Thống kê truy cập
    • Đang online: 28
    • Hôm nay: 4695
    • Trong tuần: 37 618
    • Tất cả: 15392127
    Đăng nhập
     
    image banner
     TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NỘI BỘ CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH SƠN LA
    Địa chỉ: 56A Đường Lò Văn Giá, Tổ 3, Phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
    Điện thoại: 02123.858.268/ 02123.755.068             Fax:02123.755.068            Email: lienhiephoisonla@gmail.com
    Ghi rõ nguồn "Susta.vn" hoặc "Liên hiệp hội Sơn La" khi phát hành lại thông tin từ website này