Hợp tác xã nông nghiệp số DCO.OP - Giải pháp cho ngành nông nghiệp
HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP SỐ DCO.OP - GIẢI PHÁP CHO NGÀNH NÔNG NGHIỆP
Trong chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, nông nghiệp được xem là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên trong công cuộc CĐS. Đây là quá trình ứng dụng các công nghệ số vào mọi hoạt động nông nghiệp truyền thống, từ sản xuất cho đến chế biến, phân phối và tiêu thụ. Mục tiêu của CĐS trong nông nghiệp là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành nông nghiệp.
Có lợi thế về nông nghiệp nhưng chủ thể sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn chủ yếu là các hộ gia đình. Sự phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp đến nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Để phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, một trong những giải pháp hàng đầu chính là phát huy vai trò đầu tầu của các doanh nghiệp nông nghiệp. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào trong sản xuất kinh doanh.
Hiện nay, theo thống kê cho thấy, có tới 80% doanh nghiệp nông nghiệp vận hành chưa hiệu quả và phải đối mặt với nguy cơ phá sản sau hai năm hoạt động. Có một nghịch lý là, các doanh nghiệp và Hợp tác xã (HTX) khó khăn trong việc liên kết với người nông dân, quản lý vùng trồng, vận hành và bán hàng nhưng ngược lại, hàng triệu nông dân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra cho nông sản và người tiêu dùng lại gặp khó khăn trong việc đánh giá chất lượng nông sản. Chính vì thực tế này, một nhóm startup trẻ đã sáng tạo nên bộ giải pháp kết nối toàn diện trong nông nghiệp, ứng dụng mang tên HTX số Dco.op. Ứng dụng này tạo nên một website bán hàng, các công cụ để xây dựng thương hiệu nông trại và hỗ trợ giá trị sản xuất cũng như bán hàng cho người nông dân, các HTX và cả các DN nông nghiệp.
Nhờ giải pháp này, chỉ thông qua mã QR, người nông dân, doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, người tiêu dùng có thể liên kết với nhau. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN), giải pháp này giúp dự báo sản lượng tới tay khách hàng. Nông trại ứng dụng giải pháp công nghệ này sẽ liên kết nông dân với cửa hàng, doanh nghiệp và HTX, giúp quản lý kế hoạch và minh bạch quy trình sản xuất, dự báo sản lượng, đơn đặt hàng, thu hoạch và giao hàng.
HTX số được xây dựng bởi một nhóm nhân sự trẻ, nhiệt huyết với tình yêu nông nghiệp Việt Nam. Ba sáng lập viên chính là Phạm Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, Nguyễn Thiên Lý - Giám đốc điều hành và Võ Kông Kiệt, Giám đốc dự án. Nhóm bạn trẻ đã dành thời gian nghiên cứu ở hơn 100 địa phương trên cả nước với trên 200 nông dân. HTX có trên 6 năm kinh nghiệm và kinh doanh trong lĩnh vực nông sản hữu cơ trong nước, vì vậy họ tự tin với sự am hiểu về quy trình vận hành của ngành nông nghiệp và khả năng làm chủ mô hình này.
Anh Phạm Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ, giải pháp HTX số Dco.op: cho biết “Điểm nổi trội của HTX số là được thiết kế mở, linh hoạt dưới dạng phần mềm RP trên nền tảng điện toán đám mây. Vì thế, việc cập nhật các tính năng rất nhanh chóng và hiệu quả, giúp giảm thiểu chi phí và dễ dàng thay đổi, thích ứng với từng mô hình kinh doanh như hộ gia đình, HTX, các DNVVN...Ngoài ra, HTX số luôn bảo đảm và tăng cường tính năng bảo mật cho người dùng, giảm thiểu sai sót và luôn hỗ trợ từ xa trên các thiết bị như máy tính, điện thoại di động...”
Với những nhân sự được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin, startup nghiên cứu và áp dụng những xu hướng công nghệ tiên tiến nhất để định hình sản phẩm, mục tiêu là tạo ra trải nghiệm nhưng tối ưu cho người dùng, thông qua việc kết hợp điện toán đám mây và sự linh hoạt của phần mềm nội địa tạo nên một hệ sinh thái tốt nhất cho nông nghiệp.
Với việc áp dụng điện toán đám mây, giải pháp này không chỉ nâng cao tính linh hoạt và tính năng mở rộng mà còn tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo an ninh thông tin. Phần mềm Made in Việt Nam do vậy được xây dựng để tương thích nhất với mọi môi trường và nhu cầu cụ thể của người dùng, mang đến trải nghiệm tối ưu và cá nhân hóa.
Anh Nguyễn Thiên Lý - Giám đốc điều hành, giải pháp HTX số Dco.op chia sẻ thêm về lý do ra đời dự án: “Nông nghiệp là một thế mạnh của Việt Nam, với mình đó là một thị trường rất tiềm năng. Ở đó, các doanh nghiệp đang ngày đêm phát triển, với xu thế đó, họ cần có một phần mềm để quản trị được hệ thống, tối ưu hóa khâu vận hành và giảm thiểu những rủi ro. Đó là lý do chúng mình phát triển hệ thống này. Mình đặt tên là HTX số vì rất thân thiện, tên nghe gần gũi với một HTX truyền thống được “số hóa” hơn, “công nghệ” hơn...”
Ứng dụng công nghệ để CĐS và đem lại giá trị thực cho cả khách hàng và cộng đồng, giải pháp HTX số Dco.op hỗ trợ doanh nghiệp quản lý tổng thể, thao tác đơn giản và chia sẻ thông tin chi tiết theo từng vụ một cách hiệu quả. Giải pháp đáp ứng hầu hết các công việc như: quản lý vùng trồng, kế hoạch canh tác, truy xuất nguồn gốc, xây dựng hệ thống tiêu thụ, bán hàng như hệ thống HTX hay cộng tác viên. Với việc ứng dụng nền tảng công nghệ, HTX số đã tạo ra các tính năng linh hoạt, giúp nông dân sử dụng, theo dõi mọi khía cạnh của quá trình canh tác, quản lý, các nguồn vật liệu như phân bón, giống cây trồng, thiết bị nhân công, máy móc... Qua đó, người nông dân canh tác có kế hoạch hơn.
Sau khi giải pháp Dco.op đến tay nhà nông, các nhà quản lý nông nghiệp, các chủ doanh nghiệp và HTX sẽ được hỗ trợ thêm công cụ kế hoạch sản xuất. Đây là một bộ công cụ quản lý sản xuất tối ưu và dễ sử dụng cho nhà nông, giúp xây dựng toàn bộ quy trình sản xuất, từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, gieo trồng cho đến khi thu hoạch sản phẩm. Kế hoạch sản xuất này giúp phát huy nhiều giá trị trong việc quản lý chi phí và nguồn lực sản xuất, thống kê các giá trị đầu vào và đầu ra, chi phí tiêu hao và sản lượng thu hoạch, giúp nhà nông kiểm soát được chi phí và sản lượng, từ đó hỗ trợ chiến lược kinh doanh có hiệu quả hơn.
Anh Võ Kông Kiệt, Giám đốc dự án, giải pháp HTX số Dco.op phân tích kỹ hơn: “Một trong những tính năng ưu việt của HTX số chính là tính năng quản lý sản xuất. Sau một thời gian triển khai thực nghiệm, HTX số đã tiến hành từng bước tiếp cận và số hóa tại các địa phương, giúp các hộ nông dân có thể tạo ra kế hoạch sản xuất và quản lý từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu đến gieo trồng, thu hoạch.
Ngoài ra, toàn bộ nhật ký công tác, kế hoạch sản xuất, hệ thống hỗ trợ ghi nhận lại, góp phần minh bạch hóa thông tin thông qua tem truy xuất nguồn gốc gắn trên sản phẩm khi đưa ra thị trường”.
Dco.op sẽ giúp tạo ra cộng đồng nông nghiệp liên kết nông dân, thông qua nền tảng này tạo ra công cụ dễ sử dụng cho người nông dân, giúp họ có thể theo dõi mọi khía cạnh của quá trình canh tác, quản lý các nguồn nguyên vật liệu như phân bón, giống cây trồng, thiết bị, nhân công, máy móc...
Qua đó người nông dân canh tác sẽ có kế hoạch hơn. Dự án sẽ kết nối các nhà máy chế biến, doanh nghiệp kinh doanh nông sản, siêu thị, chợ đầu mối nhằm tiêu thụ nông sản, gia tăng thu nhập cho người nông dân, giúp họ an tâm sản xuất. Với mục tiêu tương lai hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, giải pháp HTX số Dco.op không chỉ là một cơ hội cho ngành nông nghiệp phát triển mà còn là một bước đi quan trọng trong quá trình CĐS quốc gia./.
Theo Bản tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số 2/2024
Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia.