Vai trò của ong mật đối với cây trồng, giải pháp khuyến khích sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng ở Sơn La
Vai trò của ong mật đối với cây trồng, giải pháp khuyến khích sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng ở Sơn La
TS. Vũ Quang Giảng - Khoa Nông Lâm, Trường ĐH Tây Bắc
1. Đặt vấn đề
Cùng với các loài côn trùng và động vật khác Ong mật là một loài côn trùng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình thụ phấn cho cây trồng. Các loài cây trồng thụ phấn nhờ ong mật và côn trùng bao gồm cây ăn quả, cây cà phê, rau, cây lấy hạt có dầu, cây họ đậu và nhiều cây trồng khác. Sự thụ phấn của ong mật giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả và cây cà phê của tỉnh Sơn La không ngừng tăng lên; diện tích nhãn và xoài khoảng 20 nghìn ha mỗi loại, diện tích cà phê xấp xỉ 18 nghìn ha. Ngoài ra, chủng loại cây trồng ở Sơn La rất phong phú và đa dạng như như Táo, Bơ, Mận vv… Những loài cây này cung cấp nguồn mật, phấn hoa cho ong mật, thúc đẩy nghề nuôi ong mật phát triển. Vì vậy quan hệ giữa cây trồng với ong mật là mối quan hệ hỗ trợ nhau trong quá trình tồn tại và phát triển của chúng.
2. Mối quan hệ tương hỗ giữa ong mật và cây trồng
2.1. Khái quát về ong mật
Ong mật có 2 họ phụ là họ phụ ong có ngòi đốt và họ phụ ong không ngòi đốt. Họ phụ ong không ngòi đốt có hàng trăm loài sống hoang dã ngoài tự nhiên, nó không có ý nghĩa cho mật nhưng có ý nghĩa về mặt thụ phấn cho cây. Họ phụ ong có ngòi đốt có 7 loài phổ biến là ong Châu Âu(Apis mellifera Fabr.), ong Châu Á ((Apis cerana Fabr., ong Khoái ((Apis dorsata Fabr.), ong Ruồi ((Apis vechti Maa.), ong Đá (Apis laboriosa Maa.), ong Hoa đen (Apis andreniformis Fabr.), ong Hoa đỏ (Apis florea Fabr.). Trong các loài ong có ngòi đốt chỉ có loài ong Châu Âu và ong Châu Á được nuôi thuần hóa và có ý nghĩa lớn cả về cho mật và thụ phấn cho cây trồng. Hiện nay, ong được nuôi phổ biến ở Sơn La là giống ong Ý thuộc loài ong châu Âu (Apis mellifera) được nhập khẩu vào khoảng những năm 1979-1980. Đây là giống ong cho năng suất mật cao, có khả năng thụ phấn cho cây trồng tốt.
2.2. Thụ phấn cho cây nhờ ong mật
Thụ phấn là quá trình phấn hoa di chuyển từ bao phấn đực sang nhụy cái. Nếu thụ phấn trong cùng một bông hoa gọi là sự tự thụ phấn, nếu thụ phấn giữa các cây gọi là thụ phấn chéo [4,3]. Các sinh vật thụ phấn là nhân tố chính trong quá trình tạo năng suất cây trồng vì thực vật hoàn toàn dựa vào các tác nhân trung gian để truyền phấn hoa của chúng trong quá trình thụ phấn chéo. Có sáu loại tác nhân thụ phấn đã biết gồm: côn trùng, chim, gió, trọng lực, nước và động vật có vú thì côn trùng là quan trọng nhất, chiếm tỷ lệ 80 - 85% và trong số các loài côn trùng thì thụ phấn nhờ ong mật chiếm tỷ lệ 75-80% (Johannsmeier và Mostert, 2001). Hạt phấn của các loài cây thụ phấn nhờ côn trùng, ong mật thường có ít, kích thước to, độ dính lớn hơn so với hạt phấn của những cây thụ phấn nhờ gió và tác nhân khác. Vì vậy, chúng khó phát tán nếu không có sự trợ giúp của côn trùng và ong mật.
Tại sao ong mật lại có ý nghĩa thụ phấn cho cây trồng? bởi vì bao phủ toàn bộ cơ thể ong mật là lớp lông mịn, chúng có khả năng làm cho các hạt phấn hoa bám dính vào cơ thể. Trong quá trình ong đi hút mật, ong mật là vật trung gian chuyển hạt phấn từ hoa này thụ phấn cho hoa khác.
Trong số các loại cây được trồng nhiều ở Sơn La thì cà phê là cây tự thụ phấn, cho nên năng suất và chất lượng ít chịu ảnh hưởng bởi sự thụ phấn nhờ côn trùng và ong mật. Còn xoài và nhãn là những cây chủ yếu giao phấn chéo nên năng suất và chất lượng chịu sự ảnh hưởng sâu sắc bởi các tác nhân trung gian thụ phấn là côn trùng và ong mật. Xét về cấu trúc hoa thấy rằng xoài và nhãn có 3 loại hoa gồm hoa đực, hoa cái và hoa lưỡng tính; số lượng hoa đực nhiều hơn hoa lưỡng tính và hoa cái và chúng có thời gian nở hoa lệch pha nhau; hoa đực nở trước sau đến hoa lưỡng tính và hoa cái, cuối cùng là hoa đực. Chính vì vậy, xác suất thụ phấn tự nhiên sẽ bị hạn chế nếu không có các tác nhân trung gian thụ phấn như ong mật. Mặt khác cây xoài và nhãn có khả năng tiết nhiều mật hoa, hấp dẫn ong đến hút mật.
3. Hiệu quả của việc sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng
3.1. Hiệu quả sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng trên thế giới
Có rất nhiều nước trên thế giới đã sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng; loài ong được sử dụng chủ yếu là ong Châu Âu (Apis mellifera L.) là loài đang được nuôi lấy mật phổ biến ở Việt Nam và ở Sơn La. Ở Anh nhu cầu dịch vụ thụ phấn cho cây trồng nhờ ong mật đạt tới 34% [1,7]. Năm 2009, ước tính ong mật đã đóng góp 11,68 tỷ USD cho ngành nông nghiệp ở Mỹ [2]. Năng suất các cây trồng sử dụng ong mật thụ phấn ở Mỹ giá trị tăng sản phẩm nhờ ong thụ phấn là 19 tỷ USD gấp 143 lần giá trị từ sản phẩm mật ong. Năng suất một số cây trồng tăng lên rõ rệt, cụ thể: Dưa chuột tăng 10%, Việt quất tăng 46% [4]. Sử dụng ong mật để thụ phấn cho hạnh nhân ở Mỹ đã làm tăng tỷ lệ đậu trái lên 60% so với cây không sử dụng ong mật, dẫn đến năng suất tăng 20% [6]. Sử dụng ong mật thụ phấn cho bông ở Châu Phi làm tăng năng suất 25%. Giá trị ước tính hàng năm của dịch vụ thụ phấn do ong mang lại ở Brazil vào năm 2016 là khoảng 564.000 USD ở phía bắc (Serra da Bocaina, Pará) và 246.000 USD ở khu vực đông nam (Mata do Jambreiro). Trong 1994, người làm vườn ở Canada phải trả cho nhà nuôi ong mật 50 USD/ đàn để thụ phấn cho dưa chuột trong nhà kính, trả 18 USD /đàn thụ phấn cho Táo. Ở Mỹ người ta phải trả 10-30 USD cho 1 đàn ong thụ phấn cho cây ăn quả. Ở Israel thường thuê 100 USD/đàn ong mật trong 2 tháng để thụ phấn cho dưa và hành tây trong nhà kính và 20-30 USD/ đàn dể thụ phấn cho cây ăn quả ngoài đồng ruộng; gần 50% giá trị lợi nhuận của người nuôi ong là tiền cho thuê ong thụ phấn cây trồng.
3.2. Sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng ở Việt Nam
Ở Việt Nam, việc sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng còn rất hạn chế. Mục đích của các nhà nuôi ong mới chủ yếu là khai thác sản phẩm mật và phấn. Một bộ phận người trồng cây còn hiểu chưa thấu đáo về lợi ích của ong mật đối với thụ phấn cho cây ăn quả; thậm chí còn xung đột lợi ích với nhà nuôi ong mật. Họ cho rằng ong mật làm rụng hoa, gây thất thu cho cây ăn quả. Vì vậy, bằng cách này hay cách khác cản trở nhà nuôi ong đặt trại ong ở gần vườn cây ăn quả.
Hiện nay, đã có một số mô hình sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng mang lại hiệu quả thiết thực như nông dân các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp. Gia Lai và Bình Thuận đã sử dụng ong mật thụ phấn cho dưa lưới trong nhà kính, nhà màng. Anh Nguyễn Đình Luật (Thanh Miện-Hải Dương) đã sử dụng ong mật thụ phấn cho cây Đại Táo trong Nhà Màng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nông dân huyện Kế Sách - Sóc Trăng nuôi ong mật thụ phấn cho nhãn vv...
Ở Sơn La, cùng với sự phát triển trồng cây ăn quả, kéo theo nghề nuôi ong lấy mật phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, tổng số hộ nuôi ong mật là gần 2.100 hộ, với tổng số hơn 81.000 đàn ong [9]. Ngoài ra, trong mùa hoa nhãn, có nhiều nhà nuôi ong từ tỉnh ngoài vận chuyển ong đến Sơn La để khai thác mật. Đây là tác nhân quan trọng để tăng năng suất cây ăn quả nhưng ít nhà làm vườn chú ý tới. Có một nghịch cảnh ở Sơn La là những nhà nuôi ong mật phải trả tiền thuê địa điểm đặt ong cho nhà làm vườn.
Mùa lấy mật nhãn ở huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - Ảnh: songma.sonla.gov.vn
4. Giải pháp khuyến khích sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng ở Sơn La
Mối quan hệ giữa nhà làm vườn và nhà nuôi ong là mối quan hỗ trợ nhau cùng phát triển, cùng có lợi. Vì vậy cần có giải pháp thúc đẩy mối quan hệ này, cụ thể:
Thứ nhất: Tăng cường tuyên truyền rộng rãi vai trò và lợi ích của ong mật đối với thụ phấn cho cây trồng thông qua hội thảo, tập huấn và các phương tiện truyền thông để giúp người làm vườn nhận thức đúng vai trò của ong mật.
Thứ hai: Tỉnh có chính sách hỗ trợ thúc đẩy nghề nuôi ong mật như hỗ trợ xây dựng thương hiệu, thị trường cho sản phẩm mật ong; hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi xuất ưu đãi cho các nhà nuôi ong.
Thứ ba: Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa nhà làm vườn và nhà nuôi ong mật để trao đổi thông tin để bố trí địa điểm nuôi ong và số lượng đàn ong phù hợp với từng vùng cây ăn quả, đảm bảo hài hòa lợi ích mỗi bên.
Thứ tư: Khích lệ các nhà làm vườn, các HTX trồng cây ăn quả kết hợp nuôi ong mật để tận dụng sản phẩm mật và thúc đẩy tăng năng suất cây trồng nhờ thụ phấn bằng ong mật.
Thứ năm: Tổ chức dạy nghề, tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật, kỹ thuật sử dụng ong mật thụ phấn cho cây trồng với giảng viên là những chuyên gia, những nhà nuôi ong có bề dày kinh nghiệm. Đây là vấn đề rất quan trọng để thúc đẩy nghề nuôi ong ở Sơn La.
Thứ sáu: Cần thiết lập cơ sở dữ liệu về cây trồng cho mật và số lượng đàn ong mật ở Sơn La như: diện tích các vùng sản xuất các cây nguồn mật- phấn để tính toán trữ lượng mật và số lượng đàn ong trong vùng; lịch nở hoa theo chu kỳ hàng năm của từng vùng; tình hình sử dụng thuốc BVTV để vận chuyển ong đến vùng khai thác mật ong (cần có nghiên cứu chuyên ngành).
Tài liệu tham khảo
1. Breeze T.D., Bailey A.P., Balcombe K.G., Potts S.G. Pollination services in the UK: How important are honeybees? Agric. Ecosyst. Environ. 2011;142:137–143. doi: 10.1016/j.agee.2011.03.020.
2. Calderone N.W. Insect pollinated crops, insect pollinators and US agriculture: Trend analysis of aggregate data for the period 1992–2009. PLoS ONE. 2012;7:e37235. doi: 10.1371/journal.pone.0037235.
3. García-Breijo F., Armiñana J.R., Garmendia A., Cebrián N., Beltrán R., Merle H. In vivo pollen tube growth and evidence of self-pollination and prefloral anthesis in cv. Macabeo (Vitis vinifera L.) Agriculture. 2020;10:647. doi: 10.3390/agriculture10120647.
4. Morse R.A. and Calderone, N.W. The value of honey bees as pollinators of U.S. crops in 2000. Bee Cult. 2000;128:1–15. doi: 10.1021/bi00697a007.
5. Nguyễn Văn Long, Nguyễn Huy Trí, Bùi Thị Điểm (2005). Dâu tằm – Ong mật. NXB Nâng nghiệp
6. Sáez A., Aizen M.A., Medici S., Viel M., Villalobos E., Negri P. Bees increase crop yield in an alleged pollinator-independent almond variety. Sci. Rep. 2020;10:3177–3183. doi: 10.1038/s41598-020-59995-0.
7. Stanley D.A., Msweli S.M., Johnson S.D. Native honeybees as flower visitors and pollinators in wild plant communities in a biodiversity hotspot. Ecosphere. 2020;11:e02957. doi: 10.1002/ecs2.2957.
8. Sukumaran A., Khanduri V.P., Sharma C.M. Pollinator-mediated self-pollination and reproductive assurance in an isolated tree of Magnolia grandiflora L. Ecol. Process. 2020;9:45–53. doi: 10.1186/s13717-020-00254
9.https://congthuong.vn/gia-tri-cao-tu-san-pham-mat-ong-son-la-242114.html