Hai vợ chồng nông dân góp phần tạo dựng thương hiệu hoa lan Mộc Châu
Khách từ Sơn La về Hà Nội hay từ Hà Nội, các tỉnh đồng bằng lên Sơn La, Điện biên thường hay dừng chân tại trang trại hoa lan cạnh đường quốc lộ 6, ở điểm Km 178, xã Vân Hồ, Huyện Mộc Châu. Đó vừa là vườn lan, vừa là trụ sở giao dịch của HTX
Hai vợ chồng nông dân góp phần tạo dựng thương hiệu
hoa lan Mộc Châu

Từ nhiều năm nay, nhiều gia đình ở cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đã có thú khai thác, nuôi trồng hoa lan bản địa. Nhưng chủ yếu là nuôi trồng quy mô hộ gia đình, giá trị hàng hoá chưa lớn. Địa bàn Mộc Châu là nơi có nguồn hoa lan rất phong phú, điều kiện khí hậu nuôi trồng thuận lợi, thị trường có xu hướng phát triển. Gần đây, có một số doanh nghiệp và hộ gia định đi vào sản xuất thương mại. Năm 2008, hai vợ chồng ông Chinh và một số người đã đứng ra thành lập Hợp tác xã Gia Thịnh chuyên nuôi trồng, kinh doanh hoa lan do chính ông làm chủ nhiệm. Ông Nguyễn văn Chinh năm nay đã 54 tuổi, và vợ là Nguyễn Thị Lan 47 tuổi, cả hai đều là nông dân, mới tốt nghiệp PTTH (lớp 10 cũ).
Khách từ Sơn La về Hà Nội hay từ Hà Nội, các tỉnh đồng bằng lên Sơn La, Điện biên thường hay dừng chân tại trang trại hoa lan cạnh đường quốc lộ 6, ở điểm Km 178, xã Vân Hồ, Huyện Mộc Châu. Đó vừa là vườn lan, vừa là trụ sở giao dịch của HTX. Đến nay, HTX có 10 hộ, 15 xã viên, 2,5 ha đất cùng với hệ thống nhà lưới, ô tô bán tải, trị giá trên 3 tỷ đồng. HTX theo mô hình cổ phần. Vốn của các xã viên chỉ có 500 triệu đồng. Còn lại chủ yếu là vốn của gia đình ông Chinh. Hai vợ chồng ông trực tiếp quản lý, điều hành và phụ trách kỹ thuật nuôi trồng, kinh doanh, lợi nhuận chia theo vốn góp. Năm 2010, HTX tranh thủ được một dự án khoa học cấp tỉnh với cơ chế hỗ trợ đầu tư trên 500 triệu đồng, sau hai năm, thu hồi 60%. HTX Gia Thịnh, với vai trò nòng cốt là vợ chồng ông Chinh, đã tiến hành điều tra, thu thập các vùng trong huyện được 3.250 giò phong lan gồm 204 loại, trong đó 15 loài quý hiếm. (Đuôi cáo, Hổ bì, Sóc lào, Quế Lan Hương, Hải Yến, Đuôi chồn, Van đa Lào, Thạch hộc, Hươnmg Duyên, Kim điệp giấy, Kim điệp thơm,Đai châu, Tam sắc bảo, Tóc tiên, Hoàng thảo đùi gà); Địa Lan sưu tầm được 1.750 gốc gồm 48 loại, trong đó 5 loại quý hiếm. (Hoàng Hạc, Bạch Ngọc, Ngọc Bích, Hài gấm, Hồng Hoàng).
Ông và HTX tự tiến hành nhân giống bằng bằng phương pháp tách mầm đối với 15 loài phong lan và 5 giống địa lan quý hiếm. Sau hai năm, ông và HTX đã sản xuất được 12.200 cây giống phong lan, có trên 8.500 cây sống, phát triển tốt (đạt70%). Trong số 15 loài phong lan quý hiếm thì có 11 loài phát triển tốt nhất (Đuôi cáo, Hổ bì, Sóc lào, Quế Lan Hương, Đuôi chồn,Thạch hộc, Hương Duyên, Kim điệp giấy, Kim điệp thơm, Tóc tiên, Hoàng thảo đùi gà); Có 4 loài phát triển trung bình (Hải Yến, Van đa Lào, Đai châu, Tam sắc bảo). Địa lan nhân giống được hơn 9.500 cây, tỷ lệ sống trên 90%. Chỉ có 01 loài phát triển trung bình là Hồng hoàng, còn lại 4 giống Hoàng Hạc, Bạch Ngọc, Ngọc Bích, Hài gấm đều phát triển tốt. Đồng thời ông đã phối hợp với đơn vị khoa học tiến hành nhân giống 3 loài phong lan (Đuôi chồn, Van đa Lào, Đai châu) và 02 loài địa lan quý hiếm (Ngọc Bích, Hồng hoàng) bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào được hơn 1600 cây. Đợt đầu nuôi trồng tỷ lệ sống đạt thấp, đợt 2 ông rút kinh nghiệm để cây giống già dặn hơn mới đem trồng, tỷ lệ sống cao, trên 90%.
Ngày nay, nhân giống (bằng phương pháp tách mầm và nuôi cấy mô tế bào) ở quy mô thương mại là chuyện không mới, nhiều nơi đã thành công. Vấn đề mới ở HTX Gia Thịnh là hai vợ chồng ông Chinh dám theo đuổi kỹ thuật điều khiển hoa nở theo ý muốn (tập trung vào địa lan). Đối với nghề trồng hoa ở quy mô lớn, thành công không chỉ phụ thuộc vào giống có chất lượng, giống quý hiếm, vào kỹ thuật nuôi trồng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, mà một phần lớn phụ thuộc vào kỹ thuật điều khiển hoa nở theo ý muốn. Nếu hoa nở không đúng thời điểm thị trường và khách hàng cần nhiều, thì lợi nhuận thấp, có khi thua lỗ, bị khách từ chối hợp đồng, thậm chí bị phạt… Đối với địa lan, thị trường cần chủ yếu vào dịp tết. Rất may, theo quy luật tự nhiên, hoa lan phổ biến là nở vào dịp cuối năm.Vấn đề là khách cần hoa có nhiều bông, chớm nở trước tết và nở dần trong dịp tết. Nở sớm hoặc muộn đều không được giá. Biết được điều đó, hai vợ chồng ông đã đi tìm hiểu, học tập, tiếp thu kỹ thuật của Viện rau quả Việt Nam, của các doanh nghiệp và chủ vườn lan có uy tín, tìm hiểu qua tài liệu, mạng Internet. Nhưng tài liệu và kiến thức tiếp thu được cũng mới là hướng dẫn chung, hơn nữa có những bí quyết công nghệ người ta không thể tiết lộ… Thành công hay không còn tuỳ sự vận dụng vào thực tế. Các yếu tố chi phối sự lên ngồng hoa và nở hoa của địa lan là chu kỳ chiếu sáng, chế độ nhiệt (giữa ngày và đêm), chế độ ẩm, chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn phát triển và cơ chế gây sốc… Việc điều khiển hoa nở theo ý muốn thành công cao thì phải tiến hành trong điều kiện nhà kính, có phương tiện điểu chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Nhưng HTX Gia Thịnh bước đầu mới có nhà lưới. Bù lại, khí hậu cao nguyên Mộc Châu mát mẻ, có những vùng đủ độ lạnh để xử lý lạnh tự nhiên ngay trong mùa thu nhằm kích thích lên ngồng đúng thời điểm. Với kinh nghiệm 18 năm chơi lan, Ông Chinh đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên để vận chuyển các chậu địa lan sơ tán (du canh) đi - về theo yêu cầu của từng công đoạn xử lý. Và ông đã thành công bước đầu. Năm 2010, ông thử nghiệm điều khiển 1.000 chậu, thành công 200 chậu. Năm 2011, điều khiển 1.000 chậu, thành công 250 chậu. Qua thực tế, ông đamg đúc rút kinh nghiệm để từng bước nâng cao hơn tỷ lệ thành công. Theo ông, điều khiển địa lan giống tách mầm có cái khó là giống không đồng đều. Cùng với điều khiển địa lan giống tách mầm, ông đang chờ giống nuôi cấy mô đủ tuổi sẽ thử nghiệm điều khiển. Ông tin tưởng sẽ thành công cao hơn. Đương nhiên, theo ông, điều đó còn phụ thuộc vào sự đầu tư HTX và gia đình ông để hoàn thiện cơ sở vật chất của vườn lan. Ông tiết lộ một chi tiết nhỏ: đối với địa lan, ông đã sử dụng 04 loại chậu nhựa, sứ, gốm đất nung, xi măng để trồng và tình cờ phát hiện thấy địa lan trồng trong chậu xi măng phát triển tốt nhất. Riêng địa lan HTX hiện nay có quy mô 4.000 chậu quay vòng. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm HTX của ông bán 1.000-1.200 chậu lan, (bình quân 7-12 bông/chậu), lãi hơn 1tỷ đồng/năm. Khi thành công điều khiển địa lan nở theo ý muốn, chắc chắn, HTX của ông còn thu lãi lớn hơn nữa. Không chỉ giỏi về kỷ thuật nuôi trồng, mà ông cũng rất nhạy bén về tiếp thị, quảng bá sản phẩm. Ông và HTX đã tiến hành xây dựng trang Web
hoalanmochau@gmail.com. Theo chân du khách bốn phương, Hoa Lan của HTX, của Mộc Châu đã đến nhiều tỉnh miền Bắc, Hà Nội, miền Trung, ngược lên với cả Điện Biên, Lai Châu… “Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”! Trồng hoa công nghệ cao, điều khiển hoa nở theo ý muốn lại càng khó. Mới có 03 năm mà hai vợ chồng ông Chinh và HTX Gia Thịnh làm được như vậy quả là đáng trân trọng. Cuối năm 2011, khi nghiệm thu dự án khoa học của HTX, tuy chất lượng báo cáo tổng kết dự án còn có mặt hạn chế, nhưng Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh vẫn đánh giá cao kinh nghiệm, sự hiểu biết và ý tưởng theo đuổi của ông Chinh về hoa lan.
Cao nguyên Mộc Châu quả là quà của tự nhiên ban tặng cho con người. Nhưng chính những con người như vợ chồng ông Chinh lại góp phần đem lại thương hiệu, tiếng tăm cho cao nguyên.
Thuỳ Trang