Từ loài thủy sản tự nhiên trên sông Mã, ba ba gai được người dân huyện Sông Mã (Sơn La) thuần hóa, lai tạo và đang trở thành con vật “hái ra tiền”.
Theo thống kê sơ bộ, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 400 hộ chuyên nuôi ba ba gai, tất cả đều là hội viên Hội Ngành nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Sơn La (thuộc Hội Làm vườn Việt Nam).
Trang trại nuôi ba ba gai của ông Bùi Huy Ngọc, 52 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội VAC bản Nà Him, xã Nà Nghịu gây ngỡ ngàng cho người tham quan bởi quy mô hoành tráng và cách làm chuyên nghiệp. Nhưng để đến được với thành công hôm nay, vợ chồng ông Ngọc đã phải trải qua hành trình gian nan.
Ông Ngọc quê ở Ninh Bình, từng có thời gian đi bộ đội, sau đó công tác ở một công ty vật tư nông nghiệp. Những năm 1980, cuộc sống khá vất vả nên vợ chồng ông lên Sông Mã lập nghiệp. Khi đặt chân đến nơi này, ông mua một mảnh đất nhỏ gần rừng ma (nghĩa trang) ở địa phương. Nhưng sau đó, ông bị lừa, hai vợ chồng trắng tay, dắt díu nhau vào chùa ở nhờ. Nhưng cơ may đã đến khi ông được địa phương cho đấu thầu một diện tích đất hoang để sản xuất vật liệu xây dựng. Nghề mới tuy vất vả nhưng cũng đảm bảo cho gia đình ông thu nhập ổn định hơn, tuy chưa thể làm giàu.
Theo ông Ngọc, khoảng những năm 1980, ba ba gai ở Sông Mã nhiều vô kể, đồng bào dân tộc ở vùng này không có thói quen ăn ba ba nên chỉ bắt và bán cho thương lái Trung Quốc. Rồi nhu cầu trên thị trường ngày càng lớn, trong khi nguồn giống ngoài tự nhiên cạn kiệt dần nên người ta bắt đầu nghĩ đến chuyện thuần hóa, lai tạo giống ba ba để nuôi. Nghề nuôi ba ba gai ở Sông Mã bắt đầu hình thành từ đó.
Không đi ra ngoài trào lưu này, ông Ngọc cũng mạnh dạn cải tạo thùng đào, thùng đấu hình thành sau khi lấy đất làm gạch để làm ao nuôi ba ba và trở thành một trong những người đầu tiên đưa ba ba gai về Nà Him.
Sau nhiều thăng trầm, ông Ngọc đã xây dựng được một trang trại nuôi ba ba đáng để nhiều người mơ ước với diện tích 6.000m2, trang bị lò ấp trứng hiện đại. Năm 2011, gia đình ông sản xuất được 3.200 con giống, bán với giá bình quân 600.000 đồng/con, ông có thu gần 2 tỷ đồng, đó là chưa kể ba ba thương phẩm. Trang trại của ông cũng là điểm tham quan, học tập của nhiều nông dân trong vùng.
Ông Ngọc cho biết, hiệu quả từ nuôi ba ba gai khiến ngày càng có nhiều người mạnh dạn áp dụng mô hình này. Riêng ở bản Nà Him, từ 2- 3 hộ đi tiên phong, đến nay, cả bản có 36 hộ nuôi ba ba gai và họ đều là hội viên Chi hội VAC. 2011 là năm đại thắng của Chi hội VAC Nà Him khi thu tới 20 tỷ đồng, bình quân 500 triệu đồng/hộ.
Theo ông Ngọc, khí hậu, nguồn nước ở Sông Mã tỏ ra rất thích hợp với ba ba gai nên nó sinh sản nhanh gấp 3 lần ba ba nuôi ở vùng đồng bằng. Như gia đình ông Ngọc, dù phải vận chuyển cá từ đồng bằng lên làm thức ăn cho ba ba nhưng giá thành sản xuất vẫn thấp hơn nơi khác vì tỷ lệ ấp nở thành công lớn, tới 80%. Hiện, đầu ra của ba ba rất thuận lợi, sản xuất bao nhiêu thương lái thu mua bấy nhiêu.
“Tuy nhiên, chi phí ban đầu cho việc nuôi ba ba không hề đơn giản, kỹ thuật nuôi tương đối khó nên các hộ cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, kinh nghiệm, kiến thức hãy bắt đầu áp dụng”, ông Ngọc nói. Ông Ngọc chia sẻ, riêng chi phí đầu tư xây dựng cho 1 sào ao nuôi ba ba (360m2) đã là 60 – 70 triệu đồng, chi phí con giống 500 – 600 triệu đồng nhưng nếu thành công thì thu hồi vốn cũng rất nhanh vì giá ba ba luôn ổn định ở mức cao, thị trường hút hàng. Hiện, ba ba giống bố mẹ trọng lượng 5 – 6kg/con có giá 2 triệu đồng/kg; như vậy một cặp ba ba giống đã vào khoảng 30 – 40 triệu đồng; ba ba thương phẩm 1 triệu đồng/kg; ba ba giống 600.000 - 800.000 đồng/con.
Hiện, Chi hội VAC bản Nà Him đã nổi lên là điểm sáng của Hội Ngành nghề nông nghiệp và PTNT Sơn La. Là nơi tập hợp những triệu phú, tỷ phú nên hội phí lên tới 1 triệu đồng/hội viên, và cứ hết quỹ lại huy động anh em đóng góp. Nguồn quỹ này dùng để hỗ trợ các hộ mới bắt đầu vào nghề, tổ chức hội thảo, tham quan. Hội cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt để mọi người cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi ba ba, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Văn Sâm, Phó chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp và PTNT Sơn La cho biết, hiện Hội nuôi ba ba huyện Sông Mã đang thu hút hơn 400 hội viên, tất cả đều có thu nhập ổn định nhờ nghề này. Tuy nhiên, để nghề phát triển bền vững, rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng trong việc xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại để có thể xuất khẩu sản phẩm ba ba.
Sau khi thị sát mô hình nuôi ba ba gai trên Sông Mã, GS.TS. Ngô Thế Dân, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam chia sẻ: “Chi Hội VAC Nà Him xứng đáng là điểm sáng để các địa phương học tập, nhân rộng vì cách làm khá bài bản, quy mô. Tôi hy vọng có thêm nhiều đơn vị Hội như thế để tiềm năng kinh tế VAC ở các địa phương được đánh thức. Và để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương cùng với Hội Làm vườn xây dựng các mô hình mẫu để người dân học tập”.
theo nguồn kinhtenongthon